Trần Doãn Nho
Ngày 3/7/2012, đọc trên tờ Người
Việt:
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác qua đời, thọ 73 tuổi!
Cùng ngày, đọc trên Yahoo:
Actor Andy Griffith,who played folksy Sheriff Andy Taylor in the fictional
town of Mayberry, died Tuesday at the age of 86.
Thông báo về cái chết nào thì đại loại cũng như thế: đơn giản, gọn gàng.
Nhưng đàng sau cái “qua đời” đơn giản đó là một chuỗi dài những ngày tháng vật vã với bệnh tật, vật vã với cuộc tử
sinh, vật vã giữa hy vọng và tuyệt vọng. Có lẽ chỉ trừ gặp phải tai nạn bất ngờ, cái chết không đến ngay lập
tức. Chết là một hành trình. Ngắn hay dài, tùy. Với Nguyễn Mộng Giác (NMG) thì dài, quá dài. Chín năm, kể từ mùa hạ năm 2003, khi
anh bắt đầu về hưu. Với Diệu Chi thì dài gấp bội. Người phụ nữ đã từng cất giữ
bản thảo Sông Côn mùa lũmột thời gian dài khi còn ở Việt Nam và khôn khéo ngụy trang,
qua mặt hải quan VN để mang sang xuất bản ở Hoa Kỳ; người phụ nữ phụ tá đắc lực cho NMG
trong những năm làm Văn Học; người phụ nữ hiếu khách trong những cuộc bạn bè thù tạc, chị cùng
đi tiếp với NMG trong cuộc hành trình cuối cùng khó khăn nhất, đau đớn nhất. Cái dài dằng dặc đó đã được Diệu Chi chống đỡ bằng những tràng cười trong
veo và những câu chuyện tiếu lâm dí dỏm.
Còn nhớ rất rõ
một buổi họp mặt tại nhà NMG vào tháng 5/2010. Đó là một buổi ăn tối do Trần Mộng Tú đến từ Seattle, chủ xướng. Có lẽ đây là lần có mặt nhiều bạn bè nhất với NMG cho đến lúc anh ra đi: Trần Mộng Tú, Đỗ Quý Toàn, Phạm Phú Minh, Đặng Hiền, Bùi
Vĩnh Phúc, Trần Doãn Nho, Bùi Bích Hà, Đặng Thơ Thơ. Mọi người ăn uống, trò chuyện vui vẻ. Chuyện cũ, chuyện mới, chuyện văn chương, chuyện đời thường, kể cả chuyện thanh, chuyện
tục đều được mang ra bàn tán rôm rả. Hôm đó, có lẽ Diệu Chi là người vui nhất. Chị nói cười huyên thuyên. Kể chuyện tiếu lâm. Và hát…Một cái vui đầy lo toan. Nguyễn Mộng Giác, tuy yếu, nhưng anh cố gắng ngồi với
bạn bè từ đầu cho đến cuối. Anh mệt, không nói được nhiều, nhưng tỏ ra rất hạnh phúc. Như biết được nỗi lo âu của mọi người, mỗi khi có ai đề cập đến chuyện sức khỏe,
anh cười nói: đừng lo, tôi còn sống lâu lắm.
Nghe thì nghe vậy, nhưng thực lòng, trong thâm tâm mọi người,
kể từ ngày anh lâm bệnh, vẩn vơ trong đầu vẫn là đợi chờ một tin xấu.
Trong nỗi đợi chờ kỳ quặc ấy, một năm trước đó (2009), tôi bàn với các bạn trong Da
Màu thực hiện một cái gì để vinh danh NMG trong khi anh còn sống. Với sự
nhiệt tình của ban biên tập, “Chuyên đề Nguyễn Mộng Giác”xuất hiện và kéo dài nguyên cả tuần trên Da Màu, tập trung bài vở của nhiều
tác giả trong và ngoài nước nhưThụy Khuê, Đặng Tiến, Nam Dao, Mai Quốc Liên, Mai Kim
Ngọc, Trần Mộng Tú, Trần Hữu Thục, Ban Mai, Luân Hoán, Thường Quán, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Chí Kham, Trúc Chi…Tuy chưa đề cập đến tất cả mọi
khía cạnh của những tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác, nhưng chuyên đề cũng chuyên chở khá đủ một số nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp văn chương của
anh. Đọc chuyên đề, anh vui lắm. Anh khoe với tôi, có người bạn
trong nước đã in ra giấy tất cả bài vở góp mặt trong chuyên đề (hơn 200
trang) rồi photocopy gửi cho những người quen. Sau đó, anh Nguyễn
Khoa Kha, chủ nhân nhà xuất bản Văn Mới, nhiều lần thúc giục tôi lấy bài vở từ chuyên đề và chọn lọc thêm một số
truyện khác của NMG để làm một tuyển tập Nguyễn Mộng Giác khi anh còn sống (như
Thế Kỷ đã làm cho Võ Phiến), mọi phí tổn in ấn và phát hành, Văn Mới gánh. Tôi hứa, nhưng đã…thất hứa! Tôi nhắc lại điều này để ghi nhận tấm lòng của chủ nhân nhà xuất bản Văn Mới đối với Nguyễn
Mộng Giác. Cũng là một lời xin lỗi.
Tôi quen NMG muộn, nhưng lại khá thân. Mãi đến khi qua định cư ở Hoa Kỳ năm 1993, tôi mới có dịp tiếp xúc với anh. Trước hết qua tờ Văn Học, lúc đó anh là chủ bút. Mới chân ướt chân ráo đến Mỹ là tôi chuyển ngay cho Văn Học một truyện ngắn tôi viết
từ trong nước. Đây là một truyện hoàn toàn mang tính cách ẩn dụ, tôi đã gửi cho tờ tạp chí Sông Hương, Huế, nhưng đúng lúc đó, tờ Sông Hương bị đóng cửa vì “có vấn đề”. Dù không mặn mà với loại truyện “ngụ ngôn” cũ kỹ như thế này, nhưng anh vẫn cho in. Như một khuyến khích với một người vừa thoát khỏi bóng tối. Tôi viết tiếp nhiều truyện ngắn
khác và cũng được NMG cho đi. Từ đó về sau, tôi trở thành một cây bút cộng tác thường xuyên cho Văn Học, cả về sáng tác cũng như về biên khảo. Từ đầu năm 2001 đến cuối năm 2004, tôi phụ trách hẳn một mục cho Văn Học là phần Tin Văn. Tháng 9/2004, khi phát hiện mình bị bệnh nan y, NMG gọi điện thoại và muốn bàn giao vai trò chủ bút tờ Văn Học
cho tôi. Nhưng
do ở quá xa quận Cam, nên tôi không nhận. Sau đó, tờ Văn Học trở lại với anh Cao Xuân Huy,
vốn là tổng thư ký Văn Học trước đó.
Dù không còn phụ trách tờ Văn Học, và dù không còn viết lách được nữa, nhưng trước sau, NMG vẫn quan tâm đến văn chương. Những lúc sức
khỏe phục hồi, anh vẫn tham gia các sinh
hoạt văn chương, vẫn tiếp bạn bè trong văn giới. Cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, trong tận cùng tâm thức, một mình đối diện với chỉ thân phận của mình, NMG vẫn sống với thế giới văn chương.
Tôi đến thăm Nguyễn Mộng Giác tại nhà dưỡng lão
(Westminster, quận Cam) vào buổi trưa ngày 25/4/2012. Anh nằm trên giường, tỉnh
táo, vui vẻ mặc dầu quanh người đầy những dây nhợ thuốc
men. Hỏi thăm tình trạng sức khỏe, anh trả lời:
Chưa sao! Đầu óc mình vẫn còn sáng suốt lắm. Thục đừng lo.
Nhưng rồi giọng anh chợt trầm xuống:
Nhìn
thấy vậy nhưng giờ thì chỉ có cái đầu mình là làm việc
thôi. Tất cả, tất cả đều…hư hỏng cả rồi. Thục biết không, mình là người trí thức, cứ chịu đựng tình trạng bất khiển dụng như thế này là điều không phải, đôi khi mình cũng muốn tự xử, nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại,
lại thôi.
Tôi đang suy nghĩ về hai chữ “tự xử” của anh, thì anh quay sang
bàn chuyện văn chương. Như mỗi lần và mọi lần. Anh
say sưa nhắc đến những vật hư cấu của anh,đặc biệt là trong Sông Côn Mùa Lũ và Mùa Biển Động. Anh vui
mừng cho biết một số sinh viên trong nước đã chọn “Sông Côn mùa lũ” để làm luận án tốt nghiệp đại học. Anh cũng rất hớn hở khi nghe tôi báo tin là dịch giả Tôn Thất Quỳnh Du bên Úc đã dịch xong một
số chương quan trọng trong “Mùa biển động”.
Đang giữa câu chuyện, anh chợt hỏi:
- Thục còn nợ tôi cuốn sách.
Sách gì vậy? Tôi nhớ là tôi đã trả hết cho anh rồi mà.
Tập thơ Mai Thảo.
Tôi ngẩn người. Phải rồi, thơ Mai Thảo! Những năm sau này, anh rất thích đọc và bàn luận về thơ
Mai Thảo. Không những đọc mà còn thuộc nhiều bài. Còn nhớ, hai năm trước đây, khi ghé thăm, Nguyễn Mộng
Giác mang thơ Mai Thảo ra đọc, rồi cùng Diệu Chi và tôi bình thơ Mai Thảo và cùng cười sảng
khoái. Anh nói: Đang mang bệnh như thế này mà đọc thơ Mai Thảo, thật thích! Và đọc: Bệnh ở
trong người thành bệnh bạn. Bệnh ở lâu dài thành bệnh
thân. Gối tay lên bệnh nằm thanh thản. Thành một đôi ta rất
đá vàng.
Sau đó, khi ra về, tôi hỏi mượn tập
thơ Mai Thảo của anh. Anh nhắc đi nhắc lại: Nể Thục, mình cho muợn,
nhưng mình chỉ có một cuốn và là cuốn Mai Thảo tặng, nhớ gửi trả lại. Khi tôi về nhà, quên mất. Chừng vài tháng sau, anh
gọi điện thoại, nhắc trả cuốn thơ. Tôi nhớ là sau đó, tôi đã gửi trả lại.
Bây giờ nghe anh nhắc, tôi đâm ra nghi ngờ mình: quên chăng?
Tôi hứa sẽ về tìm lại tập thơ. “Nhớ nghe!”, anh nhắc lại
và lên tiếng đọc:
Đặt tay vào chỗ không thể đặt
Vậy mà đặt được chẳng làm sao
Mười năm gặp lại trên hè phố
Cười tủm còn thương chỗ đặt nào.
Đọc xong, anh hỏi: “Thục có biết đặt
chỗ nào là “chỗ nào” không? Biết chứ! Tôi đáp. Và chúng tôi cùng cười vui
vẻ.
Sau chừng gần một giờ trò chuyện, tôi chào từ biệt và hẹn sẽ trở
lại thăm anh tháng sau, tháng Năm, khi tôi đi Cali để dự một sinh hoạt đồng hương. Anh nắm tay tôi, giọng tha
thiết:
Khi qua, nhớ ghé nghe! Mình cần bạn bè lắm.
Đó là lần cuối cùng tôi gặp anh. Ba
tuần sau, cuối tháng Năm, tôi trở lại quận Cam, “nhớ ghé” thăm anh, thì anh trở bệnh nặng phải chuyển vào bệnh viện,
không thăm viếng được. Cho đến lúc anh ra đi. Thế là tôi vẫn còn nợ anh tập thơ Mai Thảo! Và không quên nụ cười ý nhị của anh
khi anh hỏi tôi “đặt chỗ nào” trong bài thơ Mai Thảo.
Nguyễn Mộng Giác thật đã ra đi. Nhưng Nguyễn Mộng Giác ảo vẫn còn đó. Mãi mãi còn đó. Không chỉ là cái tên, không chỉ là sự tiếc thương, là những
kỷ niệm mà là một cái gì rất cụ thể, rất vật chất: những con chữ.Trên giá sách của tôi, NMG vẫn hiện diện. Y như thể
NMG chưa hề bệnh tật, chưa hề ra đi. Y như
thể không có gì thay đổi. Văn chương quả thật lạ lùng. Dường như nó vĩnh cửu hóa mọi phù du.
Khác với quan niệm của một số người cho rằng “văn dĩ tải dạo”, văn chương phải có sứ mệnh
này sứ mệnh nọ, cải tạo cuộc đời cải tạo đất nước, vân vân và vân vân,
NMG có một cái nhìn gần gũi hơn, bình dân hơn. Theo anh, tiểu thuyết là“một thể loại văn chương
nhằm thỏa mãn nhu
cầu muốn ngóng
chuyện thiên hạ của
người đời.
Người viết tiểu thuyết là người kể.
Người đọc tiểu
thuyết là người
muốn nghe kể. Với NMG, “căn bản hấp dẫn và lôi cuốn người nghe người đọc người
xem những tác phẩm” là những nhân vật và “những nhân vật
huyễn tưởng ấy cư xử y như người đời, y
như những độc giả
khán giả. Chẳng
thế mà, với NMG, “Dù tác giả có ngụy
trang khéo léo cách nào, nhân vật tiểu thuyết vẫn luôn luôn là bản sao
của chính người
viết. Thế giới tiểu thuyết là bản ngã tác giả phóng chiếu
ra ngoại giới, tạo thành một
thế giới mang trọn bản ngã ấy”.
Quan điểm này chi phối các tác phẩm của anh. Quả là có một sự gần gũi giữa con người NMG ngoài đời và những nhân vật của NMG trong tác phẩm.
Một mặt, anh kéo những nhân vật có danh phận cao xuống đời thường và ngược lại, kéo những nhân vật không có danh phận lên cao hơn khả năng suy
tưởng lẫn nhân cách của họ; mặt khác, nhân
vật nào của anh cũng đầy “chất người”: bạn, thù, chính diện, phản diện…không ai “dữ” cả. Chẳng thế mà, cái thiện, cái lành, cái nhân tình luôn luôn phảng phất trên các trang sách của anh. Kể cả ở những chỗ gay
cấn nhất. Chả là vì, anh cho rằng mọi con ngườiđều là con người bình thường. Con người bình thường“là con người thụ động, ích kỷ, nhút nhát, rụt rè trước quyền lực, làm được cái gì cao cả cũng phải bị hoàn cảnh thúc đẩy đến chỗ
không có lựa chọn nào khác, và khi ra
khỏi hoàn cảnh đặc biệt ấy, lại trở về với lối sống tầm
thường cố hữu.”
Có lẽ vì thế, trong đời sống, anh không có phong thái đầy kịch tính của một kẻ
thành danh, một thứ nhân vật hư cấu luôn luôn sống như một
kẻ trình diễn. Ở một sốtác giả(mà tôi ngưỡng mộ), tôi thấy có một khoảng cách khá xa giữa giữa văn và người, xa đến nỗi tôi không thểhình dung là tác giả đó lại viết được những giòng văn như thế và tạo ra những nhân vật như thế. Lúcđầu, tôi ngạc nhiên. Sau, tôi thấy đó là chuyện bình thường. NMG khác. Khi gặp bạn bè, anh em trong văn giới, lạ hay
quen, anh không tự tạo cho mình một cái gì khác mình, khác cái “bình thường” của mình. Ăn nói chẳng màu mè, cử chỉ sắp xếp chẳng cần lớp lang: nhún vai thế nào, huơ tay
thếnào, nhíu mày, cười, đi đứng thế nào, vân vân.
Văn NMG hiền, chuẩn, mực thước. NMG cũng
thế, mực thước, cận nhân tình. Đọc văn anh, theo dõi hành vi, cử chỉ và nhất là những suy gẫm của những nhân vật
của anh và con người anh ngoài đời, hao hao giống nhau. Tôi không mấy tán thành quan niệm “văn tức là người” nhưng ở NMG, quan điểm này có phầnđúng.
Có lần, chúng tôi bàn nhau về cái tốt cái xấu của nước Mỹ. Anh nhận xét: xã hội Mỹ là cái xã hội ở đó, một con người chỉ cần lương
thiện là có thể sốngđược, sống ra một con người. Ở các xã hội khác như ở VN, lương thiện hầu như không giúp gì được cho ai, nếu không muốn nói là thường đồng nghĩa với thua thiệt và thất
thế. Tôi chia xẻ cái nhìn này của anh.
Với tôi, tác phẩm của NMG, sự nghiệp NMG, con người NMG, quan điểm NMG gặp nhau ở một điểm: sự
lương thiện. Anh không sử dụng con đường tắt, sự
ngụy biện, sựlương lẹo để sống trong cuộc đời và trong văn chương. Lương thiện với mình, với
bạn bè, với chữ nghĩa, và lương thiện cả với những nhân vật của mình. Anh đem con người vào chữ nghĩa, chứ không vặn vẹo chữ nghĩađể tạo nên con người. Những nhân vật
của NMG, có thểta không thích nhưng không thù ghét; có thể ta thích nhưng không quá sùng bái. Con người NMG cũng thế.
Khen ai, anh không đưa lên tận mây xanh và chê ai, anh cũng không hạgiá đến tận cùng.
NMG ra đi. Cái lương thiện vẫn còn ở lại.
Từ xa đến, không thể quên được nơi ấy. Từ khu Phước Lộc Thọ, đi một đoạn ngắn, quẹo phải qua
Magnolia, đi thêm chừng một mile, quẹo trái qua McClure, đi thêm một đoạn ngắn là đến Strait. Ngôi nhà nằm ngay góc đường. Số 14321.Căn nhà là một thế giới mở.
Cái địa chỉ ấy, thân tình, ấm cúng.
Cái địa chỉ ấy rất thân quen
với khách văn chương đến từ khắp nơi. Từ các tiểu bang Hoa Kỳ, từ
Việt Nam, từÚc, từ Pháp, từ Anh, từ Đức…Cần hẹn, cứ hẹn tạiđây, muốn
nhắn tin ai, cũng nhắn tại đây, cần đi uống cà phê, ghé lại đây, cần gặp bạn, tạt qua đây. Cứ thế, quanh năm. Riêng mà rất chung. Chủ nhân lúc nào cũng sẵn sàng tiếp khách. Có người từ Việt Nam qua, thú nhận là nghe tiếng tăm tờ Văn Học, muốn ghé chỉ để cho biết cái tờ báo hải ngoại này hiện đại, đồ sộ đến mức nào. Người ấy ngạc nhiên và thất vọng, vì chẳng tìm thấy cái tòa soạn nào cả. Chỉ là một cái máy vi tính, một hai người phụ trách với một số lượng độc giả vô cùng khiêm tốn: vài trăm.
Cái địa chỉ ấy rộn ràng, ấm cúng tình quê hương. Y như một chỗ nào thân quen ở Sài Gòn ngày cũ.
Trong khi anh nằm bệnh viện, không thể vào thăm viếng được, tôi ghé về lại cái địa chỉ ấy. Cuối tháng năm. Nắng rực rỡ soi bãi cỏ, ô đậu xe trước garage. Căn
nhà vắng lặng. Thật vắng lặng. Tôi bấm vào cái nút chuông kim loại tròn, nhỏ nằm trên một khung cửa hẹp, đè mạnh như mọi lần, cố tưởng tượng là Nguyễn Mộng Giác sẽ ra
mở cửa. Không. Diệu Chi. Gầy, mỏng. Chị nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi nói: tôi muốn đến thăm căn nhà. Chị vừa ở bệnh viện về, mệt
nhọc, cố gắng tiếp tôi.
Tôi ngồi trên ghế salon. Nhìn cái lò
sửa, nơi không phải để đốt lửa mùa đông, mà để chứa sách báo. Tôi nhìn cái máy vi tính nằm bên góc, nơi từng được dùng để in ra tờ Văn Học hàng tháng. Nhìn sách, báo để quanh căn nhà. Nhìn ra khu vườn nhỏ, nơi có lúc chúng tôi ngồi say sưa bàn chuyện văn học và văn chương. Nói chuyện với Diệu
Chi. Nghe chị tâm sự việc sắp xếp chuyện “hậu sự” cho người bạn đời.
Thật thấm thía khoảng trống mênh mông của một vắng mặt.
Chào nỗi buồn, tôi ra về.
Lặng lẽ. Ngậm ngùi.
Cái địa chỉ ấy, mai, mốt, vài tháng sau, năm sau nữa… mọi thứ có lẽ vẫn còn y như cũ. Kể cả cái garage xe dành làm nơi lưu trữ tờ Văn Học. Cái địa chỉ ấy, bây giờ thiếu đi một người. Người ấy đã đến. Đã ở. Đã ăn, nói, đứng, ngồi, trò chuyện...Và một hôm, chợt đi. Đi mất.
Thiếu một người và vắng
tất cả mọi người!
TDN (9/2012)
No comments:
Post a Comment