Ngọc Lan/Người Việt
Saturday, April 25, 2015 8:43:34 PM
GARDEN
GROVE, California (NV) - “Chúng ta tổ chức Lễ Quốc Hận không phải để kêu gọi sự
hận thù mà chỉ để nhắc nhở mọi người về căn cước tị nạn Cộng Sản của chúng ta,”
ông Ngô Thiện Đức, trưởng ban tổ chức, phát biểu trong lời khai mạc Lễ Tưởng Niệm
Quốc Hận năm thứ 40, tổ chức tại sân vận động trường trung học Bolsa Grande,
Garden Grove, vào chiều Thứ Bảy, 25 Tháng Tư.
Và có lẽ phần đông người đến tham dự đã mang
trong lòng tinh thần nhân bản đó.
Lễ Tưởng Niệm 40 Năm Quốc Hận tại Little Saigon
(Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Đúng 3 giờ chiều, mưa đổ
hạt, dù nhỏ, sau một buổi sáng đầy âm u mây xám. Trên sân vận động, những chiếc
dù cá nhân đủ màu đủ cỡ được bung lên, che trên mái đầu của phần đông người lớn
tuổi. Họ đến sớm hơn nhiều so với thời gian ban tổ chức ghi trên thông báo, với
lý do: sợ không có chỗ và những buổi như thế này làm sao đi trễ được. Và mặc
gió thổi lạnh buốt, mặc cho mưa rơi làm ướt áo, chương trình văn nghệ
chính thức bắt đầu. Đúng giờ. Dù số người có mặt hãy còn thưa thớt.
Bà Trinh Nguyễn, đang sống
ở Westminster, vừa cố gắng giữ cho chiếc dù lớn không bị gió quật qua quật lại, nói
với nhật báo Người Việt mà như đang nói với chính mình, “Đến dự lễ 40 năm
để nhớ ngày mình ra đi. 40 năm rồi sao vẫn không thể quên được những gì đã diễn
ra trong những ngày cuối Tháng Tư đó. 40 năm rồi tôi cũng chưa một lần trở về
Việt Nam, còn Cộng Sản là tôi không về.”
Đến sớm, đội mưa,bất chấp gió dự Lễ Tưởng Niệm
40 Năm Quốc Hận (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Bà Trinh cùng hai con đến
dự lễ tưởng niệm từ lúc chưa đến 2 giờ trưa, khi sân vận động hãy còn thưa thớt
người. Cũng theo bà, đây là lần thứ hai bà đi dự lễ này, lần đầu là cách đây 10
năm ở Camp Pendleton. Bà Trinh rời khỏi Sài Gòn vào ngày cuối cùng của Tháng
Tư, 1975, khi được 20 tuổi.
Cũng là một trong số những
người đến sớm là bà Liên Hương Nguyễn, cư dân Westminster, sang Mỹ từ năm 1989.
Bằng giọng nói đôi khi mất tiếng vì trời lạnh bất ngờ, bà cho biết,
“Mọi năm ít đi dự nhưng lần này phải đi vì năm nay đánh dấu 40 năm, đi để biết
rằng 40 năm rồi vẫn chưa quên, năm nào đến ngày này cũng đều buồn như thế, hôm
nay trời lại còn buồn khi mưa như thế.”
“Hôm nay đáng lẽ tôi ở
nhà vì tôi đang bệnh, sụt mất 8 pound, sự thật là tôi rất mệt nhưng thay vì nằm
nhà thì tôi nghĩ mình cần phải đến đây vì tôi nghĩ hôm nay không đi thì rất ân
hận. Buổi lễ 40 năm như vầy phải đi, phải hiện diện ở đây, nếu không khi những
hình ảnh này được quay phim chiếu đi khắp nơi mà thấy người tị nạn Cộng Sản tập
trung về đây để nhớ ngày này chỉ có chừng ấy người thôi thì người ta sẽ nghĩ
gì, thế nên không thể chỉ ngồi nhà coi TV được,” bà Trinh nói tiếp trong khi
trên sân khấu, nhóm Du Ca Nam California đang làm không khí sân vận động trở
nên rộn ràng hơn.
Càng lúc, số người bước
vào sân lễ càng nhiều. Không chỉ có người lớn tuổi, mà còn có những người rất
trẻ đi theo ông bà, cha mẹ. Có cả những cựu quân nhân Hoa Kỳ từng tham chiến ở
Việt Nam cũng đến tham dự trong những bộ sắc phục nhà binh.
Khắp trên sân lễ, ngoài phóng
viên báo đài của cộng đồng Việt Nam, người ta còn nhận thấy có rất nhiều đài
truyền hình địa phương của Mỹ có mặt để ghi nhận lại những gì đang diễn ra
trong buổi lễ.
Chương trình lễ tưởng niệm
kéo dài từ lúc 3 giờ chiều đến 9 giờ tối và kết thúc bằng lễ thắp nến.
Ngay sau phần chào cờ, mọi
người có mặt được nghe một số người chia sẻ những tâm tình, nỗi niềm của
người đã đi qua thời khắc 30 Tháng Tư 1975 như thế nào và nghĩ gì sau 40 năm
ngày tang thương đó.
Một số dân cử các cấp,
cùng đại diện các đoàn thể hội đoàn đã có mặt tham dự buổi lễ này.
Ông Michael Hà, ở
Anaheim, từng trải qua thời gian sống ở Camp Pendleton vào những ngày đầu đặt
chân đến Mỹ năm 1975 khi mới 16 tuổi cho biết ông luôn đến dự những buổi lễ như
thế này khi có cơ hội.
“Đến đây để nhớ lại 40
năm trước, ngày tôi còn ở Việt Nam, 16 tuổi, và 40 năm sau, tôi ở đây. Đến để
nhớ lúc đó người nhà đem mình ra Tân Sơn Nhất, nhìn máy bay lên xuống, cũng chẳng
biết nghĩ gì. 40 năm rồi tôi chưa một lần trở về, cũng chưa thấy có lý do gì để
trở về,” ông nói.
Một cựu quân nhân VNCH chào cờ VNCH trong buổi lễ.
(Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Trong bộ quân phục đặc trưng của người lính Không
Quân, ông Nam Phạm khiến phóng viên Người Việt chú ý bởi vì dù đứng gần cuối
sân vận động, ông vẫn thể hiện tác phong chào cờ một cách trang trọng, thiêng
liêng.
Ông cho biết, “Mấy năm trước có khi dự khi
không những lễ tưởng niệm này, không thấy sốt sắng lắm. Riêng năm nay 40 năm rồi,
tôi nghĩ mình cần phải có một nghĩa cử gì đó cho quốc gia.”
Bất chấp nhiều người chào cờ một cách “máy móc, vô hồn,”
ông Nam nói, “Tôi chào cờ đúng theo tinh thần của một người dân Việt. Khi chào
cờ thì mình cần có thái độ kính trọng lá cờ của mình, chứ không ai bắt buộc
mình, mình làm là do lòng mình muốn làm thôi.”
Bên cạnh những người sống quanh vùng Litlle
Saigon, còn có nhiều người từ các tiểu bang khác đến tham dự như anh em
ông Trần Hữu Lượng ở Washington và em trai Trần Hữu Thành ở Oregon, cùng gia
đình người nhà từ Canada sang “hẹn gặp nhau nhân dịp Tháng Tư này” để “cảm thấy
mình may mắn quá nhiều so với đông đảo mọi người khi có cơ hội rời khỏi Việt
Nam vào ngày cuối Tháng Tư, 1975.”
Bất chấp mưa, bất chấp gió, bất chấp cả âm thanh đôi
khi khiến sân vận động, nhất là những người đứng từ phía sau, không nghe được bất
cứ điều gì rõ ràng từ sân khấu, và bất chấp tất cả để nhận ra rằng, 40 năm sau
biến cố 30 Tháng Tư, 1975, sự hoài niệm về một thời khắc khốc liệt vẫn còn là nỗi
u hoài trong lòng người nơi đây.
căng da mặt công nghệ
ReplyDeletecang da mat cong nghe
cang da mat khong dau
căng da mặt không đau
nâng cơ vùng mặt
nang co vung mat
nâng cơ vùng má
nang co vung ma
dieu khac chan may
điêu khắc chân mày