Sunday 9 September 2012

"THƯA RẰNG NÓI NỮA LÀ SAI..." (Nguyễn Trọng Bình)





Nguyễn Trọng Bình
Viet Studies 9-9-2012

(Ý kiến của Nguyễn Trọng Bình về lời biện minh của GS Nguyễn Minh Thuyết)

Việc sai sót trong việc soạn sách Tiếng Việt lớp 3 mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đứng tên chủ biên được một phụ huynh học sinh phát hiện và chỉ ra trong bài viết “Hai bà Trưng đánh giặc nào” là điều đã quá rõ ràng!

Thật ra, vấn đề này cũng không có gì đáng phải ầm ĩ nếu như GSTS Nguyễn Minh Thuyết chân thành tiếp thu trên tinh thần khoa học và dân chủ xem như đó là “phản biện” cần thiết. Tuy vậy, rất tiếc một người vốn nổi tiếng trong việc “chất vấn” và “phản biện” nhiều vấn đề của đất nước khi còn là Đại biểu Quốc hội được đông đảo nhân dân mến mộ (trong đó có tôi) như GSTS Nguyễn Minh Thuyết không hiểu sao lại không thừa nhận những sai sót trên lại đi biện minh một cách lúng túng và nhất là nhiều lần đánh tráo khái niệm làm lạc hướng dư luận; làm cho vấn đề ngày một có nguy cơ bị đẩy đi quá xa!?

Mới đây nhất, trong bài trả lời phỏng vấn trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, khi phóng viên hỏi: “Vậy GS giải thích thế nào về chi tiết không nhắc tên giặc Hán trong bài tập đọc ấy?” “Có nghĩa là GS vẫn bảo lưu quan điểm không đưa cụm từ “đánh giặc Hán” vào bài này?” , GS Thuyết vẫn khẳng quyết một cách cố chấp rằng:Quan điểm của tôi là giữ nguyên nội dung như hiện nay. Tôi xin nhắc lại, đây không phải bài học lịch sử. Dạy học cũng như đá bóng, có phối hợp và phân công, có các lớp bọc lót cho nhau”.[1]

Thật không thể tin nổi khi GS Nguyễn Minh Thuyết lại dùng “thao tác so sánh” nhằm biện minh cho lập luận của mình: “Dạy học cũng như đá bóng, có phối hợp và phân công, có các lớp bọc lót cho nhau”. Xin hỏi GSTS Nguyễn Minh Thuyết, ông đang đùa với nhân dân đấy à? Thưa ông, bản chất của việc dạy học nhất định không thể và không bao giờ giống như đá bóng – cái trò chơi ú tim kia được đâu! Vì sao? Vì bóng đá mà phòng thủ sơ hở, bọc lót yếu kém thì lập tức bị đối phương sút tung lưới ngay ông ạ! Cho nên, dạy học (hay soạn sách giáo khoa) nhất định và dứt khoát phải làm sao hạn chế đến mức thấp nhất những “sơ hở” để không phải mất thời gian và công sức sau này “phân công” và “bọc lót” này nọ nữa, thưa Giáo sư!

Ông cứ lại chống chế: “Nếu đây là bài học trong sách Lịch sử dạy về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng mà không nêu rõ hoàn cảnh bị nhà Hán đô hộ thì rõ ràng là một thiếu sót quá lớn, nhưng đây chỉ là bài tập đọc trong sách Tiếng Việt, nhằm rèn kỹ năng sử dụng tiếng Việt cho trẻ. Vì thế, tôi đã cân nhắc và để câu đầu là: “Thuở xưa, nước ta bị giặc ngoại xâm đô hộ”.[2]

Cứ tạm chấp nhận lập luận này của Giáo sư đi; tuy nhiên xin hỏi Giáo sư nếu chúng ta thay thế hai từ “ngoại xâm” bằng “giặc Hán” trong câu “Thuở xưa, nước ta bị giặc ngoại xâm đô hộ” ông và các đồng nghiệp nhiều lần “cân nhắc” khi đưa vào sách giáo khoa thì có gì là dài dòng hay gây khó khăn cho các em học sinh không? Cụ thể như thế này: “Thuở xưa, nước ta bị giặc Hán đô hộ”.

Viết như vầy (ít hơn câu trong sách giáo khoa mà giáo sư chủ biên một từ) và trong lúc dạy giáo viên giảng cho các em học sinh trong khoảng 30 giây rằng “giặc Hán là tên gọi thời xưa nhằm chỉ bọn giặc Tàu hay Trung quốc” thì có gì là khó khăn không thưa Giáo sư? Và giáo viên giải thích hai từ “giặc Hán” như thế này còn khỏe hơn nhiều (vừa rõ ràng vừa cụ thể hơn) nếu so với việc giải thích từ Hán Việt “ngoại xâm” cho các em học sinh lớp 3 nữa!

***

Tóm lại, sự việc lẽ ra chỉ có bấy nhiêu thôi! Lẽ ra, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nên dũng cảm thừa nhận sai sót, tìm cách đề nghị Bộ Giáo dục sửa chữa cho những làn tái bản sách giáo khoa sau này là xong; không cần phải tranh cãi, biện minh này nọ cho rùm beng lên. Không cần phải đánh lạc hướng dư luận khi hùng hồn bảo rằng mình “không việc gì phải sợ Trung Quốc” cho vấn đề thêm phần phức tạp và nghiêm trọng thêm. Nếu bình tĩnh ngẫm nghĩ sẽ thấy, suy cho cùng phụ huynh học sinh có thắc mắc về thiếu sót trong sách giáo khoa như thế, về sâu xa họ cũng xuất phát từ “tinh thần dân tộc”, xuất phát từ chuyện “không việc gì phải sợ Trung Quốc” như giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói thôi. Và họ có quyền yêu cầu “những người có trách nhiệm” trong ngành giáo dục (cụ thể ở đây là những người chịu trách nhiệm trong việc biên soạn sách giáo khoa) phải dạy thật kỹ những vấn đề liên quan đến lịch sử chống giặc ngoại xâm (nhất là giặc Tàu trong suốt 1000 năm dân tộc ta bị đô hộ) cho con em họ! Điều này là hoàn toàn chính đáng và cần được tôn trọng.

Ngoài ra, nếu Giáo sư đã “vui tính” ví von “dạy học như đá bóng” cần có sự “phân công”, “bọc lót” này nọ thì đây chính là sự “bọc lót” cẩn thận nhất rồi còn gì! Vì tuy đây là bài học về tiếng Việt không phải là “bài học về lịch sử” (như Giáo sư nhiều lần khẳng định) nhưng lấy tiếng Việt “bọc lót” cho lịch sử như thế này là một ý tưởng quá hay, quá độc đáo rồi, sao Giáo sư cứ cố chấp và không chịu tiếp thu?

Cần Thơ, 9/8/2012

Chú thích:
(*) Thơ Bùi Giáng: “Thưa rằng nói nữa là sai. Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào!”
[1], [2] “Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Tôi không việc gì phải sợ Trung Quốc” – Báo Giáo Dục Việt Nam.(giaoduc.net.vn)

----------------------------------------------









No comments:

Post a Comment

View My Stats