Sunday 30 September 2012

TÔI VÀ VIỆT CỘNG (Huỳnh Ngọc Chênh)





Chủ nhật, ngày 30 tháng chín năm 2012

Mấy ngày nay hơi mệt, định không viết lách gì. Nằm riết ở nhà không đi đâu, nhìn ra ngoài trời mưa mù mịt, bỗng dưng nhớ đến thời ấu thơ. Lại lấy bàn phím ra...

Nói về chống cộng, có lẽ tôi là người chống cộng từ rất sớm. Không biết có đạt được danh hiệu người chống cộng nhỏ tuổi nhất Việt nam hay không, chứ hồi ấy mới khoảng 6,7 tuổi gì đó, tôi đã có âm mưu và hành vi chống Việt Cộng rất cụ thể rồi.

Lớn lên trong giai đoạn Ngô Đình Diệm về chấp chánh, bị tuyên truyền qua những buổi tối xem chiếu phim hiếm hoi được tổ chức vài ba tháng một lần, qua các áp phích chống cộng dán trên các bảng tin đầu làng... tôi cũng như nhiều đứa trẻ trong làng tự dưng thấy căm thù Việt Cộng dù chẳng hiểu nó là cái gì.

Tôi lại được hơn mấy đứa trẻ khác trong làng là rất ham đọc sách. Mà thời đó sách vở rất hiếm hoi, vớ được cái gì, đọc cái đó đến thuộc lòng. Hồi đó tôi mới học lớp 1, lớp 2 gì đó thì chị tôi học lớp ba. Ba tôi mua cho chị ấy cuốn " Việt Nam Toát Yếu Sử Lược Lớp Ba" của tác giả nào đó tôi không còn nhớ tên. Tôi suốt ngày đọc cuốn đó thích thú như đọc truyện cổ tích, đọc đi đọc lại đến nỗi thuộc nằm lòng từng trang sách. Qua đó tôi hiểu rằng giặc Ân, giặc Hán, giặc Nam Hán, giặc Tống, giặc Nguyên, giặc Minh, giặc Mãn Thanh, giặc Pháp, giặc Nhật là rất xấu xa ác độc. Và mỗi thời có giặc là có một vài anh hùng xuất hiện để chống giặc cứu dân. Đó là các anh hùng Phù Đổng Thiên Vương, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ lão, Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh...Cũng từ đó tôi suy ra rằng, thời xưa thì có các giặc đó, còn thời nay là ...giặc Cộng. Bị nhiễm những câu chuyện anh hùng trong cuốn sách lịch sử lớp ba, tuổi ấu thơ của tôi bỗng dưng nghĩ ra rằng: thời giặc Cộng nầy phải có một anh hùng đứng lên chống lại để cứu nước cứu dân và người đó chính là...tôi.

Theo những gì tuyên truyền hồi đó, hình ảnh giặc cộng trong tôi là "thằng Việt Cộng" mặc áo đen, khuôn mặt hung ác, miệng lòi ra cả răng nanh, tay cầm mã tấu, đêm đêm lén lút mò về làng giết người dân lương thiện. Thế là tôi nghĩ mình phải noi gương Trần Quốc Toản hoặc Thánh Gióng làm một hành động gì đó để chống lại giặc Cộng ngay từ lúc còn bé chứ không chờ đến lớn lên. Một âm mưu chống lại giặc Cộng hình thành trong đầu thằng bé chưa quá 7 tuổi. Âm mưu nầy, có lẽ tôi cũng học được ngay trong cuốn lịch sử lớp ba.

Tôi bí mật đào một cái hố be bé ở góc vườn, bỏ xuống đó một ít gai tre rồi đậy nắp hố bằng một tấm phên mục, có lớp lá tre khô bên trên để ngụy trang, rồi chờ đêm xuống, Việt Cộng mò về là sụp hầm chông.

Dĩ nhiên cai hầm chông bé như cái lỗ mũi của tôi chẳng bẫy được chú Việt Cộng nào nhưng dầu sao hành vi cấu thành tội phạm của tôi đã rõ. Nếu vụ việc này mà hồi tố thì nguy cơ tôi ở tù rất chính đáng đến vài chục năm.

Trong lúc hàng đêm mơ mình trở thành anh hùng chống Việt Cộng, thì tôi nào có hay ngay trong nhà tôi, Việt Cộng nằm đầy cả ổ. Ba tôi, mẹ tôi, anh rễ tôi, cô dì chú bác, bà con họ hàng nội ngoại đều toàn là Việt Cộng nằm vùng hoặc đã thoát ly. Không những thế, ba tôi còn là trùm Việt Cộng của làng, ông là bí thư chi bộ đảng từ năm 1945 cho đến ngày ông bị đi tù lần cuối cùng vào năm 1965. Bản thân tôi lại sinh ra ngay trong vùng Việt Minh ở Tam Kỳ, tiền thân của Việt Cộng, khi vào năm 1952 mặt trận Hòa Vang bị Pháp đánh vỡ, cả gia đình tôi cùng dân làng bỏ chạy vào chiến khu ở Tam Kỳ và tôi được sinh ra ở đó. Nhà tôi là một gia đình Việt Cộng "toàn tòng" và tôi là thằng bé sinh ra đã là Việt Cộng rồi mà tôi nào có hay.

Không biết tôi được "giác ngộ cách mạng" khi nào, để từ một đứa đang mơ làm người anh hùng chống cộng trở thành một thằng Việt Cộng nhí hung hăng . Có lẽ là sau khi đảo chánh Ngô Đình Diệm vào năm 1963. Thời kỳ đó, những buổi họp chi bộ, những buổi giao ban chớp nhoáng diễn ra trong nhà tôi nhiều hơn và ít dè dặt hơn. Có những đêm tôi giật mình thức giấc bổng nghe những tiếng rì rầm của nhiều người trong nhà tôi. Những kế hoạch phá Ấp Chiến Lược, chống tề diệt ngụy, kháng chiến chống Mỹ cứu nước...cứ âm thầm đi vào trong tôi cùng với giấc ngủ.

Có lẽ tôi cũng đã đi du kích và chết mất xác như bao bạn bè cùng trang lứa với tôi nếu như mẹ tôi không gởi tôi xuống Đà Nẵng nương nhờ nhà bác ruột của tôi, cũng là một đảng viên Việt Cộng nằm vùng, để tiếp tục học lên cấp hai khi ba tôi bị "Mỹ Ngụy" bắt đi tù lần cuối cùng vào năm 1965.

Cái sự học nó đẩy tôi đi luôn một mạch từ cấp hai ở Hòa Vang, Đà Nẵng lên đến cao học ở tận Sài Gòn để tôi không có dịp cầm súng cho phe nào, giữa hai phe đang bắn vào nhau quyết liệt. Nhiều bạn bè tôi bất hạnh hơn, cũng sinh ra trong gia đình Việt Cộng như tôi nhưng giữa chừng đứt đường học, bị bắt lính cầm súng bắn lại chính cha anh, chú bác của mình ở phe bên kia.

Những năm đại học, tôi cũng được một hai lần tham gia biểu tình chống Mỹ Thiệu. Sau đó tôi được lôi kéo vào nhóm sinh viên chống Mỹ ở đại học Khoa Học mà trưởng nhóm là anh HTH, giảng nghiệm viên hướng dẫn thí nghiệm hóa của tôi. Hồi đó, hoạt động yêu nước cao nhất của tôi là tham gia vài lần biểu tình và viết mấy bài báo đưa cho anh H để anh ấy ký một cái tên nào đó rồi gởi đăng vào tờ báo chuyền tay bí mật nào đó mà có nhiều khi tôi chẳng thấy mặt nó.

Sáng 30 tháng tư 1975, tôi được lệnh đi theo H cùng với một nhóm sinh viên xuống "chiếm đài truyền hình và đài phát thanh Sài Gòn". Nói chiếm cho oai, chứ thực ra khi chúng tôi đến nơi, tuy Việt Cộng chưa vào Sài Gòn, quân lính bảo vệ và nhân viên của hai đài đã bỏ chạy từ lúc nào rồi.

Tôi có mặt tại đài phát thanh lúc ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu được bộ đội chở đến để đọc lời đầu hàng.

Theo nhật ký của tôi ghi lại sau thời điểm đó vài ngày, tôi đã cùng với vị chỉ huy bộ đội (sau nầy tôi biết đó là ông Bùi Tùng) soạn lời đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc và lời tiếp nhận đầu hàng cho ông chỉ huy ấy đọc. Hai văn bản lịch sử đó không biết ai đã lấy và cất giữ.(Đại úy Phạm Xuân Thệ chăng?)

Năm ngày sau kết thúc chiến tranh, biết lớp cao học đang chuẩn bị thi và làm luận án tốt nghiệp của tôi bị giải tán, tôi buồn rầu vì mất học (lúc ấy tôi học đang ngon trớn), lại thêm buồn vì mất cô bạn gái (cô ấy theo gia đình bay sang Mỹ trước ngày 30.4 cô ấy tên là Thu Hải, không biết sau ngần ấy năm trời cô có còn nhớ đến tôi). Sài Gòn không còn gì cho tôi nữa, tôi lặng lẻ lên bến xe Petrus Ký (nay là Lê Hồng Phong) mua vé xe đò, chào từ giả Sài Gòn, về lại quê hương miền Trung dù lúc ấy tôi biết rằng nhóm sinh viên chống Mỹ mà tôi tham gia thuộc đường dây an ninh T4, cụm tình báo A 10 gì gì đó. Tôi dính líu với an ninh tình báo của Việt Cộng đấy, mà tôi cũng nào có hay và có thiết gì...

(Mệt quá, viết chưa xong)





No comments:

Post a Comment

View My Stats