Tuesday, 21 November 2017

BẢN TIN NGÀY 21/11/2017 (Báo Tiếng Dân)



Tin trong nước

Tin Biển Đông
Hội thảo ở Nam Hàn với chủ đề: “Các khía cạnh pháp lý và giải pháp duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông”. Hội thảo  do Hội những người Hàn Quốc yêu Việt Nam VESAMO phối hợp với trường ĐH Youngsan và Viện khoa học kỹ thuật hải dương Hàn Quốc tổ chức.

Về chuyện VN bị “thẻ vàng” của EU, báo VnEconomy đưa tin: Đề nghị 7 bộ vào cuộc giúp hải sản Việt thoát “thẻ vàng” EU. Bộ NN&PTNN có văn bản gửi 7 Bộ gồm Bộ Quốc Phòng, Công an, Tài chính, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông cùng UBND các tỉnh ven biển phía Nam từ Quảng Ngãi đến Cà Mau, xin góp ý về Chỉ thị của Thủ tướng trong việc khắc phục việc Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo bằng Thẻ vàng đối với xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.


Quan hệ Việt – Trung
Báo Cali Today có bài: “Nhất đái nhất lộ” – Vòng kim cô cho Việt Nam. Bài viết mô tả việc kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, trong khi các dự án của Trung Quốc tại Việt Nam chủ yếu là nhằm khai thác tài nguyên và công nhân rẻ. Tác giả nhận định một tương lai u ám cho VN:

Chế độ tham nhũng, giới chức chính quyền từ trung ương tới địa phương của VN rất dễ dàng mua chuộc và giới thương gia, đầu tư Trung Quốc lại là những người rất khéo léo trong việc mua chuộc, cho nên khó biết VN đi về đâu với vòng kim cô ‘Nhất Đái Nhất Lộ’. Tinh thần chống Trung Quốc của người Việt Nam dù đang rất cao, nhưng cứ bùng lên rồi tắt. Bắc Kinh hình như chỉ cần cứ tiếp tục nắm đầu Hà Nội là đủ“.

VOA có bài của tác giả Lê Anh Hùng: ‘Dâng’ các tỉnh biên giới cho Trung Quốc? Tác giả viết: “Hết ‘hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao’ với Trung Quốc lại đến bắt tay với họ để “đào tạo cán bộ” cho một loạt tỉnh biên giới – chỉ riêng chừng đó thôi có lẽ cũng đã khiến ngài GS.TS chuyên ngành ‘xây dựng đảng’ khó tìm ra ‘đối thủ xứng tầm’ về những ‘chiến công’ mà ngài lập được cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc“.

Quyền lực mềm của TQ tấn công vào các tỉnh biên giới. Ảnh: internet

Facebooker Ngô Trường An có bài: Sợ chết. Bài viết có đoạn: “Sau sự kiện hàng loạt các nước cộng sản Đông Âu sụp đổ, đảng CSVN vội vàng chạy qua ôm chân TQ cầu cứu. Vì sợ đảng chết nên họ quay ngược 180 độ, đổi câu tuyên bố ngày trước: TQ là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất của dân tộc ta, thành: TQ là bạn bè tốt, láng giềng tốt, đồng chí tốt… Vì sợ đảng chết nên những người CSVN bất chấp tất cả. Họ hy sinh Đất Nước và Dân Tộc Việt Nam để đảng của họ được trường thọ. Có nỗi đau nào hơn cho Dân Tộc Việt?”

Báo Đất Việt có bài: Làn sóng Jack Ma: Cái chết từ từ của doanh nghiệp Việt? PGS. TS Vũ Trí Dũng, Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định, nếu Alibaba của Jack Ma vào VN, thị trường thương mại điện tử sẽ bị thâu tóm, hơn 300 doanh nghiệp trong nước sẽ bị Alibaba đè bẹp. Ông Dũng nói: “Khi Alibaba xuất hiện, tôi tin chắc 96% doanh nghiệp Việt vừa và nhỏ sẽ chết, từ vấn đề kinh tế sẽ dẫn đến những vấn đề bất ổn khác, do các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể cạnh tranh được với các ưu đãi mà Chính phủ dành cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài“.


Hậu TPP11
Trang Canada Info có bài của tác giả Phạm Vũ Lửa Hạ: Vì sao Canada lưỡng lự với TPP11? Tác giả cho biết, thực ra Canada đã lưỡng lự với TPP11 từ khi Hoa Kỳ rút lui khỏi TPP và nước này còn nhiều vấn đề cần quan tâm hơn, như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Ngoài ra, Canada cần phải bảo vệ một số lĩnh vực quan trọng trong nước như xe hơi, nông nghiệp, văn hóa, sở hữu trí tuệ,… bất chấp sức ép từ Nhật và Úc.

Mặc dù TPP11 được ký với tên gọi mới, CPTPP đã gác lại 20 phần trong hiệp định ban đầu, trong đó có các điều khoản về dược phẩm, sở hữu trí tuệ… Tuy nhiên, CPTPP đã đạt được những “tiến bộ đáng kể“. Đó là, CPTPP đòi hỏi tất cả các thành viên phải tuân theo các tiêu chuẩn môi trường và lao động nghiêm ngặt, như: xóa bỏ lao động trẻ em cưỡng bức, phải có công đoàn độc lập – điều mà Việt Nam và Malaysia lúc đầu đã bác bỏ.

Khi Hiệp định CPTTT có hiệu lực, đồng nghĩa với việc Việt Nam phải chấp nhận luật chơi: “Nếu một nước không tuân thủ những quy định đó, bất cứ nước nào cũng có thể kiện nước thành viên vi phạm ra một tòa thương mại, và họ sẽ phải chịu theo quy trình giải quyết tranh chấp“.

Nhân quyền ở Việt Nam
LS Hà Huy Sơn cho biết: Ngày 20/11/2017, ông có nhận được giấy chứng nhận người bào chữa cho ông Nguyễn Văn Điển của VKSND thành phố Hà Nội đề ngày 17/11/2017. “Như vậy, vụ án anh Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển bị truy tố về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” đã kết thúc điều tra và chuyển sang VKS Hà Nội để truy tố. Các anh bị đề nghị truy tố theo khoản 1 Điều 88 BLHS có mức hình phạt từ 3 – 12 năm tù“.

Giấy chứng nhận người bào chữa của LS Hà Huy Sơn.

Đài SBS có bài: Chết trong đồn công an: Thảm cảnh của một nền tư pháp không độc lập. Nạn nhân Nguyễn Ngọc Nhân, 29 tuổi ở Tân Phú Tân Đông – Tiền Giang chêt trong đồn công an mà công an cho là” chết do nhồi máu cơ tim”, nâng số người chết trong đồn công an trong năm 2017 lên đến 13 người.

Trang Hội thầy thuốc độc lập VN có bài: Bác sĩ Nguyễn Đan Quế và Hội thầy thuốc độc lập Việt Nam: Tập hợp vì nền y học nhân bản. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế viết: “Khi nghe anh chị em sinh viên thành lập HỘI THẦY THUỐC ĐỘC LẬP VIỆT NAM có tôn chỉ hết lòng vì bệnh nhân nghèo, rất nhân bản. Tôi hoan nghênhMong rằng Hội sẽ được giới thầy thuốc – sinh viên cả Đông lẫn Tây Y, những người quan tâm đến sức khỏe, hay bệnh nhân…hưởng ứng mạnh mẽ vì nền y tế nước ta thật đáng báo động!

Quan chức và mạng xã hội
TC Luật Khoa có bài: Nhắc PTT Vũ Đức Đam: Anh còn nhớ hay anh đã quên. Về phát biểu của PTT Vũ Đức Đam, rằng Người Việt Nam quá dễ dãi khi sử dụng internet, do đó cần phải “ủng hộ việc chặn, lọc, và hạn chế Internet“. Bài viết nhắc lại chuyện năm 2016: “Việt Nam đã đồng thuận với các thành viên khác cho thông qua một nghị quyết coi việc sử dụng Internet và biểu đạt trên Internet là một quyền con người”. Qua đó có thể nói, phát biểu của ông Đam đã “đi ngược lại hoàn toàn với những gì mà chính Việt Nam đã đồng ý thông qua tại diễn đàn nhân quyền quan trọng nhất toàn cầu – Hội đồng Nhân quyền LHQ“.

Còn trong buổi hội thảo của Ngân hàng Thế giới hồi tháng 3/2016, đích thân ông Đam cũng đã phát biểu: “Tôi chỉ muốn nói rằng, giờ không phải lúc bàn lợi ích của công nghệ số là thế nào mà phải khẳng định: Bản thân công nghệ số có những mặt trái, nhưng không phải do công nghệ mà do người sử dụng công nghệ. Vì thế, không có lý gì vì tác động mặt trái của nó mà kìm hãm nó, mà phải tìm mọi cách để nó phát triển”. Với những phát biểu “tiền – hậu bất nhất” như trên, thì “Đâu mới là quan điểm thật, con người thật của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam?”

PTT Vũ Đức Đam

Facebooker Hoàng Tư Giang viết: “Câu chuyện bắt nguồn từ Chỉ thị 58 năm 2000 của BCT về phát triển công nghệ thông tin, trong đó có một tinh thần cần nhắc lại: ‘năng lực quản lý phải theo kịp tốc độ phát triển’. Chỉ thị đã giúp gột rửa nhiều nghi ngại, dỡ bỏ nhiều lực cản với Internet, giúp nâng tỷ lệ người dùng Internet chỉ khoảng ‘không phẩy mấy phần trăm’ lúc bấy giờ lên, ví dụ, 53 triệu tài khoản Facebook hiện nay“.

Theo tác giả: “Tinh thần đó còn được nâng cao qua Nghị quyết 36 năm 2014 của BCT, Nghị quyết 26 năm 2015 của CP và các cam kết quốc tế khác. Với nền tảng đó, cùng với nhu cầu kết nối của người dân giờ như không khí cần cho sự sống, rồi CM4.0, Internet vạn vật, thanh toán trực tuyết,… thì ‘chặn, lọc, làm chậm lại’ chỉ là một đánh giá nhất thời, không thể là một chủ trương/chính sách được“.

Cũng tin về mạng XH, BBC có bài: Máy chủ của Facebook đặt ở đâu? Tác giả viết: “Có vẻ như là việc xây trung tâm dữ liệu là quyết định kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia mà một chính phủ không thể ép buộc được. Để mời gọi các công ty đặt máy chủ thì quốc gia chủ nhà cần có cơ sở pháp lý tốt về bảo mật, nền tảng công nghệ cao, chính sách ưu đãi đầu tư”.

TC điện tử Luật sư bị phạt 30 triệu đồng
Trước thông tin mà báo VietNamNet nêu: Tạp chí điện tử Luật sư bị phạt 30 triệu đồng, LS Nguyễn Tường Linh có bài: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tạp chí Luật sư VN do Cục báo chí xử phạt có đúng quy định của pháp luật? Dẫn chiếu các điều khoản pháp luật và các nghị định đã ban hành, tác giả viết, “tôi đề nghị tạp chí khiếu nại và tôi tin chắc rằng quyết định đó sẽ rút lại, nếu không rút chúng ta sẽ khởi kiện tôi tin chắc sẽ thắng đẹp. Vì uy tín của giới luật sư tôi khẩn thiết đề nghị tạp chí khiếu nại ngay quyết định xử phạt nói trên.

Trang Facebook Nghề Luật Sư cho biết: Tạp chí vẫn chưa nhận được Quyết định xử phạt như báo VietNamNet đã nêu, điều này đã làm giới luật sư “rất quan tâm và bức xúc”. Trang này dẫn bài viết của LS Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hoà, đặt câu hỏi: Không vi phạm luật báo chí vẫn bị xử phạt?

Theo LS Hà, “Bộ 4T cần công khai minh bạch việc xử lý theo Luật Báo chí 2016. Trường hợp Tạp chí điện tử LS có những tin bài liên quan đến muôn mặt của đời sống xã hội (và những tin bài này không vi phạm điều cấm của Luật báo chí 2016). Điều 9 tuy không liên quan đến hoạt động luật sư, thì cũng không vì thế mà quy kết Tạp chí điện tử LS đã ‘Không tuân chỉ mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí’ để xử phạt 30 triệu như vậy. Mặt khác, thời điểm này Nghị định 159 /2013 (căn cứ Luật báo chí 1989 sửa đổi, bổ sung năm 1999 đã hết hiệu lực ) không còn phù hợp với Luật Báo chí 2016 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2017 ), việc xử lý vụ việc này cần xem xét lại cho phù hợp Hiến pháp 2013 và Luật Báo chí 2016“.

Vụ Trịnh Xuân Thanh
Trang Thời Báo đưa tin: Vụ Trịnh Xuân Thanh: 8 người Việt bị thẩm vấn, ghế Đại sứ lung lay. Bài viết dẫn lời một người phụ nữ, cho biết: “Sau khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xẩy ra ở Berlin, cảnh sát điều tra đã thẩm vấn nhiều người Việt Nam đang định cư tại Đức, có lẽ vì lý do có những mối liên hệ qua điện thoại với nhiều người trong Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin, nơi đang bị Tổng Công tố Liên bang Đức cho rằng đã dính líu đến đường dây tổ chức bắt cóc ông Thanh tại Đức. Đến thời điểm này, tổng số người Việt đang định cư tại đây bị cảnh sát mời lên làm việc là 8 người, trong đó có tôi”.

Bài báo cũng dẫn một nguồn tin từ phía Đức hôm 19/11 cho biết, “sắp tới phía Đức sẽ có thêm những hành động mới, lần này họ sẽ ‘trảm tướng’ chứ không chỉ trục xuất 2 nhân viên trong Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin như 2 lần trước”. Được biết, đến thời điểm hiện tại, phía Việt Nam vẫn chưa đưa ra lời xin lỗi đối với Đức.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
RFA có bài của nhà báo độc lập J.B Nguyễn Hữu Vinh: Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 2017: Đến năm 2010 giáo viên sống được bằng lương? Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ, 11 năm trước, vào ngày 17/11/2006, ông Nguyễn Thiện Nhân, khi đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã từng nói: “Bộ dự kiến sẽ trình Chính phủ đề án tăng lương cho giáo viên, để đến năm 2010 giáo viên có thể sống được bằng lương.

Ông Nhân tưởng rằng “lời nói gió bay”, nhưng từ đó đến nay, nhiều lần mọi người đã nhắc ông, rằng bây giờ hầu hết giáo viên đang phải “tìm đủ mọi cách để mưu sinh trong sự tủi hổ và khốn khổ cho sự nghèo khó của mình và trong sự rẻ rúng của xã hội“.

Tác giả lý giải: “Không phải ngẫu nhiên mà giáo viên bị điều động đi làm tiếp viên cho cán bộ đảng viên”, “Không phải ngẫu nhiên mà giáo viên buộc phải đi đầu bỏ những đồng lương chết đói của mình ra để ‘Cứu trợ lợn’… Giờ đây, cựu Bộ trưởng Bộ GD đã leo lên UV Bộ chính trị, đang ăn ngon, ngủ yên và mơ những giấc mơ đẹp, bỏ mặc đằng sau những mòn mỏi mong chờ: “Bao giờ cho đến năm 2010 để giáo viên được sống bằng lương?

Trang Việt Nam Thời Báo có bài: Tung hô ngày 20-11, nhưng Hiến chương Các Nhà giáo đã bị Việt Nam ‘xé bỏ’. Ngày 20/11 được coi là “Ngày hiến chương các nhà giáo” tại Việt Nam. Thế nhưng, suốt 35 năm qua Hà Nội lại cố tình không công bố và thực hiện đúng tinh thần bản Hiến chương mà họ đã ký. Ngay trong lời mở đầu, bản Hiến chương đã xác định:

Nghề dạy học đặt cho người thầy những trách nhiệm, và những trách nhiệm này đòi hỏi những quyền tương ứng. Các nhà giáo cần có quyền thực hiện một cách tự do toàn bộ những quyền dân sự và nghề nghiệp. Thừa nhận việc phát triển tính cách cá nhân của trẻ như mục tiêu của giáo dục, nhà giáo phải tôn trọng quyền tự do tư tưởng của học sinh và khuyến khích học sinh phát triển tư duy độc lập“.

Dù không thực hiện hiến chương đã ký, nhưng chính quyền lại áp đặt “Ngày 20-11 ở nước ta trước tiên là ngày giáo viên, cán bộ ngành giáo dục biểu thị sự nhất trí hoàn toàn với đường lối cách mạng cách mạng của Đảng, với các chủ trương lớn của Nhà nước. Đó cũng là ngày động viên cổ vũ các thầy cô giáo thực hiện tốt đường lối và chủ trương giáo dục của Đảng và Nhà nước, là ngày biểu dương khen thưởng thành tích của các thầy giáo, cô giáo…” coi như đã “sổ toẹt” các cam kết mà họ đã ký.

Facebooker Trần Trung Đạo có bài: Nguồn gốc Cộng sản của “Ngày nhà giáo Việt Nam”. Tác giả viết: “Người viết tin rằng phần lớn những người làm nghề giáo tại Việt Nam không biết ý nghĩa thật sự của Ngày Nhà Giáo và dù biết họ cũng không mấy quan tâm. Với họ đó chỉ là ngày truyền thống, ngày để được tặng hoa, được nghe lời cám ơn. Thật khó trách, sống trong guồng máy phải cuốn theo guồng máy và dần dần yêu nó. Erich Maria Remarque viết trong tiểu thuyết của ông ‘hạnh phúc bắt đầu từ thói quen’, tuy nhiên, lịch sử không chuyển động theo thói quen mà theo lẽ phải“.

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng viết: “Tôi thấy ở Việt Nam bất cứ lĩnh vực nào có bất công lớn là sẽ có ngày để tôn vinh. Phụ nữ thì bị chèn ép, thiếu nhi thì bị nhồi nhét, còn các thầy các cô thì đâu có được nói hết với học sinh những điều mình nghĩ… Tôi ước gì đến một ngày đất nước này chả phải hô hào đi tôn vinh ai. Tất cả đều được công bằng“.

Đại sứ Hoa Kỳ Daniel J. Kritenbrink có clip chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: https://www.facebook.com/usambassador.vietnam/videos/775847152602164/


Cập nhật tình hình Đồng Tâm
Facebooker Lê Đình Công có clip buổi họp hàng tuần của bà con Đồng Tâm

Chống tham nhũng ở Việt Nam
Báo PLTP có bài: Vẫn bất lực trước tài sản bất minh? Liên quan đến việc QH chuẩn bị thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cơ quan thẩm tra dự luật PCTN cho biết: Việc kê khai tài sản còn mang nặng tính hình thức. Thứ nhất, đối tượng kê khai tới hàng triệu người, trong khi đó quy định về xác minh thì chỉ tiến hành khi có đơn thư; khi có yêu cầu. Thứ hai, cơ quan đứng ra xác minh thì khó có thẩm quyền và nghiệp vụ.

Đối với những tài sản được coi là bất minh, ông Cường cho rằng, phải “Giải trình nguồn gốc tài sản”. Tuy nhiên, nếu không giải trình được thì pháp luật cũng bó tay, vì vướng… Đảng. Tóm lại, khi mà toàn xã hội vẫn chưa có cơ chế kiểm soát thu nhập thì không thể kiểm soát được tài sản của bất cứ ai. Và việc kiểm soát tài sản có thể trở nên “bất lực” khi người đó là đảng viên Cộng sản.

Báo VTC có bài: Tướng Sùng Thìn Cò: ‘Tài sản tham nhũng chẳng nhẽ có cánh mà bay’. Ông Cò cho biết: “Thu hồi tài sản chủ yếu là do mình chưa cương quyết thôi. Anh đã tham nhũng tài sản thì những thứ đó chẳng nhẽ có cánh mà bay. Nó chỉ có vào những người thân, người quen, vào những chỗ quen biết chứ chả đi đâu“.

Báo Tiền Phong có bài: Phong tỏa tài sản Công ty Cổ phần phát triển Hà Nam. Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Nam vừa kê biên tài sản của Công ty CP phát triển Hà Nam. Doanh nghiệp này do Công ty CP tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam – VID Group mà bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường trước khi bị bãi nhiệm tư cách ĐBQH làm Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc, nắm quyền chi phối.


Vụ 4 trẻ sơ sinh tử vong
Báo Lao Động đưa tin: Vụ 4 bé sơ sinh liên tiếp tử vong: Lãnh đạo BV Sản Nhi Bắc Ninh họp báo trong 1 phút. Liên quan đến cái chết đáng ngờ của 4 trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Bắc Ninh, Ông Nguyễn Minh Hiệp, Phó Giám đốc bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh xuất hiện tại buổi họp báo nhưng chỉ cung cấp thông tin duy nhất, đó là “bệnh viện đang phối hợp Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Bạch Mai và cơ quan điều tra để làm rõ nguyên nhân 4 cháu bé tử vong“.

Câu hỏi về nguyên nhân dẫn tới việc 4 cháu cùng tử vong, ông Hiệp “từ chối trả lời và bỏ ra về khi buổi họp báo vừa được bắt đầu chưa đầy 1 phút…

Báo Dân Trí có bài: Vụ 4 trẻ sinh non tử vong: Đã xác định nguyên nhân bước đầu. Bà Tô Mai Hoa, Giám đốc sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết, “bước đầu các cơ quan chức năng nghĩ đến nguyên nhân tử vong của 4 trẻ sinh non ngày 20/11 là do sốc nhiễm khuẩn huyết trên bệnh nhân đẻ non yếu, suy hô hấp“.


Hà Nội: Vỉa hè lát đá tuổi thọ 70 năm, nhưng hơn một năm đã vỡ vụn
Báo Lao Động có bài: Hà Nội đổ trăm tỷ đồng, vỉa hè lát đá tự nhiên đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo chủ trương của thành phố Hà Nội, hàng loạt tuyến phố đã được đào lên để lát vỉa hè bằng đá tự nhiên được thổi phồng là có tuổi thọ lên tới 70 năm. Thế nhưng, sau hơn một năm, nhiều đoạn vỉa hè “dù đá tự nhiên chỉ lát được vài tháng nhưng đã bị vỡ, bong tróc“.

Một người dân ở Trung Kính, Cầu Giấy cho biết: “Đá block tự chèn vẫn còn tốt, cớ sao phải thay bằng đá tự nhiên. Không biết độ bền của loại đá tự nhiên này đến đâu nhưng qua vài tháng lát, một số vị trí đã bong tróc, vỡ vụn“. Không làm thì làm sao có “dự án”, làm “phết, phẩy” bỏ túi? Cho nên vỉa hè còn tốt cũng phải đập ra, lát đá lại, cho có dự án để làm, có phần trăm để bỏ túi, có con số để GDP tăng trưởng!

Bài viết dẫn lời một số chuyên gia cho biết, đá tự nhiên chỉ nên lát ở một số khu vực như phố đi bộ, phố cổ. Như vậy tiết kiệm được chi phí và đỡ nhàm chán cho kiến trúc đô thị. Chưa kể đến việc phải khai thác rất nhiều đá ở một số tỉnh như Ninh Bình, Thanh Hóa…

Phi công VN tử nạn ở Anh
BBC có bài: Bộ Quốc Phòng xác nhận phi công VN tử nạn ở Anh. Thông cáo của Binh đoàn 18, Bộ Quốc phòng xác nhận tin đại úy phi công Nguyễn Thành Trung, 32 tuổi, tử nạn trong khi tham gia huấn luyện bay ở Anh ngày 17/11. Website Bộ Quốc phòng viết:

“Khi máy bay cất cánh thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện theo kế hoạch, sau 15 phút thì mất liên lạc và gặp tai nạn, phi công Nguyễn Thành Trung đã hy sinh. Nguyên nhân ban đầu theo phía công ty Helicopter Services của Anh cung cấp, máy bay Cabri G2 bị một chiếc Cessna (máy bay cánh bằng nhỏ 2 chỗ ngồi) cũng đang thực hiện bay huấn luyện ở độ cao 600m, giảm độ cao đột ngột đâm vào đuôi máy bay Cabri G2, gây ra tai nạn ở độ cao 330m”.


Tin quốc tế

Chính trường Zimbabwe
Báo GDVN có bài: Lòng dân đã không còn, cố giữ ghế dễ lật thuyền. Bài viết  về tổng thống độc tài Mugabe ở Zimbabwe, nhưng nghe giống như chuyện đang xảy ra ở xứ ta. Một lãnh đạo độc tài, già yếu, bệnh hoạn, điều hành đất nước để Zimbabwe tụt hậu xuống dưới đáy vực, người người dân nghèo khổ, lầm than, nhưng ông Mugabe quyết không rút lui. Khi lòng dân đã không còn dành cho mình, nhưng lãnh đạo vẫn không biết thân mà rút lui.

RFI đưa tin: Bóng dáng Trung Quốc trong khủng hoảng Zimbabwe. Bài viết có đoạn: “Trên thực tế, Zimbabwe chẳng khác nào như là một phòng thí nghiệm cho chính sách can thiệp kinh tế của Trung Quốc. Nếu như Zimbabwe có thể đạt những tiến bộ trong lĩnh vực này, điều đó có thể khuyến khích các quốc gia châu Phi khác chuyển sang Trung Quốc và như vậy sẽ càng củng cố thêm uy lực địa chính trị của Trung Quốc vốn dĩ đã hiện diện ngày càng rõ tại châu Phi”.

BBC có bài phân tích của TS Alex Vines: Trung Quốc ảnh hưởng Zimbabwe tới mức nào? Tiến sĩ Alex Vines, cho biết: “Trên thực tế, Zimbabwe là đối tác phụ thuộc của Trung Quốc. Bắc Kinh là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Zimbabwe, cũng là trợ lực chính cho nền kinh tế èo uột của nước này”.

BBC viết về hậu quả áp dụng chính sách XHCN kiểu Mao ở Zimbabwe: Con đường Zimbabwe: Từ vựa lúa đến đói nghèo. Tác giả cho biết: “Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) nói mỗi năm, quốc gia 13 triệu dân này mất đi 1 tỷ USD vì tham nhũng. Cảnh sát, chính quyền địa phương và ngành giao thông là ba ‘khu vực tham nhũng’ nặng nhất. Nhưng tham nhũng quyền lực và các thương vụ làm ăn của quan chức cao cấp cũng là vấn đề nghiêm trọng”.


Tình hình trên bán đảo Triều Tiên
VOA có bài: TT Trump liệt Triều Tiên vào danh sách nhà nước bảo trợ khủng bố. Theo Reuters, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố hôm 20/11/2017: “Hoa Kỳ đang áp dụng thêm các biện pháp chế tài và trừng phạt đối với Bình Nhưỡng bằng cách định danh Triều Tiên là nhà nước bảo trợ cho khủng bố”.

VOA có bài: Đặc phái viên Trung Quốc có thể sẽ gặp Kim Jong Un. Theo truyền thông nhà nước Bắc Hàn, ông Song Tao, đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã gặp các quan chức cấp cao của Triều Tiên tại Bình Nhưỡng. “Hai bên đã trao đổi quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm đến tình hình bán đảo Triều Tiên và khu vực, cũng như quan hệ song phương”.

RFI có bài: THAAD: Hàn Quốc khuất phục Trung Quốc sau đòn hiểm về kinh tế. Nhân cuộc gặp song phương bên lề Thượng Đỉnh APEC tại Đà Nẵng ngày 11/11 giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nam Hàn, ông Moon Jae -in, hai nước đã đồng ý bình thường hóa các trao đổi song phương: “Seoul đã chấp nhận nhượng bộ Bắc Kinh ‘3 không’ về quân sự: Không triển khai thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở Hàn Quốc, không tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực của Mỹ, và không tham gia liên minh quân sự Hàn-Mỹ-Nhật”.

RFI đưa tin: Hàn Quốc từ chối chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật. Dẫn nguồn từ báo Nhật Bản, đưa tin: “Bất chấp thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự ký kết với Nhật Bản năm 2016, Seoul chỉ chia sẻ với Tokyo những tin liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng”.

Mời đọc thêm: Ngoại trưởng Triều Tiên thăm Cuba (VOA).

Tin châu Á
VOA đưa tin: Binh sĩ Mỹ bị hạn chế đi lại sau tai nạn xe làm chết người tại Nhật. Sau vụ tai nạn giao thông gây tử vong ở Okinawa, quân đội Mỹ ở Nhật đã ra lệnh cho tất cả các binh sĩ Mỹ trên đảo Okinawa phải ở trong căn cứ quân sự và nơi cư trú. Ngoài ra, các quân nhân Mỹ ở Okinawa và ở Nhật Bản đại lục cũng bị cấm “mua hoặc tiêu thụ rượu, cả bên trong lẫn bên ngoài căn cứ quân sự”.

RFI có bài: Indonesia: Bắt giam chủ tịch Quốc Hội vì tham nhũng. Chủ tịch Quốc Hội Indonesia, ông Setya Novanto, 62 tuổi, vừa “bị cơ quan chống tham nhũng bắt giam vì có liên quan đến một vụ gian lận ngân quỹ dành cho chương trình phát hành thẻ căn cước điện tử quốc gia, làm thất thoát của Nhà nước số tiền tương đương với 170 triệu đô la”.

RFI có bài: Rohingya, tâm điểm hội nghị ngoại trưởng Á-Âu ASEM. Tại Hội nghị cấp ngoại trưởng giữa Liên Hiệp Châu Âu và các đối tác châu Á- ASEM lần thứ 13 ở Naypyidaw, Miến Điện, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, bà Federica Mogherini đã hội kiến ngoại trưởng Miến Điện, Aung San Suu Kyi. Phát biểu trước báo chí, bà Federica Mogherini, cho biết:

“Sau chuyến công tác tại Bangladesh và cuộc thảo luận với thủ tướng Bangladesh, tôi cho rằng, thực sự có khả năng Miến Điện và Bangadesh đạt được một thỏa thuận để cho phép người tị nạn Miến Điện hồi hương một cách an toàn. Liên Hiệp Châu Âu hỗ trợ tiến trình này và trong những tuần lễ sắp tới, Châu Âu sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết khủng hoảng”.

Người tị nạn Rohingya đến trại Cox’s Bazar, Bangladesh. Ảnh chụp ngày 19/11/2017. Nguồn: REUTERS/ Mohammad Ponir Hossain

Sau khi giải tán Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt, thuộc phe đối lập, Cam Bốt thông báo phân chia số ghế dân biểu đối lập cho các đảng khác. RFI dẫn nguồn từ Reuters, phát ngôn viên bộ Nội Vụ Cam Bốt, ông Khieu Sopheah cho biết, sẽ “giải quyết từng bước trường hợp số ghế đại biểu Quốc Hội và đại diện cấp vùng, cấp tỉnh vốn thuộc về Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt”.


Tin nước Mỹ
Liên quan đến quyền ra lệnh tấn công nguyên tử: Hoa Kỳ: Tranh luận về việc sử dụng vũ khí nguyên tử. RFI đưa tin: “Cuối tuần qua, tướng Hyten, phụ trách hệ thống vũ khí nguyên tử Hoa Kỳ đã tuyên bố là ông sẽ chống lại mệnh lệnh của Donald Trump nếu ông cho rằng lệnh này là bất hợp pháp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhắc lại rằng tổng thống có quyền thay đổi người nhận mệnh lệnh hoặc thậm chí có thể liên lạc trực tiếp với Phòng Chiến tranh ở bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ để ra lệnh thực hiện quyết định của ông”.

VOA đưa tin: Mỹ phản ứng việc Nga ép đăng ký ‘điệp viên nước ngoài’. Hôm thứ Sáu 17/11, Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga, ông Jon Huntsman, nói trong chuyến thăm Văn phòng của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA và Đài Âu châu Tự do rằng, “phản ứng của Nga không cân xứng chút nào, động thái của Moscow nhằm đặt ra các quy định cho cơ quan thông tấn báo chí, mà nếu được thực hiện, sẽ khiến các cơ quan truyền thông Mỹ hầu như không thể hoạt động được ở Nga”.

VOA có bài: Trump: Tôi nên bỏ mặc cầu thủ UCLA trong nhà tù Trung Quốc. Hôm Chủ nhật 19/11 Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter: “Bây giờ ba cầu thủ đã ra khỏi Trung Quốc và thoát khỏi nhiều năm tù, ông LaVar Ball, cha của LiAngelo, không biết ơn những gì tôi đã làm cho con trai ông ấy, và nói rằng trộm cắp chẳng phải là chuyện gì ghê gớm. Lẽ ra tôi nên bỏ mặc họ bị tù!”

Sự kiện được cho là ông Trump đáp trả lại câu nói của ông LaVar Ball, hôm thứ Bảy ông Ball nói với đài truyền hình ESPN: “Đừng nói gì với tôi. Mọi người đều muốn làm cho nó có vẻ như ông ấy [Trump] đã giúp đỡ tôi”.

VOA đưa tin: Kẻ giết người hàng loạt khét tiếng nhất lịch sử Mỹ đã chết. Cơ quan Quản lý Trại giam và Cải Huấn bang California cho biết, ông Manson đã “chết vì tuổi cao sức yếu tại một bệnh viện ở Quận Kern, ở tuổi 83, sau hơn bốn mươi năm ngồi tù”. Ông Manson và 6 thuộc hạ đã bị tống giam từ năm 1971 vì gây nên một loạt 7 vụ giết người khét tiếng trong khu vực Los Angeles chỉ trong vòng hai đêm trong năm 1969. Mời đọc thêm: Mỹ có thể tái tục cấp thị thực tại 3 lãnh sự quán ở Nga (VOA).

Châu Âu, Trung Đông,
Sau cuộc đàm phán để thành lập chính phủ liên minh bị thất bại, VOA có bài: ‘Triều đại Merkel’ sắp kết thúc ở Đức? Tin cho biết, “Đảng Dân chủ Tự do (FDP) rời khỏi cuộc đàm phán của 4 đảng và nói rằng không có ‘cơ sở tin cậy’ để thành lập một chính phủ liên hiệp với đảng bảo thủ CDU-CSU và đảng Xanh”.

Liệu chưa rõ bước kế tiếp sẽ thế nào, nhưng Thủ tướng Angela Merkel nói rằng: “Có ít nhất một ngày để ngẫm nghĩ về việc sẽ phải tiếp tục làm như thế nào tại Đức, nhưng tôi sẽ làm tất cả mọi điều có thể, trong tư cách Thủ tướng của thời kỳ chuyển tiếp, để đảm bảo rằng đất nước này sẽ được đưa ra khỏi những tuần khó khăn này”.

RFI có bài: Tại hội nghị Liên Đoàn Ả Rập, Riyad chỉ trích gay gắt Teheran. Trong cuộc họp bất thường cấp bộ trưởng của Liên Đoàn Ả Rập, hôm qua, 19/11/2017 tại Cairo, “Ai Cập, Ả Rập Xê Út đã tố cáo Iran đe dọa an ninh các nước Ả Rập qua việc ủng hộ các tổ chức khủng bố như Hezbollah Liban và Houthi Yemen”.

RFI có bài phân tích về vai trò ngoại giao mà Pháp chủ động trong cuộc khủng hoảng Liban-Ả Rập Xê Út: Ngoại giao Pháp trở lại Trung Đông. Bài báo có đoạn: “Từ khi được bầu, tổng thống Pháp không ngừng đề cao ý muốn ‘đối thoại với tất cả mọi người’ và cố đóng vai trò trung gian quốc tế; Một vai trò mà Pháp đã từng đảm nhiệm tại thế giới Ả Rập Hồi Giáo, nơi, trái với Hoa Kỳ, Pháp duy trì quan hệ với tất cả các nhân tố có trọng lượng, kể cả với Iran và phong trào Hezbollah Liban theo hệ phái Shia và thân Teheran”.


-------------------------------------------

Bài Mới Nhất
21/11/2017
21/11/2017
21/11/2017
20/11/2017
20/11/2017
20/11/2017
20/11/2017
20/11/2017
20/11/2017
20/11/2017







No comments:

Post a Comment

View My Stats