Friday, 10 November 2017

BẢN TIN NGÀY THỨ SÁU 10/11/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
VOA có bài phỏng vấn cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, David Shear: TT Mỹ sẽ bàn vấn đề biển Đông khi gặp lãnh đạo VN tại Hà Nội. Về ngoại giao, ông David Shear nói: “Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam phải rất cẩn trọng trong việc cùng lúc duy trì một quan hệ ổn định với Trung Quốc và đẩy mạnh quan hệ với Mỹ. Đây là một cuộc chơi về ngoại giao trong khu vực Đông Nam Á và trên biển Đông. Và trong ngoại giao, sự cân bằng là mọi thứ. Việt Nam đang có một sự cân bằng tốt với Trung Quốc bằng việc thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ và tôi hy vọng phía Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Mỹ để có thể duy trì sự cân bằng đó”.

VOA đưa tin: Mỹ ‘thẳng thắn’ về Biển Đông khi ông Trump đến TQ. Dẫn lời Ngoại trưởng Tillerson, nói với các nhà báo: “Chúng tôi nhấn mạnh việc duy trì tự do hàng hải, các bên tranh chấp phải tuân thủ luật pháp quốc tế và phải ngừng việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhằm tối đa hóa triển vọng cho ngoại giao thành công”.

RFI đưa tin: Ba tầu sân bay Mỹ tập trận tại Tây Thái Bình Dương. Thông cáo của Hải Quân Mỹ cho biết, “ba tầu sân bay USS Ronald Reagan, USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt sẽ  ‘cùng phối hợp tập trận trong vùng biển quốc tế’ từ ngày 11/11 đến 14/11/2017”. Đô đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, nói rằng: “Mục tiêu của cuộc diễn tập là nhằm thể hiện ‘cam kết trước mọi thách thức’ của Mỹ để đảm bảo ‘an ninh và ổn định trong vùng’.”

Ba nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trong cuộc tập trận hiếm thấy ở Thái Bình Dương hồi năm 2007. Ảnh: Reuters

VOA có bài: Trung Quốc sắp phóng thử tên lửa ở Biển Đông. Hoàn Cầu Thời Báo, đưa tin ngày 8/11, “Trung Quốc có kế hoạch sẽ sớm phóng thử tên lửa Trường Chinh ở Biển Đông với mục đích thương mại”. Bản tin dẫn lời một nhà thiết kế hệ thống tên lửa cho biết: “Nếu một tên lửa được phóng lên gần xích đạo, thì khả năng vận chuyển của nó có thể cao hơn và với chi phí thấp hơn”.


Quan hệ Việt – Trung
RFI đưa tin: Việt Nam, Trung Quốc ký 1,94 tỷ đôla hiệp định thương mại. Theo tin từ Tân Hoa Xã cho biết, “Trung Quốc và Việt Nam ngày 09/11/2017 đã ký 83 hiệp đồng thương mại trị giá 1,94 tỉ đô la”.

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn cho biết, anh không hoan nghênh ông Tập Cận Bình đến Đà Nẵng, “nơi mà một phần lãnh thổ thiêng liêng – Hoàng Sa – đã từng bị cướp bằng vũ lực và giờ đây vẫn còn bị chiếm đóng phi pháp bởi quân đội Trung Quốc“. Anh Tuấn viết: “Tôi dứt khoát không hoan nghênh sự hiện diện của ông ấy ở Đà Nẵng, cũng như bất kỳ phần lãnh thổ nào của Việt Nam, chừng nào mà Hoàng Sa và Trường Sa còn bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép.

Thông điệp của anh Tuấn gửi Tập Cận Bình: “Một, Việt Nam hoàn toàn khác Trung Quốc – nơi mà người ta có thể bị bỏ tù chỉ vì nhắn tin có từ “Bánh bao Xi” qua WeChat. Còn đây, ở Việt Nam, tôi nhúng luôn cái bánh bao Xi đó xuống nước. Hai, ông không được chào đón ở Việt Nam, và đặc biệt là ở Đà Nẵng, chừng nào mà một phần lãnh thổ của thành phố này – Hoàng Sa – vẫn bị quân đội của ông sử dụng vũ lực chiếm giữ trái phép. Ba, tham vọng bá quyền và nỗ lực trấn áp quyền con người của ông nhất định sẽ bị nhấn chìm như cái bánh bao Xi này“.


Quan hệ Việt – Mỹ
VOA có bài: Mỹ, Việt tẩy độc dioxin ở Biên Hòa sau thành công ở Đà Nẵng. Sau cuộc gặp ông Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Thomas Shannon, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ khẳng định rằng, “Mỹ và Việt Nam sẽ tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa, tiếp sau thành công của dự án tẩy độc dài 5 năm ở sân bay Đà Nẵng.” Nhưng ông Trump ‘không dự lễ hoàn tất tẩy dioxin ở Đà Nẵng’ mà giao cho ông Thomas Shannon.

BBC có bài: Mỹ: Hàng ngàn người Việt có nguy cơ bị trục xuất? Theo các tổ chức hoạt động dân quyền ở Mỹ cho biết, có khoảng 8.500 người Việt ở Mỹ “có thể bị bắt, giam giữ và trục xuất về Việt Nam“. Cảnh báo khẩn của Trung tâm Hành động Hỗ trợ Đông Nam Á (SEARAC), nói rằng: “Trong vài tuần gần đây, ICE [Cơ quan Kiểm sát Nhập cư và Hải quan] đã tái bắt giữ một số người Việt đã có lệnh trục xuất mà họ không thể trục xuất trước đây“.

Hội nghị APEC 2017
RFI có bài: Việt Nam tranh thủ APEC 2017 để thúc đẩy hội nhập. Đặc phái viên Minh Anh của RFI cho biết: “Để tỏ quyết tâm đẩy mạnh tiến trình hội nhập, Việt Nam đề xuất hai sự kiện trong Tuần Lễ Cấp Cao APEC. Thứ nhất là Hội nghị Thượng đỉnh Kinh Doanh Việt Nam với chủ đề ‘Việt Nam – Đối tác kinh doanh tin cậy’, diễn ra hôm thứ Ba 07/11. Sự kiện thứ hai mang ý nghĩa lớn là Hội nghị Thượng đỉnh Doanh Nghiệp APEC 2017, kéo dài trong ba ngày từ ngày 08 – 10/11”.

RFI đặt câu hỏi: APEC 2017 chờ đợi gì từ tổng thống của « nước Mỹ trước tiên» ? Theo AFP, “các bộ trưởng Thương Mại và Ngoại Giao APEC vẫn chưa thể đạt được đồng thuận cho một bản tuyên bố chung của hội nghị. Thủ tục thông thường này đang vấp phải cản trở bởi khái niệm ‘tự do buôn bán’ và ‘bảo hộ mậu dịch’ theo kiểu ‘nước Mỹ trước tiên’ của chính quyền Trump”.

BBC có bài: APEC: Thông điệp lãnh đạo quốc tế khi tới VN. Về thông điệp của Chủ tịch Tập Cận Bình với Việt Nam: “chuyến thăm sẽ ‘mở ra cục diện mới của quan hệ Trung Quốc – Việt Nam’.”

Nhân việc phái đoàn Hoa Kỳ mang hai “quái thú” Cadilac đến Đà Nẵng để đưa đón ông Trump, nhà báo Đào Tuấn cho biết, ông Hồ cũng từng được sử dụng một “quái thú” ZIS-115 được bọc thép chống đạn dày 8mm và một chuyên cơ IL 18 mang biển số “BH 195“, do Breznhev tặng.

VTC có clip, bà Aung San Suu Kyi đến Đà Nẵng dự đối thoại APEC – ASEAN:


TPP – Hiệp định xuyên TBD
Hội nghị TPP11: Hội nghị bộ trưởng Kinh Tế 11 nước tham gia TPP. RFI cho biết, hôm 09/11/2017, các bộ trưởng kinh tế của 11 nước tham gia hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã họp tại Đà Nẵng. Bộ trưởng Kinh Tế Nhật Toshimitsu Motegi, chủ trì hội nghị, cho biết, “về cơ bản các bên đã đạt được đồng thuận trong một số vấn đề khó (khăn), nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đạt được một gói cam kết cuối cùng về TPP”.

VOA có bài phỏng vấn hai chuyên gia kinh tế, cho thấy: Ít khả năng có ký kết thỏa thuận TPP11 ở Đà Nẵng. Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia, thuộc bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận xét về TPP11 như sau: “Các con số đấy mới chỉ là kỳ vọng. Để đạt con số đấy, tốc độ thay đổi thể chế trong nước, thay đổi môi trường kinh doanh hay thay đổi cơ cấu sản xuất không theo kịp, thì con số đấy sẽ trở thành con số ảo, và chúng ta phải đối mặt với làn sóng nhập khẩu hoặc các vấn đề khác”.

BBC phỏng vấn GS Jenik Radon, là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Columbia, bên lề một hội nghị kinh doanh tại Đà Nẵng: TPP ‘được soạn thảo rất dở’. Mời đọc thêm: ‘TPP-11 không có Mỹ’ được thống nhất về nguyên tắc (VOA).

Đặc khu kinh tế
Báo The Leader có bài: Hai chữ quyết định thành bại của đặc khu hành chính – kinh tế. Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, “chức năng của đặc khu là cạnh tranh và liên kết quốc tế với các đặc khu khác của thế giới và trong khu vực. Vì thế, phải xây dựng năng lực cạnh tranh ‘vượt trội’ cho đặc khu theo chuẩn mực quốc tế ở đẳng cấp cao nhất”.

Còn ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group, cho rằng: “Cơ chế chính sách vượt trội hay không nằm ở hai chữ: open (mở) và free (tự do)”.

Hậu quả của cơn bão số 12
Báo VietNamNet có bài: 91 người chết do bão, hàng cứu trợ cả năm sau mới nhận. Theo cơ quan chức năng, tính đến 15h30′ ngày 9/11, bão số 12 đã giết chết 91 người (riêng tại tỉnh Khánh Hòa có 43 người), 23 người mất tích, còn “số nhà ở bị đổ sập tăng lên gần 1.500 căn, gần 120.000 căn bị tốc mái, hư hỏng trong bão; gần 1.300 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng; gần 26.000 bè nuôi trồng thuỷ sản bị mất trắng“.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng NN&PTNT cho biết: “Vừa hôm qua tôi vẫn ký viện trợ từ 2016. Làm viện trợ phải thời sự, phải thật nhanh thì mới có ý nghĩa. Đề nghị Bộ KH&ĐT rà soát thật nhanh các thủ tục để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ của người dân”.

Tan hoang sau cơn bão số 12. Ảnh: internet

Cũng báo VietNamNet, có bài: Xin đừng chống lại thiên nhiên. Việc cơn bão số 12 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, có nguyên nhân chính là do “chủ quan”. Bài viết có đoạn: “Lần này thì càng rõ, thủy điện vừa và nhỏ, với mục đích tốt đẹp ban đầu là sản xuất điện, cắt lũ và giảm lũ, thì chức năng giảm lũ, cắt lũ cho vùng hạ du, trong những trận mưa lũ như thế này, xem ra khó thành hiện thực“.

Tác giả cho rằng: “Giữa tư duy chống thiên nhiên, chinh phục thiên nhiên và hành động cực đoan tàn phá, truy sát thiên nhiên, với những cơn bão lũ kinh hoàng liên tiếp thời gian qua, là mối quan hệ nhân-quả. Sống hài hoà, khiêm nhường trước thiên nhiên, đấy là lối ứng xử khôn ngoan. Xin đừng chống lại thiên nhiên“.

Về status của nhạc sĩ Tuấn Khanh: Vì sao báo chí ngại nói về nỗi đau của dân tộc mình? Cho rằng những hình ảnh và tin tức về thiên tai đã bị báo chí kiểm duyệt, nhà báo Ngọc Bảo Châu phản biện: “Chúng tôi là những người làm công việc ở tòa soạn báo, thật sự rất thèm có những hình ảnh như thế này để đăng, nhưng thật đáng tiếc là không có. Nếu có thì đã đăng rồi, chẳng ai cấm đâu, dù đâu đó vẫn có sự hoài nghi về cái mũ mà ban tuyên giáo chụp lên đầu báo chí“.

Thế nhưng, nhà báo Võ Đắc Danh lại đưa ra một bằng chứng nữa cho thấy, nhạc sĩ Tuấn Khanh có cơ sở. Ông Danh kể: “Cơn bão số 5 năm 1997 đổ ập xuống Cà Mau, một vùng biển tan hoang, hàng ngàn người chết. Lúc bấy giờ tôi đang làm tại báo ảnh Đất Mũi. Chúng tôi kịp thời làm được bộ ảnh và số báo đặc biệt ĐAU THƯƠNG TRÊN ĐẤT CÀ MAU và nhờ báo Tuổi Trẻ phát hành cả nước. Các tờ báo lớn trong nước cũng tập trung chia sẻ với Cà Mau. Nhưng mỗi tờ chỉ làm được một số, ngay sau đó các Tổng biên tập nhận được lệnh: Không được phản ánh về tình hình thiệt hại nữa! Lần nầy, sau cơn bão số 12 đổ xuống nam Trung bộ, các báo lại im lìm như không có việc gì xảy ra! MỘT SỰ IM LẶNG ĐẦY TỘI ÁC!”

Facebooker Ngân Hà cho biết: “Hôm qua họp giao ban, nghe nói tòa soạn vắng người, có người đi dự APEC, có người đi miền Tây, có người chạy vội về quê Vạn Giã- Ninh Hòa vì nghe tin nhà bị tốc mái, còn mẹ già tuổi chín mươi và mấy anh em ruột thịt sống ngoài đó gặp nạn. Trưa nay anh báo tin Vạn Giã bị nặng nhất, không nhà nào không bị lốc mái. Những nhà vách xây còn đỡ, những nhà lợp tôn, vách đất đổ nát tan hoang“.

Tác giả viết tiếp: “Dân làng chết chưa đếm hết nhưng lên đến vài trăm người chứ không phải toàn bão có vài chục người như báo chí đưa tin. Riêng Vạn Giã, hiện tại mới vớt lên hơn 50 xác. Còn hàng trăm người chết vẫn đang chờ nổi lên hoặc mò xác, nhất là những người làm lồng bè, họ ngồi canh lồng bè từ sáng, thì đến 2 giờ chiều bão vào, chạy không kịp nữa. Xác cá tôm lẫn trong xác người. Vậy mà giờ không có gì ăn, dân làng vẫn phải vớt cá tôm nuôi tràn lên ăn“.

Facebooker Nguyễn Tiêu Quốc Đạt có bài phân tích đặc điểm các hồ thủy điện, theo tác giả, “các hồ thuỷ điện đã trở thành tác nhân gây ra hiện tượng lũ chồng lũ. Khi năng lực điều tiết lũ không còn, tất cả những tác hại từ rừng bị phá đầu nguồn, biến đổi khí hậu sẽ gây ra hậu qua trực tiếp đang diễn ra ở miền Trung hiện nay“.

RFA đặt câu hỏi: Người dân còn lại gì sau cơn bão số 12?Bài viết có đoạn, “đa số các nạn nhân của bão Damrey mà RFA tiếp xúc đều bày tỏ không biết họ sẽ chịu đựng cảnh đói lạnh, màn trời chiếu đất trong bao lâu nữa và vẫn nơm nớp lo âu không rõ còn có cơn bão nào khác sẽ đến hay không trong mùa mưa bão năm nay”.

Mời xem clip của Facebooker Nguyễn Lân Thắng về Thuỷ điện Sông Tranh 2 xả lũ 6 cửa, ngày 9/11/2017:


Nhân quyền ở Việt Nam
VOA đưa tin: 20 dân biểu yêu cầu TT Trump áp lực Hà Nội về nhân quyền. Hôm 8/11, 20 dân biểu Mỹ công bố một bức thư, yêu cầu Tổng thống Trump thúc ép chính quyền Việt Nam cải thiện và tôn trọng nhân quyền. Các dân biểu cho rằng, một chính phủ phớt lờ các cam kết quốc tế về nhân quyền thì “không thể nào là một đối tác đáng tin cậy cho các vấn đề như Biển Đông hay thương mại“.

Bức thư nhấn mạnh quyền tự do phát biểu trên mạng, tự do tôn giáo, cũng như yêu cầu ông Trump “hối thúc Hà Nội trả tự do cho các tù nhân chính trị như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Văn Đài, Trần Thị Nga, Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng“. Dân biểu Chris Smith, thuộc đảng Cộng hòa, là người khởi thảo bức thư, nói, “việc tiếp tục mối quan hệ kinh tế và hợp tác chiến lược giữa Hoa Kỳ với Việt Nam sẽ phụ thuộc vào sự tiến bộ thực chất và mạnh mẽ về vấn đề nhân quyền”.

VOA có bài: Giới tranh đấu không hy vọng chuyến thăm Việt Nam của TT Trump? Blogger Huỳnh Thục Vy cho biết: “Không phải chỉ lần này ông Donald Trump, một người không quan tâm đến nhân quyền, mà ngay cả như ông Obama, thì tôi cũng không kỳ vọng gì trong những chuyến thăm như vậy. Những chuyến thăm đó chỉ mang tín xã giao thôi. Tôi nghĩ là tình hình địa chính trị ở khu vực Đông Nam Á, cụ thể là vấn đề Trung Quốc, Bắc Hàn, và thế đối đầu hay hợp tác giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc thì mới là điều quan trọng. Tôi nghĩ chuyến thăm này không có gì quan trọng”.

Ảnh minh họa về nhân quyền. Nguồn: internet

Trang HSVNQVN có bài: Giới thiệu Quỹ hỗ trợ nữ sinh mang bầu. Do “ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong các trường học tỉ lệ mang thai ngoài ý muốn khá cao. Hậu quả dẫn đến nạo phá thai rất nhiều. Những nữ sinh mang bầu thường e ngại và ít được quan tâm tạo điều kiện. Vì vậy, tháng 11 năm 2017, Hội sinh viên nhân quyền Việt Nam cùng một số tổ chức xã hội dân sự và quý thân hữu thành lập Quỹ hỗ trợ nữ sinh mang bầuHội sẽ giúp đỡ một phần chi phí về tài chính, đường, sữa, chỗ ở cho các nữ sinh mang bầu, đồng thời tác động đến các trường đại học tạo điều kiện thuận lợi về thời gian và động viên tinh thần để cho các bạn tự tin hơn khi đến trường trong thời gian mang bầu“.

RFA đặt câu hỏi: Điều gì ảnh hưởng đến cán cân công lý của Việt Nam? Đảng! Thật vậy, theo LS Đặng Đình Mạnh: “Nếu một Đảng viên vi phạm pháp luật thì thông thường cơ quan Đảng sẽ xử lý họ trước như khai trừ chẳng hạn. Mặc dù có những dấu hiệu phạm tội, nhưng người Đảng viên đó theo qui định của pháp luật vẫn chưa phải là một tội phạm hoàn toàn”.

Cựu TNLT Ngô Duy Quyền có bài: Một nhà nước khủng bố. Trong những ngày gần đây, nhân Hội nghị APEC diễn ra tại Đà Nẵng, chính quyền liên tiếp gửi giấy triệu tập đến các nhà hoạt động trong nước, nội dung liên quan tới vụ án: “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 BLHS.

Về việc này, ông Quyền cho biết: “Tôi không tham gia vào bất cứ ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ nào cả,… Tôi không tin tưởng lực lượng công an Việt Nam nói chung và Công an Hà Nội nói riêng vì họ đã NHIỀU LẦN xâm phạm quyền tự do cá nhân cũng như quyền bất khả xâm phạm về thân thể của tôi, trong đó có việc tống tôi vào 4 trại tâm thần”.

Những kẻ vô ơn
Về việc mới đây chính quyền Hà Nội dự kiến đặt tên cho đoạn đường dài 1,2 km mang tên ông Trịnh Văn Bô trên địa bàn quận Cầu Giấy, TP Hà Nội sau khi loại ra khỏi danh sách đặt tên đường phố của Hà Nội vào năm 2016, điều này “chắc hẳn là một nỗi buồn với cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ khi còn sống“. Giờ đây, khi cụ Hoàng Thị Minh Hồ mất, người ta lại tổ chức lễ tang cấp cao người hiến 5.000 lượng vàng cho Nhà nước.

Nhà báo Nguyễn Thông có bài: Đặt tên đường. Tác giả viết: “Một điều rất buồn cười, nay cụ bà mất, người ta mới sực nhớ đến cụ ông, đòi lấy tên cụ ông đặt tên đường. Nhưng lâu nay cái thói vô ơn nó vẫn cứ thường xử sự như vậy. Mà nó lại làm lãnh đạo nên mặc nhiên xã hội bị thống trị bởi thói vô ơn“.

Ông Nguyễn Thông viết tiếp: “Và điều quan trọng nhất từ chuyện đặt tên đường cụ Bô, tôi yêu cầu nhà nước này phải có thái độ dứt khoát chuyện cụ bà Nguyễn Thị Năm, nạn nhân nổi tiếng của thói vô ơn-tàn bạo của các vị“.

Nhà văn Hoàng Hưng có bài: Ông, bà Trịnh Văn Bô là nạn nhân của một số tướng lãnh: Tệ hại của thứ quyền lực không bị kiểm soát bằng luật pháp. Ông Hưng kể, gia đình ông cũng gặp chuyện tương tự như gia đình ông Trịnh Văn Bô, cũng cho cán bộ mượn nhà và cũng phải mất 20 năm gian nan mới đòi lại được chính ngôi nhà của mình, mặc dù có đầy đủ giấy tờ.

Ông Hưng kết luận: “Lòng tham của con người không thể lường. Dù là người vốn tử tế, nhưng khi quyền lực trong tay là thứ quyền lực mà Luật pháp không chi phối được, tức quyền lực của MAFIA, thì LÒNG THAM được phát huy hết mức, họ trở thành kẻ cướp trong tích tắc. Tôi đã nhắc nhở 1 bạn văn nghệ nổi tiếng khi anh nhờ góp ý bản thảo viết về 1 danh tướng: ‘Phải thận trọng khi ca ngợi đấy! Chúng ta sống lâu hơn các nhà chính trị’!

Facebooker Lưu Trọng Văn có bài: Ngôi nhà 34 Hoàng Diệu chứng nhân của Lịch sử. Theo tác giả, lý do mà những người chiếm ngôi nhà của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô không muốn trả, là vì: “Ngôi nhà này có khuôn viên 3000 m2 diện tích sàn 300 m2 là một trong những biệt thự đẹp nhất, sang trọng nhất và lớn nhất, trên con phố đẹp nhất thủ đô“.
Tác giả kết luận: “Còn đất nước của gã theo dòng chảy khác. Cải tạo tuốt. Tịch thu tuốt nhân danh cái gọi là công bằng cho người nghèo. Bi kịch của đất nước từ đây đâu chỉ của riêng những Nguyễn Thị Năm, những Trịnh Văn Bô… Và như thế câu chuyện ngôi nhà 34 Hoàng Diệu là câu chuyện chứng nhân một thời của Lịch sử mà bài học của nó vẫn còn rất nóng hổi cho đến hôm nay. Bài học của Đạo lý”.

Blog Tễu có bài của tác giả Dương Đức Quảng: Vì sao họ không trả nhà 34 Hoàng Diệu cho cụ Trịnh Văn Bô? Theo tác giả, lý do là vì “trả lại ngôi nhà này cho gia đình bà Trịnh Văn Bô sẽ đụng tới hàng trăm ngôi nhà khác thuộc diện giống như ngôi nhà này ở Hà Nội, không kể ở các tỉnh thành thuộc diện nhà nước quản lý sau cuộc cải tạo nhà đất trước đây. Vì thế làm sao cho quyết định của Thủ tướng trả lại nhà cho bà Trịnh Văn Bô không ‘đẻ số’, không để chủ các ngôi nhà khác ở vào trường hợp tương tự kiến nghị Chính phủ xem xét để trả lại nhà cho họ như đã trả nhà cho bà Trịnh Văn Bô…

Mời xem thêm clip của VTC:


Liệu có xảy ra thảm họa bùn đỏ ở Nhà máy Alumin Nhân Cơ?
Báo Trí Thức VN có bài: Đắk Nông: Sụt lún gần hồ bùn đỏ Nhà máy Alumin Nhân Cơ khiến người dân lo lắng. Theo phản ánh của người dân tại thôn 1, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông, tại khu vực tiếp giáp với bờ kè mương thoát nước hồ bùn đỏ thuộc Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã bị sụt lún, xuất hiện nhiều đường nứt với chiều dài khoảng 100m, rộng 30-40cm và sâu khoảng 50-70 cm.

Được biết, Dự án alumin Nhân Cơ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký duyệt ngày 1/11/2007, do Công ty Cổ phần Alumin Nhân Cơ (thuộc TKV) làm chủ đầu tư, Công ty Chalieco (Trung Quốc) làm nhà thầu xây dựng. Mặc dù bị phản đối nhiều phía, nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng nói, việc khai thác bauxite Tây Nguyên là ‘chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước‘.

Trả lời báo Người Lao Động, ông Ngô Tố Ninh, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông, cho biết: “Theo nhận định ban đầu, do lượng mưa lớn, đất sét nên khi ngấm nước là trương nở, dẫn đến việc sụt lún. Công ty cũng đã thuê các đơn vị chuyên ngành xem xét và hiện các đơn vị tư vấn đang lập phương án xử lý cụ thể trong tuần. Từ đó, chúng tôi sẽ báo cáo lên tập đoàn. Công ty cũng đang xem xét để bồi thường đất cho người dân“.

Liệu việc sụt lún có ảnh hưởng gì đến hồ bùn đỏ, có nguy cơ vỡ hồ sau khi chứa bùn đỏ hay không, trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Ninh nói “đã nhờ nhiều cơ quan chức năng, trong đó có đơn vị chức năng liên quan đến phòng chống lụt bão về kiểm tra. Công ty đảm bảo các số liệu kỹ thuật an toàn, không thể có việc vỡ hồ khi đã chứa bùn“.

Báo Đất Việt có bài: Báo cáo toàn diện dự án bauxite: Chờ lời đáp sáng suốt. Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “Với công nghệ và trình độ như hiện nay, nguy cơ thất thoát tài nguyên thiên nhiên, tác động môi trường, thậm chí có thể dẫn đến khủng hoảng về môi trường là điều rất đáng lo ngại”.

Cách mạng tháng 10 Nga
Tác giả Phạm Trần có bài: Cách mạng tháng 10 Nga và những cái đầu đất sét Việt Nam. Trong khi tại “thành trì XHCN”, cái nôi của Cách mạng tháng 10, nhưng “chỉ có ít ngàn người của đảng Cộng sản đối lập trong Quốc hội Nga đã tổ chức biểu tình kỷ niệm” còn “đại đa số người dân Nga hầu như không hề nhận ra các hoạt động kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười“, thì tại “tiền đồn XHCN”, ông Trọng vẫn còn cao giọng: “Bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.

Không biết đến hết thế kỷ này, CNXH ở Việt Nam có hay không, và nếu có thì hình thù nó ra sao? Chỉ biết hiện tại, chủ quyền quốc gia đang bị giặc Tàu ngang nhiên xâm lấn, uy hiếp. Quan hệ ngoại giao thì liên tiếp xảy ra bê bối, từ việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đến việc bị doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình kiện. Trong nước thì liên tục bị quốc tế lên án vì vi phạm nhân quyền, bộ máy “càng bóp càng phình to” còn tham nhũng thì… “ăn của dân không từ thứ gì”, nợ nần thì “ngập đầu”, về đâu đây Việt Nam ơi!

Facebooker Phạm Nguyên Trường tiếp tục bài nói về ba sai lầm chết người và một lời hứa vô trách nhiệm, quá nhảm nhí của Karl Marx. Làm gì có chuyện ngược đời “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, “muốn ăn mà không muốn làm”. Thậm chí, “tất cả các nguồn lực, kể cả thời gian sống của một con người, đều là của hiếm và có giới hạn“, thế nên mới nói lời hứa của Marx là “lời hứa vô trách nhiệm, quá nhảm nhí“.

Báo trí thức VN có bài: Ông Putin khánh thành công trình tưởng niệm nạn nhân dưới thời Stalin. Được biết, vào cuối tháng 10 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho khánh thành công trình “Bức tường Đau thương” để tưởng niệm các nạn nhân bị đàn áp dưới thời Stalin. Đây là lần đầu tiên nước Nga cho xây dựng đài tưởng niệm nạn nhân Cộng sản thời Liên Xô.

Tổng thống Putin phát biểu tại lễ khánh thành Bức tường Đau thương hôm 30/10/2017. Nguồn: Getty Images

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Đối với tất cả chúng ta, đối với các thế hệ tương lai, điều rất quan trọng là phải biết và ghi nhớ thời kỳ bi thảm này trong lịch sử nước ta, khi toàn bộ các tầng lớp, toàn bộ các dân tộc: công nhân và nông dân, kỹ sư và thuyền trưởng, linh mục, quan chức chính phủ, nhà khoa học và nhà văn hóa bị bức hại nghiêm trọngQuá khứ khủng khiếp này không thể bị xóa nhòa khỏi ký ức quốc gia chúng ta và không thể biện minh bằng bất cứ điều gì”.


Chuyện ở “thiên đường”
Báo VietNamNet có bài: Đồng Nai: Phó chánh án bị kỷ luật vì nhận hối lộ được bổ nhiệm thẩm phán. Bài viết cho biết, 10 năm trước đây TAND Tối cao đã cách chức Thẩm phán, Phó Chánh án TAND huyện Xuân Lộc, Đồng Nai đối với bà Bùi Kim Rết, còn huyện ủy Xuân Lộc cũng đã khai trừ Đảng đối với bà này. Nguyên nhân được biết là “bà Rết bị cho đã nhận hối lộ tiền“. Thế nhưng, kỳ lạ là sau 10 năm, nay bà Bùi Kim Rết lại ung dung ở vị trí Thẩm phán TAND tỉnh Đồng Nai!

Trả lời về việc này, một cán bộ TAND tỉnh Đồng Nai cho biết: “Quá trình làm việc nhiều năm bà Rết có nhiều phấn đấu, là chiến sĩ thi đua ngành“, và rằng việc bà Rết được tái bổ nhiệm là “chuyện không có gì lạ“. Rõ ràng là dưới chế độ ưu việt XHCN, những việc như thế này là đúng quy trình, giống như trường hợp của Thượng tá Võ Đình Thường, Công an Đồng Nai trả lời: Bổ nhiệm thượng tá Võ Đình Thường “đúng quy trình”!

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Bổ nhiệm lại phó giám đốc sở đánh nhau ở quán karaoke bị giáng chức. Ngày 9/11, UBND tỉnh Bình Phước đã trao quyết định bổ nhiệm ông Bùi Quốc Khánh, trưởng phòng biên giới Sở Ngoại vụ, giữ chức Phó giám đốc sở này sau gần 4 năm bị kỷ luật do đập ly bia vào đầu nhau ở quán karaoke. Trả lời về việc bổ nhiệm này, một lãnh đạo tỉnh nói rằng: “sau khi nhận kỷ luật, ông Khánh đã có quá trình phấn đấu tốt, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao“.

Báo Dân Việt có bài: Về thôn chỉ có… 1 hộ dân ở Quảng Trị. Mặc dù chỉ có một hộ dân sống thường trực ở Thôn Tràng Sòi, xã Triệu Ái , huyện Triệu Phong, Quảng Trị, nhưng vẫn có đầy đủ bộ máy hành chính hoạt động. Cụ thể, chức vụ trưởng thôn, kiêm trưởng ban mặt trận, mỗi tháng hưởng 1,5 triệu đồng. Chức vụ công an viên mỗi tháng 1,1 triệu đồng. Tổ trưởng hội phụ nữ, kiêm chi hội trưởng nông dân thôn, hưởng mỗi tháng 450.000 đồng.

Chống tham nhũng ở Việt Nam
TS Chu Mộng Long đặt câu hỏi: Sao không mời Phạm Sỹ Quý chia sẻ kinh nghiệm làm giàu? Theo tác giả, “không nhất thiết phải mời gã Ma Ma nào đó của Trung Quốc sang Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm làm giàu và thành đạt cho thanh niên Việt Nam. Việt Nam có quá nhiều tấm gương làm giàu và thành đạt kiểu Bụt đáng bái phục hơn vì dễ làm và ai cũng có thể làm được“.

Tác giả viết tiếp: “Trước mắt, đề nghị mời đồng chí Phạm Sỹ Quý, nguyên giám đốc Sở Tài Môi Yên Bái lên diễn đàn công khai truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người. Bí quyết nào mà buôn chổi đót, buôn lá chít, làm bánh, đánh giày… lại có lãi khổng lồ để xây biệt phủ to hơn cả cung điện vua Ả Rập? Đã có kết luận thanh tra. Phạm Sỹ Quý là thương hiệu Việt, hàng thật đáng tin cậy 100% chứ không phải là hàng giả, hàng nhái.


Đừng thấy tăng trưởng cao mà mừng
Trang The Leader có bài: TS. Bùi Trinh: ‘Còn lao vào tăng trưởng GDP đất nước sẽ ngày càng nợ nần’. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh: “Thực chất, dù con số tăng trưởng GDP cao hay thấp cũng không có ý nghĩa gì nhiều đối với nền kinh tế Việt Nam. Tôi cho rằng chúng ta không nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP nữa. Bởi GDP tăng trưởng càng cao thì càng gây bất ổn kinh tế vĩ mô“.

Ông Bùi Trinh giải thích: “Một ví dụ điển hình như việc xây tượng đài. Chúng ta xây càng nhiều tượng đài thì GDP ngay trong năm đó càng tăng. Tuy nhiên, hoàn toàn không có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế, về lâu về dài sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực khôn lường“.

Tin quốc tế

Chuyến công du Châu Á của Tổng thống Mỹ
Liên quan tới Bắc Hàn: TT Trump: Tiến bộ tuyệt vời đạt được với Chủ tịch Tập. VOA dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Rex Tillerson, nói về cuộc hội đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình: “Không có sự khác biệt nào giữa hai mục tiêu của chúng tôi. Chúng tôi có quan điểm riêng của chúng tôi về chiến thuật, thời gian và mức độ áp lực và đó là những nội dung mà chúng tôi dành rất nhiều thời gian để bàn bạc”. Ông Tập nói về vấn đề Bắc Hàn: “Chúng tôi lập lại cam kết kiên quyết của chúng tôi về Bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân”.

Một điểm trừ cho Tổng thống Trump – Tập hợp tác ‘bảo vệ hình ảnh’. VOA dẫn nguồn AP cho biết: “Trong một cuộc họp báo sau khi Tổng thống Hoa Kỳ đến Trung Quốc ngày 9/11, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã không để cho các nhà báo đặt bất cứ câu hỏi nào”. Khi được hỏi tại sao Tổng thống Trump không trả lời phóng viên như các tổng thống tiền nhiệm, thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc, bà Sarah Sanders trả lời: “Đó là do Trung Quốc khăng khăng không muốn có bất cứ câu hỏi nào ngày hôm nay”.

BBC có bài viết về “tình bạn” giữa Trump và tập: Trump và Tập ‘bày tỏ tình thân’. Bài viết mô tả: “Ông Trump tuyên bố Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề Bắc Hàn ‘nhanh và dễ’. Ông ‘không trách Trung Quốc’ vì thâm hụt mậu dịch”. Nhưng lại nói, các chính phủ trước của Mỹ chịu trách nhiệm cho quan hệ thương mại ‘bất công và một chiều’ với Trung Quốc”. Trời ơi, Tổng thống Mỹ thế này sao? Trong lúc Trump làm tổng thống, nắm quyền hành trong tay nhưng ông ta không giải quyết được, lại đổ cho tổng thống tiền nhiệm! Chuyện chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ!

Facebooker Peter Pho có bài: Tổng Thống gặp Đế Vương. Tác giả viết: “Ngay khi đặt chân đến cố đô Bắc Kinh, Trump và phu nhân đã được vợ chồng Tập Cận Bình đưa đi tham quan Tử Cấm Thành, nơi ở của các hoàng đế Trung Quốc triều nhà Minh và nhà Thanh trong giai đoạn lịch sử gần 500 năm. Đây là một nơi gìn giữ tương đối hoàn chỉnh các công trình kiến trúc và hiện vật của vua chúa xa xưa, một nơi thiêng liêng và thần thánh. Chỉ cần bước chân đến nơi đây, bất kể anh thuộc tầng lớp nào, kể cả anh là một tổng thống quyền uy nhất hoàn cầu như Trump thì đều tự nhiên cảm thấy mình như nhỏ bé lại, chẳng mùi mè éo gì với sự phô trương quyền quý đển đỉnh điểm của con ông giời (Thiên tử) phương đông“.

Trump như một cậu bé ngây thơ được vuốt ve, nuông chiều, bước vào thế giới hỏa mù của Tập. Ảnh: internet

Tin vui cho tư bản Mỹ: Mỹ, Trung ký hơn 250 tỷ đô la hiệp định thương mại. RFI cho biết, “Lãnh đạo hai nước thông báo một loạt thỏa thuận thương mại, tổng trị giá 253,4 tỷ đô la, trong rất nhiều lĩnh vực, từ điện lực đến xe hơi, hàng không, lương thực”.

RFI có bài điểm báo: Trump-Tập: “The Art of Deal” đấu với Binh thư Tôn Tử. Nhà nghiên cứu Hoàng Dục Xuyên (Yukon Huang) của Carnegie Endowment for International Peace, ở Washington, cựu giám đốc phụ trách Trung Quốc của Ngân hàng Thế giới (WB), nhận định: “Điều quan trọng thực sự không phải là thâm hụt thương mại Mỹ, mà là xâm nhập được thị trường Trung Quốc”.

Ông Xuyên kết luận rằng: “Đôi bên có thể cùng có lợi nếu Bắc Kinh chịu mở cửa thêm lãnh vực dịch vụ (tài chính, y tế, giải trí…) cho các doanh nghiệp nước ngoài. Như vậy chẳng những việc làm ở Mỹ không bị đe dọa, mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho cả hai phía”.

VOA cho biết, Ông Tập ‘nhắc’ ông Trump về vấn đề Đài Loan. Dẫn nguồn Reuters, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, rằng: “Vấn đề Đài Loan là vấn đề cốt lõi nhạy cảm và quan trọng nhất trong quan hệ giữa Trung-Mỹ, và liên hệ đến cơ sở chính trị của mối quan hệ Trung-Mỹ”. – Trump-Tập đàm phán sau màn đón tiếp long trọng (BBC).

Tin nước Mỹ
RFI có bài: Mỹ thắt chặt điều kiện du lịch Cuba. Hoa Kỳ vừa ban hành một loạt hạn chế mới về du lịch sang Cuba, có hiệu lực ngay từ ngày 9/11. Mục đích chính của bộ Tài Chính Hoa Kỳ là “tách hoạt động kinh tế khỏi quân đội Cuba, nhằm khuyến khích La Habana đi theo hướng tự do chính trị hơn”.

Báo Người Việt đưa tin: Mỹ thiếu 60% nhân viên ngành ngoại giao chuyên nghiệp. Bà Barbara Stephenson, trưởng Hiệp Hội Dịch Vụ Ngoại Giao Hoa Kỳ (AFSA) nói: “Cấp lãnh đạo của ngành đang thiếu hụt ở mức chóng mặt”.

Cựu Ngoại Trưởng Madeleine Albright nói với MSNBC hôm thứ Tư, rằng bà “hết sức khó chịu” về việc thiếu hụt nhân viên trong ngành ngoại giao, “vì rằng quí vị không thể còn là một cường quốc trụ cột trên thế giới một khi không còn một dịch vụ ngoại giao vận hành hữu hiệu”.

Châu Âu
RFI đưa tin: Khủng hoảng trong nội các Anh: Thêm một bộ trưởng từ chức“Bộ trưởng đặc trách Phát triển Quốc tế của chính phủ Anh, bà Priti Patel, đã từ chức tối 08/11/2017, sau khi bị phát hiện đã tiếp xúc với các quan chức Israel mà không thông báo cho thủ tướng Theresa May”.

Về khủng hoảng Catalunya: Tây Ban Nha: Chủ tịch Nghị Viện Catalunya ra tòa. RFI dẫn nguồn AFP cho biết: “Chủ tịch Nghị Viện Catalunya ủng hộ độc lập, bà Carme Forcadell, cùng với 5 nghị sĩ khác, đã đến trình diện tại Tòa Án Tối Cao ở Madrid sáng 09/11/2017”.

--------------------------------------

Bài Mới Nhất
10/11/2017
10/11/2017
10/11/2017
10/11/2017
10/11/2017
10/11/2017
09/11/2017
09/11/2017
09/11/2017
09/11/2017








No comments:

Post a Comment

View My Stats