Lê Phước – RFI
Thứ tư 12 Tháng
Chín 2012
Gần đây ở Trung Quốc, Internet trở thành nơi để người dân bày tỏ bức xúc về tình hình chính trị xã hội của đất nước, từ việc phanh phui hàng loạt tiêu cực của các quan chức cho đến chuyện kêu gọi xuống đường biểu tình phản đối các nhà máy công nghiệp gây ô nhiễm. Đây có phải là một diễn đàn dân chủ hay không ?
Về đề tài này, nhật báo Le Monde dành mục Thời Luận đăng bài nhận định của nhà báo nổi tiếng người Pháp bà Sylvie Kauffmann với dòng tựa : «Trang mạng Vi Bác đối kháng với đại hội đảng». Tác giả nhấn mạnh đến trang
mạng Vi Bác (weibo) hiện đang phát triển rầm rộ tại Trung Quốc, nó đề cập đến tất cả các chủ đề thuộc hàng nhạy cảm nhất của đời sống chính trị xã hội tại Trung Quốc.
Vi Bác mạnh đến mức mà tác giả đùa rằng, mỗi buổi sáng tại Trung
Quốc, việc đầu tiên mà các quan chức phải làm sau khi rời khỏi giường ngủ là : lướt trang
Vi Bác để xem mình có bị dân mạng chỉ trích hay không? Hiện Vi Bác có đến 350 triệu thành viên. Nó đã trở thành « cơn khủng bố Internet » đối với các quan chức Trung Quốc.
Bề ngoài Vi Bác có vẻ có lợi cho dân chủ lắm, thế nhưng trên thực tế nó không chỉ là diễn đàn để người dân tấn công nhà cầm quyền, mà nó cũng chính là nơi để nhà cầm quyền sử dụng để phản pháo lại dư luận. Trong thực tế, các quan chức địa phương Trung Quốc đã sử dụng nhiều người có tài lí luận để tham gia phản bác lại những tấn công của dư luận đối với chính quyền.
Trong bối cảnh đó, chính quyền trung ương Trung Quốc không tấn công Vi Bác một cách công khai, nhưng lại dùng chiêu bài kiểm duyệt ngầm. Tác giả cho biết, sự minh bạch luôn có giới hạn, nhất là ở Trung Quốc. Đã nhiều lần trang Vi Bác bị kiểm duyệt các nội dung
có tên của các quan chức cao cấp của đảng, thậm chí của những nhà lãnh đạo đã về hưu như ông Giang Trạch Dân.
Tác giả nói rõ, trên thực tế, chính quyền Trung
ương
Trung Quốc cho
triển khai
nhiều phương tiện để kiểm soát Internet và các trang mạng xã hội. Một học giả của Đại học Havard Hoa Kỳ đã dày công nghiên cứu về chủ đề này, cho biết, Bắc Kinh tập trung mọi nguồn lực để « kiểm duyệt có chọn lọc những phát ngôn ».
Về chủ đề này, một blogger tại Trung Quốc nói rõ, chính sách của Bắc Kinh đối với Internet là : «Chế biến và ngăn chặn ». « Chế biến » ý muốn nói là Trung Quốc cố gắng biến những trang mạng nước ngoài thành sản phẩm riêng của mình, như
Twitter thành Vi Bác (Weibo), Google thành Bách Độ
(Baidu), Facebook thành Nhân Nhân (Renren). « Ngăn chặn » có nghĩa là Bắc Kinh
kiểm soát toàn bộ máy chủ của các công ty Trung Quốc để có thể kiểm duyệt và ngăn chặn những thông tin bất lợi cho chế độ.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh đôi khi để các trang mạng xã hội được bộc phát khi mà bức xúc của người dân lên cao trào. Như vậy Bắc Kinh dùng Internet làm chỗ để cho người dân được nói cho hả giận, nhưng chỉ nói thôi, chứ chẳng làm được gì, trong khi mà chuyện phát biểu đã được chính quyền tính trước, và qua các trang mạng xã hội, chính quyền cũng có thể đo lường được sự phẫn nộ của người dân để có đối sách thích hợp. Hơn nữa, nhà cầm quyền còn có thể định hướng dư luận bằng cách cho kiểm duyệt những chủ đề quá nhạy cảm, và tạo lối vào rộng thênh thang cho cư dân mạng tấn công những chủ đề mà nhà cầm quyền muốn.
Đi sâu hơn vào chiến thuật này của nhà nước Trung
Quốc, tác giả cho biết, nhiều học giả Trung Quốc cho rằng, Internet thật sự đã tạo điều kiện cho người dân có chỗ để lên tiếng, tức hình thành một kiểu dân chủ Internet. Thế nhưng, thực chất là trên các trang mạng, nếu không muốn bị đánh sập, thì tốt nhất là chỉ nên đề cập đến tiêu cực của quan chức từ cấp tỉnh trở xuống mà thôi. Một nét nữa của chính sách Internet của Bắc Kinh là : người dân có thể bày tỏ chính kiến trên mạng, nhưng đừng bao giờ có ý định tập hợp đông người để phản đối chính quyền.
Và cứ thế, chính quyền lâu lâu hé chút tự do cho
người dân bộc lộ phát biểu trên mạng, rồi khi vấn đề trở nên quá nhạy cảm thì chính quyền lập tức kiểm duyệt. Và cứ thế, chính quyền trung ương thì luôn bất khả xâm phạm, chỉ có chính quyền địa phương là phải run rẩy với các trang mạng xã hội mà thôi. Thế nhưng, dù sao đi nữa, thì người dân thỉnh thoảng cũng có dịp bày tỏ chính kiến, để rồi bị kiểm duyệt, để rồi có cơ hội lại tiếp tục bày tỏ. Tác giả cho rằng, hành động của dân mạng
Trung Quốc hiện tại giống như những lớp han gỉ trên vỏ tàu, chính quyền có thể lau chùi nó, nhưng sau đó lại xuất hiện lớp han gỉ mới, rồi lại lau nó, và cái vòng lẩn quẩn han rỉ rồi lao chùi vẫn cứ tiếp tục.
No comments:
Post a Comment