Sunday, 1 October 2017

THẾ CHIẾN THỨ BA ? (Huệ Vũ - Viễn Đông Daily)




Huệ Vũ  -  Viễn Đông Daily
Monday, 25/09/2017 - 10:37:35

Báo chí và dư luận quốc tế đang lo ngại thế chiến thứ ba có thể xảy ra. Vào đầu tháng này Ngoại Trưởng Pháp cảnh cáo thế chiến có thể xảy ra, và Nga đã có hành động bất thường di dời trên 1,500 thường dân ra khỏi hải cảng Hải Sâm Uy (Vladivostok). Các nước lo ngại sự tháu cáy của Kim Chánh Vân (Kim Jong-Un) và sự đe dọa cứng rắn liên tục của Tổng Thống Donald Trump có thể đưa tới những sự tính toán sai lầm.

Bài diễn văn của Tổng Thống Trump trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 19/9 đã tuyên bố sẽ tiêu diệt toàn bộ Bắc Hàn nếu nước này còn tiếp tục con đường hiện nay. Sự đe dọa này sẽ làm Bắc Hàn ngưng bắn hỏa tiễn hay tiếp tục mỗi ngày mỗi mạnh và xa hơn là điều cần phải chờ xem.

Hiện giờ không biết chính phủ Trump đã có chiến thuật, kế hoạch nào để tấn công tiền kích đánh phủ đầu Bắc Hàn hay chưa?

http://www.viendongdaily.com/res/fckfolder/Image/NewEditor/2017/9/25-Sep-2017/thechienthuba1.jpg
Lãnh tụ Kim Chánh Vân đọc diễn văn ngày 21 tháng Chín, về những tuyên bố của Tổng Thống Donald Trump tại Liên Hiệp Quốc. (Getty Images)

Vào năm 2015, các chiến thuật gia Hoa Kỳ và Nam Hàn đã đồng ý kế hoạch OPLAN 2015, trong đó sẽ tấn công chớp nhoáng các cơ sở nguyên tử, hỏa tiễn, tiêu diệt ngay Kim Chánh Vân và các nhân vật lãnh đạo Bình Nhưỡng. Trước đó, Hoa Kỳ đã từng đưa ra một số chọn lựa quân sự như “Operations Plan 5027” tập trung lực lượng Hoa Kỳ và Nam Hàn tấn công giải phóng Bắc Hàn; hay kế hoạch tấn công sấm sét “Blitzkreig” tập trung lực lượng cơ động, phi cơ, trọng pháo hải quân, pháo binh Nam Hàn dọc khu phi quân sự tấn công ào ạt những cơ sở quân sự Bắc Hàn, tiêu diệt khả năng bắn hỏa tiễn, trọng pháo mang đầu đạn hóa học, vi trùng của nước này.

Trong năm 1994, chính phủ Bill Clinton muốn tấn công Bắc Hàn, vào tháng 5 năm 1994, giới quân sự Hoa Kỳ ước tính nếu cuộc tấn công diễn ra, trong 90 ngày đầu tiên sẽ thiệt hại sinh mạng ít nhất 52,000 quân nhân Hoa Kỳ và 490,000 quân nhân Nam Hàn. Trong tháng 6 năm 1994, tướng Gary Luck, chỉ huy trưởng quân đội Hoa Kỳ ở Nam Hàn, đã đưa ra con số ước tính cao hơn, có thể có cả triệu người chết, trong đó có khoảng từ 80 ngàn đến 100 ngàn quân nhân Hoa Kỳ, chi phí có thể lên trên $100 tỷ Mỹ kim và thiệt hại kinh tế của các nước trong vùng có thể lên hàng ngàn tỷ Mỹ kim. Lúc bấy giờ Bắc Hàn chưa có hỏa tiễn liên lục địa và quân đội Hoa Kỳ tin chắc Bắc Hàn chưa có vũ khí nguyên tử.

http://www.viendongdaily.com/res/fckfolder/Image/NewEditor/2017/9/25-Sep-2017/thechienthuba2.jpg
Tổng Thống Donald Trump đến Liên Hiệp Quốc chuẩn bị đọc diễn văn ngày 19 tháng Chín. (Getty Images)

Sức mạnh quân sự Bắc Hàn lúc bấy giờ được ước tính đang có 20 quân đoàn gồm khoảng 153 sư đoàn và trung đoàn, trong đó có 60 sư đoàn và trung đoàn bộ binh, 25 trung đoàn cơ khí, 13 trung đoàn thiết giáp, 25 trung đoàn lực lượng đặc biệt, 30 trung đoàn pháo binh. Từ đường hỏa xa Bình Nhưỡng - Nguyên Sơn (wonsan) đến khu phi quân sự, Bắc Hàn bố trí một nửa quân số trong nước gồm 10 quân đoàn với khoảng 60 sư đoàn và trung đoàn.

Vũ khí của Bắc Hàn không tân tiến bằng Nam Hàn, nhưng có một số lượng trội vượt. Để đối phó với đe dọa tấn công Blitzkreig, giới quân sự Bắc Hàn cũng đưa ra chiến thuật: Thứ nhất, khi tiếng súng nổ phải huy động tất cả hỏa lực pháo binh, hỏa tiễn tấn công các mục tiêu quân sự, thành phố ở Nam Hàn liên tục không ngưng nghỉ. Thứ hai, huy động lực lượng tiến nhanh qua lãnh thổ qua Nam Hàn, tung toàn bộ lực lượng đặc biệt tấn công cảm tử các mục tiêu quân sự Hoa Kỳ và Nam Hàn.

Thủ đô Hán Thành (Seoul) của Nam Hàn chỉ nằm cách đường biên giới khoảng 50 cây số và đang có khoảng 26 triệu dân, là nơi có thể biến thành biển máu. Trọng pháo 170 ly và trên 240 giàn phóng rocket của Bắc Hàn có thể tấn công tàn phá Hán Thành, chưa nói đến đầu đạn hóa học, vi trùng, hay bom bẩn (dirty bom).

Theo ước tính của quân đội Hoa Kỳ thời Clinton, trong một giờ đồng hồ Bắc Hàn có thể bắn tới nửa triệu quả đạn pháo qua khu phi quân sự. Lực lượng đặc biệt của Bắc Hàn có khoảng 120 ngàn người, được đào tạo có nhiệm vụ phá hoại hậu phương địch, tấn công các mục tiêu chiến lược, các căn cứ không quân, hải quân, cơ sở truyền tin của Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật. Một cuộc huy động để tấn công ào ạt và chớp nhoáng của quân đội Hoa Kỳ rất khó che dấu tạo yếu tố bất ngờ và cũng khó tiêu diệt khả năng nguyên tử, hóa học và quân sự Bắc Hàn, vì nước này đã đề phòng từ lâu, những cơ sở quan trọng đều được xây lòng đất, sườn núi.

Theo các nguồn tin tình báo, Bắc Hàn có 12 địa điểm sản xuất vũ khí hóa học, số vũ khí này chứa trong khoảng 170 cơ sở ngầm dưới mặt đất, số lượng có thể lên tới 5000 tấn. Cuộc tấn công dù sấm sét tới đâu, Bắc Hàn cũng vẫn còn cơ hội trả đũa và cho tới khi Bình Nhưỡng được giải phóng thì Hán Thành cũng có thể chỉ còn là đống gạch vụn.

Hiện giờ Bắc Hàn có nguyên tử, đã bắn thử hỏa tiễn xa 3,700 cây số, (Guam nằm cách xa Bắc Hàn 3,300 cây số), chắc chắn trong đầu Kim Chánh Vân cũng phải có kế hoạch trả đũa hay tấn công tiền kích Hoa Kỳ khác với trước đây. Theo các tài liệu quân sự, Bắc Hàn đang phát triển các loại hỏa tiễn Hwasong-13, (Hỏa Tinh-13) và Hwasong 14 có tầm xa lên tới 10,000 cây số, hỏa tiễn KN-14 có tầm xa 8,000 cây số, hỏa tiễn KN-08 có tầm xa trên 5,000 cây số, hỏa tiễn Hwasong-12 có tầm xa trên 4,000 cây số, vv..  Kim Chánh Vân gọi kho hỏa tiễn là tài sản vô giá.

Theo ước tính, Bắc Hàn hiện có trên 1,000 hỏa tiễn, nhưng không biết rõ có bao nhiêu hỏa tiễn liên lục địa và hỏa tiễn có khả năng mang đầu đạn nặng bao nhiêu. Hỏa tiễn Bắc Hàn hiện giờ đã có khả năng bắn tới lục địa Hoa Kỳ, tới các thành phố lớn như Los Angeles, San Francisco. Hành động bất chấp dư luận quốc tế, bất chấp các lệnh trừng phạt của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc của Bắc Hàn trông không khác gì điên rồ, nhưng có lẽ Kim Chánh Vân không đến nỗi điên để tấn công tiền kích Nam Hàn, Nhật hay Hoa Kỳ! Anh ta chắc chắn biết rõ nếu bị Hoa Kỳ trả đũa thì chế độ không thể nào tồn tại. Vương triều họ Kim sẽ không thể tồn tại.

Bắc Kinh đã tuyên bố, “Sẽ đứng trung lập nếu Bắc Hàn tấn công trước. Ngược lại, sẽ can thiệp.” Lời tuyên bố này có thể khẳng định Bắc Hàn sẽ không nổ súng trước để đưa tới chiến tranh nguyên tử.

Tổng Thống Trump đã tuyên bố như sẽ gởi cho Bắc Hàn “lửa và phẫn nộ” hay sẽ “hoàn toàn hủy diệt Bắc Hàn,” nhưng Tổng thống Trump cũng khó có thể tấn công bất ngờ làm cho Bắc Hàn không kịp trở tay. Hoa Kỳ hiện có 40 ngàn quân ở Nhật, trên 23 ngàn quân ở Nam Hàn, chính phủ Trump đã điều động Hàng Không Mẫu Hạm USS Reagan, 14 Tuần dương hạm, khu trục hạm, 12 tàu ngầm nguyên tử, tới vùng biển Nam Hàn, đưa nhiều phi cơ chiến lược B-1B, B-52 và phi cơ tàng hình F-35B tới Guam. 

Với lực lượng hiện có mặt có thể tấn công chớp nhoáng Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Hoa Kỳ là một quốc gia dân chủ, tổng thống khó thể ra lệnh tấn công nước khác khi Hoa Kỳ chưa bị đe dọa nguy hiểm thấy rõ, hay bị tấn công, quyền quyết định chiến tranh nằm trong tay quốc hội (War Power Act). Tấn công tiền kích đòi hỏi chớp nhoáng, nhưng đưa ra quốc hội chấp thuận là sự tranh cãi, mất đi yếu tố bất ngờ. 

Ngoài ra, nếu chỉ có Hoa Kỳ đơn phương tấn công Bắc Hàn thì cũng là hành động vi phạm Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Không có ủy quyền của Hội Đồng Bảo An, Hoa Kỳ sẽ không có đồng minh. Trong trung tuần tháng 8, đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ là Anh quốc tuyên bố: “Nếu Bắc Hàn tấn công Hoa Kỳ, Anh Quốc bắt buộc tham chiến, nhưng nếu Hoa Kỳ khai chiến trước sẽ không có Anh quốc.”

Khó khăn nhất để Hoa Kỳ khai chiến trước là Nam Hàn. Đương kim Tổng Thống Văn Tại Dần (Moon Jae-in), là một người đã đắc cử với lời hứa đối thoại với Bắc Hàn. Hoa Thịnh Đốn đang coi TT Văn Tại Dần là Tổng Thống Lô Vũ Huyền (Roh Moo-hyun) thứ nhì. Tổng Thống Trump đắc cử với chiêu bài “American First, Người Mỹ Trên Hết,” thì ông Văn Tại Dần đã đắc cử với khẩu hiệu “Nói Không Với Mỹ Nếu Cần Thiết”! Vào ngày 4/9, Tổng thống Văn tuyên bố sẽ không bao giờ để thảm họa chiến tranh xảy ra trên bán đảo.

Không chối cãi Bắc Hàn là một nước ngoan cố, các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ chưa từng đi đến thành công. Đàm phán sáu nước được bắt đầu từ năm 2003, trải qua gần năm năm mới có kết quả, nhưng rồi trở nên tờ giấy lộn. Hiện giờ Bắc Hàn còn hung hăng hơn.

Tuy nhiên, đi trở lại tiến trình, ngày 13 tháng Hai, 2007, thế giới gần như thở ra nhẹ nhõm, sau khi hiệp ước phi nguyên tử hóa Bắc Hàn đã được sáu nước: Nam, Bắc Hàn, Hoa Kỳ, Nhật, Nga và Trung Cộng cùng đặt bút ký kết. Trong tiến trình thi hành, cuối tháng 12 năm 2007, Bắc Hàn đồng ý vô dụng hóa các cơ sở nguyên tử ở Ninh Biên (Yongbyon) dưới sự giám sát của chuyên viên Hoa Kỳ. Bắc Hàn cũng đồng ý đưa ra một bản tuyên bố đầy đủ chi tiết về chương trình nguyên tử nước này, cam kết không chuyển kỹ thuật nguyên tử, kiến thức nguyên tử và nguyên liệu nguyên tử cho bất cứ nước nào. Bình Nhưỡng đã không thể đưa ra bản công bố hoạt động nguyên tử của nước này đúng thời hạn được ấn định là cuối năm 2007.

Nhưng tháng Sáu 2008, Bình Nhưỡng đã phá tháp làm lạnh lò phản ứng (cooling tower) ở Ninh Biên, một điều đã được quốc tế ghi nhận là Bắc Hàn đã tỏ quyết tâm vô hiệu hóa lâu dài các cơ sở nguyên tử của nước này. Sau khi Bắc Hàn đưa ra bản tuyên bố hoạt động nguyên tử. Hoa Kỳ nói rằng cần phải thành lập một cơ chế quốc tế mạnh để kiểm tra và minh xác lời khai của Bắc Hàn trước khi loại bỏ Bắc Hàn khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố. Bình Nhưỡng đã phản đối điều này.

Tháng Chín 2008, Bắc Hàn trục xuất quan sát viên quốc tế ra khỏi Bắc Hàn, và tìm cách phục hồi các cơ sở nguyên tử đã bị tê liệt hóa. Hiệp ước ngày 13 tháng Hai, 2007 coi như đã chết vào tháng Chín 2008.

Nếu việc kiểm tra có thể giao cho cơ quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế (IAEA) hay do sáu nước ký hiệp ước giải quyết rất có thể vấn đề đã có một kết quả khác. Nhưng đòi hỏi phải thành lập một cơ chế quốc tế mạnh để kiểm tra của Hoa Kỳ, trong lúc nội bộ chính phủ Hoa Kỳ có sự chống đối hiệp ước làm cho Bắc Hàn mất tin tưởng vào thiện chí Hoa Kỳ. Trong tháng Sáu 2008, tờ Telegraph tiết lộ có sự tranh chấp trong nội bộ chính phủ Bush. Phó Tổng thống Dick Cheney đã tìm cách phong tỏa những nỗ lực của Ngoại Trưởng Condoleezza Rice.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính đưa tới phản ứng của Bình Nhưỡng là sự thay đổi chính sách ở Hán Thành. Liên hệ Nam -Bắc Hàn có khi căng thẳng, có khi hòa dịu, nhưng từ khi Tổng Thống Kim Đại Trung (Kim Dae-jung) đưa ra chính sách Dương Quang (Sunshine) trong năm 1998, tìm cách hòa giải và đi tới thống nhất trong hòa bình, liên hệ hai miền đã có những tiến bộ quan trọng. Vào năm 2000, lãnh tụ hai miền đã có thể họp thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng, thân nhân gia đình hai bên có thể gặp nhau.

Chính sách Dương Quang đã giúp cho Tổng Thống Kim Đại Trung được chọn trao giải Nobel Hòa Bình năm 2000. Dưới thời Tổng thống Kim Đại Trung, hai miền đã nối lại đường xe lửa từ Hán Thành đi tới khu vực du lịch Kim Cương Sơn (Kumgangsan). Năm 2001, chính sách Dương Quang gặp trở ngại, bị quốc hội Nam Hàn chống đối, Bộ trưởng Thống Nhất Lâm Đông Nguyên (Lim Dong-won) bị huyền chức vì tội bí mật đưa tiền cho Bắc Hàn để tổ chức cuộc hội nghị thượng đỉnh năm 2000.

Sau vụ khủng bố tấn công New York ngày 11 tháng Chín, 2001, Tổng thống Bush đã gọi Bắc Hàn là một trong những nước thuộc trục ma quỷ (Axis of Evil) đã làm cho liên hệ Nam Bắc căng thẳng trở lại. Bắc Hàn ngưng các cuộc đàm phán với Nam Hàn. Trong năm 2002, một vụ xung đột hải quân xảy ra, bốn thủy thủ Nam Hàn tử thương, làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Mặc dù liên hệ Bắc Hàn và Hoa Kỳ rất căng thẳng trong thời gian này, sau khi lên nhậm chức trong tháng Hai 2003 Tổng Thống Lô Vũ Huyền (Roh Moo-hyun) tuyên bố tiếp tục theo đuổi chính sách của người tiền nhiệm, không “kow tow” (khấu đầu) với Hoa Kỳ; Nam và Bắc Hàn đã thương lượng và đồng ý thành lập khu công nghệ Khai Thành (Kaesong). Khu công nghệ này nằm cách đường phi quân sự chỉ 10 cây số, lái xe đi Hán Thành chỉ khoảng một tiếng đồng hồ, được bắt đầu xây dựng trong tháng Sáu, 2003, và khánh thành trong tháng 12, 2004. Cho tới năm 2008, khu công nghệ Khai Thành có khoảng 100 công ty Nam Hàn đầu tư, sử dụng khoảng 40 ngàn công nhân Bắc Hàn.

Theo kế hoạch, vào năm 2012, khu công nghệ chung giữa hai miền sẽ mở rộng khoảng 65 cây số vuông, thu dụng khoảng 700 ngàn công nhân Bắc Hàn. Một số nhà đầu tư Nam Hàn như tập đoàn Huyndai cho rằng phối hợp khả năng tài chánh Nam Hàn và công nhân rẻ Bắc Hàn, các công ty Nam Hàn có thể cạnh tranh thị trường hàng hóa rẻ của Trung Cộng trên thế giới. Trong đầu tháng 10, 2007, hai miền tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 ở Bình Nhưỡng. Ngày 2 tháng 10, Tổng thống Lô Vũ Huyền đi bộ qua đường phi quân sự để tỏ cử chỉ mong thống nhất Nam Bắc. Ngành đường sắt Nam Hàn cũng hy vọng sau hội nghị này có thể nối lại đường xe lửa thống nhất, hàng hóa Nam Hàn có thể chở qua Trung Cộng và Nga bằng tàu hỏa.

Tổng Thống Lô Vũ Huyền sau khi đắc cử đã rời khỏi đảng Dân Chủ Thiên Niên Kỷ, thành lập đảng Khai Phóng (Uri Party) làm những người ủng hộ ông tranh cử cảm thấy bị phản bội. Trong lúc chủ trương hòa hoãn với Bắc Hàn bị thành phần thiên hữu chống đối, quyết định đưa quân sang Iraq của ông lại làm cho thành phần thiên tả bất mãn, tai tiếng tham nhũng cũng làm cho ông ta mất uy tín trầm trọng. Kết quả cuộc bầu cử ngày 19 tháng 12, 2007, ông Lý Minh Bác (Lee Myung-bak) của đảng thiên hữu Đại Quốc Gia thắng cử và lên nhậm chức trong ngày 25 tháng 2 năm 2008.

Tổng thống Lý Minh Bác tuyên bố xét lại chính sách Dương Quang, chỉ phát triển khu công nghệ Khai Thành và giúp đỡ nhân đạo cho Bắc Hàn khi nước này từ bỏ chương trình nguyên tử, cải thiện nhân quyền. Bắc Hàn đã gọi Tổng Thống Lý Minh Bác là tên phải bội. Tháng 3/08, Bình Nhưỡng trục xuất 11 viên chức Nam Hàn đồng quản trị khu công nghiệp Khai Thành. Một số người Nam Hàn đến gần khu phi quân sự dùng bong bóng thả truyền đơn qua Bắc Hàn kêu gọi dân chúng đứng lên chống chế độ, tranh đấu nhân quyền, làm Bắc Hàn điên tiết, đe dọa biến Nam Hàn thành đống tro tàn.

Từ ngày Tổng Thống Lý Minh Bác lên cầm quyền mọi dự án đầu tư ở Bắc Hàn đều bị hủy bỏ. Trong cuối tháng Ba, 2009, Bình Nhưỡng cắt đứt đường điện thoại, cầm giữ khoảng 700 công nhân Nam Hàn tại khu kỹ nghệ Khai Thành. Trong tháng Tư 2009 hai bên đã có một phiên họp cấp nhỏ để giải quyết vụ công nhân Nam Hàn, nhưng không đạt kết quả. Đầu tháng Năm, Bắc Hàn gởi thư cho Nam Hàn tuyên bố sẽ không xét tới việc đàm phán và tuyên bố tất cả những hợp đồng ký với Nam Hàn đều trở nên vô hiệu.

Kế tiếp Tổng Thống Lý Minh Bác, Tổng Thống Phác Cận Huệ (Park Geun-Hye) cũng theo đuổi chính sách cứng rắn nên Bắc Hàn đã tỏ ra hiếu chiến hơn.

Nhiều lần trước đây, Tổng Thống Trump đã cho rằng Trung Cộng không có thiện chí ép Bắc Hàn từ bỏ mục tiêu nguyên tử và phi đạn, đã ra lệnh trừng phạt các ngân hàng Trung Cộng. Nhưng qua bài diễn văn của Tổng Thống Trump, ông ta đã ca ngợi Trung Cộng bỏ phiếu đồng thuận trừng phạt Bắc Hàn tại Hội Đồng Bảo An. Trung Cộng không có thiện chí gì. Bắc Kinh có nhiều điểm muốn bán đảo Triều Tiên ổn định, phi nguyên tử.

Thứ nhất, Trung Cộng là nước chủ nhà tổ chức hội nghị sáu nước giải quyết vấn đề nguyên tử Bắc Hàn, thành công được cuộc đàm phán này cũng làm cho Trung Cộng gia tăng uy tín trên sân khấu chính trị thế giới.

Thứ nhì, chiến tranh xảy ra sẽ làm cho đường biên giới sông Áp Lục mất ổn định, có thể làm Trung Cộng phải nhận nhiều triệu người tỵ nạn chiến tranh, là một gánh nặng lớn. Ước tính ít nhất 2 triệu người.
Thứ ba, Nam Hàn là nước đầu tư rất lớn ở Trung Cộng, chiến tranh xảy ra và chế độ Bắc Hàn sụp đổ, Nam Hàn sẽ chuyển tiền đầu tư qua xây dựng Bắc Hàn làm Trung Cộng bị thiệt hại.

Thứ tư, một Bắc Hàn có vũ khí nguyên tử không đe dọa cho Trung Cộng, nhưng có thể làm cho Nhật lấy cớ chạy đua nguyên tử và vũ trang. Đây mới là điều đe dọa cho tương lai Trung Cộng.

Thứ năm, một bán đảo Triều Tiên hòa bình là viễn ảnh có thể làm cho Hoa Kỳ không còn lý do để tiếp tục đóng 37,000 quân với rất nhiều đầu đạn nguyên tử ở Nam Hàn.

Với những lý do trên, giải quyết vấn đề nguyên tử từ hội nghị sáu nước ở Bắc Kinh vẫn là thượng sách đối với Trung Cộng hiện nay. Áp lực cho Bắc Hàn ngồi vào bàn hội nghị là mục tiêu của Trung Cộng, chứ chẳng có lòng tốt gì với Hoa Kỳ.

Hiện giờ, các nước trên thế giới đều cho rằng cuộc khủng hoảng Triều Tiên cần phải giải quyết bằng ngoại giao. Trong ngày 9/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cho rằng công thức giải quyết khủng hoảng nguyên tử Iran năm 2015 là phương thức tốt nhất có thể giúp giải quyết vấn đề khủng hoảng Bắc Hàn. 

Cầu mong chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ không diễn ra. Tổng Thống Trump sinh năm 1946, tuổi Bính Tuất, Kim Chánh Vân sinh năm 1982, tuổi Nhâm Tuất. Nhâm - Bính tương khắc, nhưng cả hai tuổi Tuất này đều tốt trong năm nay nên hy vọng cả hai ông Tuất này không sống chết thực sự, làm cho hàng triệu dân Triều Tiên ở cả hai miền chết trong chiến tranh thảm khốc chưa từng có. Theo ước tính mới nhất, chiến tranh có thể làm ít nhất trên 8 triệu người chết.

Tôi cầu mong chiến tranh không xảy ra, không chỉ vì không muốn nhìn thấy hàng triệu người chết, mà tôi còn cho rằng nếu Hoa Kỳ lâm chiến với Bắc Hàn, bàn cờ thế giới sẽ thay đổi. Đối thủ chính của Hoa Kỳ là Trung Cộng, là Nga, chứ không phải các nước như Iraq, Iran, Libya, Bắc Hàn, Syria, các nước Rogue States! Lịch sử thế giới từ Đông sang Tây cho thấy quốc gia tham chiến triền miên sẽ làm cho quốc gia suy yếu chứ không phải làm cho quốc gia cường thịnh! Mong rằng trong vòng thời gian trên một tháng Hoa Kỳ phải trải qua ba trận bão lớn Harvey, Irma và Maria tàn phá không phải là điềm gở: Thiên tai báo trước Nhân họa.






No comments:

Post a Comment

View My Stats