Tú Anh – RFI
Thứ năm 06 Tháng
Chín 2012
Với diện tích không đến 19km2 nằm cách Hàn Quốc và Nhật Bản hơn 210 cây số, quần đảo Dokdo/Takeshima đã biến thành điểm nóng trong quan hệ Seoul và Tokyo. Do nhu cầu chính trị nội bộ, hai cường quốc kinh tế khu vực, và cũng là đồng minh chiến lược của Mỹ, đã tiến đến những biện pháp trả đũa ngoại giao, tài chính và bất hợp tác quân sự. Do những tồn đọng lịch sử, xung khắc có thể kéo dài bất tận gây bất lợi cho chính sách châu Á của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Việt Nam có thể rút bài học này để khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Nội tình Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ nóng bỏng trong những tháng tới đây. Tháng 12, Hàn Quốc bầu tổng thống mới trong khi tại Nhật, tranh chấp nội bộ sẽ làm cho xứ Phù Tang không tránh khỏi một cuộc bầu cử Quốc hội trước kỳ hạn.
Trong hai cuộc phán xét của cử trị này, hai đảng đang cầm quyền tại Nhật và Hàn Quốc đều không có gì bảo đảm là sẽ thắng.
Trong bối cảnh đó, thì nổ ra quả bom “ Dokdo/Takeshima” còn có tên quốc tế là “đảo đá Liancourt”, tên của một bá tước Pháp tìm ra đảo này năm 1849.
Chuyến viếng thăm bất ngờ của Tổng thống Hàn Quốc Lee
Myung Bak ngày 10/08/2012 và lời tuyên bố « bảo vệ chủ quyền » đã vang động
Tokyo và đến tận Luân Đôn với hành động cổ vũ của một cầu thủ Hàn Quốc, sau
khi đá bại đội banh
Nhật Bản, đã đưa biểu ngữ « Dokdo là của chúng tôi ».
Vài hôm sau, Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố dọa Hoàng đế Nhật là không thể sang thăm Hàn Quốc nếu không xin lỗi về tội ác của quân đội Thiên Hoàng thời đô hộ bán đảo Triều Tiên.
Seoul đã ký với Tokyo văn kiện bình thường hóa bang giao vào năm 1965, nhưng hiệp ước này cho đến ngày nay vẫn không được dân chúng Hàn Quốc đón nhận một cách nồng nhiệt. Đến năm 2012, dù bị Bắc Triều Tiên đe dọa quân sự, Hàn Quốc hai lần không đặt bút ký một thỏa ước chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản tuy rất cần đến vệ tinh gián điệp của Tokyo.
Những tồn đọng lịch sử ngăn cản chính quyền hai bên, đều do dân bầu lên, đi ngược lại ý dân. Tuy Hàn Quốc kiểm soát quần đảo Dokdo và trưng tài liệu lịch sử chủ quyền từ 500 năm trước Thiên Chúa, nhưng người Nhật khẳng định đảo lớn nhất là của Nhật.
Vấn đề là xung khắc quanh « hòn sỏi » cao 169 mét trên mặt biển có thể làm tổn hại cho chiến lược an ninh Thái Bình dương do Hoa Kỳ tiến hành với sự mong chờ của hầu hết các quốc gia
trong vùng trừ Trung Quốc.
Seoul tiếp tục bác bỏ đề nghị của Tokyo (lần thứ ba kể từ năm 1954) đưa vấn đề ra Tòa án công lý Lahaye, Hà Lan, phân xử.
Washington, qua phát ngôn viên
bộ ngoại giao Victoria Nuland, yêu cầu hai « đồng minh trọng yếu hãy thảo luận tìm giải pháp giải quyết tranh chấp ».
Xung khắc Nhật- Hàn xảy ra vào thời điểm ngoại trưởng Mỹ công du Á Châu để củng cố « liên minh » trước tham vọng biển đảo của Bắc Kinh. Vào cuối tuần này, nhân hội nghị Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương tại Vladivostok, miền viễn đông của Nga,
ngoại trưởng Hillary Clinton chắc chắn sẽ có nỗ lực hàn gắn hai đồng minh.
Nhưng hầu hết giới quan sát đều cho rằng tình trạng xung
khắc sẽ kéo dài. Lý tưởng nhất, là Hàn Quốc tiếp tục làm quản lý đảo nhưng vẫn để cho ngư dân Nhật đánh cá ở chung quanh.
Để tìm hiểu thêm vì sao chủ quyền Dokdo/Takeshima không rõ ràng mặc dù hồ sơ này đã được Hàn Quốc nêu lên tại hội nghị San Francisco năm 1951, cùng lúc với Việt Nam tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Hoàng Sa ? Tại sao Hàn Quốc từ chối đề nghị của Nhật nhờ Tòa án công lý quốc tế Lahaye phân xử ?
RFI đặt câu hỏi với nhà phân tích Lưu Tường Quang từ Sydney.
Nhà báo Lưu Tường Quang : « …vấn đề tranh luận về lập trường và tranh luận pháp lý chúng ta (Việt Nam) có thể học hỏi được nếu có sự dàn xếp nào đó từ những tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư hay ở Dokdo/Takeshima. Do vậy chúng ta có thể bắt nguồn từ nhiều mốc điểm thời gian, nhưng tôi chọn 1951 tại vì sau Thế chiến thứ Hai thì phe Đồng minh và Nhật Bản họp nhau tại San Francisco để thảo luận hòa ước chấm dứt chiến tranh.
Hàn Quốc với tư cách là một quốc gia thống nhất, chưa bị chia cắt, yêu cầu hội nghị ghi rõ vào trong hiệp ước Dokdo là thuộc chủ quyền của Hàn Quốc nhưng đề nghị này bị từ chối do có sự phản đối của Nhật Bản. Do vậy bản văn của Hòa ước San Francisco 1951 không ghi Dokdo là thuộc chủ quyền của Hàn Quốc. Cho nên Nhật Bản đã sử dụng cái lý lẽ vững chắc này để bênh vực chủ quyền của Nhật Bản tại đảo Takeshima.
Tôi nói nó quan trọng tại vì cũng tại hội nghị San Francisco năm 1951, Thủ tướng Việt Nam, ông Trần Văn Hữu, với tư cách là thủ tướng một quốc gia thống nhất ba miền Nam Trung Bắc, không bị phân chia, một quốc gia độc lập, đã tuyên bố rõ rệt là Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam, mà không một quốc gia nào phản đối. Cho nên cái mốc điểm 1950 nó quan trọng cho Việt Nam trong việc tranh chấp chủ quyền tại biển Đông Việt Nam với Trung Quốc và quan trọng cho Nhật Bản trong việc tranh chấp chủ quyền tại Dokdo/Takeshima … »
Thanh Phương – RFI
Thứ tư 05 Tháng Chín 2012
Vào cuối tuần này, các lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương sẽ họp lại ở Vladivostok, vùng Viễn Đông Nga, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương). Nhưng các tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước láng giềng có thể sẽ cản trở những nỗ lực của APEC nhằm thúc đẩy tự do hóa mậu dịch trong vùng.
Đây là lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh APEC được tổ chức tại Nga. Nước chủ nhà đã chi ra hơn 20 tỷ đôla để xây dựng cầu cống, đường xá, sân bay, trung tâm hội nghị, để qua đó cải thiện hình ảnh của Matxcơva trên trường quốc tế.
Theo nghị trình chính thức, cuộc họp thượng đỉnh Diễn đàn APEC sẽ bàn về những nổ lực nhằm tự do hóa mậu dịch trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như bảo đảm một sản lượng nông nghiệp ổn định nhằm kềm chế giá lương thực đang tăng vọt trên thế giới.
Cũng trong lĩnh vực thương mại, bên lề Diễn đàn APEC, các lãnh đạo của 11 quốc gia tham gia thương lượng hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương
(TPP) sẽ gặp nhau để tiếp tục bàn về dự án vùng tự do mậu dịch này.
Nhưng Diễn đàn APEC cũng có thể sẽ là dịp các lãnh đạo thế giới gặp riêng với nhau để thảo luận về các vấn đề địa chính trị nóng bỏng, vào lúc mà quan hệ giữa các nước Trung
Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc lại trở nên căng thẳng do
những
tranh chấp lãnh thổ đã kéo dài từ nhiều thập kỷ qua.
Trung Quốc thì vẫn tranh
chấp với Nhật Bản về chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Việc chính phủ Tokyo
dự định mua lại quần đảo này, hiện thuộc quyền sở hữu của một gia đình Nhật Bản, sẽ khiến tranh chấp này thêm gay gắt.
Bản thân Nhật Bản cũng đang tranh chấp với Hàn Quốc về chủ quyền của quần đảo Takeshima, mà phía Triều Tiên gọi là Dokdo. Căng thẳng giữa hai nước đã gia tăng trong thời gian
qua, kể từ khi tổng thống Hàn Quốc Lee
Myung-Bak đến thăm các đảo này.
Ấy là chưa kể Trung Quốc ngày càng có những hành động nhằm xác quyết chủ quyền trên Biển Đông, gây thêm căng thẳng với hai nước Philippines và Việt Nam.
Do tổng thống Barack Obama đang tranh cử ở Hoa Kỳ, nên Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ đại diện cho Hoa Kỳ tại Diễn đàn APEC. Bà Clinton vừa kết thúc chuyến công du châu Á, một chuyến đi đã gây bực bội cho Trung Quốc, vì Bắc Kinh
cho rằng
Washington đang tìm cách kềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và gây bất hòa giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng Đông Nam Á trên vấn đề chủ quyền Biển Đông.
Những căng thẳng do
tranh chấp chủ quyền nói trên chắc chắn sẽ khiến cho không khí cuộc họp thượng đỉnh Diễn đàn APEC bớt thân thiện, nồng ấm như những năm trước. Vấn đề là chưa biết các lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương có thể tạm gác được sang một bên những
tranh chấp lãnh thổ để tập trung cho việc thúc đẩy tự do mậu dịch hay không.
Lê Phước – RFI
Thứ năm 06 Tháng Chín 2012
Tranh chấp chủ quyền Nhật -Trung trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, giữa Nhật
Bản và Hàn Quốc trên đảo Takeshima/Dokdo. Nhật báo Le Monde có bài phân tích
chủ đề này với dòng tựa cảnh báo : «Dân tộc chủ nghĩa bùng phát tại Châu Á » .
Quan hệ Nhật-Hàn vừa qua gặp cơn sóng gió chỉ vì tranh
chấp lãnh hải trên đảo Takeshima/Dokdo. Phía Hàn Quốc đã có động thái mạnh qua
việc tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đến thăm hòn đảo này. Mặt khác, ông Lee
Myung Bak còn yêu cầu Nhật hoàng Akihito chính thức có lời xin lỗi về việc
trong thời kỳ quân đội Nhật Bản chiếm đống Triều Tiên, 200 000 phụ nữ Triều
Tiên bị buộc làm nô lệ tình dục trong quân đội Nhật Bản.
Tờ báo nhận định, ông Lee Myung Bak muốn khơi dậy nỗi đau
quá khứ thời chiến tranh ngay trước thềm bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc. Thế
nhưng Le Monde cảnh báo, coi chừng chiêu bài này sẽ làm bộc phát thái quá chủ
nghĩa yêu nước của người Hàn Quốc, khơi lại quá khứ hận thù giữa hai dân tộc Nhật-Hàn.
Đến với Trung Quốc, Le Monde nhận định, chủ nghĩa dân tộc
cũng bùng phát tại nước này. Theo một thăm dò hồi tháng 6/2012, người dân hai
nước có nhận xét về nhau rất tiêu cực. Người Nhật ác cảm với người Trung Quốc
vì cho rằng chính phủ Bắc Kinh có những hành động không đẹp như : hống hách với
láng giềng, ích kỷ khi chạy theo lợi ích kinh tế bỏ mặc môi trường, đòi hỏi chủ
quyền vô căn cứ.
Trong khi đó, khi nhắc đến người Nhật, thì người Trung
Quốc nhớ ngay đến những năm tháng đau thương mà quân đội Nhật đã gây cho người
Trung Quốc như vụ thảm sát Nam Kinh 1937 hay việc phụ nữ Trung Quốc làm nô lệ
tình dùng cho quân đội Nhật.
Như vậy, Nhật Bản thì dựa vào hiện tại để ghét Trung
Quốc, còn Trung Quốc thì găm vào quá khứ để thù hận Nhật Bản.
Trong tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư,
chủ nghĩa dân tộc ngày càng dâng cao ở người Nhật, biểu hiện qua việc nhiều
người Nhật, trong đó có cả nghị sĩ, đến quần đảo tranh chấp cắm cờ để khẳng
định chủ quyền. Thế nhưng, để tránh căng thẳng quá mức với Bắc Kinh, chính phủ
Tokyo đã có cách hành xử nhằm xoa dịu tình hình qua việc bắt rồi trục xuất 14
người Trung Quốc Hồng Kong đến quần đảo tranh chấp, hay như việc bắt rồi thả
một thuyền trưởng Trung Quốc hồi năm 2010.
Le Monde nhắc lại, khi lên nắm quyền vào tháng 8/2009,
Đảng Dân Chủ Nhật Bản chủ trương thiết lập lại quan hệ với Hoa Kỳ trên cở sở
bình đẳng và tăng cường quan hệ với các nước Châu Á khác. Một năm sau đó, thủ
tướng phe dân chủ ông Yukio Hatoyama đã phải từ chức sau khi đã gây căng thẳng
yêu cầu Hoa Kỳ rút căn cứ quân sự khỏi Okinawa. Chính phủ kế nhiệm thì tỏ ra
hời hợt với Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi trước đây, các chính phủ Dân chủ
tự do đã biết gác lại quá khứ để tăng cường hợp tác với hai nước láng giềng
này.
Hiện tại, tranh chấp chủ quyền của ba nước này diễn ra
trong bối cảnh chóp bu lãnh đạo ở mỗi nước sắp thay đổi : Đảng Cộng sản Trung
Quốc sắp họp đại hội toàn quốc, bầu cử tổng thống Hàn Quốc cũng gần kề, bầu cử
Quốc hội trước thời hạn cũng có thể diễn ra tại Nhật Bản.
Trong bối cảnh đó, để lấy lòng dân, nhà cầm quyền ba nước
không thể có động thái nhượng bộ trong tranh chấp chủ quyền. Và như vậy thì
quan hệ ngoại giao của ba nước sẽ gặp nhiều sóng gió, có nguy làm chủ nghĩa dân
tộc ở mỗi nước trở nên quá trớn, gây hậu quả đáng tiếc.
No comments:
Post a Comment