Tuesday, 17 October 2017

VỚI DONALD TRUMP, THẾ GIỚI LÂM NGUY ? (Minh Anh - RFI)




Minh Anh – RFI
Đăng ngày 17-10-2017 

Thứ Sáu 13/10, tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối công nhận Iran tuân thủ các điều kiện của thỏa thuận hạt nhân Iran. Hai nhật báo lớn của Pháp, Le Figaro và Le Monde (17/10/2017) chỉ trích mạnh mẽ quyết định gây nguy hiểm cho thế giới, cũng như thái độ xem thường đồng minh của tổng thống Mỹ.

Mở đầu bài xã luận, Le Monde nhận định : Hoa Kỳ không giữ lời, đàm phán với Mỹ giờ không còn dễ, và Hoa Kỳ thời Donald Trump không còn đáng tin cậy. Chính sách đối ngoại của Mỹ giờ buộc phải chiều theo tính khí thất thường của một vị tổng thống, trước sau bất nhất, công khai xem thường các đồng minh của mình.

Với việc không công nhận Iran đã tuân thủ các điều kiện đã được ký kết trong thỏa thuận, ông Donald Trump đã phá hỏng các nỗ lực của quốc tế về việc kiểm soát chương trình hạt nhân của Teheran, được ký kết vào ngày 14/07/2015. Nhưng để không bị mất sĩ diện, tổng thống Mỹ đã chuyển hồ sơ này cho Quốc Hội quyết định.

Le Monde cho rằng đây là một quyết định mang tính trẻ con, chỉ vì ông muốn phản đối tất cả những gì người tiền nhiệm Barack Obama đã làm. Hơn bao giờ hết ông đang làm suy yếu đồng thuận đạt được Vienna.

Nếu Quốc Hội Mỹ xem xét lại việc dỡ bỏ lệnh cấm vận có liên quan đến chương trình hạt nhân, điều này tương đương với việc Hoa Kỳ rút ra khỏi thỏa thuận và đương nhiên sẽ đẩy Iran làm điều tương tự. Teheran có thể sẽ quay trở lại với chương trình hạt nhân.

Hơn nữa, việc ông lên án nhà nước Cộng Hòa Hồi Giáo, chỉ trích chính sách đối ngoại bành trướng của Iran ở Trung Đông chỉ có lợi cho những người có chủ trương « cứng rắn » của chế độ Iran, nhất là lực lượng Vệ Binh Cách Mạng, những người vốn dĩ chống lại thỏa thuận này.

Để biện bạch cho những chiến dịch quân sự ở Trung Đông, lực lượng này có thể lấy cớ tự vệ trước lời « tuyên chiến » của Hoa Kỳ. Cấm vận trở lại sẽ còn củng cố hơn nữa đế chế kinh tế mà lực lượng Vệ Binh Cách Mạng đã xây dựng để lẩn lách các lệnh trừng phạt. Sự không nhất quán của Hoa Kỳ giờ đã lên đến cực điểm.

Xã luận của Le Monde còn chỉ trích mạnh mẽ cách xử sự tệ hại của Hoa Kỳ đang làm sứt mẻ tình liên đới giữa các đồng minh. Tổng thống Mỹ công khai coi thường ý kiến của đồng minh châu Âu trong hồ sơ này. Nghiêm trọng hơn nữa, đối với Hoa Kỳ, quyết định này của tổng thống Trump có thể ảnh hưởng đến uy tín của nước Mỹ.

Bởi vì, nếu như vì một lý do gì đó, Bắc Triều Tiên cũng có ý định muốn đàm phán với Mỹ, thì nước này có nguy cơ không tin vào một vị tổng thống vốn dĩ không tôn trọng những cam kết do Washington đưa ra. Bài viết kết luận : « Thế giới ngày nay còn nguy hiểm hơn nữa ».

Donald Trump xem thường quan hệ đa phương

Về phần mình, nhà báo Renaud Girad, trong mục ý kiến của Le Figaro, cho rằng quyết định của ông Trump đã làm tổn hại đến các mối quan hệ đa phương, vốn dĩ đã có những đóng góp tích cực trên nhiều vấn đề địa chính trị.

Một mũi tên trúng ba đích. Thứ nhất là Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu đã có những đóng góp tích cực để đạt đến thỏa thuận phi hạt nhân này. Thứ hai là Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA, cơ quan giám sát chặt chẽ chương trình hạt nhân Iran từ nhiều năm qua. Và cuối cùng là những nước còn lại tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Quyết định này của tổng thống Mỹ tạo ra hai mối lo lớn. Đầu tiên hết, tiếng nói của Hoa Kỳ, cường quốc hàng đầu thế giới giờ không còn giá trị gì nữa. Kế đến, sự việc cho thấy ông Trump đang leo thang chống lại các mối hợp tác đa phương.

Chưa đầy một năm cầm quyền, nhưng tổng thống Donald Trump  đã lần lượt rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP – Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (25/01/2017) ; thỏa thuận khí hậu Paris (01/06/2017) và mới đây nhất là UNESCO (12/10/2017).

Tác giả bài viết đặt câu hỏi : Khi có thái độ khinh rẻ các mối quan hệ hợp tác đa phương, liệu tổng thống Mỹ có nghĩ rằng ông cũng đang khinh miệt chính sách can thiệp lớn của Mỹ ? Phải chăng ông cũng quên rằng chính tổng thống Wilson cũng tham gia vào việc thành lập Hội Quốc Liên, tiền thân của Liên Hiệp Quốc ? Chẳng phải tổng thống Roosevelt được xem như là cha đẻ của Liên Hiệp Quốc ngày nay đó sao ?

Cuối cùng, tác giả nhận định, quyết định của ông Trump cho thấy rõ một nghịch lý lớn của nước Mỹ. Họ muốn rằng ở trong nước, luật lệ của họ phải được tôn trọng, nhưng trên chính trường quốc tế, đôi khi họ tự cho phép mình buông thả quá trớn.

Tập Cận Bình và ám ảnh quyền lực

Nhân Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19, báo Les Echos có bài phân tích của thông tín viên Frédéric Schaeffer tại Bắc Kinh : « Tập Cận Bình hay nỗi ám ảnh quyền lực tuyệt đối ».

Theo tờ báo, chưa bao giờ, kể từ thời Đặng Tiểu Bình, thậm chí từ thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc lại có một vị lãnh đạo có quyền lực lớn đến như vậy. Cách nay một năm, chủ tịch Trung Quốc đã tự cho mình danh hiệu là « trung tâm » của Đảng, một danh hiệu mà những người tiền nhiệm không hề có.

Sau khi bố trí sắp xếp những những người thân cận vào bộ Chính  Trị, ông Tập Cận Bình nhân Đại hội Đảng lần thứ 19, khai mạc vào ngày mai, 18/10, tranh thủ cơ hội để củng cố vững chắc thêm vị trí và thế lực của mình, khi bước sang nhiệm kỳ thứ hai.

Báo Les Echos điểm lại những động thái của ông Tập để củng cố quyền lực. Sau khi giữ các chức chủ tịch nước, tổng bí thư Đảng, tổng tư lệnh quân đội, ông Tập giành quyền chỉ đạo các định chế và ủy ban chịu trách nhiệm thực hiện chính sách do ông đề ra, như cải cách kinh tế, an ninh nội địa. Đồng thời, ông bố trí các nhân vật thân cận vào trong các định chế này, bảo đảm thực hiện nguyên tắc lãnh đạo tập thể, mà Đặng Tiểu  Bình đã áp đặt và tránh được những sai lầm dưới thời Mao Trạch Đông.

Về đối nội, nhân danh cuộc chiến chống tham nhũng, ông Tập đã tiến hành một cuộc thanh trừng chính trị và kinh tế trên phạm vi toàn quốc.

Về đối ngoại, lãnh đạo họ Tập đã gạt bỏ nguyên tắc mà Đặng Tiểu Bình đề ra, theo đó, Trung Quốc cần ẩn mình chờ thời. Với Tập Cận Bình, khẩu hiệu là « sự hồi sinh một nước Trung Hoa», thực hiện « giấc mơ Trung Hoa », với một loạt các dự án lớn ở nước ngoài mang tính chiến lược như « Con đường tơ lụa mới ».

Tiến trình củng cố quyền lực của Tập Cận Bình và định hướng chính trị tư tưởng lại càng được đẩy mạnh trong thời gian trước Đại hội Đảng lần thứ 19. Ít có khả năng phe cánh của ông Tập buông lơi sức ép, thanh trừng, nhất là sau khi đã bố trí được những người thân cận vào các vị trí chủ chốt trong Đảng và chính quyền.

Vậy tiến trình này liệu sẽ cho phép Tập Cận Bình tạo dấu ấn một cách lâu dài trong lĩnh vực tư tưởng và thực hiện cải cách sâu rộng đất nước Trung Hoa rộng lớn hay không ? Theo Les Echos, cho dù ông Tập đã làm xong nhiệm kỳ đầu và chuẩn bị tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai, nhưng câu hỏi này vẫn chưa hề có lời đáp.

RSF : Trung Quốc muốn áp đặt kiểm duyệt báo chí cả thế giới

Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhưng trong lĩnh vực truyền thông. Báo Le Monde đăng bài viết của Christophe Deloire, tổng thư ký hiệp hội Phóng Viên Không Biên Giới RSF, cảnh báo Bắc Kinh muốn thiết lập « một trật tự thế giới mới trong ngành truyền thông ».

Kiểm soát thông tin trong nước chưa phải là mục tiêu duy nhất của đảng Cộng Sản. Ông Lý Tòng Quân (Li Congjun), chủ tịch hãng thông tấn Tân Hoa Xã ngay từ năm 2011 đã nêu rõ, Trung Quốc đặt mục tiêu « thiết lập một trật tự thế giới mới của ngành truyền thông ».

Vị lãnh đạo cao cấp ngành truyền thông này chỉ trích trật tự thế giới hiện nay là lỗi thời. Thông tin chỉ đi một chiều « từ tây sang đông, từ bắc xuống nam, và từ nước phát triển sang các nước đang phát triển ». Theo ông, truyền thông thế giới nên là một lực lượng tích cực xúc tiến tiến bộ xã hội. Một sự tiến bộ đương nhiên phải mang đậm « tính chất Trung Hoa ».

Do vậy, từ năm 2009, Trung Quốc bắt đầu quảng bá các chương trình và mô hình truyền thông của mình ra thế giới như tổ chức các hội nghị quốc tế (World Media Summit, Hội Nghị Quốc tế về Internet) và thậm chí muốn tranh cử vị trí tổng giám đốc UNESCO, phụ trách vấn đề báo chí.

Tăng cường hợp tác đào tạo truyền thông, mời gọi phóng viên các nước (châu Phi, châu Mỹ La tinh, châu Á và Úc) đến « học hỏi tinh thần phê phán » ở Bắc Kinh ; gia tăng áp lực lên những tạp chí khoa học có uy tín yêu cầu hủy những bài đăng nào không làm hài lòng Bắc Kinh và nhất là hạn chế số phóng viên cũng như là các kênh truyền hình hoạt động trong nước.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn tìm cách bành trướng truyền thông của mình ra bên ngoài như dự định tăng thêm số văn phòng đại diện của Tân Hoa Xã, mở thêm nhiều kênh truyền hình CGTN của mình bằng nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ả Rập và Nga…

Cuối cùng, điều đáng lo nhất là Trung Quốc còn xuất khẩu cả công cụ kiểm duyệt và giám sát của mình. Các nội dung « nhạy cảm » theo chuẩn mực của Bắc Kinh đều bị sàng lọc. Nói tóm lại, trong mọi lĩnh vực của ngành thông tin, Trung Quốc đang tìm cách áp đặt mô hình của mình lên thế giới.

Bài viết cảnh báo nếu các quốc gia dân chủ không kháng cự, không những Trung Quốc không bao giờ thiết lập tự do báo chí, mà nước này còn sẽ dần áp đặt mô hình của mình lên cả thế giới. Do đó, tốt hơn hết là nên « thay đổi Trung Quốc trước khi nước này làm chúng ta thay đổi », như tựa đề bài viết.

Trang nhất các báo Pháp

Đề tài trang nhất các báo Pháp khá đa dạng. Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến chương trình giảm thuế của nhà nước có tác động ra sao đến ngân sách. Le Monde thì nhắc lại câu nói của tổng thống Pháp Emmanuel Macron « Tôi ở đây là để biến đổi đất nước ».
Le Figaro ngoài hàng tựa « Ngân sách 2018, hồi II chương trình ‘biến đổi’ của Macron », còn chúy ý đến « Sóng hấp dẫn : cú va chạm giữa hai ngôi sao là nguồn gốc của một khám phá quan trọng ».

Libération đặc biệt quan tâm đến vụ tai tiếng tấn công tình dục ở Hollywood. Trên nền ảnh, một bàn tay nam giới đang tìm cách chạm vào vai của một phụ nữ tờ báo nặng nề chạy tựa « Quấy rối, hãm hiếp, xâm hại : Dê ‘xồm’ bị thui » (tạm dịch từ tít : Porcs sur le Gril).
Nhật báo thiên tả còn dành 4 trang báo lớn nói về « Sự ra đời của phong trào tố cáo những kẻ sàm sỡ », cũng như là tố cáo tệ nạn quấy rối hiện hữu trong mọi lĩnh vực, không chỉ trong ngành giải trí.

La Croix có bài phóng sự của đặc phái viên, cho biết cảm nhận về cuộc sống thường nhật của người dân Bắc Triều Tiên dưới lệnh trừng phạt của quốc tế trong « Mười ngày xuyên Bắc Triều Tiên ».







No comments:

Post a Comment

View My Stats