Monday, 20 November 2017

CÁI GIÁ CỦA CHIẾN THẮNG LỚN HƠN SỰ THẬT CỦA NÓ (Thái Kế Toại)



Tôi là một con người của chiến tranh.
Vào một buổi sáng mùa thu tuyệt đẹp,tinh khiết của Hà Nội, 24-8-1970, thành phố đã tiễn lứa chúng tôi, hàng nghìn sinh viên các trường đại học Tổng hợp, Bách khoa, Sư phạm, Ngoại ngữ, Xây dựng, Kinh tế, Cơ điện.. đã bỏ bút nghiên lại, bỏ cả khát vọng, tình yêu, người thân ở lại để đi ra mặt trận.

Trong không khí cờ hoa phơi phới, những nụ cười ít ai nghĩ rằng hàng nghìn những người con trai có thể nói là ưu tú nhất trong thế hệ của chúng tôi đã được ném vào cuộc chiến tranh đang đi vào hồi quyết liệt nhất và cùng với chiến thắng, hàng nghìn bi kịch đang chờ đón họ, người yêu của họ, bố mẹ của họ. Tôi cũng không nghĩ đến cái bị kịch của mình… Mãi năm năm sau khi cuộc chiến khép lại, gặp nhau trước cửa trường mọi người mới thấy những cái bi kịch hiển hiện giữa các bạn mình.

Bố cháu Phan Thúy Hà là chàng sinh viên ngồi cạnh tôi trong chuyến xe ra đi hôm ấy. Số phận còn gắn bó chúng tôi hai năm sau nữa, trên mâm pháo cao xạ, chiến trường Cánh Đồng Chum và những cây cầu đường sắt khu Bốn… Lẽ ra, không có cuộc ra đi đó ba năm sau anh đã là một cử nhân nghiên cứu sử học phán xét về cuộc chiến tranh này. 

Phan Văn Bá không trở về trường đại học cùng chúng tôi. Anh tiếp tục một trường ‘’đại học’’ khác, một cuộc chiến tranh biên giới nữa rồi xuất ngũ về quê Hương Khê, Hà Tĩnh làm ruộng, nuôi vợ con. Nhưng cuộc chiến tranh đã qua không để bạn sống yên ổn. Bá đổ bệnh, không chống cự được với căn bệnh hiểm nghèo di họa của cuộc chiến, Anh chỉ kịp dắt đứa con gái thứ hai Phan Thúy Hà vừa đỗ đại học ra Hà Nội nhờ các bạn trông coi cháu. Có lần nhìn gương mặt gầy xanh của cháu tôi hỏi: mày ăn uống thế nào ? Chúng cháu góp tiền nấu ăn chung, năm ngàn một bữa ạ.

Trong cuốn sách này Hà không kể về bố cháu, những bị kịch của gia đình cháu gánh chịu từ cuộc chiến. Nhưng nhà cháu chưa khổ bằng bao nhiêu nhà hàng xóm khác. Và họ đã đi vào cuốn sách, thành những nhân vật của chiến tranh, loại nhân vật không phải xây dựng bằng trí tưởng tượng. Cháu chỉ sắp xếp lại những mảnh vỡ của chiến tranh.

Cuộc chiến tranh này đã qua đi đến hơn bốn mươi năm. Rất nhiều số phận đã an bài. Nhiều vết thương đã thành sẹo. Cả trong tâm lý lẫn cuộc đời. Các nhân vật thậm chí còn không muốn kể về họ, không muốn nêu tên. Họ vẫn thấy mình còn may mắn so với hàng triệu đồng đội đã không trở về hoặc không còn vết tích gì. Cháu Hà đã không đi tìm những nhân vật trở thành hình mẫu, được tôn vinh mà chỉ ghi chép lại chuyện của những người làng cháu, sống gần cháu. Họ không kể ra thì họ chỉ là muôn vàn người bình thường. Nhưng họ đã kể thì sự thật bỗng nặng trĩu, quằn quại, đau đớn. Chúng ta mới hiểu bộ mặt thật của chiến tranh tàn nhẫn như thế đấy, số phận người là như thế đấy.

Đấy là sức nặng của một cuốn sách mà tác giả của nó chính là những nhân vật. Họ cũng như Phan Thúy Hà không chủ ý làm văn chương.

Cái giá của chiến thắng lớn hơn sự thật của nó.

Tháng 11-2017
Đại tá Thái Kế Toại

Hình bìa sách “Đừng Kể Tên Tôi” của Phan Thúy Hà









No comments:

Post a Comment

View My Stats