Tuesday 18 September 2012

THƯA GS. LÊ VĂN LAN, NƯỚC TA CẦN CÓ THÊM BẢO TÀNG CHỤC NGHÌN TỈ ? (Tâm Sự Y Giáo)





Thứ ba, ngày 18 tháng chín năm 2012

Mấy ngày nay thấy báo chí nói nhiều về dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với kinh phí trên 11.000 tỉ đồng. Quả thật lâu lâu cứ nghe những vụ này vụ kia hàng chục ngàn tỉ đồng, cảm giác của mình cũng đã bắt đầu “quen quen” với những con số khủng như thế. Ấy, đó là nói “quen” những con số trên báo, chứ còn trong đời thực, giá như mình có nửa tỉ, nửa tỉ thôi nhé, thì chắc mình cũng đã yên tâm về tương lai và sung sướng lắm lắm rồi.
Nhưng chiều nay đọc bài VnExpress phỏng vấn GS. Lê Văn Lan: “Xây bảo tàng nghìn tỉ tốn kém, nhưng có ích”, mình bỗng cảm thấy giật mình, cái giật mình cố hữu trước đây, về nội dung trả lời của GS Lan. Tự mình sau khi trấn tĩnh lại, thấy cần phải đi tìm câu trả lời cho một loạt vấn đề xung quanh chuyện này.

Thổi bùng sự nghiệp bảo tàng

GS Lan mạnh mẽ khẳng định: “Thực trạng này cắt nghĩa được vì sao công chúng, nhất là thanh niên đang kêu ca ít hiểu biết về lịch sử, thậm chí thờ ơ, quay lưng lại với lịch sử. Chúng ta cần có đột phá, như ngòi nổ để thổi bùng sự nghiệp bảo tàng”.

Có lẽ GS Lan là chuyên gia về sử học nên mới giải thích cái sự công chúng, nhất là thanh niên thiếu hiểu biết về lịch sử, thậm chí quay lưng lại với lịch sử, là do thiếu bảo tàng! Nguyên do của chuyện “quay lưng” này thì có nhiều, nhưng trước hết chính là do ngành sử học của chúng ta có vấn đề, chứ chẳng phải là do thiếu bảo tàng đâu ạ. Hơn ai hết, hẳn GS hiểu rõ những vấn đề này là gì, chứ để kẻ ngoại đạo như chúng tôi bàn vào thì bất tiện lắm.
TSYG không biết chính xác rằng hiện nay nước ta có bao nhiêu bảo tàng, nhưng con số từ năm 2009 là 127. Chỉ biết ở ta, tỉnh nào cũng có một nhà bảo tàng tỉnh, gần đây rất nhiều huyện cũng bắt đầu xây bảo tàng huyện. Nhiều ngành đang rục rịch xây bảo tàng cho ngành mình.

Riêng bên quân đội, tất cả binh chủng, quân chủng, quân khu, quân đoàn đều có bảo tàng. Tổng cục II, Tổng cục Hậu cần cũng có bảo tàng, còn Bào tàng của Tổng cục Kỹ thuật thì có tên là Bảo tàng Vũ khí – Đạn… Thậm chí có quân chủng còn có thêm Bảo tàng chi nhánh phía Nam của quân chủng mình.

Chỉ trừ một số ít nơi như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… là thu hút được sự quan tâm của công chúng và khách du lịch nước ngoài, còn lại hầu hết các bảo tàng đều giống nhau ở những đặc điểm: 1- Khuôn viên lớn, vị trí đẹp và đắc địa, 2- Hiện vật ít, đơn điệu, 3- Rất ít khách tham quan.

Đó là sự lãng phí vô cùng lớn. mà chưa ai (dám) thống kê. Có gì đảm bảo Bảo tàng “lớn nhất Việt nam 11.000 tỉ” sẽ được sử dụng hiệu quả hay là sẽ được “trùm chăn” như Bảo tàng Hà nội, để rồi tiếp nối vào danh mục lãng phí vô cùng lớn của các bảo tàng hiện nay?
Cứ đà lãng phí như thế, e rằng “ngòi nổ” này không phải là “thổi bùng” đâu, mà là sẽ “thổi bay” sự nghiệp bảo tàng, lơ mơ là nó “thổi bay” luôn sự nghiệp của nhiều người nữa đó, thưa GS!

Không được so sánh với Vinashin

GS Lan nói (lớn tiếng) rằng: “Nền kinh tế Việt Nam khó khăn có nguyên nhân thất thoát từ những tập đoàn như Vinashin. Nếu viện kinh tế khó khăn để không xây bảo tàng là không công bằng. Bào tàng xây dựng tốn kém song là có ích, không được so sánh như những thất thoát, lãng phí từ Vinashin”.

Có thể GS Lan là người hết lòng với ngành lịch sử nước nhà nên mới nói vậy nhằm bảo vệ cho quan điểm nên xây bảo tàng này. Thực ra đâu chỉ có Vinashin mới thất thoát, hàng loạt tập đoàn, tổng công ty như Vinalines, EVN, Than-Khoáng sản, Dầu khí … đều thế cả. Các doanh nghiệp nhà nước hiện đang nợ hơn một triệu tỉ đồng.

Mới đây thôi, Bảo tàng Hà Nội được hoàn thành với kinh phí “chỉ” 2.300 tỉ đồng nhưng rất vắng khách tham quan vì thiếu hiện vật, các sảnh chủ yếu được dùng vào việc cho thuê tiệc cưới.

Kim Tự Tháp lộn ngược 2.300 tỉ : Bảo tàng Hà Nội

Trước khi nhập tiệc, thể nào khách chẳng đi tham quan một vòng? Sau đó lại tham quan tiếp vì “chỉ có bụng mới biết, bia đi đâu về đâu”. Quả là “nhất cử đại tiện”, hi hi!

Vậy thì con số 11.000 tỉ đồng đổ ra để xây thêm một bảo tàng đều làm cho bất cứ người dân bình thường nào nghe xong cũng phải xây xẩm mặt mày, và phải liên tưởng ngay tới các vụ án “khủng”. Sao lại cấm người ta: “không được so sánh như những thất thoát, lãng phí từ Vinashin”, thưa GS?

Chuyên gia hàng đầu về bảo tàng, di sản?

GS Lan khẳng định như đinh đóng cột: “Tôi biết những người chuẩn bị cho dự án Bảo tàng Lịch sử là những chuyên gia hàng đầu về bảo tàng , di sản”.

Họ là những ai vậy, thưa GS?

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, v/v thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước xây dựng Bảo tàng Lịch Sử Quốc gia, số 1690/QĐ-TTg ngày 27/12/2006, thì thành phần của Ban Chỉ đạo này gồm:

Trưởng ban: PTT Thường trực Nguyễn Sinh Hùng
Phó Trưởng ban thường trực: Ông Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ VH-TT.
Phó Trưởng ban: Ông Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng
Các ủy viên:
1. Ông Trần Quốc Toản, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
2. Ông Nguyễn Bích Đạt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Ông Nguyễn Công Nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính.
4. Ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ VH-TT.
5. Ông Cao Lại Quang, Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
6. Ông Trần Đức Cướng, Phó Chủ tịch Viện KHXH VN.
7. Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND Tp Hà nội.
8. Ông Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.
9. Giám đốc Ban Quản lý dự án.

Phải chăng cả 12 vị nói trên, trước khi đảm nhiệm những chức vụ cao cấp trong bộ máy nhà nước, đều là những chuyên gia hàng đầu về bảo tàng, di sản? Hay đây là kiểu nói lấy được?

Qua những phân tích trên, có thể nhận thấy GS Lan đã cố bảo vệ cho quan điểm cho rằng việc xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là cần thiết, nhưng lại bằng những lý lẽ hết sức thiếu thuyết phục.Tiếng nói của GS Lan đang đi ngược lại với suy nghĩ của rất nhiều người dân hiện nay. Theo TSYG, đây là một bài trả lời phỏng vấn đáng thất vọng.

Việc qui hoạch, sắp xếp lại hệ thống bảo tàng trên cả nước dường như là một yêu cầu tất yếu, và rất cần có ý kiến của các nhà chuyên môn trong ngành sử học, bảo tàng, di sản, khảo cổ…

Nhưng việc xây thêm một bảo tàng với kinh phí khổng lồ như thế trong điều kiện khó khăn hiện nay của đất nước, có lẽ nên để người dân góp tiếng nói của mình. 11.000 tỉ không phải là lá đa, cũng chẳng phải là vỏ hến, mà là những đồng tiền đẫm mồ hôi và nước mắt, được trích ra từ tiền thuế của những con dân Việt còn nghèo khó, kính thưa GS Lê Văn Lan!



---------------------------------------






No comments:

Post a Comment

View My Stats