Sunday, 30 September 2012

CÂU CHUYỆN KIỂM DUYỆT (Lê Phan)





Lê Phan
Saturday, September 29, 2012 3:50:45 PM

Hồi trước đây tôi thường thương hại Miến Ðiện. Ðây là một đất nước giàu tài nguyên, dân chúng chăm chỉ, hiền hòa, nhưng trong nhiều năm kể từ khi độc lập đã liên tiếp chịu đựng sự cai trị của một nhóm quân nhân độc đoán, tàn bạo và thiếu khả năng.

Tôi còn nhớ lần tới Rangoon hồi thập niên 1990. Ngồi trong một quán cóc dưới chân chùa Shwedagon nổi tiếng, một nhà trí thức Miến đã than thở về sự suy tàn của đất nước mình. Ông kể lại là từ những bức tượng Phật thanh tú đến cổ thành Pagan với nhiều ngàn ngôi chùa, Miến Ðiện đã có thời là một đế quốc rộng lớn nhất Ðông Nam Á. Về kinh tế, trước Ðệ Nhị Thế Chiến, Miến Ðiện là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất cảng gạo. Nhưng ngày nay Miến Ðiện đã trở thành một trong những quốc gia lạc hậu và nghèo đói nhất vùng.

Nhưng gần đây tôi lại cảm thấy vừa mừng cho dân tộc Miến Ðiện vừa hơi ghen tị và buồn thay cho dân tộc Việt Nam.

Cách đây vài ngày, nhà trí thức Miến Ðiện đó đã email cho bạn bè một bài đăng trên nhật báo The New York Times về việc viên giám đốc kiểm duyệt cuối cùng của Miến Ðiện hạ bút giải nghệ.

Hồi tôi đến Miến Ðiện, một đồng nghiệp đã lén lút chỉ cho tôi trụ sở của Sở Kiểm Duyệt. Tòa nhà đó trước kia đã là trung tâm tra tấn của hiến binh Nhật thời Ðệ Nhị Thế Chiến. Và đó chính là lý do mà U Tint Swe đã bị đặt cho cái biệt hiệu “Kẻ tra tấn văn nghệ”. (U là một danh xưng kính trọng có thể nói đồng nghĩa với ông hay ngài). Ông Tint công nhận với phóng viên báo Times là tuy sở của ông không bắt bớ, giam cầm ai nhưng quả là đã phải “tra tấn” những gì họ viết ra.

Trong suốt gần năm thập niên, chính quyền quân phiệt đã dò từng chữ, từng trang, từng bài, từng tấm hình, từng bài thơ trước khi cho xuất bản. Ðối với chính quyền đây là một công việc tối quan trọng, vì họ muốn kiểm soát mọi khía cạnh cuộc sống của người dân dưới quyền cai trị của họ.

Sở kiểm duyệt, vốn có cái tên quái đản là Ban Theo Dõi và Ðăng Ký Báo Chí, đã là niềm uất hận của nhiều thế hệ những nhà sáng tác. Một nhà văn đã cho tôi xem tập bản thảo của mình vừa được trả lại. Những trang giấy trắng, mực đen, đã trở thành đỏ lòm vì những dòng thêm bớt, những chữ gạch bỏ của người kiểm duyệt. Nhiều chỗ nguyên một đoạn bị gạch bỏ. Nhà văn còn cho biết là đã có nhiều bài, một vài cuốn sách ông viết ra đã bị cấm phổ biến.

Chỉ một tí xíu nào lộ diện của một ý tưởng chống đối, một chút chỉ trích tham nhũng là cũng bị xóa sạch. Nhà văn kể với tôi là một đoạn văn trong đó ông cho nhân vật, một anh tài xế taxi, than phiền về giá xăng, thế là câu chuyện ngắn đó đã không bao giờ được chào đời.

Chính quyền còn xóa luôn cả cái tên Burma, mặc dầu đó chính là tên của dân tộc chiếm đa số trên lãnh thổ ngày nay là Miến Ðiện. (Tiếng Việt chúng ta đáng lẽ phải được coi là “politically correct” vì đã dùng theo tiếng Hán hai chữ Miến Ðiện vốn là phiên âm chữ Myanmar và “điện” chỉ những vùng bộ tộc man rợ.)

Trong tòa nhà của sở kiểm duyệt đó, theo nhật báo Times, đã có khoảng 100 nhà kiểm duyệt, hầu hết là phụ nữ, ngồi trên những cái ghế mây cổ lỗ sĩ, chăm chỉ đọc, gạch bỏ và xóa sổ mọi tác phẩm văn nghệ trên những cái bàn bằng gỗ teak cũng cổ lỗ sĩ không kém. Một vài công việc kiểm duyệt đã bắt đầu dùng đến máy điện toán nhưng đại đa số vẫn còn chỉ có bút đỏ. Xung quanh những nhà kiểm duyệt đầy những cuốn sách đã bắt đầu mục nát. Ông bạn nhà văn của tôi còn cả quyết là tiếng mọt giấy rào rạo vào mùa mưa khiến các nhân viên phải xịt thuốc trừ mối thường xuyên.

Nhưng văn phòng này ngày nay đã hoàn toàn lặng lẽ. Cách đây một tháng, ông U Tint Swe đã mời hết tất cả những chủ bút và chủ nhiệm chính của đất nước đến để loan báo một tuyên bố vĩ đại: Sau 48 năm và 14 ngày, sở kiểm duyệt đã được cho vào đống rác của lịch sử.

Ðối với thế giới bên ngoài, thay đổi chính trị tại Miến Ðiện, từ sự trả tự do cho tù chính trị, việc thành lập một Quốc Hội mà ngày nay đang có những cuộc tranh luận gay go thực sự, và hơn hết, tự do cho các phương tiện truyền thông, đã xảy ra một cách đột ngột đến đáng ngạc nhiên. Thật là hiếm có thí dụ trong lịch sử cận và hiện đại khi một chế độ độc tài quân phiệt đã từ bỏ đa số quyền hành mà không có bạo lực đổ máu.

Theo tờ Times, chính câu chuyện đời tư của ông Tint đã cho thấy sự biến đổi bên trong nội bộ chính quyền, sự việc là dần đà nhiều viên chức của chính quyền hiểu là chế độ quân phiệt không thể nào tồn tại mãi được. Ông Tint và những viên chức trong Bộ Thông Tin đã tự đặt một thời biểu cho việc hủy bỏ kiểm duyệt hồi năm ngoái, chỉ vài tháng sau khi chính phủ dân sự của Tổng Thống Thein Sein lên nắm quyền.

Trong văn phòng của ông, nơi mà những khẩu hiệu tuyên truyền của “chế độ cũ” vẫn còn đầy tường, U Tint giải thích “Công việc tôi làm không thích hợp với thế giới, không hài hòa với thực tế.” Ông kết luận: “Chúng tôi không tránh nổi thay đổi khi mà toàn đất nước muốn thay đổi.”

Chính thức thì ông U Tint Swe, 47 tuổi, là sức mạnh đằng sau bộ máy tuyên truyền đáng kể của chế độ. Nhưng trong một dấu hiệu cho thấy chế độ đã lung lay đến mức nào trong những năm cuối, vị giám đốc sở kiểm duyệt có hai bộ mặt. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm có với tờ Times, ông thú nhận mình cũng là một nhà văn. Cuối tuần, ông viết những bài nghiên cứu dài về quân sử, vũ khí và các đề tài khác. Một trong những cuốn sách mà ông thích nhất là một bộ quân sử Hoa Kỳ.

Ông đã post những bài mình viết lên Facebook, khiến các nhà báo Miến Ðiện đã mỉa mai nói là ngay chính ông trùm kiểm duyệt cũng đã biết “luồn lách”.

Thách thức chính của chính quyền là những tiến bộ mới về kỹ thuật: Ðiện thoại thông minh, truyền hình vệ tinh và thế giới xuất bản online, đã vượt tầm quyền soát của những nhà kiểm duyệt, đã trở thành thực tế ngay cả đối với những viên chức như ông Tint. Họ và gia đình họ cũng phải sống trong những thay đổi đó.

Các đồng nghiệp của tôi ở Miến Ðiện nói là ông U Tint Swe, một cựu sĩ quan, đã thay đổi dần dà trong năm năm rưỡi ông đóng vai “kẻ tra tấn văn nghệ”. Lúc đầu là một viên chức khắc khổ, thô bạo, điển hình của một sĩ quan trong chế độ quân phiệt, ông Tint trở thành ngày càng tử tế hơn và bao dung hơn, vì ông hiểu là kiểm duyệt trong thời đại Internet là chuyện không thể làm được. Năm nay, ông đã tiến bộ đến nỗi giúp các chủ bút tổ chức một hội nghị về tương lai của báo chí tại Miến Ðiện.

Ông chủ bút của tờ Naypyitaw Times, một tuần báo, còn nhớ thời cách đây năm năm khi ông Tint mới vào nghề. Hồi đó ông Tint đã hét vào tai ông chủ bút: “Anh phải biết luật lệ chứ. Tôi có thể đóng cửa báo anh!”

Ông U Tint Swe đã cầm đầu ngành kiểm duyệt trong những giai đoạn gay go nhất của chế độ quân phiệt, đối diện với cuộc nổi dậy của tăng ni vào Mùa Thu năm 2007 và phản ứng tệ mạt của chính quyền đối với bão Nargis, trận bão đã làm 130,000 người thiệt mạng vào tháng 5 năm 2008. Giờ đây ông vẫn còn biện minh cho kiểm duyệt trong giai đoạn đó, mà ông bảo giúp duy trì an ninh trật tự.

Nhưng theo các nhà báo cũng chính những biến cố đó đã làm ông suy nghĩ lại và cởi mở hơn. Ông chủ bút nói là ông Tint thường khuyên họ nên bình tĩnh và chờ thời vì thay đổi sẽ đến.

Ông Tint kể là ông đọc kỹ bài diễn văn nhậm chức của ông U Thein Sein và nghĩ là thay đổi thực sự đã đến. Chỉ ba tháng sau, khi thế giới bên ngoài còn nghi ngờ về sự thay đổi, ông U Tint và các viên chức khác quyết định bước đầu hủy bỏ chế độ kiểm duyệt: Ngưng kiểm duyệt các bài giải trí, y tế, nhi đồng và thể thao. Và trong những tháng sau đó những đề tài khác được thêm vào để dần dà đến sự kết thúc.

Dĩ nhiên tương lai còn nhiều trắc trở, nhưng ông U Tint Swe tin là sẽ không thể có chuyện trở lại quá khứ được.

Nghe tin Ðiếu Cày lãnh 12 năm tù, Tạ Phong Tần 10 năm, và Anh Ba Sài Gòn 4 năm tù chỉ vì muốn làm những nhà báo tự do tôi ước gì Việt Nam có những viên chức như U Tint Swe.







No comments:

Post a Comment

View My Stats