Friday, 6 October 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ NĂM 5/10/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
Ông Trump sẽ thu hồi thỏa thuận với Iran

Tổng thống Donald Trump có phần chắc sẽ thu hồi thỏa thuận hạt nhân với Iran và đưa trả lại Quốc hội để có thể có các chế tài mới, các giới chức cao cấp cho hay ngày 5/10.
Theo dự kiến, Tổng thống Trump sẽ loan báo kế hoạch trong bài diễn văn tuần tới mà qua đó ông sẽ nhấn mạnh rằng thỏa thuận đã đạt không phục vụ cho lợi ích quốc gia Hoa Kỳ.
Hành động này không có nghĩa là hủy bỏ thỏa thuận 2015 mà thay vào đó đưa trả về Quốc hội. Các nhà lập pháp có 60 ngày để quyết định có tái áp đặt các chế tài bị đình chỉ theo thỏa thuận này hay không.
Thu hồi thỏa thuận cũng mở ngỏ cho việc thương thuyết lại thỏa thuận với Iran, dù Tổng thống Iran, Hassan Rouhani, đã tuyên bố không đồng ý chuyện đó.
Tổng thống Trump cứ 90 ngày phải loan báo một lần rằng Iran có tuân thủ thỏa thuận hay không. Thời hạn sắp tới là ngày 15/10.
Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Sarah Huckabee Sanders, ngày 5/10 không cho biết thêm về dự định của Tổng thống, chỉ nói rằng ông Trump sẽ ‘loan báo về quyết định đưa ra đối với một chiến lược toàn diện mà toán nhân sự của ông ủng hộ’ trong vài ngày tới.
Iran ký thỏa thuận vừa kể với chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama năm 2015, cùng với Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, và Nga.
Thỏa thuận chủ yếu kêu gọi Iran kìm chế chương trình làm giàu uranium để không thể tạo bom hạt nhân. Đổi lại, Mỹ và các đồng minh sẽ dỡ bỏ nhiều biện pháp trừng phạt ảnh hưởng tới nền kinh tế Iran.
Iran tới nay vẫn tuân thủ thỏa thuận, nhưng Tòa Bạch Ốc tố cáo Iran vi phạm ‘tinh thần’ của thỏa ước.
Tổng thống Trump mạnh mẽ chỉ trích thỏa thuận này là một chiều, Iran toàn hưởng lợi. - VOA
|
|
2.
Mỹ: Xáo trộn ở Myanmar có thể mở đường cho khủng bố quốc tế

Cuộc đàn áp của quân đội Myanmar khiến nửa triệu người Hồi giáo Rohingya chạy lánh nạn sang Bangladesh có thể gây bất ổn khu vực và mời gọi khủng bố quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo ngày 5/10.
Tuy nhiên, giới chức cao cấp phụ trách Đông Nam Á trong Bộ Ngoại giao, ông Patrick Murphy, không nêu rõ liệu chính quyền Mỹ có ban hành các biện pháp chế tài nhắm vào quân đội Myanmar hay không.
Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, ông Murphy nói cần quy trách các lực lượng an ninh vì đáp ứng bất xứng đối với các cuộc tấn công của các thành phần nổi dậy Rohingya cách đây 6 tuần.
Vẫn theo lời ông Murphy, ngoài nửa triệu người chạy sang Bangladesh, ước tính có 200 ngàn người bị thất tán tại bang Rakhine. Dù chính phủ Myanmar đảm bảo là các chiến dịch an ninh đã ngưng 1 tháng trước, vẫn có báo cáo về các cuộc tấn công đốt phá nhà cửa của người Rohingya và ngăn trở hỗ trợ nhân đạo, ông nói.
Ông Murphy nhận định nền dân chủ Myanmar đã có bước ngoặt nhưng đáp ứng nặng tay trong vụ này sẽ mời gọi khủng bố quốc tế và gây khó khăn cho các nước láng giềng.
Giới chức này cho biết Mỹ đã thảo luận tình hình với các nước ở Đông Nam Á, nơi mà Philippines và các nước có đa số dân theo Hồi giáo như Malaysia và Indonesia đã đối mặt với các cuộc tấn công khủng bố và bạo động cực đoan.
Ông Murphy cho hay chính phủ Mỹ đang thăm dò mọi phương án có thể để tạo ảnh hưởng thay đổi. Hoa Kỳ đã có các giới hạn đáng kể đối với quân đội Myanmar và rất hiếm khi cấp visa cho các thành viên quân đội hay thân nhân của họ. - VOA
|
|
3.
Campuchia thu hồi quyền công dân 70.000 người, đa số gốc Việt --- Lãnh đạo đối lập Campuchia muốn 'chế tài lên Hun Sen'

Bộ Nội vụ Campuchia đang xúc tiến kế hoạch thu hồi giấy tờ tùy thân của gần 70.000 người, đa phần là gốc Việt, đang sinh sống tại Campuchia.
Tờ Phnom Pehnh Post dẫn lời chính quyền tại Phnom Penh nói rằng giấy tờ về quyền công dân của những người này "không đúng quy định," và dưa vào đó, nhóm “người di dân” này đã được cấp quốc tịch một cách nhầm lẫn.
Trong một cuộc họp hôm 4/10, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng nói:
"Có người nước ngoài sở hữu giấy tờ không hợp pháp, giấy tờ được cấp không đúng với quy định."
Ông Kheng giải thích là do thiếu chính sách đồng bộ trên cả nước về vấn đề này. ông nói thêm:
“Đây là do vấn đề quốc gia, chứ không phải do một cá nhân nào. Do dó, chúng ta cần phải xử lý vấn đề này.”
Tuy nhiên, trong một bài báo mang tựa đề “Người nước ngoài cư trú bất hợp pháp bị nhắm mục tiêu,” tờ Khmer Times trích lời bộ trưởng nội vụ Sar Kheng, dọa rằng sẽ dùng hành động pháp lý để buộc tội những viên chức đã cấp giấy tờ không đúng quy định.
Ông Kheng phát biểu như vậy trong lúc đang chủ trì một buổi họp tại Bộ Nội vụ, trong đó ông loan báo kế hoạch thu hồi các giấy tờ sai qui định.
Ông Sok Phal, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập cảnh, nói rằng các giới chức vi phạm sẽ bị "trừng phạt" và rằng tiểu nghị định có liên quan sẽ được thực hiện trong những tháng tới.
Ông Phal nói thêm: "Người sở hữu loại giấy tờ này cũng phải chịu trách nhiệm, nhưng nếu chúng tôi bắt tất cả những người này, thì sẽ không có đủ nhà tù để tống họ vào."
Ông Phal nói có khoảng 70.000 người được cấp giấy tờ công dân bất hợp pháp.
Vụ trưởng Vụ Xuất nhập cảnh Campuchia thừa nhận rằng hầu hết những người vi phạm là người gốc Việt sinh ra ở Campuchia, và không có quốc tịch nào khác.
Ông Phal cho biết một tiểu nghị định đã được thông qua vào tháng 8, cho phép chính quyền hủy bỏ các giấy tờ như chứng minh nhân dân và hộ chiếu, và như thế, chính thức thu hồi quyền công dân của hàng ngàn người.
Ông Phal nói:
"Chúng tôi không xóa bỏ quyền công dân của họ, họ là người Việt Nam. Chúng tôi chỉ thu hồi giấy tờ do Campuchia cấp."
Ông Phal nói với tờ Phnom Penh Post rằng những đối tượng này sẽ bị liệt vào thành phần nhập cư bất hợp pháp, nhưng trấn an rằng họ sẽ không bị buộc phải rời lãnh thổ Campuchia bằng bạo lực.
Tuy nhiên, tờ Khmer Times trích lời ông Phal nói rằng những người sở hữu các loại giấy không đúng qui định, sẽ bị trục xuất trong tương lai.
Chỉ ở riêng ở thủ đô Phnom Penh, Bộ Nội vụ đã xác định được 7.501 trường hợp giấy khai sinh không chính xác, và 305 hộ chiếu bị lỗi.
Ông Phal nói:
"Chúng tôi không có chính sách như Lon Nol hay Pol Pot, dùng vũ lực buộc người ta di tản hoặc giết người... Họ có thể hồi hương về lại quốc gia của họ. Mặt khác, vì họ đã sống ở đây lâu rồi, thì họ có thể nộp đơn lên cơ quan chức năng để xác định xem mình có quy chế nhập cư hay không."
Ông Phal cho biết, 70.000 người này là người gốc Việt Nam, Lào, Trung Quốc, Thái Lan và Bangladesh, nhưng phần lớn là người Việt.
Gần đây chính phủ Campuchia đã tăng cường thực thi luật nhập cư, đàn áp người không có giấy tờ, thị thực và giấy phép lao động hợp lệ.

Ông San Chey, giám đốc điều hành Mạng lưới trách nhiệm Xã hội Campuchia, nói với tờ Khmer Times rằng người nước ngoài không có giấy tờ hợp lệ không tôn trọng pháp luật Campuchia, và là mối đe doạ đối với xã hội.
Ông Chey nói:
"Tôi kêu gọi chính quyền tịch thu đất đai do bất kỳ người nước ngoài dùng giấy tờ không hợp lệ mua trước đây. Chúng ta cũng phải trục xuất họ ra khỏi Campuchia."
Ông Chey hối thúc ông Kheng tiến hành thực hiện lời cảnh cáo sẽ trừng phạt các giới chức cấp giấy tờ không đúng quy định.
Báo Phnom Phenh Post nhận định rằng tư tưởng bài Việt Nam vẫn luôn ngấm ngầm trên chính trường và trong xã hội Campuchia.
Cựu Thủ tướng Lon Nol cầm quyền khi xảy ra các vụ thảm sát người gốc Việt. Các lãnh tụ Khmer Đỏ còn sống đang bị xét xử về tội diệt chủng đối với người Việt.
Trong khi đó, Đảng Cứu Quốc Campuchia, đảng đối lập, trong quá khứ thường dùng những lập luận đả kích người Việt, để kích động các ủng hộ viên.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đặc trách châu Á, nói chính sách này, nếu được xúc tiến, "vi phạm nghiêm trọng các quyền con người."
Trong một email gửi cho tờ Phnom Penh Post, ông Robertson viết:
"Một kế hoạch như vậy sẽ là một sự vi phạm trắng trợn Công ước LHQ năm 1954 về Người Không quốc tịch, bởi vì những người này không có nơi nào khác để đòi quyền công dân. Tôi có thể bảo đảm rằng làm như vậy sẽ khiến tình trạng buôn người ở Campuchia trở nên tồi tệ hơn nhiều." - VOA

***
Mu Sochua, một trong những chính trị gia nổi tiếng nhất của Campuchia và là phó chủ tịch của đảng Cứu hộ Quốc gia Campuchia (CNRP), đã phải trốn chạy lưu vong. 
Trả lời nhà báo Jonathan Head của BBC tại một địa điểm không được tiết lộ ở Bangkok, bà Mu Sochua nói: "Tôi không còn cảm thấy an toàn. Điều tôi sợ là bị bắt và bị giữ im lặng, bị bỏ tù, và để bị xét xử qua những phiên tòa trá hình kéo dài từ tháng này sang tháng khác."
Bà vừa trốn chạy khỏi Campuchia sau khi có nguồn thân cận trong chính phủ cho biết họ lên kế hoạch bắt giữ bà vào cuối tuần này.
"Chúng tôi không có nhiều tháng để lãng phí. Các cuộc bầu cử ở Campuchia dự kiến sẽ diễn ra vào 29/7 năm 2018. Vì vậy tôi muốn lên tiếng."
Tháng trước, lãnh đạo Đảng, nhà vận động nhân quyền kỳ cựu Kem Sokha, đã bị bắt giữ tại gia bởi 200 cảnh sát và bị cáo buộc tội phản quốc. Tuần trước, Thủ tướng Hun Sen nói những người khác cũng sẽ bị bắt với cùng tội danh.
Chính phủ Campuchia vừa thông qua một đạo luật mới nới rộng quyền hạn để giải thể các đảng phái chính trị nếu lãnh đạo của các đảng này đối mặt với cáo buộc hình sự, vốn rất có thể xảy ra đối với CNRP.
Bà lập luận rằng cần phải có các biện pháp chế tài nhắm vào Hun Sen và nhóm thân cận của ông ngay lập tức, và từ chối cấp thị thực vào các nước phương Tây để họ không thể tự do thăm nom gia tài bất động sản họ sở hữu và để con và cháu của họ được giáo dục ở đó.
Khi đối mặt với những cáo buộc về việc đàn áp dân chủ, Thủ tướng Hun Sen gạt đi và nói rằng đó là những âm mưu của thế lực bên ngoài. Tháng trước, chính phủ Campuchia cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào công việc nội bộ của nước này sau khi bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc bắt giữ Kem Sokha - một cáo buộc mà Mỹ cho là vô lý.
Tuy nhiên, Bắc Kinh nói ủng hộ Phnom Penh trong nỗ lực "bảo vệ an ninh và ổn định quốc gia."
"Cộng đồng quốc tế đã đầu tư hàng tỷ đô la vào việc phát triển Campuchia và biến nó thành một quốc gia dân chủ, nếu họ tiếp tục đổ đôla vào Campuchia, thì sẽ chỉ giúp Hun Sen hưởng thụ thêm 10 năm nữa. Đó không phải là viện trợ chất lượng," bà Mu Sochua nói.
"Trung Quốc có thể cho ông ta số tiền mà ông ta cần", bà nói, ám chỉ đến ảnh hưởng của Trung Quốc khi Bắc Kinh là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Campuchia, "nhưng Trung Quốc không thể cho ông ta tính chính danh mà ông ta nhận được từ các chính phủ dân chủ."
Việc sách nhiễu các nhân vật đối lập không phải là điều mới mẻ ở Campuchia. Kể từ khi đất nước thoát khỏi hàng thập kỷ chiến tranh và trải qua một cuộc cách mạng lớn vào đầu thập niên 90 và mới thiết lập một nền dân chủ mới, các tổ chức nhân quyền đã liệt kệ được hàng loạt các vụ tấn công vào các nhà hoạt động chính trị và nhân quyền.
Một số đã bị xét xử ở các phiên tòa trá hình, tham nhũng khét tiếng của Campuchia, một số khác thì đã bị tấn công bạo lực.
Một cuộc thăm dò gần đây do CPP tiến hành, nhưng kết quả bị rò rỉ với phe đối lập, dự đoán rằng CPP sẽ thất bại trước CNRP trong cuộc bầu cử năm sau.
Vào tháng Tám, chính phủ đã cho ngừng một số đài phát thanh do Mỹ tài trợ như Đài Á Châu Tự do (RFA) và Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Sau đó, ép buộc tờ Campuchia Daily, một tờ báo độc lập bằng tiếng Anh, phải trả một hóa đơn thuế trị giá 6,3 triệu đôla hoặc phải đóng cửa.
Mọi nghi ngờ gần như đều đổ dồn về Hun Sen - vị lãnh đạo đanh thép đã cai trị đất nước này từ năm 1985 - hoặc những kẻ thân cận ông ta.
Chưa có một ai đứng ra chịu trách nhiệm về các vụ giết người mang yếu tố chính trị. Vụ việc gần đây nhất là Kem Ley, một nhà phê bình gay gắt về Hun Sen đã bị bắn chết hồi tháng Bảy năm ngoái.
Tuy nhiên, một hệ thống dân chủ thô sơ nhưng vẫn hoạt động cùng với một nền báo chí tương đối tự do đã tồn tại được 25 năm qua với các cuộc bầu cử địa phương và quốc gia 5 năm một lần.
Vẫn có đủ không gian cho các quan điểm chỉ trích để ghi nhận sự phẫn nộ của công chúng về tình trạng tham nhũng, tàn phá môi trường và khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa. Nhưng điều này có thể không còn tồn tại lâu nữa.
Trong cuộc tổng tuyển cử cuối cùng vào năm 2013, Đảng CNRP, khi đó là một phong trào mới được kết hợp bởi hai đảng đối lập cũ, gần như lật đổ Đảng Nhân dân Campuchia của Hun Sen (CPP).
Phe đối lập cáo buộc chính phủ gian lận và bắt đầu một loạt các cuộc diễu hành đường phố ở thủ đô Phnom Penh, nhưng sau bốn tháng thì bị các lực lượng an ninh đàn áp.
Dân số cũng thay đổi đã tạo ra một số lượng cử tri trẻ hơn và có trình độ học vấn cao, và hiểu biết hơn nhờ mạng xã hội, không còn lo sợ trước những lời đe dọa của Hun Sen nếu đảng của ông ta bị lật đổ.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong thập kỷ qua đã biến đổi Phnom Penh nhưng lại lãng quên những phần còn lại của đất nước, và làm cho Hun Sen và người thân cận của ông ta giàu có một cách lố bịch.
Mu Sochua thừa nhận rằng các biện pháp trừng phạt không phải là điều mà hầu hết các quốc gia muốn nghe, nhưng bà cho rằng hành động đó hiện nay là cần thiết để bảo vệ những gì còn sót lại của nền dân chủ Campuchia.
"Chúng tôi chỉ còn ít hơn 10 tháng nữa. Cộng đồng quốc tế có thể gây áp lực với Hun Sen. Cộng đồng quốc tế cần phải nói rõ rằng chính phủ kế nhiệm, nếu nó không được hình thành từ cuộc bầu cử tự do và công bằng, thì sẽ không được công nhận," bà Mu Sochua nói.
"Trốn chạy khỏi đất nước chưa bao giờ là một phần trong kế hoạch của tôi," Mu Sochua nói.
"Đó là một sự lựa chọn mà tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ phải làm. Đây là một sự lựa chọn rất đau đớn." - BBC
|
|
4.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt nhân viên tòa lãnh sự Mỹ

Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một nhân viên tòa lãnh sự Mỹ tại Istanbul với cáo buộc có liên hệ tới một phong trào của giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ, truyền thông nhà nước loan tin. Tòa Đại sứ Mỹ ngày 5/10 nói cáo buộc này vô căn cứ.
Hãng tin Anadolu nói nhân viên làm cho lãnh sự quán Mỹ mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ, có trát bắt của tòa tối ngày 4/10 về tội danh gián điệp, âm mưu phá vỡ trật tự hiến pháp và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Người này bị tố cáo có liên hệ với một cựu công tố viên và 4 nguyên cảnh sát trưởng đang bị truy tố vì đứng đầu một cuộc điều tra tham nhũng vào năm 2013 mà chính quyền nói là do phong trào của giáo sĩ Gulen dàn dựng nhằm lật đổ chính quyền.
Ông Gulen cũng bị cáo buộc chủ mưu cuộc lật đổ bất thành hồi năm ngoái, những tố cáo mà ông nhất mực bác bỏ.
Khoảng 50 ngàn người bị bắt và hơn 110 ngàn công chức chính phủ bị sa thải trong cuộc trấn áp sau vụ lật đổ.
Đại sứ quán Mỹ nói họ hết sức quan ngại về vụ bắt giữ nhân viên tòa lãnh sự ở Istanbul.
“Các cáo giác vô căn cứ, nặc danh chống lại nhân viên của chúng tôi làm mất giá trị mối quan hệ đối tác lâu nay” giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ, thông cáo đại sứ quán viết.
Vụ việc diễn ra sau khi một tòa án Mỹ quyết định buộc tội 19 người, trong đó có 15 nhân viên an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, vì tấn công người biểu tình ôn hòa bên ngoài tư gia đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington nhân chuyến công du của Tổng thống Recep Erdogan. Ông Erdogan gọi quyết định của tòa án là ‘một vụ bê bối.’ - VOA
|
|
5.
Tình báo Mỹ: Kim Jong Un là người có tính toán --- Vụ ám sát Kim Jong Nam: Phát hiện chất độc VX trên người Đoàn Thị Hương

Dù lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un nhiều lần khiêu khích và sẵn sàng khẩu chiến, các giới chức tình báo Mỹ nói ông ta không điên rồ.
“Kim Jong Un là một người rất tính toán,” Phó trợ lý Giám đốc Trung tâm về các vấn đề Triều Tiên thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) khẳng định ngày 4/10.
“Ngoài vấn đề khẩu chiến và huênh hoang, Kim Jong Un không muốn đối đầu cùng một lúc với lực lượng Hoa Kỳ và Hàn Quốc,” ông Yong Suk Lee phát biểu tại một hội nghị tình báo do CIA bảo trợ tại Washington.
“Kim Jong Un muốn điều mà tất cả các nhà cai trị chuyên chế đều muốn…đó là cai trị lâu dài và chết bình yên trên giường,” ông Lee nói.
Đánh giá của tình báo có vẻ như trái ngược với những lời nói được Tổng thống Donald Trump sử dụng.
Trong một loạt tin nhắn trên Twitter, ông Trump đã gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên là “Ông Rocket tí hon,” và trong một Twitter khác vào tháng trước, ông Trump gọi ông Kim “rõ ràng là một gã khùng.”
Tuy nhiên ông Lee và các giới chức CIA khác tin là có một “mục đích rõ rệt” về cách thức nhà lãnh đạo Triều Tiên hành xử trên sân khấu thế giới.
Những người này nói, mục đích của Bình Nhưỡng là được công nhận là một cường quốc hạt nhân chính và cuối cùng sẽ thương thuyết về một thỏa thuận với Hoa Kỳ về việc lực lượng Mỹ rời khỏi bán đảo Triều Tiên.
Các giới chức tình báo xem những cuộc thử nghiệm hạt nhân và phi đạn liên tục của Triều Tiên như là một phương cách để tạo một chỗ đứng và cho Bình Nhưỡng không gian để hoạt động giữa lúc nước này theo đuổi những mục tiêu trên bán đảo.
“Hắn ta muốn chúng ta ra khỏi sàn thử nghiệm của hắn,” ông Lee nói và phỏng đoán sẽ có một cuộc thử nghiệm khác hay khiêu khích xảy ra sớm nhất là vào ngày 9 tháng 10 đánh dấu ngày thành lập đảng cầm quyền, trùng hợp với Ngày Columbus ở Mỹ.
Các giới chức lo ngại về những nguy cơ tính toán sai lầm của Bình Nhưỡng.
Nhưng cựu đặc sứ Mỹ tại các cuộc đám phán 6 bên với Triều Tiên, ông Joseph Detrani, nói “Họ không tự sát.” Ông Detrani cảnh báo là Bình Nhưỡng đang chơi một trò chơi nguy hiểm, đặc biệt vào lúc Tòa Bạch Ốc bác bỏ mọi cuộc thương thuyết có ý nghĩa với chế độ Triều Tiên.
“Chúng ta có thể lâm vào cuộc xung đột,” ông Detrani nói. “Họ nghe Tổng thống Hoa Kỳ rõ ràng qua Twitter, nên việc này phải có một ảnh hưởng rõ rệt.”
Cũng có những nghi vấn về vai trò Trung Quốc trong việc này.
“Chính Trung Quốc cũng đang quan tâm về sự bất ổn định tại biên giới nước này, nhưng đồng thời cũng đang nỗ lực thiết lập một mối quan hệ bền vững với Hoa Kỳ,” Phó trợ lý Giám đốc CIA Michael Collins nói.
“Trung Quốc có thể làm được nhiều việc,” ông Collins nói. “Nhưng ảnh hưởng gì đến việc tính toán của Kim Jong Un lại là một vấn đề khác.”
Các giới chức cũng nói những nỗ lực của Hoa Kỳ làm việc với Trung Quốc bị cản trở vì chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh. Chiến lược này nhằm làm cho Hoa Kỳ giận giữ và hạn chế ảnh hưởng của Washington trong những lãnh vực mà hai nước không đối đầu trực tiếp.
Có một số chỉ dấu cho thấy ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Kim Jong Un bị hạn chế.
“Ông ta không sợ bị Trung Quốc bỏ rơi. Ông ta không sợ một cuộc tấn công của Hoa Kỳ,” ông Lee từ Trung tâm về các vấn đề Triều Tiên thuộc CIA nhận định. - VOA

***
Phiên tòa xử hai nghi phạm trong vụ ám sát Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un bước sang ngày thứ tư. Ngày 05/10/2017, một chuyên gia về hóa học khẳng định trước tòa án Shah Alam, Malaysia, đã tìm thấy dấu vết chất độc thần kinh VX trên áo của bị cáo Siti Aisyah, người Indonesia, trên áo và móng tay của nghi phạm người Việt Nam, Đoàn Thị Hương.
Phát biểu trước tòa với tư cách là một nhân chứng, đại diện cho cơ quan điều tra của Malaysia, chuyên gia về hóa chất Raja Subramaniam nói rõ, hóa chất có độc tính cao này đã được "phát hiện trên áo T-shirt của Siti Aisyah". Còn đối với bị cáo người Việt, Đoàn Thị Hương, nhân viên làm việc cho chính phủ Malaysia này giải thích là ngay sau vụ tấn công ông Kim Jong Nam hôm 13/02/2017 ở phi trường Kuala Kumpur, các nhà điều tra đã tìm thấy chất độc VX tinh chất trên áo thun của cô Hương. Ngoài ra, một số dấu vết chất độc cũng đã được tìm thấy trên móng tay của nghi can người Việt này.
Hãng tin AFP nhắc lại, những hình ảnh do camera của sân bay quốc tế Kuala Lumpur hôm 13/02/2017 ghi lại cho thấy hai phụ nữ đã tiến gần tới Kim Jong Nam từ phía sau lưng ông ta, rồi xịt một "loại chất lỏng" vào mặt nạn nhân. Cả hai đã bị bắt giữ sau đó. Cho tới nay, Siti Aisyah và Đoàn Thị Hương vẫn một mực bác bỏ cáo buộc ám sát anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Nếu tư pháp Malaysia chứng minh được trách nhiệm của hai bị cáo này, họ có thể bị tử hình.
Luật sư bào chữa cho Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah quả quyết : thủ phạm vụ ám sát ông Kim Jong Nam là những "người Bắc Triều Tiên đã trốn khỏi Malaysia". - RFI
|
|
6.
Tòa hoãn phiên họp nghị viện Catalonia

Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đình chỉ cuộc họp của nghị viện Catalonia vào thứ Hai tới nhằm ngăn chặn ý định ly khai
Đại diện tòa án cho biết động thái đòi độc lập là "vi phạm hiến pháp".
Trước đó, Thủ tướng Mariano Rajoy đã cảnh báo chính phủ địa phương Catalonia ngừng tuyên bố độc lập sau khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân gây tranh cãi hôm Chủ nhật.
Lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont cho biết ông có thể sẽ tuyên bố độc lập vào cuộc họp tuần sau.
Quyết định mà tòa án đưa ra hôm thứ Năm ủng hộ lá đơn của Đảng Xã hội Catalonia, vốn phản đối việc ly khai khỏi Tây Ban Nha.
Một quyết định trước đó đã được tòa án đưa ra để ngăn chặn cuộc trưng cầu ý dân hôm Chủ nhật đã bị các lãnh đạo Catalonia phớt lờ.
Chính phủ Tây Ban Nha nói rằng sẽ không chấp nhận "lời đe dọa" sau khi lãnh đạo Catalonia cho biết họ sẽ tuyên bố độc lập vào tuần sau.
Carles Puigdemont cần quay lại theo luật pháp trước khi diễn ra bất kì cuộc đàm phán nào, chính phủ Madrid tuyên bố trong một công văn (bằng tiếng Tây Ban Nha).
Những lời chỉ trích của Puigdemont về nhà vua cho thấy ông đã "đi quá xa khỏi thực tế", văn bản này bổ sung.
Giới chức Catalonia cho biết 90% số người tham gia bỏ phiếu tại cuộc trưng cầu ý dân gây tranh cãi hôm chủ nhật vừa qua lựa chọn quyền độc lập.
Các nhà tổ chức cho biết có 42% tổng số cử tri đã đi bầu, tương đương với 2,2 triệu người. Nhưng có những tin nói xảy ra gian lận.
Bạo lực đã xảy ra tại các điểm bỏ phiếu khi cảnh sát tịch thu các thùng phiếu và giải tán cử tri đi bầu.
Vua Felipe VI phát biểu trên truyền hình vào tối thứ ba, cho rằng cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm chủ nhật là hành động phạm pháp và thiếu dân chủ.
Ông Puigdemont công kích nhà vua khi cho rằng ông đang "cố ý phớt lờ hàng triệu người dân Catalonia" và cáo buộc nhà vua chỉ giải quyết vụ việc theo quan điểm của chính phủ Tây Ban Nha.
"Thời điểm này chúng ta cần hòa giải," ông nói trên truyền hình hôm thứ Tư và cho rằng nhà vua đã bác bỏ vai trò làm người hòa giải được nêu trong Hiến pháp Tây Ban Nha.
Ông Puigdemont cho biết ông sẽ tuyên bố độc lập "vào cuối tuần này hoặc đầu tuần sau".
Chính phủ Catalonia nói sẽ có một cuộc họp chính phủ đặc biệt diễn ra vào thứ Hai tới để bàn bạc về kết quả của cuộc trưng cầu ý dân gây tranh cãi.
Trong một diễn văn tối thứ Tư, ông Puigdemont không đưa ra thêm thông tin gì về việc tuyên bố độc lập.

Những diễn biến xảy ra hôm Chủ nhật
Gần 900 người bị thương do cảnh sát sử dụng vũ lực để thi hành lệnh ngăn chặn cuộc bỏ phiếu của tòa án Tây Ban Nha. Sự kiện này được chính phủ cho là bất hợp pháp.
Nhiều người đã chứng kiến cảnh sát bắn đạn cao su, lao như vũ bão vào các điểm bầu cử và túm tóc nhiều phụ nữ.
Cơ quan y tế địa phương cho biết cũng có tới 33 cảnh sát đã bị thương.
Bị sốc bởi những gì được tận mắt chứng kiến, hàng trăm ngàn người dân Catalonia đã tham gia biểu tình hôm thứ Ba. Một cuộc đình công cũng đã được kêu gọi tổ chức nhằm phản đối "sự vi phạm nhân quyền và tự do" được chứng kiến tại buổi bỏ phiếu.
"Cuộc chiến vương quyền" của lãnh đạo Catalonia- phân tích của Patrick Jackson, BBC News, Girona
Rất hiếm khi xảy ra sự công kích đối với quân vương Tây Ban Nha nhưng bản thân vua Felipe, biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, hiếm khi nhắc đến vương quốc trên truyền hình, khiến ông Puigdemont lên tiếng.
Tại một quán bar ở quê hương của nhà lãnh đạo Catalonia, người dân đã vỗ tay, chung vui với lãnh đạo của họ và mừng vì lời kêu gọi hòa giải của ông, và họ đùa về bộ phim truyền hình Trò chơi Vương quyền (Game of Thrones).
"Chúng ta cần một vị vua như Jon Snow, người luôn cố gắng giữ vững đoàn kết dân tộc và luôn ở bên người dân," một phụ nữ cười lớn và cho biết. Những người này xem Thủ tướng Mariano Rajoy là Vua Bóng đêm (Night King) trong phim, cầu mong cho một mùa đông vĩnh cửu tại Catalonia.
"Tôi muốn một Tây Ban Nha quan tâm tới tất cả những văn hóa khác nhau từ các địa phương," bà bổ sung với lời lẽ nghiêm túc hơn. "Tại sao không yêu quý tất cả mọi người? Chúng tôi không thể hiểu nổi diễn văn của vua Felipe VI." - BBC
|
|
7.
Indonesia phát triển hải, không quân để đối phó với Trung Quốc

Hôm nay, 05/10/2017, là kỷ niệm 72 năm thành lập, quân đội Indonesia đã mở cuộc diễu binh ngay tại cảng Cilegon ở tỉnh Banten, trên đảo Java. Đây đã là dịp để họ phô trương chiếc tàu ngầm tấn công chạy bằng điện và diesel KRI Nagapasa-403, chiếc tàu ngầm thứ ba của Indonesia.
Một thiết bị quân sự khác cũng đã được quân đội Indonesia đặc biệt phô diễn hôm nay đó là chiếc trực thăng tấn công Apache Guardian, một kiểu trực thăng mới cũng sẽ được sử dụng trong các chiến dịch chống khủng bố. Trong lễ diễu binh, các phi công Indonesia đã bay biểu diễn với các chiến đấu cơ F-16 của Mỹ và SU-30 của Nga.
Tất cả những màn trình diễn nói trên là nhằm phô trương khả năng phòng thủ của hải quân và không quân Indonesia, mà hiện đang được phát triển rất mạnh. Trong lễ diễu binh hôm nay, tổng thống Joko Widodo đã tự hào tuyên bố : « Lực lượng Vũ trang Indonesia sẽ là quân đội mạnh nhất và được trang bị tốt nhất Đông Nam Á ».
Kể từ khi giành được độc lập năm 1945, Indonesia vẫn cố tránh xung đột với một quốc gia khác. Nước này chỉ có một cuộc đụng độ ngắn với Malaysia vào thời Sukarno, tổng thống đầu tiên của Indonesia. Cho tới nay, quân đội Indonesia chủ yếu được huy động để duy trì hòa bình trong nước và dập tắt các phong trào ly khai, như ở tỉnh Aceh hoặc ở khu vực tây đảo New Guinea. Trong bối cảnh đó, trong suốt nhiều năm, lục quân vẫn chiếm ưu thế so với hai binh chủng kia. Hiện giờ lục quân vẫn chiếm gần 80% tổng quân số 400 ngàn người của quân đội Indonesia.
Nhưng nay tổng thống Widodo có một cái nhìn chiến lược khác về quân đội. Để đạt được mục tiêu phát triển Indonesia thành một cường quốc hải dương trong khu vực, ông cần phải tăng cường khả năng phòng thủ của hải quân và không quân để bảo vệ chủ quyền biển của nước này.
Nhu cầu đó lại càng cấp thiết bởi vì, tuy không phải một trong những bên tranh chấp, Indonesia cũng bị ảnh hưởng bởi sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Để đối phó với những hành động áp đặt chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển này, chính quyền Widodo đã cho xây một căn cứ cho tàu ngầm và nâng cấp một phi đạo ở quần đảo Natuna.
Ngoài mối đe dọa từ Trung Quốc, quân đội Indonesia nay còn phải đối phó với nguy cơ khủng bố quốc tế, nhất là vì một phần lãnh thổ của nước này chỉ cách đảo Mindanao, miền nam Philippines, có 300 km, mà đảo này lại là nơi là các nhóm vũ trang trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi Giáo đang hoành hành. - RFI
|
|
8.
Philippines: Sự hiện diện của tàu Trung Quốc là "bình thường" --- Trung Quốc cấp lô súng trường cho Philippines
Theo nhật báo Inquirer của Philippines, hôm nay 05/10/2017, hai quan chức Philippines và Trung Quốc cùng tuyên bố rằng sự hiện diện của tàu Trung Quốc ở khu vực đảo Pagasa (còn gọi là đảo Thitu) ở vùng Biển Đông (mà Manila gọi là Biển Tây Philippines, là chuyện « bình thường » và không phải là điều gì đáng báo động.
Ông Triệu Giám Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Manila, hôm nay nói với báo chí rằng, sự hiện diện của tàu Trung Quốc hay tàu Philippines trong vùng biển chồng lấn hoặc tranh chấp là điều « rất bình thường ». Quan chức ngoại giao này nói rằng Bắc Kinh vẫn tuân thủ nghiêm ngặt bản Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông-DOC, mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã nhất trí.
Về phía Manila, Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng đồng tình với đại sứ Trung Quốc rằng không có xung đột nào đang xảy ra trong vùng biển tranh chấp. Manila cho rằng sự hiện diện của tàu Trung Quốc trong vùng biển này « không có nghĩa là những tàu đó đang hoạt động phi pháp hay đang sách nhiễu những tàu khác », mà có thể chỉ đang thực hiện nhiệm vụ của họ, như lời Bắc Kinh tuyên bố. Lãnh đạo quốc phòng Philippines cho biết cả hai nước đang kiểm soát tình hình và đều tuân thủ bản tuyên bố DOC.
Phát biểu này được đưa ra nhằm phản bác ông Gary Alejano, dân biểu đối lập ở hạ viện Philippines, vì gần đây ông đã lên tiếng báo động về sự hiện diện của 4 tàu của tuần duyên và hải quân Trung Quốc vào cuối tháng 9 vừa qua tại khu vực nói trên.

Mỹ, "đồng minh số 1" của Philippines
Sau tổng thống Duterte, đến lượt tổng tư lệnh Quân Đội Philippines, tướng Eduardo Ano, ngày 05/10/2017 khẳng định khép lại giai đoạn căng thẳng trong quan hệ giữa Manila và Washington.
Sau chuyến công tác tại Hawaii và sau cuộc tiếp xúc với tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ, tướng Harry Harris, hồi tuần trước, họp báo tại thủ đô Manila sáng nay 05/10/2017, tư lệnh Quân Đội Philippines thông báo sẽ tăng cường các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ vào năm tới và nhắc lại lập trường của tổng thống Duterte : "Mỹ là đồng minh số 1" của chính quyền Manila.
Phát biểu trên đây của tướng Ano được đưa ra một tuần lễ sau khi tổng thống Rodrigo Duterte hy vọng phát triển "quan hệ chặt chẽ" với Washington.
Như ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, tư lệnh Quân Đội Philippines nhấn mạnh đến ưu tiên trong quan hệ Mỹ-Phi vào lúc Trung Quốc trao cho quân đội Philippines 3.000 khẩu súng trường và đạn dược, trị giá trên ba triệu đô la. - RFI

***
Trung Quốc vừa chuyển cho Philippines 3.000 súng trường vào hôm thứ năm, 5/10 như một cử chỉ thân thiện và hợp tác. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết như vậy trong cùng ngày.

Ông Lorenzana nói Philippines đã rất may mắn được chính phủ Trung Quốc trang bị vũ khí. Ông cho biết lô vũ khí này lẽ ra được trang bị cho quân đội nhưng Tổng thống Rodrigo Duterte cảm thấy là cảnh sát cần vũ khí này hơn.
Đây là lô súng trường thứ hai được Trung Quốc chuyển cho Philippines trong năm nay. Lô súng có giá trị khoảng 3,3 triệu đô la và sẽ được Cảnh sát Quốc gia Philippines sử dụng. Lực lượng cảnh sát của Philippines đang đối mặt với tình trạng thiếu súng sau khi quốc hội Mỹ ngăn việc bán 26.000 súng trường M4 cho Philippines vì quan ngại tình trạng cảnh sát bắn giết người hàng loạt trong chiến dịch trấn áp ma túy do Tổng thống Duterte chủ xướng.
Lô súng trường bắn tỉa đầu tiên được Trung Quốc trang bị cho Philippines là 100 khẩu vào hồi tháng 6 vừa qua.
Tuy vậy, trợ giúp về vũ khí cho Philippines hiện vẫn còn rất nhỏ so với Mỹ, nước đồng minh quốc phòng với Philippines kể từ những năm 1950 trở lại đây. Trong vòng 17 năm qua, Washington đã trang bị cho Philippines gần một tỷ đô la cho các vũ khí như máy bay, tàu, súng.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi năm ngoái, Tổng thống Philippines Duterte đã từng lên tiếng chỉ trích mối quan hệ đồng minh với Mỹ và tỏ ý muốn xích lại gần hơn với Trung Quốc. - RFA
|
|
9.
Thái tử Charles gạt Miến Điện khỏi hành trình công du châu Á
Áp lực lên Miến Điện trong cuộc khủng hoảng người Rohingya ngày càng lớn. Sau việc đại học Oxford rút ảnh bà Aung San Suu Kyi, giờ đến lượt hoàng gia Anh gạt Miến Điện khỏi lộ trình công du châu Á của thái tử Charles, bắt đầu vào cuối tháng 10 này.
Theo AFP, thái tử Charles và công nương Camilla sẽ bắt đầu chuyến công du châu Á vào ngày 30/10/2017. Trong vòng 11 ngày, thái tử Charles sẽ lần lượt đến thăm các nước Singapore, Malaysia và Ấn Độ. Thông cáo của Clarence House (dinh thự của thái tử Charles) khẳng định mục đích của chuyến công du là nhằm thắt chặt quan hệ với các quốc gia nói trên trước thượng đỉnh Khối Thịnh Vượng Chung Commonwealth, diễn ra tại Vương Quốc Anh vào mùa xuân năm 2018.
Không như những gì giới truyền thông Anh thông báo vào tháng 9 vừa qua, chương trình chính thức được công bố hôm qua, 04/10/2017 không đưa Miến Điện vào lộ trình công du.
Theo giải thích của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Anh, “Các điểm viếng thăm trong chuyến công du hoàng gia đã được quyết định dựa trên những khuyến nghị của ủy ban công du hoàng gia, vốn dĩ đã xem xét cẩn trọng các ý kiến từ bộ Ngoại Giao”.
Như vậy là sau đại học Oxford, Anh Quốc đã gây thêm một áp lực ngoại giao với Naypyidaw trong cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya. Về phần mình, các tổ chức phi chính phủ hôm qua ước tính cần đến hơn 400 triệu đô la để đáp ứng các nhu cầu cứu trợ nhân đạo cho người tị nạn Rohingya trong vòng 6 tháng tới. - RFI
|
|
10.
Chuyến thăm "lịch sử" của quốc vương Ả Rập Xê Út tại Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 05/10/2017 tiếp đón quốc vương Salman tại điện Kremlin. Chính quyền Ả Rập Xê Út đánh giá chuyến viếng thăm Nga này là « lịch sử ». Đây là lần đầu tiên người đứng đầu vương quốc Ả Rập đến thăm chính thức Matxcơva. Cả hai nước chưa bao giờ có mối quan hệ thân cận và khủng hoảng Syria còn làm mối quan hệ đó thêm xấu đi.
Theo nhận định của thông tín viên RFI Daniel Vallot, đối với Matxcơva cũng như Riyad, chuyến viếng thăm chưa từng có này có thể là cơ hội để thắt chặt lại mối quan hệ căng thẳng đó.
« Thử thách đầu tiên của chuyến viếng thăm này, đương nhiên sẽ là cuộc xung đột Syria. Nga và Ả Rập Xê Út mỗi bên ủng hộ một phe khác nhau trong cuộc chiến tranh đang xâu xé Syria : Matxcơva đứng về phía Bachar Al-Assad, và Riyad ủng hộ phe nổi dậy.
Về hồ sơ này, cả hai nước đối nghịch nhau trên mọi vấn đề. Nhưng tổng thống Vladimir Putin muốn tìm kiếm một giải pháp chính trị cho xung đột Syria, nhằm chấm dứt một cuộc can thiệp quân sự tốn kém, và vì thế mà Nga cần đến sự ủng hộ của Ả Rập Xê Út.
Một thách thức khác trong chuyến viếng thăm này đó là dầu hỏa. Từ đầu năm nay, Riyad và Matxcơva đã áp đặt các quốc gia sản xuất khác một chính sách giảm sản lượng khai thác, nhằm làm tăng giá dầu thô.
Hôm qua, tổng thống Nga đã tuyên bố ủng hộ việc tiếp tục chính sách này cho đến cuối năm tới. Đây là một thử thách quan trọng cho cả hai quốc gia, do việc nền kinh tế của hai nước này quá lệ thuộc vào nguồn thu dầu hỏa". - RFI
|
|
11.
Kazou Ishiguro giành giải Nobel văn chương

Tác giả người Anh Kazou Ishiguro được trao giải Nobel văn chương năm 2017.
Ủy ban trao giải thưởng ở Thụy Điển nói ông Ishiguro, thông qua tiểu thuyết của minh, đã "khám phá vực thẳm nằm dưới cảm nhận hão huyền của chúng ta về sự kết nối với thế giới".
Ủy ban cho biết tác giả 62 tuổi này sinh ra tại Nagasaki, Nhật Bản. Gia đình ông sang Anh sinh sống khi ông mới 5 tuổi.
Ông Ishiguro đã viết nhiều tiểu thuyết, nhưng ủy ban cho biết trên Twitter tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là The Remains of the Day (tạm dịch: “Tàn tích của ngày”), một câu chuyện về một quản gia tại một dinh thự vùng đồng quê ở Anh.
Cuốn tiểu thuyết đã được chuyển thể thành một bộ phim có sự tham gia của các diễn viên đoạt giải Oscar Anthony Hopkins và Emma Thompson.
Thư ký Thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển Sara Danius nói ông Ishiguro là "một nhà văn có phẩm cách hơn người", người đã "tạo ra một vũ trụ thẩm mỹ của riêng mình". - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

12.
Facebook, Twitter, Google điều trần vụ Nga-Trump

Các giám đốc điều hành của Facebook, Twitter, và Google được yêu cầu ra điều trần ngày 1/11 trước một ủy ban Hạ viện về sự can thiệp của Nga vào bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, một phụ tá ở Quốc hội cho biết ngày 5/10.
Cùng ngày, giám đốc điều hành của ba đại công ty này dự kiến cũng xuất hiện trước Ủy ban Tình báo Thượng viện. Ủy ban này cũng đang điều tra về vai trò bị cáo giác của Nga trong bầu cử Mỹ.
Trước quan ngại về các bằng chứng cho thấy tin tặc dùng internet để lan truyền tin vịt và chi phối cuộc bầu cử Mỹ, một số các nhà lập pháp đang thúc đẩy để có thêm thông tin từ các trang mạng xã hội.
Ủy ban Tình báo của Hạ viện và Thượng viện là hai ủy ban chính của Quốc hội điều tra cáo giác rằng Nga can thiệp bầu cử Mỹ hầu tăng cơ hội cho ông Trump đắc cử, rằng có thể có sự thông đồng giữa Nga với các phụ tá của ông Trump.
Moscow bác tố cáo này và Tổng thống Trump cũng nhiều lần khẳng định không có sự thông đồng.
Facebook xác nhận giới chức của công ty sẽ ra điều trần.
Google và Twitter chưa hồi đáp yêu cầu bình luận. - VOA
|
|
13.
Hồ sơ tình báo Anh về Trump-Nga được xem xét

Biện lý đặc biệt điều tra liệu Nga có tìm cách tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 hay không đã tiếp quản cuộc điều tra của FBI về hồ sơ của cựu điệp viên Anh chứa những cáo buộc rằng Nga có những mối liên hệ tài chính và cá nhân với chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump và các cộng sự, theo các nguồn tin quen thuộc với cuộc điều tra này.
Một báo cáo do Christopher Steele, cựu quan chức tình báo MI6, soạn ra đã xác định danh tính các doanh nhân Nga và những người khác mà các nhà phân tích tình báo Mỹ đã kết luận là gián điệp của Nga hoặc làm việc thay mặt cho chính phủ Nga.
Ba nguồn tin biết về cuộc điều tra của biện lý Mueller cho hay toán điều tra của ông và Ủy ban Tình báo Thượng viện đã tiếp quản quyền kiểm soát nhiều cuộc điều tra về các cáo buộc của các cơ quan tình báo Mỹ rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử nhằm mang lại lợi thế cho ông Trump, ứng cử viên của đảng Cộng hòa.
Hai quan chức nắm thông tin về các cuộc điều tra nói rằng cả đội ngũ của ông Mueller lẫn Ủy ban Tình báo Thượng viện đều đang tìm xem có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, là ông Paul Manafort, hoặc những người khác có giao dịch tài chính với Nga, có thể đã giúp các cơ quan tình báo của điện Kremlin nhắm mục tiêu các cuộc tấn công email và đăng các bài trên truyền thông xã hội để phá hoại chiến dịch tranh cử của đối thủ của ông Trump, bà Hillary Clinton thuộc Đảng Dân chủ.
Hôm 4/10, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Richard Burr nói với các phóng viên rằng ủy ban đã cố gắng liên lạc với ông Steele và tìm gặp ông, song "những đề nghị đó không được chấp thuận".
Ông Burr nói: "Ủy ban không thể xác định được độ tin cậy của hồ sơ mà không hiểu được những điều như: ai tài trợ cho nó, các nguồn tin và các nguồn phụ là những ai”.
Ông Burr cho biết ủy ban muốn kết thúc cuộc điều tra trước cuối năm nay. - VOA
|
|
14.
California chính thức thành ‘tiểu bang an toàn’ cho di dân lậu

Thống Đốc Jerry Brown hôm Thứ Năm vừa ký ban hành Đạo Luật SB 54, chính thức tuyên bố California là “tiểu bang an toàn” (sanctuary state) cho di dân bất hợp pháp, một hành động cho thấy tiểu bang lớn nhất Hoa Kỳ “sẵn sàng đối đầu” với Tổng Thống Donald Trump.
Chữ ký của ông Brown có nghĩa là cảnh sát bị cấm hỏi tình trạng di trú của cư dân California, hoặc tham gia các hoạt động của giới chức công lực trong lãnh vực di trú, kể từ ngày 1 Tháng Giêng, 2018.
Ngoài ra, các nhà tù chỉ được chuyển giao tù nhân cho giới chức di trú liên bang nếu họ bị kết án phạm một số tội nào đó.
Hiện có khoảng 2.3 triệu di dân bất hợp pháp tại California.
“Đây là những thời điểm bất định đối với cư dân California và gia đình họ, những người không có giấy tờ di trú hợp lệ. Đạo luật này là một sự cân bằng, sẽ bảo đảm an ninh công cộng, trong lúc tạo một sự thoải mái cho những gia đình này, khi họ phải sống trong lo sợ mỗi ngày,” ông Brown cho biết qua một tuyên bố.
Đạo luật này ra đời vào lúc các gia đình di dân vô cùng lo lắng, sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống.
Trong lúc vận động tranh cử, ông Trump thường có lời lẽ tấn công chống lại di dân và hứa sẽ nhanh chóng trục xuất những người sống bất hợp pháp tại Hoa Kỳ.
SB 54, do Thượng Nghị Sĩ Kevin de Leon (Dân Chủ-Los Angeles), thường vụ Thượng Viện California, làm tác giả, được sự ủng hộ của đảng Dân Chủ tại lưỡng viện Quốc Hội tiểu bang.
Phía Cộng Hòa nói rằng dự luật này che chở thành phần tội phạm và làm cho công việc bảo đảm an ninh của nhân viên di trú bị khó khăn hơn.
Ban đầu, SB 54 chỉ cấm sự hợp tác của cảnh sát với nhân viên di trú liên bang.
Sau đó, ông Brown đòi thêm là phải cấm sự hợp tác của nhà tù luôn. - nguoiviet
|
|
15.
Ủy Ban Nội An Hạ Viện thông qua dự luật $10 tỉ xây tường biên giới

Ủy Ban Nội An Hạ Viện hôm Thứ Tư chấp thuận một dự luật về an ninh biên giới, theo đó sẽ gồm có khoản tiền $10 tỉ để xây tường dọc theo biên giới với Mexico.
Dự luật mang tên “An Ninh Biên Giới Cho Nước Mỹ”, do chủ tịch ủy ban là Dân Biểu Michael McCaul (Cộng Hòa, Texas) đưa ra, được thông qua với 18 phiếu thuận và 12 phiếu chống, toàn thể phía Cộng Hòa đồng ý trong khi tất cả phía Dân Chủ phản đối, theo bản tin của The Hill.
Dự luật này nay được đưa ra trước khoáng đại Hạ Viện để tranh luận, gồm cả việc có nên đưa thêm các điều khoản bảo vệ những người ở trong chương trình DACA trước đây hay không.
Theo dự luật của ông McCaul, Quan Thuế và Biên Phòng sẽ có thêm khoảng 10,000 nhân viên.
Phía Dân Chủ chỉ trích dự luật này là một màn trình diễn chính trị nhằm làm hài lòng Tổng Thống Donald Trump, người từng đưa việc xây tường là một trong những mục tiêu hàng đầu trong thời gian tranh cử.
Dân Biểu Bennie Thompson (Dân Chủ, Mississippi), giới chức cao cấp nhất phía Dân Chủ trong ủy ban, chỉ trích rằng “chỉ cách đây không lâu, ủy ban này còn coi trọng việc phải có đầy đủ dữ kiện, chi tiết và kết quả của các dự án”, cũng theo The Hill. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

16.
Việt Nam rúng động vụ ‘1,5 triệu đôla chạy đại biểu quốc hội’

Mạng xã hội đang nóng lên trước thông tin một cựu đại biểu quốc hội khai từng chi 1,5 triệu đôla (khoảng 30 tỷ đồng) để chạy vào cơ quan lập pháp của Việt Nam.
Bà Châu Thị Thu Nga, từng làm Tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư xây dựng Nhà đất - Housing Group, hai lần xin được khai báo về khoản tiền này trước tòa hôm 5/10, nhưng không được chủ tọa cho phép vì "không nằm trong phạm vi vụ án", theo báo chí trong nước.
Tin cho hay, tại phiên tòa xét xử tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, luật sư bào chữa cho bà Nga, ông Hoàng Văn Hướng, đã đề cập đến khoản tiền khoảng 30 tỉ đồng mà thân chủ của mình đã khai là dùng để "chạy" làm đại biểu Quốc hội Việt Nam.
Bà Nga xin phép trả lời nhưng chủ tọa nói rằng “nội dung này nằm trong tổng số tiền hơn 157 tỉ đồng chi không có chứng từ của bà” và rằng nó "không nằm trong phạm vi vụ án nên luật sư không hỏi làm mất thời gian”.
Sau khi luật sư đã thẩm vấn xong, bà Nga còn nán lại vành móng ngựa xin được trả lời về nội dung này nhưng chủ tọa phiên tòa yêu cầu bà về chỗ, tờ Tuổi Trẻ đưa tin.
Bình luận về động thái này, luật sư Trần Vũ Hải viết: “Vị chủ toạ không cho bị cáo khai về số tiền "chạy đại biểu Quốc hội" (lấy từ tiền thu của khách hàng) với lý do không trong phạm vi vụ án là không khách quan, vô tư và trái luật tố tụng lẫn thực tiễn xét xử”.
“Chính phiên toà xử Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn ngay tại Toà án Hà Nội này mấy tuần trước, toà đã để các bị cáo khai đưa cho ai tiền chi lãi ngoài, kể cả những vụ công an đang điều tra", ông Hải lấy ví dụ.
"Các tình tiết thành khẩn khai báo và tích cực giúp đỡ các cơ quan pháp luật phát hiện tội phạm là những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, nay toà không cho bị cáo nói là tước đi quyền của bị cáo”.
Luật sư Hải viết tiếp trên Facebook: “Theo tôi, luật sư của bị cáo Nga cần khiếu nại ngay vị chủ toạ, yêu cầu triệu tập những người bị tố cáo nhận tiền của bị cáo ra đối chất! Toà phải là nơi sự thật, công lý, bình đẳng được bảo đảm, chứ không phải nơi thẩm phán theo lệnh của ai đó chặn họng bị cáo và luật sư!” Tuy nhiên, ông Hải không nói rõ về sự cáo buộc của mình.
Theo quan sát của phóng viên VOA tiếng Việt, vụ hối lộ "chạy" vào Quốc hội Việt Nam của bà Nga là một trong những tin được tìm kiếm nhiều nhất tối 5/10 trên cả Google lẫn Facebook.
Đây là lần đầu tiên có người công khai thông tin về chuyện chi tiền chạy vào quốc hội Việt Nam, dù các nhà quan sát cho rằng “việc chạy chọt” vào các cơ quan công quyền của Việt Nam không phải là chuyện lạ.
Phiên sơ thẩm xét xử cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan tới các dự án nhà đất bắt đầu vào sáng 2/10, và dự kiến kéo dài trong 18 ngày.
Tin cho hay, hơn 500 bị hại cùng hơn 70 người, tổ chức có quyền, nghĩa vụ liên quan được triệu tập. Theo khung hình phạt truy tố, bà Nga đối mặt mức án cao nhất lên tới tù chung thân.
Bà Nga trở thành đại biểu quốc hội khóa 13 năm 2011, nhưng bị miễn nhiệm vị trí này năm 2015 sau vụ bê bối “bán nhà ảo” trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Mới đây, tổ chức theo dõi về tình trạng tham nhũng trên thế giới có tên gọi Minh bạch Quốc tế (TI) cho biết rằng Việt Nam đứng thứ 113 trong số 176 nước trong bảng xếp hạng toàn cầu 2016.
Đầu năm nay, tổ chức này đã công bố một khảo sát, trong đó nói rằng Việt Nam đứng thứ 2 về mức độ tham nhũng trong số 16 nước châu Á - Thái Bình Dương.
Trong phúc trình công bố hồi tháng Ba, trong đó có nhắc tới Việt Nam, TI nhận định rằng “nhiều nước ở châu Á – Thái Bình Dương thất bại trong cuộc chiến chống tham nhũng”, và rằng 900 triệu người ở 16 nước trong khu vực đã phải hối lộ.
Phát biểu tại một phiên họp về chống tham nhũng hôm 31/7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập tới chuyện "lò" và "củi" trong việc chống vấn nạn này.
Ông Trọng nói: “Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”. - VOA
|
|
17.
Trong tranh chấp Biển Đông, Việt Nam chỉ sau Trung Quốc

Chỉ sau Trung Quốc
Trung Quốc ‘khơi mào’ nhiều vụ tranh cãi chủ quyền hàng hải ở Châu Á qua việc bồi đắp và xây đảo nhân tạo, bổ sung cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo đó. Để tăng cường thông điệp rằng Bắc Kinh có quyền hạn hơn bất cứ nước nào tại các vùng tranh chấp trải dài 3,5 triệu cây số vuông ở Biển Đông, Bắc Kinh còn cho tàu hải giám tuần tra xung quanh các vùng đặc quyền kinh tế của Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Ngoài khơi phía Đông, Trung Quốc còn thường xuyên cho tàu di chuyển qua vùng biển có tranh chấp với Nhật hiện nằm dưới sự kiểm soát của Tokyo.
Nhưng đừng quên chú ý tới một nước khác: Việt Nam.
Quốc gia có đường bờ biển trải dài 3.444 cây số này đang chứng tỏ họ là nước ven biển có tư duy bành trướng thứ nhì, chỉ sau Trung Quốc.

Bằng chứng
Năm ngoái, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ cho hay Việt Nam bồi đắp các đảo nhỏ ở Biển Đông nhiều hơn cả Trung Quốc. Việt Nam nắm giữ 21 đảo nhỏ ở quần đảo Trường Sa, hơn bất kỳ một đối thủ nào trong khu vực
Năm nay, Việt Nam làm mới lại thỏa thuận với công ty dầu khí quốc doanh Ấn Độ ONGC để thăm dò nhiên liệu hóa thạch dưới đáy đại dương. Bắc Kinh có phần chắc phản đối hành động này vì họ nói vùng biển ngoài khơi duyên hải phía Đông của Việt Nam là một phần trong tuyên bố 95% Biển Đông là của Trung Quốc. Thế nhưng Việt Nam không lùi bước, cùng với người bạn thân mới, Ấn Độ.
Các tàu cá của Việt Nam, chiếm đáng kể trong tổng số 1.72 triệu tàu cá hoạt động trên Biển Đông, vẫn bị các nước đuổi về tận từ Indonesia hay Thái Lan, theo các học giả nghiên cứu tranh chấp Biển Đông.
Hai ngư dân Việt thiệt mạng tháng trước tại địa điểm cách Philippines 34 cây số trong vụ tai nạn có liên quan đến một tàu chấp pháp của Manila.
Tính tới 10 năm trước, cá chiếm 10% doanh thu xuất khẩu của Việt Nam, theo cuộc khảo sát của Đại học British Columbia. “Trữ lượng cá của Việt Nam đã cạn kiệt, nên họ phải đánh bắt xa hơn để tiếp tục hành nghề,” nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak ở Singapore nhận định. “Và khi họ đánh bắt xa hơn, họ dễ rơi vào hải phận của các nước và phạm tội đánh bắt cá bất hợp pháp.”
Khi Đài Loan khẳng định sự hiện diện trên đảo Thái Bình (Việt Nam gọi là Ba Bình), Hà Nội phản đối. Cho dù Thái Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, Đài Loan không chiếm nhiều phần trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và thậm chí còn dùng các cơ sở trên đảo Thái Bình giúp đỡ ngư dân Việt khi hoạn nạn.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức phản đối ít nhất một lần hồi năm ngoái và lần nữa vào tháng 3 năm nay khi Đài Loan tập trận bắn đạn thật. “Họ nói hoạt động của Đài Loan xâm phạm chủ quyền của họ,” Phó hiệu trưởng Trường Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Loan, ông Huang Kwei-bo, nói. “Hễ Đài Loan có động thái gì, Việt Nam luôn phản đối. Cứ như thế. Việt Nam khá quyết đoán.”
Trung Quốc cũng phải ‘để mắt’ tới Việt Nam. Bắc Kinh dùng các sáng kiến kinh tế để ‘kết thân’ với các nước khác ở Biển Đông, nhưng với Việt Nam thì mọi chuyện cứ không suông sẻ. Tháng 6 năm nay, một quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc cắt ngắn chuyến công du Việt Nam vì nước chủ nhà lúc đó muốn thăm dò dầu khí ở vùng biển tranh chấp. Tới tháng 8, Ngoại trưởng hai bên hủy một cuộc họp, có thể là do tranh chấp chủ quyền lãnh hải, bên lề một sự kiện của ASEAN.
Cũng dễ hiểu. Việt Nam, đất nước 93 triệu dân, đang tiến lên về mặt kinh tế, phụ thuộc vào biển. Tinh thần chủ nghĩa dân tộc cũng tăng, và người dân muốn chính phủ mạnh tay trong các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. - VOA
|
|
18.
Việt Nam đề xuất Boeing hỗ trợ bay thẳng đến Mỹ

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa kêu gọi Công ty Boeing của Mỹ mở Trung tâm đào tạo phi công tại Việt Nam và nghiên cứu, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các chuyến bay thẳng đến Hoa Kỳ.
Truyền thông trong nước cho biết Thủ Tướng Phúc đưa ra đề xuất đó khi tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Boeing Thương mại Hoa Kỳ, ông Kevin Mc Allister, hôm 2/10 tại Hà Nội.
Ông Phúc đề nghị Boeing xem xét hỗ trợ mở Trung tâm đào tạo phi công tại Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói với VOA rằng nên nghiên cứu sự cần thiết mở trường đào tạo phi công ở Việt Nam:
“Khi Việt Nam mua máy bay của Mỹ và của châu Âu thì đương nhiên các hãng bán máy bay sẽ huấn luyện phi công cho Việt Nam để sử dụng các máy bay đó, thường thường huấn luyện ngay tại công ty sản xuất. Còn khi mà tổ chức một trường dạy ở Việt Nam thì nên nguyên cứu kỹ, vì hiệu quả thế nào thì vẫn chưa rõ.”
Nhận định về việc bay thẳng đến Hoa Kỳ, chuyên gia Kiến Thành nói Việt Nam cần quan tâm đến hiệu quả kinh tế hơn là yếu tố kỹ thuật.
“Bay từ Việt Nam trực tiếp sang Hoa Kỳ không có vấn đề gì khác ngoài hiệu quả kinh tế. Hai quốc gia nếu đồng ý thì mở đường bay. Vấn đề bay thẳng từ Việt Nam sang Mỹ là chuyện của các công ty hàng không, chứ không phải có điều gì cản trở.
Theo báo Tuổi trẻ, hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) đã đủ tiêu chuẩn, nhưng vì Cục Hàng không Việt Nam (CAA) chưa đạt chuẩn theo yêu cầu, nên đường bay thẳng Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn chưa thể mở, dù đã chuẩn bị cả chục năm qua.
Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam (CAA) phải đạt chuẩn năng lực giám sát hàng không mức 1 (còn gọi là CAT1).
Báo Tuổi Trẻ trích lời một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, nói việc mở đường bay trực tiếp đến Mỹ là công việc hết sức khó khăn, không đơn giản như nhiều người nghĩ.
Trược hết, các hãng hàng không phải là thành viên chính thức của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), phải có chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn khai thác bay (IOSA), phải có chứng chỉ mở rộng tầm khai thác khi bay qua biển đối với máy bay hai động cơ.
Theo kế hoạch của VNA, trong giai đoạn đến năm 2020 sẽ mở đường bay thẳng đến bờ tây nước Mỹ với hai địa điểm đang được “đong đếm” là San Francisco hoặc Los Angeles, với một điểm dừng kỹ thuật là Tokyo hoặc Osaka của Nhật Bản.
Báo Dân trí trích lời ông Nguyễn Xuân Phúc nói: "Việt Nam coi hợp tác với Boeing mang tính chiến lược và lâu dài. Chính phủ Việt Nam ủng hộ, tạo điều kiện để Boeing mở rộng các hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam."
Tại cuộc gặp, ông Kevin Mc Allister bày tỏ hy vọng tiếp tục cung cấp máy bay tốt, hiện đại cho Việt Nam.
Trang Chinhphu.vn nói rằng lãnh đạo tập đoàn hàng không lớn nhất thế giới “đánh giá thị trường hàng không của Việt Nam tăng trưởng nhanh, có triển vọng trở thành đối tác cung cấp phụ kiện cho việc sản xuất máy bay Boeing.”
Năm 2003, Việt Nam – Hoa Kỳ ký kết Hiệp định hàng không, cho phép các hãng hàng không mở đường bay thẳng giữa hai nước. - VOA
|
|
19.
Việt Nam trong danh sách hạn chế hoặc thù nghịch với tôn giáo

Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia hoặc kiểm soát chặt chẽ đối với những định chế tôn giáo hoặc thực sự thù nghịch đối với tôn giáo, theo một phúc trình của Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở tại Washington vừa công bố.
Trong danh sách, ngoài Việt Nam còn có Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên và một vài nước Cộng hòa thuộc Xô Viết cũ.
Theo Pew, tại các nước này, “chính phủ tìm cách kiểm soát việc hành đạo, việc thể hiện tín ngưỡng nơi công cộng và kiểm soát hoạt động chính trị của những tổ chức tôn giáo.”
Vẫn theo cuộc khảo sát của Pew, hầu hết 43 nước có quốc giáo đều ở Trung Đông và Bắc Phi với đa số theo Hồi Giáo.
Cứ 5 nước thì có hơn 1 nước có quốc giáo chính thức, đa số là những nước Hồi Giáo. Tỷ lệ các nước có một tôn giáo được tôn sùng là 1/5.
53% các quốc gia không có tôn giáo chính thức hay tôn giáo được ưa chuộng, và 10 nước (5%) thù ghét tôn giáo.
Hầu hết 43 nước có quốc giáo thuộc vùng Trung Đông và Bắc Phi, với một nhóm nhỏ tại Bắc Âu. Hồi Giáo là tôn giáo chính thức của 27 nước tại châu Á và tiểu vùng Sahara châu Phi cũng như Bắc Phi và Trung Đông.
13 nước-trong đó có 9 nước tại châu Âu- là những nước chính thức theo Cơ Đốc Giáo, hai nước (Bhutan và Campuchia) có quốc giáo là Đạo Phật, và Israel chính thức là một quốc gia Do Thái giáo. Không có quốc gia nào quốc giáo là Hindu.
Phúc trình của Pew nói: “Trong một số trường hợp, quốc giáo phần lớn đóng vai trò nghi lễ.”
“Thêm vào đó những quốc gia với những tôn giáo được nhà nước hỗ trợ thường có khuynh hướng có những qui định khắc nghiệt về việc hành đạo, trong đó có việc hạn chế hay cấm những tổ chức tôn giáo thiểu số.”
Cơ Đốc Giáo là tín ngưỡng được ưa chuộng của 28 trong số 40 quốc gia có một tôn giáo được ưa chuộng. - VOA
|
|
20.
Facebook: Mở rộng nhưng kiểm duyệt tại Việt Nam

Facebook đang truyền bá cho những nhà kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam về lợi ích và hiệu quả của hình thức kinh doanh qua mạng, được xem như một nỗ lực để củng cố hoạt động của mạng lưới kỹ thuật số.
Trong khi đó chính phủ Việt Nam tiếp tục lên tiếng ngăn chặn những thông tin bị cho là ‘độc hại’ trên những công cụ mạng xã hội. 

Ra sức kết nối doanh nghiệp
“Facebook, kẻ khổng lồ về truyền thông xã hội’ đang làm việc với các quan chức nhà nước cộng sản để thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh trực tuyến nhỏ”. Đó là nội dung chính của bài viết đăng tải trên tờ Thời báo Châu Á ngày 3 tháng 10 vừa qua.
Bài viết với bút ký là Ma Nguyen, cho biết trong những tháng gần đây, Facebook đã tiến hành tuyển lựa, thu hút nhiều tài năng từ Việt Nam. Những người đại diện này sẽ làm việc từ trụ sở đặt tại Singapore, di chuyển thường xuyên tới Việt Nam để gặp gỡ các doanh nghiệp nhỏ, hướng dẫn cho họ các công cụ chức năng của Facebook trong việc thành lập và quản lý tài khoản công ty.
Trả lời phỏng vấn trong bài báo, ông Khôi Lê, người giữ vị trí Vietnam Client Relationship Head cho biết: "Ở Việt Nam, chúng tôi có một mục tiêu rất rõ ràng, đó là kết nối các doanh nghiệp với những cơ hội tối ưu trên thị trường.”
Mục tiêu ông Khôi Lê đề cập đến được chứng minh qua các số liệu cụ thể như, tăng trưởng doanh thu năm nay dự kiến
​​sẽ đạt 8,2%, doanh số bán lẻ trực tuyến hàng năm sẽ tăng nhanh hơn ở mức 22%. Cũng theo ông Khôi Lê, 92% số người sử dụng mạng xã hội đã thực hiện việc mua hàng trực tuyến và 51% trong số đó mua hàng qua thiết bị điện thoại thông minh (smartphone).

Chính phủ kiểm soát
Chuyện sẽ không có gì để nói nếu cùng thời điểm, nếu không muốn nói là ngay cả vài lần trước đó, nhà nước Việt Nam liên tục yêu cầu các tập đoàn truyền thông lớn như Google, Facebook can thiệp vào việc gỡ bỏ những tài khoản, video hay những tài liệu mà theo chính quyền Hà Nội là mang nội dung xấu, bôi nhọ Đảng và Nhà nước, xúc phạm nhân phẩm người khác, có khái niệm xấu.
Nhà báo tự do, blogger Trương Duy Nhất, từ Đà Nẵng cho biết cái nhìn của ông về khái niệm những thông tin xấu độc mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề cập là “rất trẻ con, khi lấy cái chuẩn xấu của mình để ép những cái chuẩn của quốc tế”.
“Khái niệm xấu là thế nào? Chính thể Việt Nam gọi đó là thông tin xấu nhưng Youtube với các trang mạng như Facebook, Google gọi đó là các thông tin tiến bộ, có ích cho các tiến trình dân chủ, có ích cho xã hội thì sao?
Đơn cử như vụ án của tôi, những thông tin của tôi thì người ta cho là hành vi phạm tội, là đả kích chỉ trích chính phủ. Nhưng với quan điểm của truyền thông mạng như YouTube, Facebook thì họ khuyến khích những hành vi đó và họ cho đó là những phản biện, chỉ trích cần có cho sự tiến bộ của một chính phủ.”
Số người sử dụng mạng xã hội, internet, đặc biệt là Facebook có sự gia tăng đáng kể cùng với những thực trạng hiện tại ở thể chế của nhà nước Cộng sản. Các blogger ở Việt Nam, người được gọi là "Facebookers" cũng với mục đích tự do biểu đạt ý kiến, tư tưởng ngày càng phát triển mạnh.
Chính vì sự kiểm duyệt, ngăn chặn của chính phủ Việt Nam, đã từng có một thời gian các nhà quảng cáo trong nước tẩy chay Google và Facebook vì đăng các đoạn phim và bài viết có nội dung được cho là bôi nhọ Đảng Cộng sản cầm quyền và các nhà lãnh đạo.
Mặc dù, theo ông Hoàng Ngọc Diêu, một chuyên gia công nghệ thông tin, hiện đang sống tại Úc cho biết trong các điều khoản sử dụng của Facebook, không hề có chữ "thù địch"
Là người am hiểu về chính sách hoạt động và mô hình hoạt động của các công ty truyền thông lớn, ông Hoàng Ngọc Diêu khẳng định xét về xét về chiến lược ngân sách và tài chính, các trang mạng xã hội nước ngoài khó đáp ứng được yêu cầu kiểm duyệt nội dung của chính phủ Việt Nam.
“Không dễ dàng gì một đại công ty như Facebook, Google làm chuyện đó vì đó là những công ty thương mại cấp thế giới. Họ nghĩ đến lợi nhuận của họ là chủ yếu chứ họ không nghỉ đến việc phải tuân thủ theo quy định của một quốc gia nào đó.”
Kỹ sư Hoàng Ngọc Diêu không cho rằng các trang mạng xã hội lớn chấp nhận bỏ ra một khoảng ngân sách để tạo thành một hàng rào cơ chế chỉ nhằm phục vụ cho một quốc gia nào đó, trừ khi mang lại lợi nhuận về thị trường hoặc tài chính.

Nhưng vẫn hợp tác
Nhận định của ông Hoàng Ngọc Diêu hoàn toàn phù hợp với thông tin từ Thời báo Châu Á. Một đại diện của Google, công ty sở hữu YouTube nói rằng họ đã giải quyết khiếu nại với chính phủ nhưng từ chối cho biết chi tiết.
Theo báo này, “trước đây chính quyền Việt Nam đã cố gắng ngăn chặn Facebook, nhưng bây giờ họ tham gia trực tiếp với công ty.”
Ngày 26 tháng 4, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn gặp gỡ với đoàn cao cấp Facebook để trao đổi về tình hình sử dụng Facebook tại Việt Nam. Ông Trương Minh Tuấn yêu cầu Facebook can thiệp vào việc gỡ bỏ những tài khoản được cho là mạo danh, kích động bạo lực trên Facebook, tấn công thù địch, xâm hại trẻ em, xâm hại đời tư cá nhân, xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm đời tư của phụ nữ và đặc biệt là mạo danh các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Cũng trong tháng 4, Chủ tịch về chính sách sản phẩm của Facebook, bà Monika Bickert, đã gặp gỡ các quan chức Bộ Thông tin tại Hà Nội, được cho là để bàn thảo về việc gỡ bỏ những tài khoản mà Chính phủ Hà Nội cho là xuyên tạc trên Facebook, tấn công thù địch, xúc phạm nhân phẩm, và đặc biệt là mạo danh các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Nhưng sau đó, theo tin từ Thời Báo Châu Á, Facebook hứa sẽ cung cấp đào tạo kỹ thuật số cho 2.600 doanh nghiệp trực tuyến nhỏ.
Một tháng sau đó, trong buổi tiếp xúc với Trợ lý Đại diện Thương mại Hoa Kỳ phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, bà Barbara Weisel, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Minh Hồng đề nghị Hoa Kỳ cùng phối hợp để loại bỏ các thông tin và dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng còn đề cập đến việc Chính phủ Hà Nội luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng nhấn mạnh tất cả các công ty cần phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. - RFA
|
|
21.
Cà phê hòa tan của VinaCafe tại Mỹ bị thu hồi

Sản phẩm cà phê hoà tan Wake-up của Vinacafe bị thu hồi do có chứa các chất gây dị ứng từ sữa.
Mạng VNEconomy vào ngày 4 tháng 10 loan tin dẫn thông báo trên trang mạng của Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết Công ty Hong Lee Trading Inc., trụ sở đặt tại New York yêu cầu những đại lý phân phối ở New York, New Jersey và Connecticut thu hồi sản phẩn vừa nêu.
Theo FDA, cho đến nay chưa có báo cáo nào về ca bệnh hoặc dị ứng liên quan đến sản phẩm Wake-up.
Phản hồi về thông tin này, VinaCafe cho biết sản phẩm của công ty luôn đạt chuẩn kinh doanh và xuất khẩu tại thị trường Mỹ theo tiêu chuẩn FDA.
Wake-up cà phê là một loại sản phẩm cà phê hoà tan của công ty VinaCafe của Việt Nam. Hiện nay, sản phẩm của VinaCafe được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Canada…Năm 2016, doanh thu xuất khẩu của thương hiệu này là 219 đồng, chiếm 7% tổng doanh thu bán hàng của công ty. - RFA
|
|
22.
Lượng phát thải khí CO2 ở VN cao gấp 3 lần vào năm 2030

Lượng phát thải khí nhà kính CO2 ở Việt Nam năm 2030 dự đoán sẽ cao gấp 3 lần so với năm 2010 nếu Việt Nam không có các biện pháp giảm nhẹ kịp thời.
Thông tin này được bà Vũ Minh Hải, Chủ tịch Nhóm công tác về biến đổi khí hậu đưa ra tại Hội thảo “Hướng đến hội nghị COP23: tham vọng lớn hơn nhằm giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C” tổ chức tại Hà Nội vào ngày 5/10.
COP23 là Hội nghị lần thứ 23 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu.
Bà Hải nhận định rằng chính sự phát triển công nghiệp hóa là nguyên nhân làm tăng hàm lượng khí CO2 ở Việt Nam. Bà cho biết lượng phát thải CO2 năm 2013 cao hơn 3,5 lần so với năm 1991.
Ngành năng lượng được nói là thải ra lượng khí CO2 lớn nhất.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng cục Biến đổi khí hậu nói rằng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới, và tại Việt Nam cơn bão số 10 vừa qua là một ví dụ điển hình. Ông cho biết tại hội nghị COP23 tới đây các nước sẽ chia sẻ với nhau mục tiêu và hành động nhằm giảm hậu quả của biến đổi khí hậu.
Việt Nam cũng đã đề ra kế hoạch giảm 8% tổng lượng phát thải CO2 vào năm 2030 và một trong những biện pháp là tăng 45% độ che phủ rừng. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9












No comments:

Post a Comment

View My Stats