Thiện Quảng Lâm Kim Mai
Friday,
September 28, 2012 3:41:44 PM
Chiều Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012, những luồng xe rời khỏi giao
thông dày đặc trên đại lộ Beach, rẽ vào đường Main lặng lẽ êm đềm, con đường
đưa dẫn đến tòa cao ốc cổ xưa Huntington Beach High School Auditorium, nơi mà
chiều thơ nhạc “Ðóa Hồng Vu Lan” đã mời gọi hàng trăm khán thính giả lắng tâm
tĩnh lặng, thưởng thức một chương trình ca nhạc tràn ngập tình thương và lòng
biết ơn đối với tứ đại trọng ân trong mùa báo hiếu.
Những
đóa hồng cho mẹ. (Hình: Hương Thiền cung cấp)
Ba
tiếng chuông ngân vang để thính chúng tìm lại sự yên lặng và tịnh tâm “Lắng
lòng nghe, lắng lòng nghe, tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.”
Màn
sân khấu kéo lên chầm chậm cùng với tiếng hát cao vút của ca sĩ Vũ Quang Vinh
khởi đầu ngay điệp khúc của nhạc phẩm “Bông Hồng Cài Áo” nhạc Phạm Thế Mỹ, ý
thơ Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, cùng sự phụ họa của bốn giọng ca nữ như muốn nhắc
nhở thính chúng về ý nghĩa của chương trình. “Ðóa hoa màu hồng vừa cài lên
áo...” được thể hiện hòa quyện và sâu lắng qua tiếng hát của ca sĩ Vũ Quang
Vinh cùng tốp nữ đã làm cả thính phòng lặng đi khi tiếng hát của anh cất lên.
Khung cảnh trở nên sinh động hơn khi Ban hợp ca Hương Thiền và các em Gia đình
Phật tử Liên Hoa di chuyển đội hình, trong tay mỗi người mang hai đóa hồng. Ðạo
diễn sân khấu Quốc Cường muốn gây ấn tượng với khán giả qua cách di chuyển theo
đường cong thuận nghịch, để cuối cùng tạo thành một hình tháp mà đỉnh tháp là
bà mẹ đang dang hai tay ra, vừa để ôm lấy đàn con, vừa để đón nhận hàng hàng
lớp lớp những bông hoa hiếu hạnh đang dâng lên mẹ. Tiếng vỗ tay vang dội tán
thưởng cho màn mở đầu, khích lệ rất nhiều cho ca sĩ Vũ Quang Vinh và nhóm Hương
Thiền, những người ca sĩ không chuyên luôn suy nghĩ, lo lắng và nỗ lực cho sự
thành công của chương trình.
Ca
sĩ Ngọc Hạ. (Hình: Hương Thiền cung cấp)
Tâm
trạng này đã ảnh hưởng một ít đến bài hợp xướng “Lòng Mẹ” lúc khởi đầu, nhưng
thật nhanh chóng và đầy nhiệt tâm, ban hợp xướng Hương Thiền đã lấy lại được sự
bình an và kết thúc phần cuối của bài Lòng Mẹ trong sự hòa hợp nhuần nhuyễn
giữa các giọng ca bè được viết cho ca khúc này.
Sự
không chuyên nghiệp của các ca sĩ Hương Thiền luôn được bù đắp bởi phong cách
trình diễn thong dong, quyết tâm chuyển tải giáo lý Ðức Phật đến với khán giả
và luôn luôn với nụ cười trên môi. Tất cả những nét này đã phần nào giúp cho ca
sĩ nhóm Hương Thiền thành công trong hai bản hợp ca sau đó: Gió Hát Thiền Ca và
Hiện Pháp Lạc Trú.
Chiều
thơ nhạc “Ðóa Hồng Vu Lan” có sự tham gia của hai ca sĩ nổi tiếng là Trần Thái
Hòa và Ngọc Hạ.
Trần
Thái Hòa với giọng ca trầm ấm, ngọt ngào luôn luôn trân trọng từng lời ca, đã
diễn đạt được trọn vẹn ý nghĩa nhạc phẩm “Người Về” của Phạm Duy, người trở về
từ chiến trường, từ những vùng khổ đau của cuộc sống và mặc dầu bản nhạc rất
quen thuộc với mọi người, Trần Thái Hòa với giọng ca điêu luyện đã làm mới lại
bản nhạc xưa, khiến khán giả ngậm ngùi thương tiếc. Kể cả một ca khúc mới “Tỉnh
Thức” với lời ca và ý nhạc đã khiến Trần Thái Hòa chọn để tập và diễn cho
chương trình này.
Cũng
thế, chúng tôi nghe rằng, khi tìm ca khúc phù hợp với chủ đề “Ðóa Hồng Vu Lan,”
chính Ngọc Hạ đã chọn bài “Em Bé Việt Nam và Những Viên Sỏi,” được phổ nhạc từ
một bài thơ của Trần Trung Ðạo viết về nỗi khổ đau, cùng cực của một em bé Việt
Nam trên chiếc thuyền vượt biển. Cha mẹ chết đói, chị bị hãm hiếp, em bị sóng
cuốn đi, chỉ còn một mình sống sót cô đơn quạnh quẽ từ những giọt máu của những
người cùng cảnh ngộ. Khi con người rơi vào nỗi khổ đau quá sức chịu đựng, hoặc
là họ ngã gục, hoặc họ vùng lên với tất cả sự tức giận và căm thù. Nhưng nếu
chúng ta nhìn nỗi khổ đó qua cái nhìn thiền quán, chúng ta có khả năng vượt
thoát khỏi nỗi tuyệt vọng và tìm lại cho mình sự bình an. Nhạc sĩ Tâm Nguyện
Nghiêm Phú Phát khi phổ nhạc bài thơ, “Em Bé Việt Nam và Những Viên Sỏi,” đã
trải lòng với những xúc cảm mãnh liệt với cái nhìn thiền quán này. Dòng nhạc
dịu dàng kể lể những nỗi khổ đau lớn của con người, dòng nhạc vươn lên cao như
muốn vượt thoát nỗi đau đớn đó nhưng lại nhẹ nhàng và trong sáng không mang âm
hưởng gào thét dữ dội. Ca sĩ Ngọc Hạ đã diễn đạt xuất thần bài ca này, giọng ca
trong trẻo, cao vút, đầy sinh lực. Ngọc Hạ hầu như không nhìn xuống khán giả mà
nhìn xuống trái tim mình, đôi khi quay lại, nhìn lên sân khấu, nơi có nét minh
họa của em bé Việt Nam ngồi đếm từng viên sỏi. Nhạc đệm duy nhất là tiếng dương
cầm của nhạc sĩ Tâm Nguyện Nghiêm Phú Phát, tác giả bài hát.
Ca
sĩ, hát chính nhạc phẩm mình đã cảm nhận và chọn lựa. Nhạc sĩ, đàn chính bản
nhạc mình đã phổ thành ca khúc từ một bài thơ. Cả hai người nhạc sĩ và ca sĩ đã
hòa quyên giọng hát và tiếng đàn vào nhau tạo ra những âm thanh tuyệt vời làm
xúc động lòng người, làm đổ lệ khán thính giả. Sau một phút im lặng, bàng hoàng
khi Ngọc Hạ chấm dứt bài hát, những tràng pháo tay bùng lên liên tục của khán
thính giả đế xác tín rằng đây là bản nhạc thành công nhất trong 4 bản nhạc mà
Ngọc Hạ trình diễn trong chương trình “Ðóa Hồng Vu Lan” và cũng khiến nhạc sĩ
không nén được nỗi xúc động của mình.
Ca
sĩ Trần Thái Hòa. (Hình: Hương Thiền cung cấp)
Dường
như e ngại nỗi thống khổ mà em bé Việt Nam phải chịu đựng có thể gieo vào lòng
em sự căm thù con người, nhạc sĩ Tâm Nguyện Nghiêm Phú Phát đã phổ nhạc bài thơ
“Dặn Dò” của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh để Chu Minh Quân kế tiếp Ngọc Hạ, nói với
tất cả thính chúng rằng “kẻ thù của chúng ta không phải là người.”
Chu
Minh Quân với vóc dáng nghệ sĩ, phong cách trình diễn chững chạc, đã thu phục
ngay cảm tình của khán giả. Hơn thế nữa, với sự xuất hiện của Lê Hoàng Mỹ Linh,
mẹ ruột Chu Minh Quân, qua ca khúc “Tạ Ơn Ðời” của nhạc sĩ Phạm Duy, một lần
nữa Chu Minh Quân và mẹ của mình đã hoàn toàn chinh phục được khán giả.
Tạ
ơn đời thực ra là tạ ơn cha mẹ, nhất là tạ ơn mẹ. Ðôi song ca “Mẹ Con” này
không cần phải cố gắng diễn xuất, ánh mắt của mẹ Mỹ Linh tự nhiên trìu mến,
phong cách của Chu Minh Quân tự nhiên khép nép. Không có điều gì quý hơn đối
với người nghệ sĩ bằng tính trung thực. Chính sự trung thực của Mỹ Linh và Chu
Minh Quân qua ca khúc “Tạ Ơn Ðời” đã tạo được một tiết mục khá độc đáo cho
chương trình.
Nói
về sự trung thực, chúng tôi một lần nữa trở lại với ca sĩ Vũ Quang Vinh qua bài
“Thăm Mộ Mẹ” thơ Lê Duy Phương, nhạc Anh Bằng. Tuy chỉ mới xuất hiện trong một
thời gian ngắn, nhưng ca sĩ Vũ Quang Vinh đã nhận được nhiều sự khen ngợi của
các nhạc sĩ, ca sĩ đàn anh đàn chị và giới truyền thông, cũng như sự đón nhận
của khán thính giả khắp nơi trên toàn Hoa Kỳ và Úc Châu. Và qua một lần phỏng
vấn của đài RFA, ca sĩ Vũ Quang Vinh cho biết mẹ anh đã qua đời khi anh vừa mới
20 tuổi. Từ đó đến nay, chắc hẳn anh đã nhiều lần thăm mộ Mẹ. Vũ Quang Vinh
không phải chỉ trình diễn nhạc phẩm “Thăm Mộ Mẹ” mà chính anh thực sự đang thăm
mộ mẹ mình.
“Con
về thăm mộ mẹ cỏ xanh tự bao giờ, trời cao chi lắm thế để con đời bơ vơ”
Vũ
Quang Vinh không cần diễn tả, nỗi đau buồn tự nhiên hiện trên khuôn mặt anh
“Mẹ
bây giờ ở đâu hương khói bay xa rồi, tại sao đành bỏ con lây lất trong đau
buồn, Mẹ sao đành bỏ con...”
Trước
khi lời ca, điệu nhạc làm rơi lệ khán giả, một dòng lệ đã lăn trên má anh...
Ðến với chương trình lần này, anh đã một lần nữa chinh phục ngay cả những khán
giả khó tính nhất với “Bông Hồng Cài Áo” và “Thăm Mộ Mẹ” và nhận được nhiều sự
khen ngợi yêu mến của những người tham dự chương trình.
Suốt
2 giờ 30 phút liên tục, chương trình “Ðóa Hồng Vu Lan” đã giới thiệu đến khán
thính giả những nhạc phẩm đầy ắp tình thương và lòng biết ơn. Từ những nhạc
phẩm tuy đã xa xưa nhưng giá trị nghệ thuật vẫn đứng vững với thời gian như ca
khúc “Mẹ Tôi” qua giọng ca thật nồng nàn của ca sĩ Trần Ngọc, cho đến những ca
khúc mới như bài “Nguyện Báo Hiếu” Tâm Nguyện phổ nhạc theo ý thơ của Hòa
Thượng Thích Chơn Thành diễn tả được ý nghĩa của Ðại lễ Vu Lan là theo gương
Mục Kiền Liên biết phụng dưỡng ơn nghĩa Cha Mẹ hiện tiền và cầu nguyện cho ông
bà tổ tiên được siêu thoát do ban tứ ca của nhóm Hương Thiền gồm ca sĩ Thanh
Thanh, Xuân Thanh, Trọng Thái, Bá Toàn trình diễn.
Một
màn trình diễn trong “Ðóa Hồng Vu Lan.” (Hình: Hương Thiền cung cấp)
Nhạc
phẩm rất được ưa thích của nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ thơ Trần Trung Ðạo “Ðổi Cả
Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười” do ca sĩ thÂn hữu Trần Kim Yến trình bày đã làm cho
khán giả xót xa rơi lệ. Trọng Thái cũng hoàn thành tốt vai trò của mình khi
diễn tả ca khúc “Khóc Mẹ Ðêm Mưa.” Khắc Hiền cũng tạo được trong lòng người
nghe một tin tưởng bằng giọng ca rất khỏe và âm vực rộng, chuyển tải được hết ý
nghĩa của bài “Ước Mơ” thơ Sen Nhất Quán, nhạc Ðông Quân.
“Như
Nước Ðầu Nguồn,” nhạc phẩm nhắc nhở đến ơn sinh dưỡng lớn lao của Mẹ do Hoa Hậu
Bích Trâm trình bày. Với một nhan sắc lộng lẫy, Bích Trâm đã làm dịu bớt bằng
chiếc áo dài tím hiền thục góp phần tô điểm thêm cho sự thành công của chương
trình.
Sau
cùng một người mẹ mang tình thương lớn đến với mọi chúng sanh khổ đau, mẹ Quán
Thế Âm Bồ Tát. Bài thơ “Quán Thế Âm” của Phạm Thiên Thư, Phạm Duy phổ nhạc qua
giọng ca của Mộng Thủy tưởng chừng như âm thanh từ không trung vọng xuống, một
bản nhạc cấu trúc khó khăn, đòi hỏi tài năng trình diễn, nhưng ca sĩ Mộng Thủy
vẫn thành công trong nhạc phẩm này.
Sẽ
là thiếu sót nếu không nói đến hai MC của chương trình: Diệu Trang và Bùi
Ðường.
Bùi
Ðường là người đã viết lời dẫn nhập cho mỗi bài hát, anh đã viết tài tình từng
câu, từng chữ để mỗi câu thể hiện lời văn và mỗi chữ là ngôn ngữ của thơ.
Có
thể nói gần như anh đã đạt mục tiêu đó. Hơn thế nữa, anh có thể bổ túc bằng
giọng đọc trầm ấm và rất truyền cảm của minh. Bên cạnh anh là MC Diệu Trang,
người có thể đọc với giọng Bắc, giọng Nam và đặc biệt giọng Huế. Lời đọc rõ
ràng, âm giọng nồng nàn cuốn hút người nghe. Nếu chúng ta cho rằng ca sĩ hay là
người có giọng ca gây xúc cảm trong lòng khán giả, liệu chúng ta có thể gọi hai
MC Diệu Trang và Bùi Ðường là hai ca sĩ hay chăng?
Ðạo
diễn sân khấu Quốc Cường lần này đã thành công trong sự kết hợp nhuần nhuyễn
giữa ca từ của bài hát, giai điệu của âm nhạc, kết cấu của từng tiết mục để dàn
dựng nên một chương trình thật sống động và đầy ý nghĩa, tạo nên một không gian
thật ấm cúng và trang nghiêm của Thiền nhưng cũng đã mang lại nhiều cảm xúc và
sự mãn nhãn về nghệ thuật sân khấu đến khán thính giả.
Sau
khi đã chuyển tải đến khán thính giả những thương nhớ, những vui buồn, kể cả
những giọt nước mắt thương nhớ cha mẹ, chương trình “Ðóa Hồng Vu Lan” khép lại
với bài hát “Hiện Pháp Lạc Chú” với sự góp mặt của tất cả các ca sĩ như một lời
nhắn nhủ rằng chúng ta cần phải an trú trong hiện tại để tìm thấy niềm vui ngay
trong cuộc sống này.
Nhóm Hương Thiền qua lời ca tiếng
nhạc, như những vị thiền sư năm xưa, muốn gửi đến quý khán thính giả một cơn
gió thoảng, một ít ánh trăng vàng để khán giả tìm thấy và cảm nhận sự an lạc
trong buồi chiều thơ nhạc “Ðóa Hồng Vu Lan.”
Rời
khỏi thính đường trở về với dòng chảy của cuộc sống, len lỏi qua luồng giao
thông dày đặc, chúng tôi ước mong trong tâm tư của quý khán thỉnh giả, hương
thiền còn phảng phất.
“Không
phải là hôm qua, ta ngồi để tiếc nuối...
Cũng
không phải ngày mai, ta ngồi mơ mộng mãi...
...An
trú trong hiện tại, giây phút đẹp tuyệt vời...
Câu
hát này còn vang vọng mãi theo nhưng khán thính giả đã đến với “Ðóa Hồng Vu
Lan”...
No comments:
Post a Comment