Trọng Thành – RFI
Thứ năm 06 Tháng Chín 2012
Ngày 06/08/2012, Hạ viện Miến Điện bỏ phiếu thông qua việc phế truất chín thành viên Tòa án Hiến pháp. Tất cả các đảng phái trong Hạ viện, kể cả đối lập, đều ủng hộ quyết định này, ngoại trừ các dân biểu quân đội, chiếm 1/4 số ghế Hạ viện.
Xung đột giữa Quốc hội với Tòa Bảo Hiến Miến Điện bắt đầu từ tháng Hai, khi Tòa Bảo Hiến, theo đề nghị của tổng thống Thein Sein, ra quyết định hạn chế quyền của các ủy ban Quốc hội. Cụ thể là các ủy ban tại Hạ viện không được quyền yêu cầu các bộ trưởng ra giải trình về những vấn đề liên quan đến các chính sách chung.
Quyết định của Tòa án Hiến pháp Miến Điện khiến nhiều nghị sĩ bất mãn. Tuyên bố trước khi Hạ viện bỏ phiếu, ông Soe Yin, dân biểu đảng đa số Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) nói : « Chống lại Quốc hội tức là chống lại nhân dân ».
Việc phế truất 9 thành viên Tòa án Hiến pháp
đã được Thượng Viện Miến Điện thông qua vào tuần trước.
Xung đột giữa Quốc hội Miến Điện và Tòa Bảo Hiến được coi là khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Miến Điện, kể từ khi chính quyền mới lên thay thế tập đoàn quân sự điều hành đất nước vào tháng
3/2011. Hậu trường của cuộc xung đột này là sự đối đầu giữa tổng thống Thein
Sein và chủ tịch Quốc hội, cựu tướng Shwe Man.
Ông Shwe Man được coi như là người sẽ đảm nhiệm chức tổng thống Miến Điện vào năm 2015.
Theo một nhà phân tích nước ngoài, từ
Rangoon, chủ tịch Quốc hội Miến Điện cần phải tách khỏi tập đoàn quân sự đầy quyền lực và phe bảo thủ, tuy nhiên ông Shwe Mann có thể sẽ gặp nhiều trở lực, và không chắc là ông sẽ giành được chiến thắng.
Kể từ khi lên nắm quyền, tổng thống Thein Sein đã tiến hành
liên tiếp nhiều cải cách chính trị và kinh tế. Điển hình là việc trả từ do cho hàng trăm nhà ly khai và việc để cho gương mặt đối lập hàng đầu là bà Aung San Suu Kyi ra tranh cử. Kết quả là bà đã được bầu vào Quốc hội.
Để thay thế 9 thành viên vừa bị phế truất, 9 thành viên mới sẽ được tổng thống Thein Sein và chủ tịch lưỡng viện Quốc hội Miến Điện bổ nhiệm. Dù phế truất được các thành viên Tòa án Hiến pháp, nhưng Quốc hội vẫn không giành được thêm quyền lực. Theo Hiến pháp Miến Điện, quyết định của Tòa Bảo Hiến không thể đảo ngược.
No comments:
Post a Comment