Friday, 28 September 2012

VỀ CÁC PHIÊN TÒA "CÔN KHAI" Ở VIỆT NAM (Ls Ngô Ngọc Trai / BBC)





Luật sư Ngô Ngọc Trai
gửi trực tiếp cho BBCVietnamese.com
Cập nhật: 11:20 GMT - thứ sáu, 28 tháng 9, 2012

Pháp luật tố tụng của Việt Nam quy định các phiên tòa xét xử được tổ chức công khai, mọi người dân đều có quyền tham dự, trừ những trường hợp bí mật. Tuy nhiên trên thực tế đã xảy ra rất nhiều trường hợp quyền tham dự phiên tòa công khai của người dân bị xâm phạm.

Theo Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 18 về Xét xử công khai viết: "Việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định".
"Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai."

Điều 15. Xét xử công khai cũng viết: "1. Việc xét xử vụ án dân sự của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định."
"2. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai."

Còn theo Luật tố tụng hành chính, Điều 17 về Xét xử công khai: "Việc xét xử vụ án hành chính được tiến hành công khai. Trường hợp cần giữ bí mật nhà nước hoặc giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai".

Quy định pháp luật là thế, nhưng thực tế bấy lâu nay người dân luôn bị những người bảo vệ cổng tòa án, lực lượng công an dẫn giải tội phạm giữ gìn trật tự phiên tòa, ngăn cản không cho vào trong sân tòa, không cho tham dự phiên tòa.

Công dân bị ngăn cản
Quyền tham dự phiên tòa công khai của người dân đã bị xâm phạm tước đoạt thô bạo, đây là hiện tượng hết sức phổ biến xảy ra ở hầu hết các tòa án, chánh án tòa án nhân dân các cấp biết rất rõ nhưng bỏ mặc không có biện pháp xử lý.

Các ông bảo vệ cổng tòa án, lực lượng công an dẫn giải tội phạm giữ gìn trật tự phiên tòa, ngăn cản người dân tham dự phiên tòa thường đưa ra lý do là để giữ gìn an ninh trật tự phiên tòa.

Đây là bao biện không thể chấp nhận được. Trách nhiệm của những lực lượng này là giữ an ninh trật tự, nhưng việc họ thực hiện công việc không được tước bỏ đi quyền của công dân đã được pháp luật quy định.

Quy định phiên tòa xét xử công khai để bất cứ người dân nào cũng có quyền tham dự, đây là một phương thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật sinh động, quan trọng. Và là cách thức để dân chúng kiểm tra giám sát việc tuân thủ pháp luật, áp dụng pháp luật của tòa án.

Rất nhiều người dân có con em là các bị cáo trong vụ án hình sự, nhưng không được tham dự phiên tòa để xem xét tòa án xét xử như thế nào, rất nhiều người dân đành phải đứng ngoài cổng tòa án nhòm ngó vào trong, không biết rằng họ đã bị tước đoạt quyền tham dự phiên tòa.

Điều này có thể thấy bất cứ ngày nào có phiên tòa xét xử tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội, ở địa chỉ số 43 Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Một khách hàng của tôi kể rằng, tháng 9/2012 để được bảo vệ cho vào tham dự phiên tòa xử con em họ tại TAND thành phố Hà Nội, họ đã phải lót tay cho bảo vệ tòa án 1,5 triệu đồng để cho bốn người gồm bố, mẹ, chị gái và anh rể được qua cổng tòa án, họ bị yêu cầu không được vào phòng xử mà chỉ đứng ngoài hành lang nghe và nhìn vào phiên tòa xét xử.

Năm 2011, một lần tôi tham gia bào chữa trong vụ án hình sự gồm có 6 bị cáo tại Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, địa chỉ 262 Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội. Khi người nhà bị cáo muốn vào phòng xử đã bị cảnh sát tư pháp ngăn lại. Thư ký tòa án đề nghị với công an để cho người nhà vào tham dự thì một anh công an cãi lại: Cho người ta vào nếu có chuyện gì xảy ra thì anh (tức thư ký) chịu trách nhiệm nhé? Trước câu hỏi đó và thái độ sừng sộ của người công an, anh thư ký đành thôi.

Một lần khác cuối năm 2011 và đầu năm 2012 tôi tham gia hai phiên tòa xét xử tại Tòa án nhân dân huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Bị cáo là một ông trưởng thôn có uy tín được bà con quý mến, đặc biệt cáo buộc phạm tội của cơ quan tố tụng thiếu cơ sở thuyết phục do vậy bà con đi tham dự phiên tòa ủng hộ bị cáo rất đông. Lực lượng công an đã ngăn cản không cho bà con vào trong sân tòa.

Thay vì để bà con thực hiện quyền của mình, chính Chánh án tòa án huyện cũng tham gia giữ gìn trật tự phiên tòa bằng cách phối hợp cùng công an chỉ đạo thực hiện không cho bà con vào tham dự. Cách giải quyết trái pháp luật của lực lượng công an và ông chánh án đã khiến cho bà con phải đứng ngoài đường bức xúc.

Đây là mấy ví dụ trong rất nhiều trường hợp về việc bảo vệ tòa án và lực lượng công an tư pháp vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền được tham dự phiên tòa công khai của người dân.

Rõ ràng lực lượng bảo vệ tòa án và công an tư pháp giữ gìn trật tự phiên tòa, lâu nay thường xuyên tước bỏ quyền của người dân được tham dự phiên tòa công khai. Lãnh đạo các tòa án biết rõ điều đó, biết rõ như thế là xâm phạm quyền hợp pháp của công dân nhưng tiếp tay cho sai phạm, bỏ mặc không có biện pháp giải quyết.

Nguồn gốc của hiện tượng này xuất phát từ việc coi thường pháp luật của chính tòa án và lực lượng công an tư pháp. Họ biết thừa rõ là công dân có quyền tham dự phiên tòa công khai nhưng họ vẫn ngăn cản để cho công việc của họ được dễ dàng. Họ đánh đổi sự nhàn hạ trong công việc bằng việc hy sinh quyền hợp pháp của người khác. Đặc biệt là trong môi trường điều kiện mà sai phạm của họ lại được dung dưỡng, không bị xử lý.

Hội trường xét xử
Để bảo vệ quyền được tham dự phiên tòa công khai của người dân, hệ thống tòa án cần tổ chức lại công tác bố trí hội trường xét xử. Hiện nay rất nhiều tòa án bố trí hội trường xét xử rất chật hẹp, không khoa học, không thuận lợi để người dân thực hiện quyền tham dự phiên tòa, giám sát hoạt động tuân thủ pháp luật của tòa án.

Ví dụ điển hình minh chứng cho tình trạng phòng xử hẹp là Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, số 262 Đội Cấn, quận Ba Đình, mấy phòng xử án được bố trí nằm tại ngách bên trái của tòa nhà đối diện cổng ra vào. Lối đi vào phòng xử hẹp và gần đó là khu vực vệ sinh, phòng xử án không có gì cho thấy sự tôn nghiêm của một nơi định đoạt số mệnh pháp lý và rất nhiều khi là định đoạt mạng sống của con người.

Tòa án nhân dân tối cao đã tận dụng những không gian thẹo thừa làm phòng xử án, còn những nơi chính diện thì làm văn phòng. Bằng cách bố trí như vậy chúng ta có thể hình dung được mức độ của cái gọi là “công lý” được thực thi ở những nơi chốn này.

Một ví dụ điển hình khác là phòng xử án của Tòa án nhân dân quận Đống Đa, không chỉ phòng xử án mà toàn bộ khuôn viên của Tòa Đống Đa là quá chật hẹp. Phòng xử án của tòa án lớn cỡ bằng một phòng nghỉ khách sạn dành cho hai người.

Đảng và nhà nước đang chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền, xã hội thượng tôn pháp luật, ngành tư pháp đang chủ trương cải cách hệ thống tư pháp. Hoạt động tổ chức phiên tòa xét xử hiện tại cần phải được nghiêm túc chấn chỉnh lại. Mọi rào cản ngăn trở người dân tham dự phiên tòa phải được dỡ bỏ.

Cổng tòa án cần phải mở rộng để bất cứ người dân nào cũng có quyền vào tham dự phiên tòa. Hội trường xét xử cần được thu xếp gần cổng ra vào, không để heo hút sâu tít vào bên trong như hiện nay.

Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, luật sư chuyên về các vụ án hình sự và tranh chấp dân sự thuộc Đoàn Luật sư Nam Định.








1 comment:

View My Stats