Friday, 28 September 2012

CÓ GÌ ĐẸP TRÊN ĐỜI HƠN THẾ ? (Thùy Linh)





Thùy Linh     

Lâu rồi không có gan đọc đọc câu thơ của Tố Hữu: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau” vì sợ bị phản ứng. Yêu nhau sao được nữa? Đến mức người dân khốn khổ mất đất khiếu kiện mà còn bị ông chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khó chịu cằn nhằn: “Những người khiếu kiện làm mất mỹ quan thành phố”. Xin hỏi ông: Ai làm mất thể diện Hà Nội, mất thể diện quốc gia, đất nước này? Không lẽ mấy người dân mất đất? Không lẽ nhìn cảnh dân oan biểu tình mà người ta nghĩ khác đi về Việt Nam? Vậy ở các nước người biểu tình thậm chí còn trần truồng giữa thanh thiên bạch nhật, đi từng đoàn đoàn lũ lũ thì đất nước họ có mất mỹ quan không? Có thay đổi bản chất chế độ chính trị nước đó không? Chính phủ có đàn áp và có cấm đoán không?

Nói về thể diện quốc gia nhé: ông có biết Việt Nam bị đội sổ về nạn tham nhũng hoành hành; là kẻ thù internet; thù địch với tự do báo chí không nhỉ? Ông có biết năm 2012 vừa qua, Việt Nam là nước đáng báo động đỏ trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu vì bị tụt sâu xuống nửa dưới của thế giới, thứ 76/ 141 nước. Nhìn lại quá trình từ 2007 khi bắt đầu có sự đánh giá thì tình hình vô cùng bi đát, chẳng những kém cỏi mà xu hướng là suy giảm liên tục. Người ta đã chỉ ra: “Nguyên nhân khiến chỉ số về trí tuệ của Việt Nam đang ngày càng thụt lùi không phải do con người Việt Nam kém cỏi mà là do sự bất cập của Tổ chức quản lý nhà nước và sự yếu kém trong chăm lo đầu tư cho Vốn con người…Khi một đất nước được xem là kém cỏi trong Đổi mới/Sáng tạo, thì đồng nghĩa với việc đất nước ấy không thể tự phát triển được. Nó chỉ tồn tại được bằng cách bán cho đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, vắt cho đến cùng cực sức cơ bắp để làm thuê cho người khác. Khi những thứ đó không còn nữa thì sao?”. Ông có thấy mất “mỹ quan” với các nước trên thế giới không, thưa ông?

Còn với người dân trong nước, ông nghĩ sao khi để vụ việc khiếu kiện liên tục nhiều năm, trên khắp cả nước mà tiếng kêu ai oán của dân đen dường như không tới được những cái tai ngồi trên ghế cao quyền lực nhưng thiếu tâm lực, thưa ông?

Hà Nội từ khi ông về làm chủ tịch có gì mới, thay đổi, phát triển một cách “mỹ quan” xin ông chỉ cho nhân dân được biết? Dân chúng rùng mình khi biết ông còn tại vị cho đến 2016, lúc đó ông mới hết nhiệm kỳ bầu bán, thưa ông?

Vậy câu thơ “có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người với người sống để yêu nhau”, Việt nam nên tặng cho Myanmar, tặng cho tổng thống Thein Sein với bài phát biểu dưới đây. Một tổng thống đã từ bỏ con đường độc tài, không những chấp nhận nền dân chủ cho đất nước mà còn công khai, dõng dạc trước Liên Hiệp Quốc ca ngợi đối thủ của mình - người trước đây đã từng bị ông bỏ tù. Hành động cao thượng của ông có thể gột rửa gần hết những năm tháng chế độ độc tài quân sự đã đày ải đất nước Myanmar, nhân dân Myanmar. Xin cúi đầu trước Tổng thống Thein Sein. Ông tỏa rạng không kém bà Suu Kyi. Công đức của ông với đất nước Myanmar là vô cùng vĩ đại. Và ông bước ra khỏi lịch sử như một người anh hùng kiêu hãnh, nhân cách rạng ngời. Xin chúc phúc cho đất nước của đạo Phật nhanh sánh bước cùng các nước văn minh, tiến bộ trên thế giới. Việt Nam ngậm ngùi “đi sau, về sau” vậy…


Thursday, September 27, 2012 4:19:34 PM

Tổng thống Myanmar, ông Thein Sein, phát biểu trong phiên nhóm lần thứ 67 của Ðại Hội Ðồng LHQ hôm Thứ Năm, 27 Tháng Chín. (Hình: AP/Richard Drew)


LIÊN HIỆP QUỐC (AP) - Tổng thống Myanmar hôm Thứ Năm phát biểu trước Ðại Hội Ðồng LHQ, rằng con đường tiến đến dân chủ không thể đảo ngược lại được, đồng thời công khai ca ngợi lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi.

Tổng Thống Thein Sein phát biểu rằng, đất nước ông còn được biết với tên Burma, đã bị tụt hậu đến năm thập niên dưới chế độ chuyên chế.

Lần đầu tiên bài diễn văn đọc trước các lãnh đạo thế giới của một lãnh tụ Myanmar được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình chính phủ ở quê nhà. Trước đây chưa hề có một diễn văn nào nhắc đến tên một lãnh tụ đối lập, người từng tranh đấu ôn hòa chống lại chế độ quân phiệt và giành được sự ca ngợi của quốc tế.

Cựu tướng Thein Sein tuy cổ xúy cởi mở chính trị nhưng chưa từng công khai ca ngợi bà Suu Kyi, cũng chưa bao giờ nhắc đến bà như là một khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình như ông phát biểu hôm Thứ Năm.

Ông nói:
“Với tư cách là một công dân Myanmar, tôi xin có lời ngợi khen bà về vinh dự mà xứ sở dành cho bà, do những nỗ lực đấu tranh cho dân chủ”.

Bà Suu Kyi hiện đang viếng thăm Hoa Kỳ. Tuần trước bà đã hội kiến với Tổng Thống Barack Obama, được Quốc Hội trao tặng huy chương cao quí nhất, và tham dự đại hội giáo dục toàn thế giới vào hôm Thứ Tư.

Về phần ông Thein Sein, hôm Thứ Tư ông gặp gỡ với Ngoại Trưởng Hillary Rodham Clinton, người loan báo nới lỏng việc cấm nhập cảng hàng hóa từ Myanmar.









1 comment:

View My Stats