Sunday, 30 September 2012

VIỆT LUẬN phỏng vấn TÁC GIẢ THỤY KHUÊ về "NHÂN V ĂN GIAI PHẨM & VẤN ĐỀ NGUYỄN ÁI QUỐC" (Việt Luận - Úc Châu)





28-9-2012

Lời tòa soạn: Tác giả Thụy Khuê (đang định cư ở Pháp) sẽ qua Úc để ra mắt tác phẩm « Nhân Văn Giai Phẩm » và vấn đề Nguyễn Ái Quốc » tại Sydney vào ngày thứ Bảy 6/9/2012. Nhân dịp này Việt Luận có cuộc phỏng vấn dưới đây với tác giả.

« Nhân Văn Giai Phẩm » và vấn đề Nguyễn Ái Quốc »

Việt Luận: Bà có thể cho biết động lực nào đã thúc đẩy bà nghiên cứu về chủ đề này?
Bà Thụy Khuê (TK): Động lực thì nhiều lắm, nhưng có lẽ động lực chính vẫn là những gì đến từ quá khứ xa, rất xa, từ thời trung học, khi tôi đọc những câu thơ của Trần Dần:
Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà
chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ
Hay của Lê Đạt:
Đem bục công an máy móc đặt giữa tim người
Bắt tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường nhà nước
Lúc đó tôi còn quá trẻ để hiểu hết nội dung, nhưng những câu thơ hay -nói lên nỗi đau, trước tiên của một cá nhân, sau thành nỗi đau một dân tộc, sau nữa thành của nhân loại, rồi cuối cùng trở thành nỗi đau của con người- những câu thơ như thế mình chỉ đọc một lần là nó đã thấm vào máu rồi, không có cách gì "gột rửa" đi được. Đó cũng là lý do khiến cho các chế độ toàn trị khiếp sợ và thù ghét nhà thơ, nhà văn. Họ thù cái quyền lực vô hình của một câu thơ xuyên thế hệ, xuyên thế kỷ, nên họ phải giam, phải diệt, phải đốt ngay từ khi nó mới in ra chưa ráo mực. Nhưng một khi nó đã lọt vào tai của một người thì không có cách nào tiễu trừ nó được. Đó là nguyên nhân sâu xa của sự tìm hiểu Nhân Văn Giai Phẩm (NVGP), tìm lại những người đã viết nên những câu thơ khiến cho mình đọc một lần rồi nhớ mãi. Nhớ và suy nghĩ đến bản thân mình, đến dân tộc mình.
Một nguyên nhân nữa, trong ký ức của tôi vẫn có một ngăn riêng về tuổi thơ, hồi còn nhỏ, khoảng 4, 5 tuổi, có hình ảnh ngôi nhà ở Doanh Châu, Nam Định mà tổ tiên để lại cho thầy mẹ tôi. Loại "gia trang" có một cái ao và ba căn nhà bao quanh cái sân rộng. Những đêm ngày mùa sáng trăng mọi người vò lúa, giã gạo đến khuya. Trong thời kháng chiến, thầy mẹ tôi nuôi bộ đội, các anh bộ đội về làng, thường ăn uống tụ tập ở cái sân rộng ấy, buổi tối họ ngồi vòng tròn giữa sân thi nhau hát, đố vui. Họ hát những bài của Văn Cao, Phạm Duy... Lúc đó dù còn bé lắm, nhưng không hiểu tại sao tôi lại nhớ rất rõ những hình ảnh ấy, hình như tôi đã "thuộc" nhạc Phạm Duy Văn Cao từ lúc ấy. Không khí thơ mộng lắm, tôi nhớ chị Thùy tôi đã yêu một anh bộ đội và họ thư từ cho nhau đến lúc di cư.
Đấy là quá khứ kháng chiến trong đầu, nó làm cho tôi mỗi khi nghe ai hát nhạc kháng chiến: Một mùa thu năm xưa cách mạng tiến ra đất Việt... là tôi nổi da gà, là hình ảnh những đêm trăng, những anh bộ đội về làng, những tiếng hát, chị tôi giấu thầy mẹ viết thư..., sau này chị tôi chết cùng chồng trên đường vượt biển. Dường như đó là phần sâu nhất của tiềm thức, phần chìm trong vô thức, nó có từ lúc con người mới 4, 5 tuổi. Đến khi lớn lên, sống, đọc và viết, tôi không hề gặp lại cái thời kháng chiến ấy nữa. Những mạo nhận, hận thù, chém giết, thủ tiêu, tù ngục... đè lên kháng chiến trong màn sương âm phủ, lấp dần tiếng hát Văn Cao Phạm Duy. Và dường như đó mới là lý do sâu xa bắt tôi phải điều tra nguyên nhân tại sao người ta lại tàn phá ký ức tuổi thơ của tôi, cho nên tôi muốn dựng lại khung cảnh lịch sử với chân dung đích thực của một số người, trước đã đi kháng chiến, sau tham gia NVGP, bị mất bản quyền con người, bị phủ nhận, đọa đầy như những người bán nước.

VL: Bà phải mất bao nhiêu thời gian để hoàn tất tác phẩm này và việc tìm kiếm tài liệu có gặp nhiều khó lắm không?
TK: Năm 1988, tôi viết bài đầu tiên về NVGP trên tạp chí Văn Học ở Hoa Kỳ. Lúc đó trong tay chỉ có cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc của Hoàng Văn Chí và cuốn Bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Toà Án Dư Luận do nhà xuất bản Sự Thật in. Bài viết ngắn nhưng được độc giả lưu ý, trong số đó có ông G. Boudarel cũng đang viết về NVGP. Ông là người có nhiều tài liệu nhất về NVGP ở Pháp. Từ đó, tôi bắt đầu sao chụp tất cả tài liệu về NVGP, dù là một mảnh giấy nhỏ.
Đến năm 1990, khi phụ trách chương trình Văn Học Nghệ Thuật của đài RFI, phương tiện của tôi tăng lên gấp bội: Ngoài sự truyền thanh, tôi còn có thể tiếp xúc trực tiếp với các nhà văn ở Việt Nam qua fax hoặc điện thoại viễn liên Paris-Hà Nội. Việc phê bình mở rộng sự giao tiếp với các nhà văn, nhà trí thức trong nước và đạt lòng tín nhiệm của họ. Tôi gia tăng phỏng vấn và viết bài về phong trào NVGP qua những thành viên chính mà tôi đã gặp hoặc nói chuyện qua điện thoại. Sự tiếp xúc trực tiếp giúp tôi có cái nhìn toàn thể và chi tiết hơn. Từ bài viết 13 trang trên tạp chí Văn Học năm 1988, đến cuốn sách ngàn trang, hơn 20 năm đã trôi qua. Trong thời gian này dĩ nhiên tôi đã làm các công việc phê bình và biên khảo khác, nhưng không bao giờ rời hồ sơ NVGP và luôn luôn tìm cách liên lạc những yếu tố mới với những điều đã biết. Sự đọc, tìm hiểu và liên lạc các yếu tố lại với nhau, kéo dài từ 1988 đến ngày nay, và sẽ còn tiếp tục, bởi vì mỗi khi có tài liệu mới, lại phải bổ sung. Điều cốt yếu là những gì đã được trình bầy, phải vững thì khi có thêm một sự kiện mới, mình chỉ cần bổ sung, chứ không phải viết lại tác phẩm.

VL: Cho đến nay bà đã ra mắt tác phẩm này tại những nơi nào và sự đón nhận của người Việt hải ngoại ra sao?
TK: Tôi đã ra mắt sách tại Washington, Cali, ở Mỹ và Francfort, ở Đức. Dù là sự tiếp đón đông đảo nồng hậu của một cộng đồng người Việt lớn ở Washington, Cali, hay sự tiếp đón thân mật của một cộng đồng nhỏ ở Francfort, sự tiếp đón nhiệt tình của độc giả hải ngoại đối với một cuốn sách biên khảo dày, cho thấy bất luận vần đề in ấn đang "xuống dốc" thế nào, Inernet đã chiếm độc giả của sách báo in ra sao. Giới độc giả lớn tuổi đã qua đời và lớp sau không biết đọc tiếng Việt, vv... Dù với tất cả những yếu tố tiêu cực thực sự như vậy, nhưng những người quan tâm đến lịch sử đến văn hoá đất nước vẫn còn, vẫn còn nhiều, và sự gặp gỡ giữa tác giả và độc giả là một cách xúc tác cho những nhận thức sâu hơn về đất nước, cả về phía người viết lẫn người đọc. Tôi học hỏi được rất nhiều và mang ơn độc giả ở những buổi gặp gỡ ấy.

VL: Một cách ngắn gọn bà có thể cho biết những nguyên nhân chính khiến giới văn nghệ và trí thức Miền Bắc phản kháng lại chính quyền qua phong trào Nhân Vân Giai Phẩm bắt đầu vào năm 1955?
TK: Có hai nguyên nhân: Nguyên nhân gần đến từ việc Trần Dần, tháng 10/1955, được cử đi Trung Quốc để thực hiện phần thuyết minh cho phim Điện Biên Phủ của Karmel. Bài ông viết đã được duyệt từ trước khi đi. Nhưng Đảng gửi thêm một chính trị viên là Hoàng Xuân Tuỳ đến Bắc Kinh để kiểm duyệt, bắt Trần Dần viết lại hết. Trần Dần dằn từng tiếng: "Tôi - không - sửa". Hoàng Xuân Tuỳ không nhượng bộ. Trần Dần bảo: "Đã thế thì anh viết lấy, anh tự kiểm duyệt lấy, tôi về". Và ông bỏ về Hà Nội. Về, ông cùng nhạc sĩ Tử Phác là người cũng rất khinh bỉ các cán bộ tuyên huấn dốt, cả hai tổ chức thảo một bản dự thảo đòi tự do sáng tác, đòi bỏ chính sách chính trị viên trong quân đội và đòi trả văn nghệ về cho văn nghệ sĩ.
Cuối năm 1955, Lê Đạt và Hoàng Cầm tổ chức in một cuốn sách Tết, có tên là Giai Phẩm Mùa Xuân, hoàn toàn tự do sáng tác, không qua ban kiểm duyệt nào. Giai Phẩm Mùa Xuân bị tịch thu, Lê Đạt bị kiểm thảo, Trần Dần, Tử Phác bị bắt... Tất cả những yêu tố này dẫn đến cuộc phản kháng toàn diện là phong trào NVGP. Đó là nguyên nhân gần.
Nguyên nhân sâu xa, bắt nguồn từ 1943, khi Trường Chinh viết bản Đề Cương Văn Hoá Việt Nam, xác định sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ. Nền văn hoá được Đảng chọn là văn hoá xã hội chủ nghiã, tức là loại bỏ tất cả những luồng tư tưởng khác, từ Socrate, Khổng Tử đến lãng mạn, siêu thực ra ngoài, thì Nguyễn Hữu Đang đã không đồng ý nhưng chưa lên tiếng công khai. Đến kỳ Đại hội Văn Hoà Toàn Quốc năm 1948, Trường Chinh đọc bản báo cáo Chủ Nghiã Mác và Văn Hoá Việt Nam, xác định văn nghệ kháng chiến là văn nghệ xã hội chủ nghiã, là sáng tác thi đua, sáng tác tuyên truyền, sáng tác đánh địch... và đặc biệt sau đó ông Hồ có viết những truyện mẫu cho văn nghệ sĩ làm theo. Lần này Nguyễn Hữu Đang bỏ Đại Hội về thẳng Thanh Hoá. Tại Khu Ba, Khu Tư, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường cũng quyết liệt phản đối. Nhưng lúc đó đang đánh nhau, nên mọi người dù chống vẫn nhịn để đánh Pháp. Đến thập niên 50, các chính sách: Chỉnh Huấn, Cải Cách Ruộng Đất, Cải Tạo Tư Sản... đưa đến những kết quả kinh hoàng. Vì vậy, sau 1954, giới trí thức và văn nghệ sĩ hoàn toàn mất niềm tin vào Đảng Cộng Sản, họ kết hợp với nhau, đứng lên đòi tự do dân chủ.

VL: Tại sao bà nêu vấn đề Nguyễn Ái Quốc trong tác phẩm này và theo bà thì ai là người có trách nhiệm lớn nhất trong việc trù dập tàn bạo những người trong Nhân Dân Giai Phẩm, Hồ Chí Minh hay đảng CSVN?
TK: Lúc đầu tôi không hề nghĩ đến Nguyễn Ái Quốc, tôi cũng như mọi người đều yên chí Nguyễn Ái Quốc là Hồ Chí Minh. Nhưng trong việc nghiên cứu có nhiều cái tình cờ. Vì tôi phải tìm hiểu Phan Khôi, người bị đánh tàn bạo nhất, họ cho Phan Khôi là người phản quốc, cho nên tôi phải tìm hiểu lý do tại sao người ta đánh Phan Khôi như vậy.
Sự tìm hiểu dẫn đến sự kiện: Phan Khôi là người được Phan Châu Trinh sau khi ở Pháp về, ủy thác việc nối gót ông. Từ đó tôi tìm hiểu thời kỳ Phan Châu Trinh ở Pháp, dẫn đến các bài báo tiếng Pháp ký tên Nguyễn Ái Quốc. Đọc những văn bản này, thì thấy người viết phải là người học tiếng Pháp từ nhỏ, và có văn tài. Bản thân tôi học trường Việt, mặc dù ở Pháp 50 năm, tôi cũng không viết được như vậy, vì đây là những bài văn châm biếm, chơi chữ, chửi Pháp mà chửi hay, vừa hài hước vừa có văn hoá, khiến cho người Pháp đọc phải phục. Vì thế tôi điều tra xem tác giả các bài báo này là ai. Và khi đã xác định được họ là: Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh, thì mọi việc sáng tỏ hơn: chủ trương mạo nhận lịch sử có từ đầu, từ trước cách mạng tháng tám, ở con người sau này sẽ làm lãnh tụ.
Nói tóm lại, tất cả những mạo nhận lịch sử sau này đều đi từ một gốc, từ một người và người đó sau này lấy tên Hồ Chí Minh.
Bi kịch NVGP là bị kịch của toàn bộ sự mạo nhận lịch sử. Người ta đã đổi trắng thay đen, đã dìm những giá trị văn học và tư tưởng hàng đầu của dân tộc xuống bùn đen và đem những kẻ nịnh thần lên cai quản đất nước: vì thế tôi muốn truy nguyên đến nguồn cội của nỗi đau, đó là sự mạo nhận lịch sử.
Nói về trách nhiệm thì có lẽ không ai có thẩm quyền hơn Nguyễn Hữu Đang để phát biểu về việc này, tôi xin tóm tắt câu ông nói trên RFI: "Người ta cứ nói việc này việc kia là do người dưới làm chứ cụ Hồ không biết. Vì người ta suy tôn tuyệt đối, người ta thần thánh hóa cụ Hồ nên người ta nói thế. Thực chất thì cụ Hồ không phải là người bị vô hiệu hoá. Chế độ báo cáo thỉnh thị rất chặt chẽ trong nội bộ Đảng Cộng Sản và trong bộ máy chuyên chính của Nhà Nước. Cụ Hồ lúc nào cũng là người có đầy đủ quyền hành. Quyền hành của cụ Hồ bao giờ cũng rất vững, cụ Hồ biết hết cả, và việc ấy cụ Hồ cũng đồng tình làm. Bất cứ việc gì cũng là trong phạm vi chỉ đạo của cụ cả. Hay cũng ở cụ. Dở cũng ở cụ. Cụ phải gánh trách nhiệm đó, điều đó rõ ràng".
Tôi chỉ xin nói thêm: người được ông Hồ giao trọng trách thi hành chính sách là Trường Chinh và Trường Chinh đã giao cho Tố Hữu, người có mối thâm thù với nhóm NVGP vì họ dám chê thơ ông và họ tài năng hơn ông. Vai trò đao phủ về tay Tố Hữu.

VL: Theo bà thì trả thù tàn bạo của chính quyền CSVN đối với những người trong Nhân Văn Giai Phẩm đã để lại hậu quả như thế nào đối với đất nước chúng ta?
TK: Việc triệt hạ văn nghệ sĩ và trí thức, nằm trong chính sách chung của các nước cộng sản, bởi vì văn nghệ sĩ và trí thức là thành phần không thể kiểm soát tư tưởng được. Chỉ cần một câu thơ như thơ Lê Đạt: Đem bục công an đặt giữa tim người, cũng đủ làm cho chân dung Đảng đến muôn đời dùng nước cường toan cũng không rửa sạch. Cho nên họ phải loại trừ thôi. Vì chính sách loại trừ này, mà hầu như những trí thức, những nhà văn nhà thơ lớn ở lại miền Bắc đều bị loại. Rồi 20 năm sau, văn nghệ sĩ và trí thức miền Nam chịu chung số phận. Hậu quả là họ đã xoá sổ phần lớn chất xám của đất nước. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là sự tiêu diệt những đầu não của dân tộc, có chủ đích làm gương khiến những người đi sau thấy thế mà sợ, mà lùi bước, mà không dám dấn thân. Điều đó đã tạo nên một thế hệ "trí thức, nhà văn" mới hoàn toàn thuần thục Đảng. Một dân tộc bị cắt đứt với quá khứ văn học và lịch sử đích thực của nước mình, cũng như một con người bị bệnh Alzheimer. Phải nhiều thế hệ sau thời kỳ cộng sản, nước ta mới có thể ngóc đầu lên được.

VL: Đây là lần đầu tiên bà qua Úc để ra một tác phẩm của bà, cảm nghĩ của bà ra sao?
TK: Tôi là người rất ngại ra mắt sách. Vì khi viết biên khảo, ai cũng biết là sách của mình ít người đọc, cho nên không nghĩ đến việc ra mắt sách, sợ vô ích và làm phiền ban tổ chức. Thế nhưng sau hai chuyến đi Mỹ và Đức, tôi đến Úc với một ý nghĩ khác: Độc giả ở Úc, xa tôi đến hơn nửa bán cầu, xa hơn cả Sài Gòn Hà Nội. Tuy vậy, từ 15 năm nay, tôi không được về nước nhưng thật sự chưa bao giờ tôi thấy gần độc giả ở Việt Nam như bây giờ. Vậy khoảng cách không gian và thời gian hình như chỉ xích gần con người lại với nhau qua chữ nghiã và trong tâm hồn. Sang Úc lần này, tôi được gặp gỡ và trò truyện với độc giả của tôi ở Úc, phần lớn là những người tôi chưa biết, sẽ rất xúc động và nhiều bất ngờ, anh ạ.

VL: Bà có điều gì khác để trình bày thêm với độc giả Việt Luận không?
TK: Việt Luận là tờ báo xuất bản ở Úc. Độc giả Việt Luận sống gần nước Việt, có nhiều cơ hội đi về Việt Nam. Nếu bạn thấy trong cuốn sách này những điều có thể chuyển tải được về nước cho thế hệ trẻ, bằng cách này hay cách khác, xin bạn đem những điều ấy về đất Việt. Đó là nguyện vọng của tác giả. Xin đa tạ.









No comments:

Post a Comment

View My Stats