Minh Anh – RFI
Thứ ba 11 Tháng
Chín 2012
Đề tài kinh tế là chủ đề chính trên các báo Pháp hôm nay. Nhất là, với bài viết chạy tựa « Trung Quốc : đầu tàu thế giới đang bị hụt hơi », phụ trang
kinh tế của báo Le Figaro cho biết cán cân ngoại thương Trung Quốc đang trong tình trạng báo động. Mức tăng xuất khẩu thấp hơn dự định, nhất là nhập khẩu sụt giảm mạnh trong tháng Tám và sản xuất công nghiệp xuống đến mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Bài báo viết, tất cả các chỉ số kinh tế trong tháng tám đều có cùng một hướng đi : đó là tăng trưởng trì trệ ngày càng lộ rõ nét. Xuất khẩu chỉ tăng có 2,7%, thấp hơn rất nhiều so với các năm trước. Le
Figaro cho biết, kim
ngạch xuất khẩu chiếm đến 25% tổng sản phẩm thu nhập quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Lãnh vực này có thể nuôi sống đến 200 triệu người. Nhập khẩu giảm xuống thê thảm, chỉ còn có 2,6%, trong khi mức tăng dự kiến là 3 hay 3,5%.
Trong khi đó, mục tiêu chính của Bắc Kinh là mức tăng trưởng mậu dịch phải đạt ở mức 10% giờ dường như khó có thể mà thực hiện được. Bởi vì, trước đó, chỉ số sản xuất công nghiệp đưa ra cũng đã cho thấy mây đen đang bao trùm lên nền kinh
tế đất nước. Theo đó, mức tăng sản xuất trong tháng 8 thấp hơn so với tháng 7, chỉ đạt có 8,9%, mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Le Figaro nhận định, hiện tại, việc liên tục hạ lãi suất chỉ đạo và tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng không đủ để bơm phồng tăng trưởng. Theo đánh giá của một chuyênn gia kinh tế tại Viện hàn lâm khoa học xã hội (CASS), để thúc đẩy nền kinh tế nên thả lỏng các rào cản trong lãnh vực bất động sản. Nhưng trên phương diện xã hội, đó là một quyết định nguy
hiểm cho
chính quyền Bắc Kinh, vốn đã nỗ lực hết sức kiềm chế việc giá địa ốc tăng như vũ bão. Vào ngày hôm qua, các báo trong nước đều nhất loạt đăng tin tỏ ra quan ngại khi thấy lạm phát tăng trở lại trong tháng tám vừa qua.
Tại thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương diễn ra ở thành phố Vladivostok của Nga, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố rằng « tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là công cụ chính để thoát khỏi khủng hoảng và đảm bảo một sự tăng trưởng ổn định ». Chính phủ Trung
Quốc đã bật đèn xanh cho nhiều dự án lớn, với tổng trị giá 127 tỷ euro để xây dựng các tuyến tàu điện ngầm và cầu đường.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích tỏ ra lo ngại cho những tác dụng phụ của « liều thuốc chữa bệnh» này. Le Figaro nhắc lại rằng, vào năm 2008, gói thúc đẩy tăng trưởng bằng cách cấp tín dụng đã gây ra quả bong bóng tín dụng, cũng như là địa ốc và tạo ra một khoản vay xấu khổng lồ.
Thành Đô, thiên đường mới tại Trung Quốc cho các nhà đầu tư nước ngoài
Thành Đô, thiên đường mới tại Trung Quốc cho các nhà đầu tư nước ngoài
Nếu như tình hình kinh tế chung trên cả nước mang một màu xám xịt, thì ngay tại Thành Đô, khu đô thị lớn ở phía tây nam Trung Quốc lại thể hiện một mức tăng trưởng phi
thường ở mức 14,7%, cao gấp đôi so với mức tăng trung bình trên toàn quốc. Đề tài này được phụ san kinh tế Le Figaro phản ảnh lại qua bài viết mang
tựa đề « Thành Đô, thiên đường mới của các nhà đầu tư nước ngoài ».
« Go West » là lời hô hào của nhiều nhà đầu từ nước ngoài lớn tại Trung Quốc, đang ùn ùn đổ dồn về Thành Đô từ hai năm nay. Theo quan sát của một viên chức thuộc Phòng thương mại Pháp tại chỗ, thì hiện tượng này cũng tương tự như thành phố Thẩm Quyến cách đây tám năm.
Do giá nhân công tại các vùng duyên hải tăng cao, nhiều tập đoàn lớn chuyên lắp ráp điện tử hay ô-tô đều đến Thành Đô lập nhà xưởng. Một điểm mạnh khác của thành phố, đó là ngành hàng không. Tại đây, còn có chi nhánh của Airbus hay Aerolia chuyên sản xuất buồng lái cho các máy bay được lắp ráp tại Thiên Tân.
Le Figaro giải thích các doanh nghiệp đổ xô đến phía Tây là do giá nhân công cực rẻ và rất ổn định. Công việc gần gia đình, cộng thêm với chất lượng cuộc sống tốt hơn các khu đô thị ô nhiễm phía Đông cũng là những con át chủ bài cho Thành Đô, nơi mà các con đường lớn đều được phủ đầy bóng cây.
Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ nội địa đang bùng nổ cũng là một yếu tố quan trọng. Các doanh nghiệp nước ngoài nhận thấy rằng, Thành Đô ẩn chứa một tiềm năng to lớn về cơ sở hạ tầng cũng như ngành máy móc.
Vấn đề còn lại là liệu phép mầu nhiệm Tứ Xuyên này có thể kéo dài được bao lâu và có thể nào tránh được những thái quá như khu vực phía Đông. Hiện tại, khu vực phía Tây cất cánh đang là trọng tâm chiến lược của Bắc Kinh nhằm tìm kiếm một đầu tàu kinh tế mới.
No comments:
Post a Comment