Friday, 20 October 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ NĂM 19/10/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
“Đối tác chiến lược” Mỹ-Ấn: Một cảnh báo cho Trung Quốc?

Hoa Kỳ muốn tăng cường “đối tác chiến lược” với Ấn Độ, đồng thời chỉ trích Trung Quốc làm suy yếu trật tự thế giới. Thông điệp này được ngoại trưởng Mỹ bất ngờ đưa ra cùng ngày Bắc Kinh khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ 19, cho phép Tập Cận Bình củng cố quyền lực. Giới chuyên gia tự hỏi: Phải chăng đó còn là một lời cảnh báo dành cho Trung Quốc?

Tại buổi nói chuyện ở Center for Strategic and International Studies tại Washington, ngày 18/10/2017, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hết lời ca ngợi mối quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Ấn, không ngừng được củng cố để trở thành “những đối tác lý tưởng”, tuy vẫn khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - Trung. Theo ông, đó là nhờ cả hai nước đều cùng chia sẻ “những giá trị dân chủ chung”.

Lãnh đạo ngoại giao Mỹ tuyên bố đồng tình với quan điểm của bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis cho rằng “hai nền dân chủ lớn nhất thế giới cũng phải là hai đội quân mạnh nhất”. Do đó, ông kêu gọi Ấn Độ nên có những vai trò tích cực hơn nữa trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng và an ninh cho toàn khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Nhân dịp này, lãnh đạo ngoại giao Mỹ cũng không kiệm lời chỉ trích thái độ thiếu trách nhiệm của Trung Quốc khi trở thành cường quốc, đồng thời cho rằng hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông thách thức các luật lệ và chuẩn mực quốc tế, mà Hoa Kỳ và Ấn Độ đều ủng hộ.

Theo AFP, bài phát biểu của ngoại trưởng Mỹ chẳng khác nào là một lời cảnh báo dành cho cường quốc đối thủ Trung Quốc. Theo đó, Washington sẽ thiết lập các liên minh khu vực nhằm làm đối trọng với việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh, qua việc kêu gọi tự do lưu thông trên biển và trên không.

Trả lời câu hỏi của giới báo chí, một quan chức cao cấp bộ Ngoại Giao Mỹ, xin giấu tên, cho biết ngoài việc dự phóng tầm nhìn “đối tác chiến lược” Mỹ - Ấn, chủ đề chính của bài phát biểu còn cho thấy rõ một ý tưởng về “New Pacific”, một ưu tiên của cả tổng thống Mỹ Donald Trump và ngoại trưởng Rex Tillerson.

Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ muốn hình thành một liên minh tứ giác bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ hòng “trấn giữ” khu vực rộng lớn và thiết lập các tiêu chuẩn cho thương mại và an ninh. Điều này cũng ngầm ý là không có Trung Quốc.

Thế nhưng, do kinh tế Ấn Độ trỗi dậy một cách chậm chạp như là một cường quốc, nên quốc gia này tránh né tham gia vào các liên minh, và tiếp tục duy trì một cách thận trọng các mối quan hệ với Washington và Bắc Kinh. Dù vậy, tổng thống Donald Trump vẫn có một mối quan hệ nồng ấm với thủ tướng Narendra Modi. - RFI
|
|
2.
CIA: Triều Tiên sắp đủ khả năng tấn công Mỹ

Có thể chỉ vài tháng nữa thôi Triều Tiên sẽ có đủ khả năng tấn công nước Mỹ bằng phi đạn hạt nhân, theo 2 giới chức hàng đầu của Mỹ.

Phát biểu trước cuộc hội thảo ở thủ đô Washington ngày 19/10, Giám đốc CIA, Mike Pompeo, nhấn mạnh ông ‘hết sức lo ngại’ về mối đe dọa tăng tiến từ Triều Tiên và khả năng mối đe dọa này có thể khơi mào một cuộc đua võ khí hạt nhân trên khắp Đông Á.

“Họ đã tiến qua xa trong việc này và giờ là lúc phải suy nghĩ cách làm sao chặn đứng bước cuối cùng,” ông Pompeo nói.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông H.R. McMaster, cho biết Washington đang chạy đua để giải quyết tình hình.

“Chúng ta chưa cạn thời gian nhưng đang hết thời gian,” ông McMaster phát biểu tại cùng buổi hội thảo.

Bình luận của hai giới chức này được đưa ra giữa lúc căng thẳng Mỹ và Triều Tiên đang dâng cao sau cuộc thử nghiệm hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng hồi tháng trước.

Dù cảnh báo rằng Triều Tiên chỉ vài tháng nữa thôi là có thể nhắm mục tiêu Mỹ, Giám đốc CIA cẩn trọng rằng đe dọa hạt nhân Triều Tiên ‘mạnh’ cỡ nào và liệu Bình Nhưỡng có thể chuyển nhiều đầu đạn hạt nhân tới các mục tiêu hạt nhân hay không vẫn còn là những câu hỏi chưa có lời đáp.

“Luôn có nguy cơ. Tình báo không phải lúc nào cũng hoàn hảo,” ông cho biết, đồng thời nói thêm rằng có bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng có thể nhận sự trợ giúp từ Iran.

Ông cũng cảnh báo mỗi một cuộc thử nghiệm của Triều Tiên đều làm tăng khả năng của một cuộc đua võ trang.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin khuyến cáo chớ dùng võ lực loại trừ đe dọa hạt nhân Triều Tiên vì sẽ không có hiệu quả.

Các giới chức Triều Tiên cũng đã nhiều lần cảnh cáo Mỹ chớ có hành động khiêu khích.

Đầu tuần này, phó đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc, ông Kim In Ryong, cảnh báo chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng tố cáo Mỹ chuẩn bị chiến tranh, viện dẫn sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và các cuộc tập trận ở phia đông bán đảo Triều Tiên. - VOA
|
|
3.
Mỹ đề nghị cấm mang laptop trong hành lý ký gửi

Chính phủ Mỹ kêu gọi cấm hành khách để những thiết bị điện tử cá nhân cỡ lớn như laptop trong hành lý ký gửi trên các chuyến bay vì có khả năng gây cháy.

Cơ quan Hàng Không Liên bang Mỹ, trong một văn bản gửi cho một cơ quan Liên hiệp quốc chuyên đề ra các tiêu chuẩn an toàn cho hàng không quốc tế, cho biết các cuộc trắc nghiệm cho thấy khi pin Li-ion dùng trong các máy tính xách tay, điện thoại di động hay các thiết bị khác bị nóng quá mức và gần các chất phun xịt thì có thể gây nổ.

Các cuộc thử nghiệm để pin nóng quá mức trong các hành lý chứa đầy các sản phẩm tiêu dùng như chất tẩy rửa sơn móng tay, chất tiệt trùng rửa tay cũng gây ra cháy lớn. - VOA
|
|
4.
Virus cúm gia cầm H7N9 ở Trung Quốc có khả năng gây đại dịch

Các cuộc thử nghiệm trong phòng lab về chủng virus cúm gia cầm H7N9 mới đang bùng phát tại Trung Quốc cho thấy virus này có thể lây truyền dễ dàng từ động vật này sang động vật khác và có thể gây ra bệnh dịch gây tử vong, nâng cao báo động rằng H7N9 có khả năng kích hoạt một đại dịch trên người.

Virus H7N9 đã có mặt tại Trung Quốc từ năm 2013, gây bệnh dịch nghiêm trọng cho những ai phơi nhiễm với gia cầm bệnh.

Năm ngoái, số trường hợp mắc bệnh nơi người tăng cao và virus này tách ra thành 2 dòng, khác biệt đến nổi chúng chống cự được với vaccine hiện tại.

Một trong hai chủng này cũng đã trở nên có khả năng gây bệnh cao, có thể giết chết gia cầm bị nhiễm, đề ra mối đe dọa cho ngành công nghiệp gia cầm.

Các nhà khoa học Mỹ và Nhật nghiên cứu mẫu bệnh phẩm của dòng gây bệnh cao này để xem khả năng lây lan của chúng ‘lợi hại’ tới mức nào.

Trong cuộc nghiên cứu đăng trên Cell Host & Microbe, chuyên gia về cúm Yoshihiro Kawaoka thuộc Đại học Wisconsin và các đồng nghiệp thử nghiệm chủng H7N9 mới lấy từ mẫu bệnh phẩm của một nạn nhân tử vong vì nhiễm cúm gia cầm hồi đầu năm.

Họ phát hiện rằng thậm chí một lượng nhỏ virus thôi cũng có thể gây ra bệnh trầm trọng.

Từ năm 2013, virus gia cầm H7N9 đã gây bệnh cho ít nhất 1562 người ở Trung Quốc và làm thiệt mạng ít nhất 612 người. 40% bệnh nhân nhập viện vì virus này không qua khỏi.

Một công cụ đánh giá rủi ro mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ xếp H7N9 là dòng virus cúm hàng đầu nơi động vật có khả năng gây đại dịch nơi người. - VOA
|
|
5.
TT Putin sẽ thăm Việt Nam và dự APEC

Đại sứ Nga tại Việt Nam vừa xác nhận với truyền thông trong nước rằng Tổng thống Vladimir Putin đã nhận lời mời của lãnh đạo Việt Nam đến dự Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 ở Đà Nẵng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đưa ra lời mời này trong chuyến thăm Nga vào cuối tháng 6 vừa qua và Đại sứ Konstantin Vnukov hôm 18/10 tái khẳng định Tổng thống Nga sẽ tới tham dự Tuần lễ Cấp cao của Diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực châu Á -Thái Bình Dương.

Đại sứ quán Nga cho biết đoàn đại biểu Nga cũng sẽ tham dự các hội nghị cấp bộ trưởng ngoại giao kinh tế và nhiều đại diện doanh nghiệp lớn của Nga sẽ tham dự Hội đồng kinh doanh APEC.

Đại sứ Vnukov nhấn mạnh rằng cộng đồng doanh nghiệp Nga hiện nay “rất quan tâm đến thị trường Việt Nam,” theo Sputnik.

Trong chuyến thăm của chủ tịch Trần Đại Quang năm nay, Việt Nam và Nga đã đề ra mục tiêu nâng giá trị thương mại 2 chiều lên 10 tỷ USD trước năm 2020. Dầu khí sẽ tiếp tục là ngành được ưu tiên hàng đầu trong hợp tác giữa 2 nước, theo Tổng thống Putin nói trong chuyến thăm của ông Quang.

Theo hãng tin Itar-Tass của Nga, nhân dịp tới dự APEC Tổng thống Putin cũng sẽ có chuyến thăm chính thức nhà nước.

Cho tới thời điểm này, nhiều lãnh đạo của các nước thành viên đã xác nhận tham dự APEC, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Lịch trình cụ thể của Tổng thống Putin tại Việt Nam chưa được tiết lộ và không biết liệu ông có phát biểu tại APEC hay không. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ có bài phát biểu tại cuộc họp thượng đỉnh của các CEO tại APEC.

Việt Nam đang ráo riết chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC sẽ diễn ra từ 5-11 tháng sau tại thành phố cảng miền Trung. Hội nghị APEC đầu tiên Việt Nam tổ chức diễn ra ở Hà Nội năm 2006.

“Tuần lễ Cấp cao APEC là hoạt động cuối cùng và quan trọng nhất trong năm APEC 2017,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói tại buổi họp báo thường kỳ ngày 12/10. “Trong vai trò chủ nhà, Việt Nam nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thành công của Tuần lễ Cấp cao. Hiện nay, công tác tổ chức, chuẩn bị cơ sở vật chất tại các địa điểm diễn ra sự kiện, các khách sạn, trung tâm hội nghị, trung tâm báo chí đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng cho các hoạt động và cuộc họp, cũng như đón tiếp đại biểu, báo chí…” - VOA
|
|
6.
Tư tưởng Tập Cận Bình là gì? --- Trung Quốc Mộng làm Giang Trạch Dân ngủ gật?

Thông qua việc thực hiện “Bốn toàn diện” (Tứ Toàn) để đạt mục đích tối hậu là sự phục hưng vĩ đại của đất nước Trung Hoa (Trung Quốc Mộng) bằng con đường đi đến hai mục tiêu trăm năm (Bách niên Mục tiêu) và xây dựng quân đội hùng mạnh trong khi không dung thứ hành động ly khai – đó chính một số điểm chính của Tư tưởng Tập Cận Bình theo một học giả chuyên về Đảng của Trung Quốc.

Đây là học thuyết chính trị mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc được Chủ tịch Tập Cận Bình đúc kết sau năm năm cầm quyền. Dự kiến học thuyết này sẽ được đưa vào Điều lệ Đảng tại Đại hội 19 đang diễn ra ở Bắc Kinh để làm kim chỉ nam cho hành động của Đảng – ngang hàng với Tư tưởng Mao Trạch Đông và Lý luận Đặng Tiểu Bình.

Những từ ngữ trên được ông Tập lặp đi lặp lại trong Báo cáo Chính trị dài hơn ba tiếng rưỡi đồng hồ mà ông trình bày trước phiên khai mạc Đại hội hôm 18/10. Báo cáo này cung cấp một cái nhìn rõ nét về nền tảng lý luận trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập.

Trên Nhân dân Nhật báo hôm thứ Năm ngày 19/10, Giáo sư Hàn Khánh Tường thuộc Trường Đảng Trung ương đã có bài viết làm rõ nội hàm của Tư tưởng Tập Cận Bình. Học thuyết này đã được các cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc gọi là: “Tư tưởng về Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc trong thời đại mới” (nguyên văn chữ Hán: Tân thời đại Trung Quốc đặc sắc Chủ nghĩa xã hội Tư tưởng).

Kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2012, ông Tập đã đề ra khái niệm “Trung Quốc Mộng” để thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Để thực hiện điều đó, ông Tập và Ban lãnh đạo Đảng đã đặt ra hai mục tiêu trăm năm. Một là xây dựng một xã hội khá giả vừa phải vào năm 2020, tức là một năm trước kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hai là đưa Trung Quốc trở thành “siêu cường xã hội chủ nghĩa” vào năm 2049, tức đúng dịp tròn 100 năm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời.

Con đường để thực hiện hai mục tiêu này là thông qua nguyên tắc “Bốn Toàn diện”: xây dựng xã hội khá giả toàn diện, cải cách kinh tế-xã hội sâu sắc toàn diện, xây dựng một nền pháp trị toàn diện và quản lý Đảng bằng kỷ luật một cách toàn diện.

Theo kiến giải của Giáo sư Hàn thì xây dựng một xã hội khá giả toàn diện để làm nền tảng cho công cuộc hiện đại hóa và phục hưng Trung Quốc; cải cách sâu sắc toàn diện là để tạo lực đẩy đi tới; nền pháp trị toàn diện để đảm bảo quản trị Nhà nước một cách hiệu quả; Thi hành kỷ luật Đảng toàn diện là để đảm bảo cho khả năng lãnh đạo của Đảng.

Một nội dung quan trọng khác của học thuyết này là xây dựng quân đội Trung Quốc hùng mạnh để đối phó với “sự chống đối của các cường quốc khác trước sự trỗi dậy của Trung Quốc” mặc dù, theo ông Hàn, triết lý ngoại giao của Trung Quốc vẫn trung thành với nguyên tắc tạo môi trường hòa bình để phát triển.

“Mặc dù Trung Quốc muốn duy trì hòa bình và thực hiện chính sách phòng vệ nhưng vẫn cần phải có một quân đội hùng mạnh để bảo vệ mình trước những thách thức phức tạp. Đó là lý do tại sao quân đội hùng mạnh là một nội dung cần thiết của Giấc mộng Trung Hoa,” ông Hàn Khánh Tường viết.

Ông Hàn cũng nói rõ rằng “Trung Quốc Mộng” là cho cả tất cả mọi người dân Trung Quốc bao gồm những người ở Hong Kong, Macao và Đài Loan.

Trong khi đó, trong một dấu hiệu cho thấy tư tưởng của ông Tập sẽ được Đại hội Đảng tôn vinh, Tân Hoa Xã đã dẫn lời những lãnh đạo cao cấp Trung Quốc ca ngợi học thuyết này.

“Tư tưởng này chính là điểm nhấn quan trọng nhất của Đại hội Đảng lần thứ 19 và là đóng góp lịch sử vào sự phát triển của Đảng,” ông Trương Đức Giang, Chủ tịch Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, nhân vật số ba trong bộ máy lãnh đạo Trung Quốc, được dẫn lời nói tại một phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Khu tự trị Nội Mông bên lề Đại hội.

Về phần mình, ông Du Chính Thanh, Chủ tịch Chính hiệp, nhân vật lãnh đạo xếp hàng thứ tư, nói rằng Tư tưởng Tập là “thành tựu mới nhất trong quá trình áp dụng chủ nghĩa Mác vào hoàn cảnh Trung Quốc và nó là một cấu phần quan trọng trong hệ thống học thuyết về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.”

Còn ông Lưu Vân Sơn, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và là nhân vật số năm trong Đảng, nói rằng việc đưa Tư tưởng Tập vào Điều lệ Đảng có “ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, lý luận và thực tiễn” và kêu gọi toàn Đảng “nghiêm túc học tập”. - VOA

***
Trong ngày khai mạc Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đã ngáp và xem đồng hồ nhiều lần liên tục rồi thiu thiu ngủ khi người đương nhiệm Tập Cận Bình đọc bài diễn văn 3 giờ rưỡi hôm khai mạc.

Năm nay đã 91 tuổi, ông Giang Trạch Dân được mời đến dự lễ khai mạc và ngồi cạnh ông Tập Cận Bình và cùng bàn một cựu Tổng bí thư, Hồ Cẩm Đào.

Một nhà báo nước ngoài, Neil Connor, nhắn trên mạng xã hội rằng khi vào đưa tin Đại hội 19 của ĐCSTQ, anh đã dùng ống nhòm xem và đếm thấy ông Giang Trạch Dân nhìn đồng hồ 10 lần khi ông Tập Cận Bình đọc bài diễn văn 3 tiếng rưỡi.

Hiện không rõ cái ngáp và chuyện xem đồng hồ của ông Giang Trạch Dân là sự vô ý vì tuổi cao, ngồi lâu thấy mệt, hay là cách ông gửi ra tín hiệu gì khác.

Sau khi ông Tập Cận Bình về ghế, một người tiền nhiệm khác, ông Hồ Cầm Đào đã quay sang nói gì với ông Tập và chỉ tay vào đồng hồ.

Không rõ ông Hồ khen ông Tập "nói khoẻ" hay cho thấy là bài phát biểu đã quá dài.

'Trung Quốc Mộng'

Cũng có hình ông Giang Trạch Dân ngáp và gãi đầu khi nghe bài diễn văn về Trung Quốc Mộng của Tập Cận Bình.

Hiện hơn 2200 đại biểu dự Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang thảo luận về những nghị trình có thể đưa bổ sung vào Điều lệ.

Một số báo chí chính thống Trung Quốc nêu rằng tư tưởng Tập Cận Bình có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.

Diễn văn của ông Tập Cận Bình nói nhiều về tư tưởng vĩ đại phục hưng Trung Hoa.

Theo đó, đây là thời đại thứ ba từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949.

Không xa rời nền tảng Marx-Lenin, tư tưởng này đặt ông Tập Cận Bình vào vị trí 'hạt nhân' của Đảng Cộng sản, và Đảng này sẽ đóng vai trò phục hưng nước Trung Hoa, đem lại vị thế xứng đáng cho nước này trên thế giới.

Về nội bộ, ông Tập Cận Bình "dùng Đảng trị quốc", và sẽ mở rộng vai trò cho các cơ quan của Đảng Cộng sản. - BBC
|
|
7.
Ngân hàng trung ương TQ cảnh báo sụp đổ giá tài sản

Trung Quốc sẽ ngăn ngừa những rủi ro từ sự lạc quan thái quá có thể dẫn đến "khoảnh khắc Minsky", thống đốc ngân hàng trung ương Chu Tiểu Xuyên nói hôm 18/10. Ông cho biết thêm mức nợ của doanh nghiệp hiện tương đối cao và nợ của hộ gia đình đang tăng quá nhanh.

Khoảnh khắc Minsky là sự sụp đổ đột ngột của giá tài sản sau một thời gian dài tăng trưởng, gây ra bởi nợ hoặc áp lực tiền tệ. Lý thuyết này được đặt tên của nhà kinh tế Hyman Minsky.

Những lời cảnh báo của ông Chu về những nguy cơ tiềm ẩn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tương phản với quan điểm tươi hồng hơn của hầu hết các quan chức Trung Quốc.

"Nếu có quá nhiều yếu tố thuận cho tính chu kỳ trong nền kinh tế, những biến động theo chu kỳ bị phóng đại và có sự lạc quan thái quá trong giai đoạn này, tích lũy các mâu thuẫn có thể dẫn đến cái gọi là Khoảnh khắc Minsky", ông Chu nói bên lề Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19 của Trung Quốc.

Ông nói: "Chúng ta nên tập trung vào việc ngăn ngừa một sự điều chỉnh quá mạnh”. Trung Quốc sẽ kiểm soát những rủi ro từ việc điều chỉnh đột ngột đối với bong bóng tài sản và sẽ xử lý nghiêm túc những khoản nợ được cải trang thuộc về các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương, ông Chu nói.

Mặc dù vậy, mức nợ chung của Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống khi các nhà chức trách kiểm soát tín dụng chặt chẽ, ông nói.

Những lo ngại về sự gia tăng nợ nhanh chóng của Trung Quốc đã khiến cho bộ phận đánh giá toàn cầu của S&P Global hạ xếp hạng tín dụng tầm quốc gia của Trung Quốc vào tháng trước, sau khi Moody's hạ mức xếp hạng vào tháng 5.

Bộ Tài chính Trung Quốc nói việc S&P hạ bậc xếp hạng là "quyết định sai lầm".

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF nói hồi tháng 8 rằng họ dự báo tổng nợ của khu vực phi tài chính của Trung Quốc sẽ tăng lên gần 300% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2022, tăng từ mức 242% trong năm ngoái. - VOA
|
|
8.
Hàng không mẫu hạm Mỹ tuần tra, cảnh báo Bình Nhưỡng

Tàu USS Ronald Reagan, hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân có trọng tải 100.000 tấn của Mỹ, hôm 19/10 tuần tra ở vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên, trong một màn phô trương sức mạnh hàng hải và hàng không được thiết kế nhằm cảnh báo Triều Tiên chớ có bất kỳ hành động quân sự nào, theo tin Reuters.

Tàu chiến lớn nhất của Hải quân Hoa Kỳ ở châu Á, với thủy thủ đoàn lên tới 5.000 người, chạy trong phạm vi 100 hải lý- tương đương với 160,93 km, phóng lên gần 90 máy bay tiêm kích F-18 Super Hornet từ boong tàu.

USS Ronald Reagan đang tiến hành tập trận với hải quân Hàn Quốc, với sự tham gia của 40 tàu chiến được triển khai trên tuyến đường biển kéo dài từ biển Hoàng Hải, phía tây bán đảo Triều Tiên, sang tận biển Nhật Bản.

Reuters dẫn lời Đô đốc Hải quân Marc Dalton, chỉ huy nhóm tàu tác chiến của tàu Reagan, nói: “Hành động nguy hiểm và hung hăng của Triều Tiên đã gây quan tâm cho tất cả mọi người trên thế giới”.

“Chúng tôi đã nói rõ rằng với cuộc tập trận này, và nhiều cuộc tập trận khác nữa, chúng tôi sẵn sàng để bảo vệ Hàn Quốc”.

Sự hiện diện của tàu sân bay Reagan trong khu vực, cùng với áp lực quân sự gần đây từ Washington đối với Bình Nhưỡng, bao gồm máy bay ném bom chiến lược B1-B bay trên bán đảo Triều Tiên, diễn ra ngay trước chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Donald Trump tới châu Á, bắt đầu tại Nhật Bản vào ngày 5/11 và sau đó là Hàn Quốc.

Triều Tiên bấy lâu nay vẫn đả kích các cuộc tập trận của tàu chiến Mỹ là “tập dượt cho chiến tranh”.

Cuộc tập trận diễn ra giữa lúc các nhà ngoại giao cấp cao Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đang bàn thảo ở Seoul về một giải pháp ngoại giao tiếp theo sau các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. - VOA
|
|
9.
Thủ lĩnh tiềm năng IS bị tiêu diệt ở miền Nam Philippines

Các giới chức quân đội Philippine cho biết một thủ lãnh hàng đầu của Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị các lực lượng chính phủ giải phóng thành phố miền Nam Marawi giết chết hồi đầu tuần này.

Mahmud Ahmad, sinh ra ở Malaysia, nằm trong số 20 chiến binh bị giết trong một vụ đấu súng hồi đầu tuần. Một phát ngôn viên của quân đội Philippines nói ông tin rằng Ahmad đã bị giết chết, dựa trên thông tin do hai con tin được giải cứu cung cấp sau cuộc giao tranh. Cái chết của Mahmud Ahmad sẽ không được xác nhận cho đến khi tìm được xác và xét nghiệm DNA.

Ahmad là một cộng sự thân tín của Isnilon Hapilon, thủ lãnh Nhà nước Hồi giáo ở Đông Nam Á cho đến tuần này, khi ông ta và một nhân vật quan trọng khác là Omarkhayam Maute, bị giết trong một chiến dịch quân sự. Ahmad được cho là đã bơm tiền và chiến binh để tăng cường cho nhóm bao vây Marawi, một thành phố có 200.000 dân, chủ yếu theo Hồi giáo, trên đảo Mindanao, miền Nam Philipppines.

Các chuyên gia cho rằng có nhiều khả năng Ahmad sẽ thay thế vị trí của Hapilon để cầm đầu Nhà nước Hồi giáo trong khu vực.

Hơn 1.000 người đã thiệt mạng ở Marawi kể từ ngày 23/5, khi các lực lượng an ninh Philippines tung ra chiến dịch bắt Hapilon. Chiến dịch tan rã sau khi hàng loạt chiến binh ồ ạt tấn công vào thành phố. Họ đốt nhà, nhà thờ Công giáo và bắt đi nhiều con tin. Phần lớn Marawi đã bị không kích nhằm chấm dứt cuộc bao vây.

Hôm thứ Ba, trong chuyến đi thăm thành phố bị vây hãm, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố Marawi “đã được giải phóng khỏi ảnh hưởng khủng bố”. Các lực lượng quân đội vẫn đang tham gia các cuộc chạm trán lẻ tẻ với nhóm tàn quân còn lại.

Khu vực miền Nam Philippines, đặc biệt là khu vực Mindanao giàu tài nguyên nhưng nghèo đói, từng là một điểm nóng hoạt động của nhóm Abu Sayyaf có liên hệ với al Qaida và các nhóm theo chủ nghĩa cực đoan khác. - VOA
|
|
10.
Ung thư gan ở Châu Á có liên hệ tới thảo dược

Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện nhiều bằng chứng cho thấy có mối liên hệ giữa các thảo dược cổ truyền của Trung Quốc với ung thư gan trên khắp khu vực Châu Á, theo một cuộc nghiên cứu công bố ngày 18/10.

Phát hiện cho thấy cần có các biện pháp mạnh tay hơn để ngăn mọi người tiêu thụ các hóa chất gọi là aristolochic acids (AA), có mặt trong nhiều loại dược liệu trong y học cổ truyền thuộc họ mộc hương, theo báo cáo đăng trên tạp chí y học Science Translational Medicine.

Các nhà nghiên cứu thí nghiệm 98 khối u gan tại các bệnh viện ở Đài Loan và phát hiện 78% chứa các mẫu biến đổi cho thấy ung thư có rất nhiều khả năng do có tiếp xúc với các hóa chất này.

Họ cũng nghiên cứu 89 mẫu bệnh phẩm ung thư gan ở Trung Quốc và 47% cho thấy có liên hệ với độc tố vừa kể.

Tại Việt Nam, trong số 26 khối u gan được nghiên cứu thì có 5 trường hợp (19%) có liên hệ với chất acid AA trong khi ở các nước Đông Nam Á khác, tỷ lệ này là cứ 9 khối u gan thì có 5 cái có liên hệ với AA.

Mối liên hệ giữa ung thư gan với thảo dược y học cổ truyền Trung Quốc ít thấy hơn ở khu vực Bắc Mỹ, chỉ chiếm 5% trong tổng số 209 ca ung thư gan được khảo sát và trong 230 trường hợp ở Châu Âu, có 1,7% như thế.

Đài Loan vào năm 2003 đã cấm dùng các thảo dược có chứa chất AA để bào chế thảo dược sau khi khám phá rằng AA có thể gây suy thận và ung thư đường niệu.

Tuy nhiên, không có lệnh cấm thẳng thừng rõ ràng tại Đài Loan hay Trung Quốc, khiến người tiêu dùng khó tránh, báo cáo nói. - VOA
|
|
11.
New Zealand sắp có nữ thủ tướng trẻ nhất lịch sử

Bà Jacinda Ardern sẽ trở thành thủ tướng kế tiếp của New Zealand sau khi một đảng nhỏ ủng hộ đảng Lao động của bà, kết thúc bế tắc kéo dài gần một tháng sau cuộc bầu cử.

Ông Winston Peters, lãnh đạo đảng “New Zealand Trên Hết”, ngày 19/10 loan báo sẽ thành lập một chính phủ liên hiệp với đảng Lao động có lập trường trung tả của bà Ardern và đồng minh chính trị của đảng này, là Đảng Xanh.

Trong bài phát biểu vào lúc ra thông báo, ông Winston nói với các nhà báo ở Wellington: “Chúng tôi phải quyết định liệu nên chọn sửa đổi hiện trạng hoặc thay đổi”.

Ông Peters bị đẩy vào thế có thể quyết định ai sẽ ‘làm vua’, tức là nắm chức vụ cao nhất sau khi các cuộc bầu cử quốc hội ngày 23/9 kết thúc với đảng Quốc gia cầm quyền của Thủ tướng Bill English đoạt được 56 ghế, khối Đảng Lao động-đảng Xanh giành được 54 ghế, gần đạt mức 61 ghế cần thiết để kiểm soát Quốc hội New Zealand gồm cả thảy 120 ghế. Ông English và bà Ardern sau đó đã tiến hành các cuộc đàm phán kéo dài và căng thẳng với ông Peters, thành viên của “đảng New Zealand Trên Hết” giành được chín ghế.

Quyết định của ông đã đưa bà Ardern, 37 tuổi, trở thành nữ thủ tướng thứ ba, và cũng là lãnh đạo trẻ nhất ở New Zealand trong hơn 150 năm qua.

Bà Ardern được bầu vào Quốc hội lần đầu tiên vào năm 2008. Thăng tiến quyền lực bất ngờ của bà bắt đầu vào tháng Tám, khi bà được chọn ra lãnh đạo đảng Lao Động khi đảng này bị tụt lại quá xa sau đảng Quốc gia trung hữu trong cuộc khảo sát ý kiến cử tri.

Tuổi trẻ và sức thu hút của bà đã tạo ra một làn sóng ủng hộ mà các chuyên gia gọi là “Jacindamania” (cuồng Jacinda), và thúc đẩy cơ may cho đảng Lao động, từ nắm chắc thất bại thành một cuộc tranh đua sít sao.

Quyết định của ông Peters cũng chấm dứt quyền lực 9 năm của đảng Quốc gia. Ông English nhậm chức Thủ tướng vào tháng 12 năm ngoái khi người tiền nhiệm John Key bất ngờ từ chức. - VOA
|
|
12.
Catalonia thề đẩy nhanh tiến trình độc lập nếu bị tước quyền tự trị

Lãnh đạo Catalonia, Carles Puidgemont, hôm 19/10 tuyên bố nghị viện Catalonia sẽ tiến hành bỏ phiếu độc lập nếu chính phủ Tây Ban Nha không tham gia đối thoại và thực hiện lời đe dọa sẽ tước quyền tự trị của vùng này.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã ra thời hạn chót là sáng thứ Năm 19/10 để ông Puidgemont xác minh rõ liệu ông có thực sự tuyên bố độc lập sau cuộc trưng cầu hồi đầu tháng này hay không.

Ông Puidgemont đã đưa ra một tuyên bố độc lập có tính biểu tượng trong một bài phát biểu hồi tuần trước, nhưng nói rằng tại thời điểm này, ông đang đình chỉ bất kỳ bước đi chính thức nào trong cuộc đàm phán với chính phủ ở Madrid. Ông cũng bày tỏ quan điểm mới nhất trong một bức thư hôm thứ Năm, ngay trước hạn chót được loan báo.

Văn phòng Thủ tướng Rajoy đã thức thì hồi đáp, nói rằng họ đã lên kế hoạch tổ chức cuộc họp nội các đặc biệt vào ngày thứ Bảy để kích hoạt Điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha, cho phép chính phủ có quyền tước đi một phần hay toàn bộ quyền tự trị của Catalonia.

Cử tri tại Catalonia đã biểu quyết chọn giải pháp độc lập trong cuộc trưng cầu ngày 1/10, tuy nhiên chưa tới phân nửa số người đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu, trong khi phe chống đối tẩy chay tiến trình này. Chính quyền ông Rajoy đã bác bỏ cuộc trưng cầu với lý do đây là một cuộc biểu quyết bất hợp pháp. - VOA
|
|
13.
Châu Âu và Anh bước vào vòng đàm phán thứ 5 trong không khí bi quan

Hôm nay 19/10/2017, hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Châu Âu sẽ diễn ra tại Bruxelles, chủ yếu thảo luận về cuộc thương lượng Brexit. Hội nghị bắt đầu bằng một cuộc thảo luận về chính sách nhập cư. Vấn đề vùng Catalunya đòi độc lập cũng sẽ là vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự.

Từ Bruxelles, thông tín viên Quentin Dickinson tổng kết bốn vòng đàm phán về Brexit:

"Tới tận đầu tháng này, những cuộc đàm phán về cuộc ly hôn giữa Anh và Liên Hiệp Châu Âu hầu như không tiến triển, vì đứng trên quan điểm của Luân Đôn, sẽ là tự sát đối với thủ tướng Theresa May, nếu bà đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào trước khi kết thúc đại hội đảng bảo thủ cầm quyền của bà. Tóm lại, bốn phiên thương lượng không hoặc gần như không mang lại kết quả gì.

Phiên thứ 5 không thực sự tái thúc đẩy cuộc đàm phán, thậm chí là ngược lại. Do vậy, 27 đối tác của bà Theresa May, nhóm họp thượng đỉnh vào hôm nay 19/10/2017 và ngày mai 20/10/2017, sẽ không thể nhận thấy được một sự tiến triển nào dù là nhỏ nhất trong cuộc thương lượng về Brexit, mà theo quy trình được chính Anh Quốc chấp nhận, thì chỉ khi đạt được những tiến bộ trong đàm phán về Brexit, mới có thể tiến hành song song cuộc đàm phán về mối quan hệ trong tương lai giữa Vương Quốc Anh và Liên Hiệp Châu Âu.

Mặc cho ý đồ của chính quyền Luân Đôn muốn gây chia rẽ giữa 27 nước thành viên, hoặc thậm chí là giữa các thành viên này với trưởng đoàn đàm phán của Liên Hiệp Châu Âu Michel Barnier, đến thời điểm hiện tại, cuộc thương lượng song song này vẫn không diễn ra. Ngược lại, Liên Hiệp Châu Âu sẽ cho nước Anh cơ hội. Do vậy, chính quyền của bà Theresa May sẽ được thông báo là châu Âu hy vọng sẽ có được những tiến triển tích cực vào trước cuối tháng 12, để các bên có thể cùng nhau nói về tương lai thời kỳ hậu Brexit". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

14.
TT Trump dính thị phi khi nói về lính Mỹ hy sinh

Tổng thống Mỹ Donald Trump phản bác lời kể của một dân biểu về cuộc điện đàm giữa ông với người vợ góa của một trong bốn quân nhân Mỹ thiệt mạng ở Niger hôm 4/10.

Nữ dân biểu Florida Frederica Wilson nói bà đang đi cùng xe với người vợ đang mang thai của Johnson thì bà này nhận được điện thoại của ông Trump, và bà nghe ông nói "Anh ấy đã biết sẽ đối mặt với điều gì khi đăng lính ... nhưng dù gì đi nữa, khi điều đó xảy ra, nó vẫn gây đau buồn ".

Ông Trump hôm 18/10 phủ nhận ông đã dùng những lời lẽ đó.

"Tôi không nói những điều mà bà dân biểu nói tôi nói. Không hề nói thế. Bà ấy biết điều đó nhưng bây giờ thì bà ấy không nhắc tới điều đó. Tôi không nói những gì bà ấy nói và tôi muốn bà ấy nói lại".

Nhưng dân biểu Wilson cả quyết bảo vệ những lời bà đã nói từ đầu.

"Hãy đợi ông ấy công bố bản chép băng ghi âm, tôi không phải là người duy nhất trong xe. Chẳng có lý do gì để tôi phải nói dối về một cú điện thoại".

Mẹ của quân nhân La David Johnson xác nhận với báo The Washington Post về lời kể của Wilson liên quan tới cú điện thoại. Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc hôm 18/10 cho hay không có bản chép băng, nhưng Chánh văn phòng John Kelly có mặt khi cuộc gọi diễn và, theo ông thì những lời phát biểu rất đúng mực.

Bà Sarah Huckabee Sanders, Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc, nói "Ông ấy nghĩ rằng cuộc gọi đó thật đúng mực, tỏ lòng tôn trọng và ông nghĩ rằng tổng thống đã làm tốt nhất có thể trong hoàn cảnh như vậy để thay mặt cho đất nước gửi lời chia buồn với gia đình".

Ông Trump bị chỉ trích vì đã chờ quá lâu trước khi nói đến những quân nhân thiệt mạng ở Niger. Ông tìm cách biện hộ bằng cách chỉ trích những vị Tổng thống tiền nhiệm. Nhưng các phụ tá của các cựu tổng thống phản bác lời chỉ trích của ông.

Tổng thống Trump ca ngợi tầm quan trọng của quân đội Hoa Kỳ và ủng hộ việc tăng chi tiêu cho quân đội, nhưng cách ông bày tỏ về những người lính thiệt mạng đã làm dấy lên nhiều lời chỉ trích. - VOA
|
|
15.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ thấp kỷ lục

Tính đến tuần trước, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 44 năm qua.

Triển vọng thị trường lao động cũng được củng cố thêm nhờ một báo cáo khác hôm 19/10, cho thấy số lượng việc làm trong các hãng xưởng ở miền trung của Bờ Đông nước Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 10. Các dấu hiệu về độ vững mạnh của thị trường lao động có thể tăng cường những kỳ vọng là Cục Dự trữ Liên bang sẽ tăng lãi suất trong tháng 12.

Bộ Lao động cho hay số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở cấp tiểu bang đã giảm 22.000 đơn, còn 222.000 đơn, sau khi được điều chỉnh theo mùa, trong tuần kết thúc vào ngày 14/10. Đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ tháng 3/1973.

Tuần trước đánh dấu tuần thứ 137 liên tiếp có lượng đơn khai thất nghiệp dưới ngưỡng 300.000, điều này liên quan đến thị trường lao động hoạt động tốt. Đây là khoảng thời gian kéo dài nhất kể từ năm 1970.

Thị trường lao động đang trong tình trạng gần như ai muốn có việc làm cũng có việc làm, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,2%, mức thấp nhất trong hơn 16 năm rưỡi qua. - VOA
|
|
16.
Cháy rừng California: Gần 7 ngàn nhà cửa bị thiêu rụi


Các trận cháy rừng tàn phá bang California trong tháng này gây thiệt hại ít nhất 1 tỷ đô la về tài sản có bảo hiểm, các giới chức ngày 19/10 loan báo, số nhà cửa và các cơ sở khác bị hủy hoại tăng gần 7 ngàn.

Tử vong hiện được báo cáo là 42 người.

Ước tính vừa nêu dựa trên các đơn khai thiệt hại với 8 hãng bảo hiểm lớn nhất trong vùng bị ảnh hưởng, số này chưa kể tới các tài sản không có bảo hiểm.

Số nhà cửa và các cơ sở bị thiêu rụi từ 5700 tăng vọt thành 6900 khi các toán cứu hỏa quay lại những khu dân cư khó tiếp cận nhất và đánh giá những vùng xa xôi và nông thôn mà trước đây họ không tiếp cận được, một phát ngôn nhân Cơ quan Bảo vệ Rừng và Phòng cháy Chữa cháy California cho biết.

22 trong số 42 trường hợp tử vong vì cháy rừng ở California trong tháng 10 này xảy ra trong quận hạt Sonoma.

Thống đốc bang California, Jerry Brown, tối ngày 18/10 ra sắc lệnh yêu cầu tăng tốc nỗ lực phục hồi vì lính cứu hỏa đã chặn được đà tiến của các đám cháy.

Hàng chục ngàn dân đã được phép trở về nhà, hơn 15 ngàn người vẫn còn sơ tán. Số dân sơ tán từ thứ bảy tuần trước là 100 ngàn người. - VOA
|
|
17.
TT Trump gửi $25,000 cho gia đình tử sĩ, khi truyền thông lên tiếng

Tổng Thống Donald Trump gửi một ngân phiếu cá nhân trị giá $25,000 cho gia đình của một người lính tử trận, vào cùng ngày mà nhật báo The Washington Post loan tin ông hứa với thân phụ của người lính khi gọi điện an ủi hồi Tháng Sáu nhưng đến nay vẫn chưa thấy ngân phiếu.

Một giới chức của Tòa Bạch Ốc xác nhận với đài truyền hình CNN rằng tổng thống đã gửi một ngân phiếu cá nhân đến gia đình của Hạ Sĩ Dillon Baldridge vào hôm Thứ Tư.

Anh Baldridge, 22 tuổi, bị một cảnh sát viên Afghanistan bắn chết hồi Tháng Sáu.

Theo tờ Post, ông Trump gọi điện cho ông Chris Baldridge hồi Tháng Sáu, nhiều tuần sau khi con trai ông bị chết.

Lúc điện đàm, ông Trump đề nghị tặng gia đình người lính xấu số $25,000 đồng thời hứa chỉ thị cho nhân viên lập một trang gây quỹ cho gia đình ở trên mạng.

Bà Lindsay Walters, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, nói: “Ngân phiếu đã gửi rồi. Thật ghê tởm khi giới truyền thông chọn việc làm của cá nhân tổng thống, đúng ra phải được xem là cử chỉ quảng đại và chân tình, thì lại dùng để xuyên tạc với ác ý.”

Thời điểm ông Trump gửi ngân phiếu gây nhiều thắc mắc vì tờ Post tường thuật câu chuyện hôm Thứ Tư, ngày mà Tòa Bạch Ốc thoạt đầu nói là không bàn sâu về chi tiết nhưng sau đó lại nói rằng ngân phiếu đã được gửi đi.

Khi được hỏi tại sao phải đợi quá lâu số tiền mới được gởi đi thì người phát ngôn giải thích rằng, mọi liên hệ giữa tổng thống với công chúng thường phải qua một tiến trình liên quan đến nhiều cơ quan, “đặc biệt là khi chuyển một ngân phiếu cá nhân. Trong trường hợp này nhiều cơ quan khác nhau đều có liên quan.”

Tuy nhiên người phát ngôn không nói rõ những cơ quan đó là ai cũng như tiến trình ấy như thế nào. - nguoiviet
|
|
18.
Anh của Phó Tổng Thống Mike Pence tranh ghế dân biểu

Ông Greg Pence, một trong mấy người anh của Phó Tổng Thống Mike Pence, vừa nộp hồ sơ thuế cho Sở Thuế IRS, cho thấy ông sẽ ra tranh ghế dân biểu thuộc khu vực miền Đông Indianapolis, nơi mà phó tổng thống từng là thống đốc trong 12 năm.

Theo đài truyền hình NBC News, ông Greg thành lập ủy ban The Greg Pence for Congress Committee hôm Thứ Hai.

Ông Greg Pence, người từng cai quản hệ thống tiệm tạp hóa Tobacco Road thuộc gia đình mà nay đã phá sản, nói rằng nhiều người giục ông ra tranh cử.

Là anh ruột của phó tổng thống, ông dễ có cơ may giành chiến thắng tại khu vực nơi người Cộng Hòa chiếm đa số.

Tên tuổi ông Greg được nhiều người biết đến, đang làm chủ một kinh doanh đồ cổ trong khu vực và lại có diện mạo giống gần y hệt với người em, nhất là đầu tóc trắng húi cua.

Ông Bob Grand, một nhà gây quỹ quan trọng của đảng Cộng Hòa và cũng là tay môi giới chính trị ở Indiana, trước đây từng nói với hãng thông tấn AP rằng ông Greg Pence sẽ là một ứng cử viên lý tưởng.

“Ông ấy là một lãnh đạo cộng đồng, từng có liên hệ với cộng đồng này, tên tuổi ông ấy ai cũng biết. Theo tôi tất cả đều là điểm tích cực,” ông Grand nói hồi Tháng Sáu, khi tên của ông Greg mới được bàn đến. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

19.
Lập Viện Đạo đức học 'như dán cao chữa ung thư'

Một cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng ở Hà Nội đề xuất lập Viện Đạo đức học để "dạy những chuẩn mực trong Đảng" nhưng một cựu cán bộ Ban Dân vận Trung ương nói với BBC rằng việc này "như dán cao chữa ung thư."

Ông Nguyễn Trọng Phúc, cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng được truyền thông Việt Nam dẫn lời nhắc lại những "căn bệnh nguy hiểm" của đảng viên theo lời Hồ Chí Minh và nói thêm:

"Để huấn luyện được cán bộ, tôi đề nghị lập Viện Đạo đức học, trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Viện sẽ dạy cán bộ đạo đức và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng. Giảng viên thì phải tuyển chọn những người mẫu mực."

"Hai cơ quan phụ trách viện nên là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương," VnExpress dẫn lời ông Phúc.

'Ru ngủ'

Ý tưởng này đã gây ra nhiều bình luận trên mạng xã hội.

Hôm 19/10, trả lời BBC từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ trưởng Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nói: "Bàn về vấn đề đạo đức của người dân và quan chức là quan tâm lớn của toàn xã hội vì đạo đức hiện nay suy đồi lắm."

"Tuy nhiên, việc thành lập một viện về đạo đức để giải quyết những vấn đề trầm kha như vậy như dán cao chữa bệnh ung thư, vừa tốn kém, vừa hời hợt và chỉ mang tính hình thức. Tôi phản đối đề xuất này."

"Lâu nay, các đảng viên, nếu họ muốn thực sự học về đạo đức thì đã có Điều lệ Đảng. Trước những bức xúc của xã hội về đạo đức cán bộ suy thoái trầm trọng mà giải pháp là cho thành lập viện đạo đức mang tính hình thức như thế theo tôi chỉ nhằm để đánh lừa, ru ngủ công luận và làm gia tăng tiến sĩ giấy mà thôi."

"Theo tôi, muốn tăng cường đạo đức cán bộ thật sự, nhất là cán bộ Đảng, cần làm cách khác, thực chất hơn. Ví dụ như cải cách chế độ, sửa lại hệ thống luật pháp cho văn minh, minh bạch. Ai từ ông Nguyễn Phú Trọng trở xuống có sai phạm đều cần xét xử đích đáng, sai phạm nghiện trọng thì loại khỏi hàng ngũ Đảng."

"Còn nếu muốn tăng cường đạo đức để chống tham nhũng thì cứ áp dụng ba giải pháp chính mà thế giới người ta đang làm, gồm cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cảnh sát văn minh và có tự do báo chí."

Cùng ngày, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói với BBC: "Tôi chưa nắm thông tin về việc đề xuất lập Viện Đạo đức học nên chưa thể bình luận."

Theo báo Nhân Dân, trong phiên tiếp xúc cử tri ở Hà Nội hôm 12/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Hồ Chí Minh từng nói nhiều về tư cách người cách mệnh và coi đức là gốc của người cán bộ cách mạng. Ðảng cũng đã có nhiều nghị quyết về công tác cán bộ."

"Chúng ta làm quyết liệt, xử lý nghiêm minh cán bộ sai phạm, nhưng rất nhân văn. Xét xử phải thấu lý, đạt tình, để cảnh báo răn đe; song còn mở đường cho người sai phạm sửa chữa, còn đường tiến. Tất cả cùng vào cuộc, không được ai đứng ngoài, phải tự giác sửa mình, bình tĩnh làm cho hiệu quả, không gây xáo trộn."

Hồi tháng 7/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được báo Thanh Niên dẫn lời: "Tôi rất trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương, lãng phí, gây nhiều phản cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi của chúng ta".

"Chính những cán bộ đó đang làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh ở địa phương, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và sự phát triển chung, trong khi đó, chúng ta vô cùng xúc động trước tinh thần hi sinh, những câu chuyện rất cảm động về các thầy giáo, cô giáo ở vùng cao vượt qua mưa lũ đến trường, luôn một lòng vì các em, vì thế hệ tương lai của vùng cao mà không quản ngại, lùi bước trước bất kỳ khó khăn, gian khổ nào." - BBC
|
|
20.
Dân biểu Mỹ thăm VN, hứa hỗ trợ phát triển Tp. HCM

Dân biểu Hoa Kỳ Ted Yoho, Chủ tịch tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, vừa dẫn đầu một đoàn nghị sĩ sang thăm Việt Nam.

Trong cuộc gặp gỡ với ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, tại thành phố Hồ Chí Minh vào chiều 18/10, ông Yoho cho biết ông sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, văn hóa giữa Hoa Kỳ với Việt Nam, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh.

Báo Sài gòn Giải phóng trích lời dân biểu đảng Cộng hòa, đại diện bang Florida, nói Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ thành phố HCM trong việc phát triển đô thị, trong đó có xây dựng ‘đô thị thông minh’.

Theo trang Facebook của Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ, ngoài dân biểu Ted Yoho, đoàn còn có nữ dân biểu Terri Sewell, đại diện đảng Dân chủ ở bang Alabama; dân biểu Paul Gosar, đảng Cộng hòa bang Arizona; và dân biểu David Cicilline, đảng Dân chủ, bang Rhode Island.

Trước đó tại Hà Nội vào chiều ngày 16/10, trong cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, dân biểu Yoho nói ông sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy giao thương, hợp tác văn hóa, thương mại, chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, góp phần đưa mối quan hệ Đối tác toàn diện tiếp tục đạt được những thành công mới trên mọi phương diện trong thời gian tới.

Ông Phúc được báo chí trong nước nói Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ, mong muốn “tiếp tục phát triển quan hệ Đối tác toàn diện sâu sắc, thực chất, hiệu quả trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước”.

Báo Đất Việt cho biết ngày 17/10, ông Yoho cũng có một cuộc gặp với Thiếu tướng Bùi Anh Chung, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc Phòng Việt Nam tại Đà Nẵng và tham quan công trình xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Quốc Phòng Việt Nam thực hiện.

Báo Tuổi trẻ cho biết, trong cuộc gặp tại Đà Nẵng, phía Việt Nam đề nghị Mỹ bảo đảm vốn ODA không hoàn lại để khắc phục ô nhiễm môi trường do chất độc hóa học/dioxin tồn lưu sau chiến tranh tại sân bay Biên Hòa, Phù Cát và các điểm nóng khác. - VOA
|
|
21.
Cờ vàng sẽ được treo ở Úc bất chấp phản đối của Việt Nam

Một hội đồng thành phố ở Adelaide của Úc đã biểu quyết cho treo cờ Việt Nam Cộng hòa ở đây mặc dù đã được cảnh báo rằng chính phủ Việt Nam có thể phản ứng gay gắt trước quyết định này.

Hai trang mạng tin tức của Úc, news.com.au và adelaide.com.au, cho biết theo yêu cầu của cộng đồng người Việt ở đây trong năm nay, Hội đồng thành phố Port Adelaide Enfield ở tiểu bang Nam Úc đã thông qua khoản tiền 5.000 đô la để xây dựng 2 cột cờ, 1 cho cờ vàng của Việt Nam Cộng Hoà và 1 cho quốc kỳ Úc.

Chính phủ Việt Nam đã có phản ứng mạnh mẽ trước quyết định này. Tháng 8 năm nay, Hà nội đã gửi thư yêu cầu hội đồng thành phố “ngừng tiến hành một quyết định không đúng đắn như vậy.”

Trang tin tức Messenger của Adelaide trích dẫn bức thư có đoạn viết “Quyết định như vậy gây bất hòa sâu sắc với chính phủ và nhân dân Việt Nam vì nó chỉ càng khơi gợi lại quá khứ hận thù và buồn bã, cản trở các nỗ lực hòa giải.”

Tuy nhiên, vào tuần trước Hội đồng thành phố này biểu quyết treo cả 2 lá cờ trong 1 tuần vào dịp Tết Nguyên Đán, bắt đầu từ ngày 16/2 và sau đó vào ngày 13/8 để kỷ niệm Trận chiến Long Tân diễn ra trong chiến tranh Việt Nam từ 18-19 tháng 8 năm 1966.

Không chỉ riêng Hội đồng thành phố Adelaide cho phép treo cờ vàng. Lá cờ của Việt Nam Cộng hòa còn được treo ở một số thành phố khác ở Úc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong năm nay đã yêu cầu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull can thiệp nhằm “gây ảnh hưởng để ngừng việc treo cờ này.”

Theo ghi nhận của Fairfax, trong một cuộc thảo luận giữa 2 thủ tướng bên lề Hội nghị G20 diễn ra ở Đức vào tháng 7 vừa qua, “nhà lãnh đạo Việt Nam đã nêu lên mối quan ngại về 5 hội đồng địa phương ở Úc được cho là ủng hộ việc treo cờ vàng – là lá cờ của chính phủ miền Nam Việt Nam trước đây.”

Không rõ Thủ tướng Turnbull đã đáp trả lời yêu cầu của Thủ tướng Phúc như thế nào trong buổi gặp mặt riêng đó.

Tương tự như ở Hoa Kỳ, chính phủ Việt Nam trước đây yêu cầu Úc hạn chế việc treo cờ vàng nhưng ở nhiều khu vực của Úc nơi có nhiều người Việt sinh sống theo diện tị nạn, lá cờ này vẫn được treo tự do.

Thị trưởng Gary Johanson của Port Adelaide Enfield cho biết ông không mấy quan tâm về phản đối của chính phủ Việt Nam.

Một thành viên của Hội đồng thành phố, Matt Osborn, nói với Messenger rằng ông thấy “khó chịu vì chúng tôi bị điều khiển” bởi một chính phủ nước ngoài.

Tuy nhiên một thành viên khác của Hội đồng thành phố này, Peter Jamieson, mặc dù ủng hộ việc treo cờ vàng, nhưng cũng quan ngại liệu làm như vậy có vi phạm nghi thức ngoại giao hay không.

Chính phủ Úc có chính sách chỉ cho phép treo những lá cờ được công nhận chính thức của các quốc gia khác bên cạnh quốc kỳ của nước họ. - VOA
|
|
22.
Các tài xế dùng tiền lẻ qua trạm thu phí được mời lên làm việc

Khoảng 20 tài xế hôm thứ Năm 19 tháng 10 nhận được giấy mời lên làm việc với Cảnh sát giao thông Đồng Nai liên quan đến đảm bảo an toàn giao thông qua khu vực trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hoà.

Giấy mời do thượng tá Võ Đình Thường, Phó phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Đồng Nai ký và buổi làm việc sẽ diễn ra vào ngày 25 tháng 10.

Theo tượng tá Võ Đình Thường, bằng những hình ảnh và dữ liệu đã được ghi lại tại trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hoà, các tài xế sẽ được hướng dẫn những việc làm đúng, sai để rút kinh nghiệm.

Tin cho biết giấy mời này được đưa ra sau khi UBND tỉnh Đồng Nai có buổi họp nhằm mục đích đưa trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hoà hoạt động trở lại.

Trạm thu phí này đã dừng hoạt động hơn tháng qua vì nhiều tài xế dùng tiền lẻ mua vé để phản đối vị trí đặt trạm không hợp lý và mức thu phí quá cao. - RFA
|
|
23.
Cần 1 tỉ USD để giải phóng mặt bằng xây sân bay Long Thành

Chính phủ Việt Nam nói rằng cần một số tiền trị giá 1 tỉ đô la Mỹ để giải phóng mặt bằng cần thiết cho việc xây dựng sân bay Long Thành.

Số tiền này tương đương hơn 23 ngàn tỉ đồng tiền Việt Nam, trong đó hơn 18 ngàn tỉ đồng dùng để bồi thường cho dân chúng, doanh nghiệp trong khu vực giải tỏa, và hơn bốn ngàn tỉ đồng dùng để xây dựng những khu nhà tái định cư.

Cũng theo số liệu do Chính phủ Việt Nam đưa ra, có đến 15 ngàn người sẽ rời nơi mình đang sinh sống để lấy đất xây dựng sân bay Long Thành.

Tất cả những thông tin này nằm trong một báo cáo mà Chính phủ sẽ trình lên Quốc hội vào ngày khai mạc 20 tháng 10, năm 2017.

Sân bay Long Thành là một dự án cơ sở hạ tầng quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện, trị giá đến 8 tỉ đô la Mỹ nhằm thay thế cho sân bay Tân Sơn Nhất đang bị quá tải.

Cũng tin liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, báo chí Việt Nam cho biết là Bộ Quốc phòng đã giao đất có diện tích 7379 mét vuông cho Thành phố Hồ Chí Minh để xây cầu vượt, trạm xe điện ngầm, nhằm giải quyết nạn kẹt xe ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Xin được nhắc lại là cách đây vài tháng đã có tranh cãi liên quan đến việc giao đất do quân đội quản lý về cho Thành phố Hồ Chí Minh để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có một sân golf nằm ở phía Bắc sân bay.

Khu vực 7379 mét vuông mà quân đội chính thức giao lại cho Thành phố Hồ Chí Minh nằm dọc theo đường Trường Chinh, viên theo phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất.

Hiện nay vẫn chưa có thông tin gì về việc sân golf Tân Sơn Nhất có giao lại cho Thành phố Hồ Chí Minh hay không. - RFA
|
|
24.
Thành Phố Hồ Chí Minh muốn thu phí khách qua đêm

Mới đây, Sở Du lịch Tp. HCM vừa gửi công văn đề xuất với Ủy ban Nhân dân Thành phố đề nghị cho thu thêm 1 đô la Mỹ mỗi khách qua đêm . Mục đích được nói để tạo quỹ phát triển du lịch riêng cho thành phố.

Nhận xét và đánh giá của du khách

Bà Anna, một du khách người Nga từng du lịch nhiều nước Á - Âu cho biết, bà sẽ không đến Tp. HCM nếu khoản thu này thực sự được áp dụng. Theo bà thì khoản thu gây nên cảm giác thành phố không có lòng hiếu khách.

Anna: Không, không. Tôi không thích bởi vì đây không phải vấn đề về tiền bạc. Đây là vấn đề về thiện chí của bạn đối với du khách. Nếu chỉ vì tôi đến đây mà tôi bị tính phí thì nó đồng nghĩa với việc thành phố này không muốn sự có mặt của tôi nữa. Biểu hiện không có tính hiếu khách.

Dù đã du lịch qua khoảng 30- 40 quốc gia, Aiden đến từ Úc cho biết anh hoàn toàn chưa từng thấy khoản phí như vậy và cho biết nhiều người sẽ thấy khoản phí này không hợp lý.

Aiden: Tôi đã đến rất nhiều quốc gia rồi và không nhớ chính xác, khoảng 30-40 quốc gia gì đó. Nhưng chưa từng có một quốc gia nào tính loại phí đó cả. Hoàn toàn không có.

Tôi nghĩ còn tuỳ vô mỗi quốc gia và thành phố nếu họ muốn kiếm thêm tiền. Nếu thành phố muốn thì dĩ nhiên họ nên làm. Sẽ có rất nhiều người sẽ không muốn trả khoản tiền này, nên sẽ có rắc rối trong việc bắt mọi người chi ra khoản $1 đó.


Trong khi đó, những ý kiến khác mà phóng viên chúng tôi có dịp ghi nhận đều xoay quanh vẫn đề nguồn quỹ thu được từ loại phí đề xuất trên liệu có được sử dụng đúng mục đích hay không.

Ông Tom Lancaster đến từ Úc bày tỏ quan điểm cho rằng, thu phí như thế sẽ không công bằng đối với những người chọn nơi đây làm địa điểm du lịch. Tuy nhiên, nếu số tiền được dùng đúng mục đích thì cũng có thể chấp nhận được.

Tom Lancaster: Tôi đến Thái Lan 2 lần và một số quốc gia khác trên thế giới và không có nơi nào tính phí tôi vì tôi ở lại đó qua đêm tại thành phố cả, những nơi khác cũng vậy.

Nhưng tôi nghĩ nếu họ bỏ tiền vào việc phát triển du lịch, đó là ý tốt. Miễn là không bỏ vào túi chính phủ để chi cho việc khác là được.

Thomas, một du khách Pháp có hơn hai tuần trải nghiệm tại Việt Nam sau chuyến đi Đông Nam Á kéo dài vài tháng, cũng nhận định rằng chi phí này sẽ không thành vấn đề nếu như chúng thật sự được dành cho việc phát triển du lịch.

Thomas: Ấn tượng đầu tiên của tôi là số tiền này không quá lớn. Chỉ là một số tiền nhỏ thôi. Theo tôi thì nó hoàn toàn phụ thuộc vào việc người ta sẽ sử dụng chúng vào việc gì.

Nếu như việc tính phí này được sử dụng cho những mục đích tốt và quan trọng với người dân tại đây thì tại sao lại không thu. Tuy nhiên thì nếu tôi ở 7 ngày và phải trả $7...tôi cũng không rõ nữa. Tức là vấn đề nằm ở chỗ họ sẽ sử dụng số tiền này vào việc gì. Tôi thấy thế.

Mặc dù không phản đối, Thomas chia sẻ đây là lần đầu tiên anh nghe về loại phí này. Tại Pháp nơi anh sống, thuế du lịch sẽ được nộp vào ngân sách chung chứ không mang tính cục bộ cho từng địa phương.

Thomas: Đây là lần đầu tiên tôi nghe đến việc đề xuất ra loại phí này. Thành phố muốn đánh thuế người du lịch….Tại vì ở Pháp những hoạt động du lịch sẽ bị đánh thuế nhưng nó sẽ được nộp vào ngân sách chung của Pháp. Tôi chưa bao giờ nghe việc sẽ đánh thuế riêng cho việc du lịch đặc biệt là tại một thành phố riêng như vậy.

Thomas có trải nghiệm tương đối tốt về độ thuận tiện khi du lịch tại thành phố trên phương diện giao thông. Anh cho biết việc di chuyển từ sân bay đến trung tâm thành phố bằng xe bus 109 khá rẻ và thuận tiện, do có nhân viên hướng dẫn bằng tiếng anh.

Tuy nhiên giao thông công cộng cũng là mảng mà theo anh, thành phố nên đầu tư vào nếu khoản phí thực sự được thu và chi cho sự phát triển du lịch của thành phố.

Thomas: ...sẽ sử dụng số tiền này vào việc gì để phát triển du lịch tại đây? Giao thông công cộng. Với tôi, đây là chìa khoá cho một thành phố hạnh phúc. Thành phố duy nhất mà bạn có thể vui vẻ hạnh phúc là thành phố mà bạn có thể đi bộ được, hoặc là đi phương tiên công cộng được.

Tôi thấy tiếng ồn từ xe cộ, tiếng bóp kèn, v.v… rất là phiền. Do đó, thành phố nên đầu tư vào một hệ thống giao thông công cộng yên tĩnh, chẳng hạn như tàu điện, xe lửa, xe bus điện là tốt nhất để đi khắp thành phố. Đây cũng là điều mà thành phố cần phải cung cấp.

Du lịch lâu nay thường được mệnh danh là ‘ngành công nghiệp không khói’. Nhiều người thừa nhận Việt Nam có nhiều lợi thế trong lĩnh vực này khi có được những cảnh quan thiên nhiên mà hiếm nơi nào có được.

Tuy nhiên cách thức khai thác đến nay vẫn thiếu hiệu quả do nhiều chính sách bị chỉ ra là bất cập. Trong khi những tồn tại chưa được giải quyết, thì cơ quan chức năng như Sở Du Lịch thành phố Hồ Chí Minh lại đưa ra đề xuất vấp phải phản ứng như biện pháp thu thêm mỗi du khách chừng 1 đô la Mỹ khi ở lại qua đêm tại thành phố này. - RFA
|
|
25.
Việt Nam chấp thuận vợ chồng có trên 2 đứa con

Việt Nam dự tính thay đổi chính sách sinh đẻ có kế hoạch, chấp thuận cho các cặp vợ chồng được quyền có trên 2 đứa con, đánh dấu lần đầu tiên có sự thay đổi như vừa nêu trong 50 năm qua.

Cụ thể, chính sách định hướng mỗi cặp vợ chồng có từ 1 đến 2 con trước đây, nay được vận động sinh đủ 2 con. Những vùng có mức sinh cao như Tây nguyên sẽ được vận động giảm xuống. Còn các khu vực có mức sinh thấp như thành phố Hồ Chí Minh hay đồng bằng Sông Cửu Long được khuyến khích nên sinh thêm con.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-kế hoạch hóa gia đình, ông Nguyễn Văn Tân, tại buổi họp báo vào chiều ngày 17 tháng 10 cho biết đã có đề nghị từng bước sửa đổi theo hướng không xử phạt đảng viên nếu họ mong muốn có thêm 3 hay 4 đứa con.

Trả lời câu hỏi liệu chính sách dân số thay đổi sẽ gây ra tình trạng bùng nổ dân số trở lại hay không, ông Nguyễn Văn Tân nói rằng với tỉ lệ điều chỉnh như thế thì mức sinh của Việt Nam không có thay đổi lớn. Quy mô dân số đến năm 2030 sẽ ở mức 104 triệu người và tăng lên từ 113 đến 115 triệu người vào năm 2049.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-kế hoạch hóa gia đình cũng cho biết đang phối hợp với Bộ Tư Pháp và 7 địa phương trong cả nước để sửa đổi các quy định không phù hợp với luật pháp là xử phạt những ai sinh con đứa thứ 3.

Trước thông tin chính sách dân số thay đổi như thế, nhiều người lên tiếng họ không quan tâm vì sinh bao nhiêu con là quyền của người dân. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9








No comments:

Post a Comment

View My Stats