Luật sư
Lê Công Định
Gửi
cho BBC từ Sài Gòn
26
tháng 4 2015
Nhiều
người Việt sau 1975 còn giữ thói quen dùng từ “giải phóng” trong các cụm từ “giải
phóng Sài Gòn”, “ngày giải phóng”, “trước giải phóng”, “sau giải phóng”, “quân
giải phóng”, v.v…, đó cũng là cách gọi có chủ đích tuyên truyền của chế độ này
sau khi Bắc Việt thôn tính toàn bộ miền Nam.
Từ
trước đến nay, chính quyền cộng sản vẫn luôn lập luận rằng nước Việt Nam là một
dải thống nhất từ Bắc chí Nam, tạm thời bị chia cắt tại vĩ tuyến 17 do kết quả
hội nghị Geneva 1954, đồng bào miền Nam gánh chịu ách nô lệ và áp bức của “Đế
quốc Mỹ xâm lược” và “ngụy quyền tay sai”; do vậy, quân dân miền Bắc có nhiệm vụ
“giải phóng” miền Nam, thống nhất đất nước.
Tuy
nhiên, lập luận nêu trên tự mâu thuẫn và hiển nhiên bị bác bỏ bởi các sự kiện lịch
sử hiện đại mà chúng ta đều đã biết. Dưới đây là một số nhận định xung quanh
cái gọi là “giải phóng” nhân dịp chính quyền đang khơi gợi quá khứ, mà chính họ
luôn hô hào gác lại, bằng các buổi lễ kỷ niệm và diễu binh chướng mắt trên các
đường phố Sài Gòn.
Sau
khi đánh bại quân Pháp tại Điện Biên Phủ, chính ông Hồ Chí Minh và đại diện Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa, dưới áp lực của Trung Quốc, đã đồng ý ký kết Hiệp định
Geneva 1954 chia lãnh thổ Việt Nam thành hai miền, trong lúc đại diện của chính
phủ quốc gia Việt Nam do ông Ngô Đình Diệm làm thủ tướng hoàn toàn bác bỏ sự
phân cắt đó. Nói cách khác, những người cộng sản đã góp tay vào việc chia đôi đất
nước, nên việc tự trao cho mình nhiệm vụ thống nhất đất nước chỉ là hành động đạo
đức giả, che đậy ý đồ chính trị và quân sự riêng.
Gắp
lửa bỏ tay người
Thoạt
đầu, sau năm 1954, Hoa Kỳ chỉ viện trợ kinh tế và giúp huấn luyện các đơn vị vũ
trang của chính quyền Sài Gòn với mục đích tái lập trật tự xã hội sau chiến
tranh với Pháp. Đến khi chiến sự leo thang do Bắc Việt lén lút chuyển quân vào
Nam, Hoa Kỳ mới chính thức can dự quân sự từ năm 1965. Tuy nhiên, sự tuyên truyền
về “Đế quốc Mỹ xâm lược” đã được những người cộng sản tung ra ngay từ lúc Hiệp
định Geneva còn chưa ráo mực, tức có sự hoạch định cố ý từ trước nhằm chuẩn bị
nguyên cớ phát động chiến tranh. Một hành động “gắp lửa bỏ tay người” không hơn
không kém của giới lãnh đạo Bắc Việt lúc ấy.
Cần
lưu ý, gần mười năm trước khi Hoa Kỳ gửi quân sang chiến đấu chống cộng sản tại
miền Nam, quân đội Trung Quốc đã hiện diện ở miền Bắc. Sau đó lần lượt Liên Sô
và Bắc Triều Tiên cũng cử quân nhân sang trực chiến. Vậy nếu sự kiện Mỹ đưa
quân tham chiến, dù được sự chấp thuận của chính quyền Sài Gòn, bị xem là “xâm
lược”, thì hành động của Trung Quốc, Liên Sô và Bắc Triều Tiên nên gọi là gì?
Phải chăng giới lãnh đạo Bắc Việt đã thiếu sáng suốt trong nhận định về "địch
ta" hay vì lý do nào khác?
Trong
giai đoạn từ 1955 đến 1974, Trung Quốc đã liên tiếp xác lập chủ quyền và chiếm
đóng các hải đảo thuộc Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng vì lý do nào
hành động của Trung Quốc lại không được bộ máy tuyên truyền Bắc Việt đương thời
gọi là “xâm lược”? Cuộc chiến tranh “giải phóng dân tộc” vì sao chỉ tập trung
vào miền Nam mà bỏ qua mục tiêu giải phóng các hải đảo, vốn cũng là một phần
lãnh thổ thiêng liêng và quan trọng của tổ quốc? Chiến thắng đang được ca ngợi
thiết nghĩ hãy còn dang dở, và liệu có thể hãnh diện với một chiến thắng như vậy?
Đặt
ngược vấn đề
Việt
Nam Cộng hòa là một thực thể chính trị và hành chính hợp pháp trên phương diện
công pháp quốc tế, tương tự Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mọi hành động chính trị
và quân sự của bất kỳ nhà nước nào đều phải đặt trong khuôn khổ luật pháp quốc
tế, nên việc tự trao nhiệm vụ “giải phóng miền Nam” không đương nhiên biện minh
quyền sử dụng vũ lực xâm chiếm lãnh thổ của quốc gia có chủ quyền khác. Đặt ngược
lại vấn đề, nếu cách hành xử của Bắc Việt là đúng, thì đương nhiên quân đội Sài
Gòn cũng có quyền tương tự là mang quân xâm chiếm miền Bắc? Tuy nhiên, chính
quyền Sài Gòn đã không hành xử như vậy, không phải vì thiếu khả năng, mà do họ
tôn trọng luật pháp quốc tế.
Ngay
trong nội bộ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đương thời đã có nhiều tiếng nói
phản đối chiến tranh và đề xuất giải pháp hòa bình hợp tác giữa hai miền Nam Bắc.
Lịch sử thế giới hiện đại cũng cho thấy sự thống nhất nước Đức bằng con đường
thương lượng ôn hòa đã mang lại kết quả tốt đẹp cho dân tộc Đức. Tuy vậy, chủ
trương hòa bình trong Đảng Cộng sản bị dập tắt, phe chủ chiến thắng thế và muốn
tiến hành chiến tranh bằng mọi giá. Và cái giá phải trả để thống nhất đất nước
bằng giải pháp chiến tranh là sinh mạng của hàng triệu người Việt ngã xuống vô
nghĩa, nỗi đau ấy vẫn còn đến tận ngày nay.
Tuy
chiến tranh diễn ra khốc liệt, song những đô thị miền Nam vẫn luôn duy trì sự
phát triển phồn thịnh. Điều đó một mặt nói lên rằng chính quyền Sài Gòn đã duy
trì bộ máy quản lý quốc gia rất tốt về phương diện dân sự, bất chấp hoàn cảnh
khó khăn. Mặt khác, liệu có thể tin rằng đoàn quân đói rách đến từ vùng đất
nghèo nàn hơn về kinh tế lại mang sứ mệnh “giải phóng” xứ sở phồn thịnh hơn?
Tình huống đó lẽ ra nên gọi là “cướp” hoặc “chiếm đoạt”, thì thích hợp hơn. Tất
nhiên, chẳng ai tin, trừ phi bị lừa dối, và chính các chiến sĩ Bắc Việt đã ngây
thơ nghĩ rằng đồng bào miền Nam đang rên xiết ngày đêm trong cảnh nghèo đói và
nô lệ (!).
Sự
lố bịch của giải phóng
Kẻ
“được giải phóng” lẽ ra phải hàm ơn người "giải phóng", nhưng ngoại
trừ những gia đình sống bám hoặc kiếm tiền nhờ vào chế độ cộng sản, khó tìm thấy
thường dân nào ở miền Nam đang chật vật mấy bữa cơm hàng ngày cảm thấy mang ơn
đoàn quân “giải phóng” mỗi khi có dịp nhắc lại biến cố bi thảm đó. Đấy là chưa
nói, nhiều năm sau 1975 hàng triệu kẻ “được giải phóng” đã phải tự giải phóng
mình một lần nữa bằng cách vượt biên, gây nên thảm cảnh thuyền nhân nhức nhối
trong lòng dân tộc. Vậy sự ly tán của các gia đình Việt Nam tưởng đã chấm dứt
khi chiến tranh kết thúc, nhưng lại vẫn tiếp diễn một cách đáng buồn vì
"giải phóng".
Giải
phóng bao hàm sự bao dung đối với bên thua cuộc, nhưng thay cho chính sách hòa
giải dân tộc là các trại cải tạo mọc lên như nấm sau cơn mưa để giam cầm không
qua xét xử hợp pháp các quân nhân và công chức của chế độ Sài Gòn. Mang hận thù
và chia rẽ đến giữa lòng dân tộc thì giải phóng ai và vì cái gì? 40 năm sau biến
cố "giải phóng", xã hội ngày càng trở nên vô đạo đức nghiêm trọng, vậy
phải chăng con người đã bị giải phóng khỏi đức hạnh và văn minh để quay trở về
thời kỳ hoang dã?
Thời
trung học, tôi cũng quen dùng từ "giải phóng" một cách vô thức như
bao người. Song từ lúc vào đại học, do ngán ngẩm lối giáo dục đầy dối trá, tôi
bắt đầu tự tìm hiểu sự thật lịch sử để trang bị lại kiến thức cho mình và nhờ
đó nhận ra sự lố bịch của hai chữ "giải phóng".
Tất
nhiên, lịch sử không có chữ nếu, nhưng giá mà không có cái gọi là "giải
phóng" ấy từ năm 1954, rồi 1975, hẳn đất nước không trì trệ và lạc hậu như
ngày nay, mà thay vào đó người Việt ở các giai tầng xã hội khác nhau đã cùng nắm
tay đưa con thuyền tổ quốc đến bến bờ mới của nền thịnh trị và xã hội thịnh vượng
từ lâu.
Bài
viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một luật sư, cựu tù nhân lương tâm,
đang chịu quản chế ở Sài Gòn. Bài viết được gửi đến cho BBC sau khi BBC mời độc giả, nhà nghiên cứu, nhân
chứng chia sẻ bài viết, thông tin, hình ảnh, cảm tưởng nhân tròn bốn mươi năm sự
kiện 30/4.
No comments:
Post a Comment