Clarence Thomas, Thẩm phán Tối Cao
Pháp Viện Hoa Kỳ
Lời Giới Thiệu: Bài
viết sau đây được trích từ diễn văn của Clarence Thomas, Thẩm Phán Tòa Án Tối
Cao, đọc ngày thứ Ba mùng 6 tháng 2 năm 2001 trong bữa dạ tiệc hàng năm tại Học
viện American Enterprice, nơi ông nhận lãnh giải thưởng Francis Boyer.
Alexander Hamilton[1]
đã viết trong Luận cương Liên bang số 78 "Các
quan tòa cần phải có một nghị lực phi thường để làm tròn bổn phận là người bảo
hộ trung tín của Hiến Pháp hầu chống lại sự lạm quyền của cơ quan lập pháp, một
sự lạm quyền dựa vào tiếng nói đa số của cộng đồng." Điểm này hiếm khi
được chú trọng. Đức tính mà Hamilton chọn ra, nghị lực, là căn bản cho triết lý
sống của tôi cả trong cương vị của một quan tòa, và căn bản hơn nữa là trong
cương vị một người công dân của đất nước tuyệt vời này.
Ngày 1 tháng 7 năm 1991, khi tôi đến
nhà Tổng Thống Bush ở Kennebunkport, ông mời tôi vào gặp trong phòng riêng.
Trong suốt lần gặp ngắn ngủi đó, ông chỉ hỏi tôi hai điều. Thứ nhất, liệu tôi
và gia đình có chịu đựng nổi [áp lực] trong quá trình xác minh lý lịch? Tôi đã
trả lời: được, tuy chưa biết điều gì đang chờ đón. Câu hỏi thứ hai chỉ đơn giản
rằng khi tôi trở thành một thẩm phán của toà án tối cao, không biết tôi có thể
thấy sao thì nói vậy, cũng như không biết tôi có thể phán quyết theo luật pháp
chứ không phải theo quan điểm cá nhân ? Về câu hỏi này, tôi cũng trả lời: được.
Trong một thế giới hoàn hảo, câu hỏi
thứ hai này sẽ là câu hỏi duy nhất mà các thành viên tòa án tối cao phải trả
lời cho tổng thống hoặc cho các nhà lập pháp, là những người quyết định sự bổ
nhiệm của họ. Các quan tòa, sau đó có thể tập trung năng lực vào thực chất của
những quyết định của họ, đó là những điều chiếm hữu hầu hết trí tuệ hay tâm hồn
của bất cứ một ai... Tôi mong rằng nó chỉ đơn giản như vậy.
Theo thiển ý, những người đến để tham
dự vào những cuộc tranh luận quan trọng và những người dám thách thức những
kinh nghiệm đã được thừa nhận nên biết rằng mình sẽ bị xử tệ. Tuy nhiên, họ
phải đứng vững, phải kiên cường. Đó là điều cần thiết, đó là một thái độ phải
có, vì đó chính là sự dũng cảm cần thiết để bảo đảm tự do.
Không cần được nhắc, chúng ta cũng biết
phải tham gia vào quốc sự nếu thấy rằng những công việc ấy quan trọng và có ảnh
hưởng đến cuộc sống của mình. Nhưng ta sẽ tham gia bằng cách nào? Ngày nay ta
nghe nói nhiều đến sự ôn hòa. Điều này nhắc tôi nhớ về một đồng nghiệp cũ tại
EEOC,[2]
người thường nói đùa rằng anh ta là một người "ôn hòa nhưng có súng,"
thật là một cách biểu thị mâu thuẫn lạ lùng. Hãy nghĩ về điều ấy xem-cứ như là
liều chết vì những chuyện không đáng...
Trên bình diện rộng, khuynh hướng này
là kết quả của sự quá chú trọng về phương diện lịch sự. Không ai trong chúng ta
có thể tỏ ra bất lịch sự khi tranh luận về những vấn đề quan trọng. Bất kể khó
khăn đến đâu, thái độ lịch sự luôn cần thiết. Tuy nhiên, trong sự cố gắng cư xử
cho lịch sự, nhiều người nghĩ rằng tốt hơn hết là làm dịu bớt những quan điểm
cứng rắn của mình và tránh bị nhận xét là người hay chỉ trích. Họ kiềm chế lời
nói của họ, không phải chỉ ở hình thức mà còn ở nội dung.
Sự đòi hỏi thái độ lịch sự khi tranh
luận có một tác dụng sai lầm là làm hủy hoại hết những nguyên tắc của chúng ta,
những nguyên tắc căn bản của một xã hội dân sự. Điều này cho thấy tại sao lịch
sự không thể là một nguyên tắc chủ đạo của tính cách công dân hay sự lãnh đạo.
Như (Gertrude) Himmelfarb đã nhận định trong cuốn sách của bà, cuốn Một Quốc
gia, Hai Văn hóa (One Nation, Two Culture): "So sánh tính cách công
dân với ý tưởng hiện đại về lịch sự, tức là để đạt những mối giao hảo êm đẹp, là
xem thường không những vai trò chính trị của công dân mà còn là coi thường
những đức tính mà người công dân phải có, những đức tính công dân đã được biết
đến trong thời cổ đại và trong những ý tưởng cộng hoà thuở ban đầu."
Đây là những đức tính mà Aristotle cho
rằng cần thiết để sống như một người tự do, những đức tính mà Montesquieu đã so
sánh như " Cái lò xo thúc đẩy sự hoạt động của một chính quyền cộng
hòa," và là những điều mà tư tưởng của các vị khai sáng nước Mỹ đã tạo nên
một sự kết hợp sinh động giữa niềm tin sâu xa và kỷ kuật tự giác, những điều
cần thiết của một chế độ do chính mình cai trị.
Himmelfarb nhắc đến hai loại đức tính.
Loại thứ nhất là lòng nhân ái nhu thuận. Chúng gồm có sự khả kính, sự khả tín,
lòng trắc ẩn, tính công bằng, sự lễ độ. Đây là những đức tính khiến đời sống
hàng ngày được êm đẹp bên gia đình và bên những người quen biết. Loại thứ hai
là những đức tính cương mãnh. Những đức tính cương mãnh này vượt qua khuôn khổ
gia đình và cộng đồng và không chừng, khi có dịp, sẽ xâm phạm đến các tập quán
của phép lịch sự. Đây là những đức tính định hình những vị lãnh đạo tài ba, tuy
rằng họ không nhất thiết là những người bạn tốt: những người dũng cảm, hoài bão
chí lớn và có óc sáng tạo.
Tác giả ghi chú rằng đức tính cương
mãnh đã từng bị đức tính nhu thuận kia thay thế, dẫu rằng những đức tính này
không nhất thiết hoàn toàn tách biệt hoặc xung khắc với nhau. Những nhà lãnh
đạo và những công dân tích cực phải được hướng dẫn hành động bởi đức tính cương
mãnh hơn là bởi đức tính quan tâm. Ta không nên để cho ước muốn trở thành người
tử tế và lịch thiệp áp đảo cái bản chất thực của các nguyên tắc, hoặc quyết tâm
của ta nhằm bảo vệ những nguyên tắc này. Rốt cuộc, thì ta vẫn nên dùng cả hai
đức tính nhu thuận và cương mãnh. Nhưng trên hết, không được để đức tính thứ
nhất thống trị đức tính thứ hai.
Thêm nữa, khi chấp nhận cái hình thức
giả tạo của lịch sự, thỉnh thoảng chúng ta đã để những lời phê phán hăm dọa
mình. Như tôi đã nói, những sự công kích bỉ ổi thường nhắm vào người năng động.
Họ bị gán cho những phẩm chất như độc ác, phân biệt chủng tộc, kỳ thị màu da,
chống đối đồng tính luyến ái, hạ phẩm giá phụ nữ, vân vân...Vì thế chúng ta
thường phản ứng, nếu không là chịu thua, thì cũng là không dám liên tục chống
đối, để tỏ ra mình là người vô tư. Vậy là ta đã tự kiểm duyệt chính mình. Điều
này không phải là văn minh. Nó là sự hèn nhát hoặc cố ý dối lòng.
Immanuel Kant đã cho thấy, để thoát
khỏi cảm giác xấu hổ hoặc tự khinh, ta phải học cách lừa dối chính ta. Sự lừa
dối này tạo thành một chướng ngại đáng sợ cho những hoạt động vì sự thật. Và
một trong những thành quả tuyệt diệu nhất của con người là đập tan những điều
dối trá đó. Ta đã từng biết dù cho sự thật rành rành, việc tự dối lòng vẫn dễ
dàng làm sao!
Hãy lắng nghe những sự thật đang hiện
hữu trong trái tim ta và đừng sợ khi đi theo con đường mà chân lý dẫn
dắt. Hai chữ nhỏ bé này có một sức mạnh biến đổi được cá nhân và làm thay đổi
được thế giới. Hai chữ nhỏ bé này tạo cho ta một quyết tâm và lòng can đảm
không cần phải khoa trương nhưng cần thiết để chịu đựng được những mối đe dọa
trên đường tranh đấu.
Ngày nay ta không hô hào liều mạng
chống lại những bạo chúa vô nhân. Nước Mỹ không phải là một quốc gia man rợ.
Nhân dân chúng ta không bị đàn áp và cuộc sống của ta không phải đối mặt với
những sự đe dọa quốc tế, như đã từng có với Liên bang Xô Viết. Mặc dù cuộc
chiến chúng ta đang tham dự là một cuộc chiến văn hóa, chứ không phải cuộc
chiến về xã hội dân sự, cuộc chiến này cũng thử thách xem đất nước này, một đất
nước được thai nghén trong tự do có thể tồn tại lâu dài hay không.
Những lời nói của Tổng thống Lincoln
vẫn còn đây: "Chính chúng ta, những người còn sống, chấp nhận hiến thân
cho cái nhiệm vụ cao cả còn trước mặt; từ những cái chết vinh quang của những
người đã tận tụy và hết lòng phụng sự, chúng ta sẽ tiếp tục phát triển sự tận
tụy ấy; đó là nhiệm vụ mà chúng ta tại nơi đây, kiên quyết tiếp tục để cho
những cái chết ấy sẽ không bị lãng phí, để cho quốc gia này, dưới sự che chở
của Thiên chúa, sẽ đạt được một nền tự do mới và để cái chính phủ của dân, do
dân và vì dân này sẽ không bị hủy diệt trên hoàn cầu."
Những
vị khai sáng đã cảnh báo chúng ta rằng tự do đòi hỏi ta phải có sự cảnh giác
thường xuyên và có hành động liên tục.
Chuyện được kể rằng, khi được hỏi những nhà khai sáng đã thành lập nên loại
chính quyền nào, Benjamin Franklin trả lời: "Các ông ấy đã cho chúng ta
một nước cộng hòa với điều kiện ta có thể giữ được nó." Ngày nay, như từng
trong quá khứ, chúng ta sẽ cần một loại đức tính công dân dũng cảm, không phải
là loại lịch sự nhút nhát, để giữ gìn được đất nước cộng hòa của chúng ta. Vậy
buổi chiều hôm nay tôi xin trao lại các bạn một câu khích lệ đơn giản: Đừng sợ hãi!
Xin Chúa phù hộ các bạn.
© Học Viện Công Dân 2010
Thời báo Washington: Số ra ngày 16
tháng 2 năm 2001
[1] Alexander Hamilton là một trong 3 tác giả Tuyển tập Luận
Cương Liên Bang, gồm 85 bài tham luận nhằm vận động quần chúng phê chuản Bản
Hiến Pháp của Mỹ được soạn thảo năm 1787. Hai tác giả khác là James Madison,
sau này là tổng thống đời thứ tư của Hoa Kỳ. Luận cương Liên bang được xem là
tác phẩm quan trọng về lý thuyết chính trị của chế độ cộng hòa, nói chung và
thể chế liên bang, nói riêng.
[2] EEOC, viết tắt của Equal Employment Opportunity Commission
(Ủy ban Bảo vệ Quyền Bình đẳng Cơ hội về Việc làm) là một cơ quan liên bang của
Hoa Kỳ. Ủy ban này được thành lập năm 1964 để giám sát việc thi hành Đạo luật
về Dân quyền.
No comments:
Post a Comment