Tuesday 18 September 2012

THẤT VỌNG VỚI GS SỬ HỌC LÊ VĂN LAN (Mạnh Quân)





Mạnh Quân
Sep 18, 2012 7:50 AM

Hôm qua, cuối ngày mới đọc cái bài phỏng vấn ông Lê Văn Lan, giáo sư sử học nói về việc xây bảo tàng Lịch sử VN mới biết, ông khẳng định: xd cái bào tàng đó là "cần thiết".

Trước đây thấy ông rất năng nổ trong các hoạt động về nghiên cứu, đánh giá, giảng dạy...về lịch sử, có ý kính trọng. Tự dưng đọc bài này thấy mình phí tâm.

Vâng, nếu quốc khố Việt Nam đang dồi dào, xây dựng một bảo tàng nữa cũng có thể ...Nói có thể thôi đấy !

Nhưng vấn đề là cái bảo tàng hiện đang có đã là một công trình kiến trúc rất đẹp, đủ rộng để đón khách tham quan. Làm phong phú thêm các hiện vật trưng bày, thu hút người dân, khách du lịch tới còn là việc làm chưa đâu vào đâu. Làm thêm cái bảo tàng mới, như blogger Đào Tuấn đã viết rồi, lại thêm một cái "chùa bà Đanh", chủ yếu để cho thuê phòng tổ chức đám cưới...

Đúng cái lúc dân tình, doanh nghiệp kêu khổ vì kinh doanh, đời sống khó khăn, cộng thêm thuế, phí nặng nề, vật giá lại chuẩn bị leo thang bởi giá xăng 5 lần tăng liên tiếp...bão lũ liên miên xảy ra nơi vỡ đê, nơi vỡ đập...bao nhiêu thứ cần tiền mà ns cạn kiệt. Thế mà giáo sư LVL lại cho là xây bảo tàng đồ sộ lúc này là cần thiết.

Mấy hôm trước, ông giám đốc bảo tàng lịch sử vn cũng nói là dự án mới là rất cấp thiết.

Dường như có một kế hoạch truyền thông nhằm phản bác thông tin, bình luận trên báo chí là nên đưa dự án công trình bảo tàng này vào...bảo tàng ?

Hỡi ôi !xưa nay, những người làm sử luôn luôn được kính trọng bởi họ luôn ghi lại, phê phán những hành động không đúng của người đương quyền, làm trái nguyện vọng của dân, chi tiêu bừa bãi làm hao mòn, kiệt quệ sức dân.

Thế mà ngày nay, có những người nghiên cứu, làm công tác sử học lại vào hùa, cổ xúy cho những hành động đó.

Nên nhớ, ngay trong cấp chính quyền, người ta cũng nhận ra là việc chi tiêu công không đúng lúc, đúng mức...gây nên những bất ổn kinh tế vĩ mô hiện nay. Thì việc mấy ông không hiểu rõ toàn cảnh đất nước, lại muốn làm nặng nề thêm cái sai của các bộ. Thế thì tội các ông chẳng phải là nhỏ.

Các sử gia lớn trước nay của Việt Nam như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Phan Phu Tiên...khi chép sử cũng rất chú ý ghi lại, phê phán những hoạt động xây dựng cung thất xa hoa, bừa bãi của một số quân vương các triều đại trong lịch sử khiến dân tình, phu phen nhọc mệt, hao tiền, tốn của quốc gia....khiến các triều đại đó đi vào suy vong. Nhìn sang Trung Quốc, ở các triều đại: Tần, Tùy...các sử gia lớn cũng thường cho rằng, việc cho xây dựng các cung điện, đền đài....huy động quá nhiều sức dân, của cải, nguồn lực xh...cũng là một nguyên nhân chính khiến các triều đại này diệt vong.

Cho nên, nhà những người làm về lịch sử, như GS Lê Văn Lan, cũng nên nhớ đến các tiền nhân-các sử gia để đưa ra những đánh giá, nhận định cho đúng, để khỏi xa lạ với truyền thống của những người làm công tác lịch sử: nghiên cứu, giữ gìn những giá trị lịch sử...nhưng cũng không quên trách nhiệm với hiện tại của đất nước.

----------------------------------

XEM THÊM :

19-9-2012

Mấy hôm nay dư luận bàn tán xôn sao về dự án mà "người ta" định xây thêm một bảo tàng lịch sử Quốc gia thật hoành tráng cỡ 11 ngàn tỷ đồng, sở dĩ tôi dùng chữ "xây thêm" là vì ở nước Nam ta bảo tàng đã có ở khắp mọi nơi và đa phần là "vắng như chùa bà đanh" đến nỗi rất nhiều chỗ đã phải dùng làm "kế hoạch 3" cho đỡ lãng phí!

Thử tìm đến bảo tàng Hà Nội quí vị sẽ được xem đám cưới một cách thoái mái và miễn phí... ấy thế mà mới đây, để biện minh cho lý do cần phải xây cho bằng được cái bảo tàng vào thời điểm "gạo châu củi quế" này ông GS sử học Lê Văn Lan phán với VnExpress như sau: "Xây bảo tàng nghìn tỷ tốn kém nhưng có ích""Thực trạng này cắt nghĩa được vì sao công chúng, nhất là thanh niên đang kêu ca ít hiểu biết về lịch sử, thậm chí thờ ơ, quay lưng lại với lịch sử. Chúng ta cần có đột phá, như ngòi nổ để thổi bùng sự nghiệp bảo tàng".

Đọc đến đây, tôi bỗng liên tưởng đến lời phán của ông nghị Cảnh năm nào trước vài trăm ông, bà nghị "với quyết tâm chính trị, chúng ta phải làm bằng được tầu cao tốc" mà chẳng cần biết đến hiệu quả kinh tế - xã hội của nó sẽ như thế nào. Nhưng dù sao thì ông nghị Cảnh cũng chỉ là một dạng "lạc quan tếu" hay dốt cũng vừa vừa thôi, vì ông ta không phải cán bộ chuyên nghành...

Nhưng, ngạc nhiên thay, thất vọng thay cho ông GS chuyên nghành sử học, người vẫn được cho là một trong những nhà sử học gạo cội đương thời lại có những phát ngôn như thế?

Không lẽ ông lại không biết thực sự cái căn nguyên của việc "...công chúng thờ ơ, quay lưng lại với lịch sử..." là vì sao và do đâu ư? Lẽ nào ông biết mà cứ giả vờ để "ngậm miệng ăn tiền" (của nhà nước - mà thực chất là từ tiền thuế của Nhân dân) hay là ông không biết thật?

Có lẽ ông Lê Văn Lan và tôi ở cùng thế hệ trên 60 tuổi vài năm rồi, nghĩa là chúng tôi cùng được học hành trong cùng một môi trường giáo dục từ tấm bé, có khác chăng là khi lớn lên thì ông ấy được đào tạo chuyên nghành sử học còn tôi là nghành kỹ thuật thuần tuý, tuy nhiên dù là học nghành nào thì lịch sử cũng chỉ có một khi lứa chúng tôi cùng học 12 năm phổ thông đầu đời... vậy thì hôm nay tôi xin lấy đúng kiến thức phổ thông (mà hiện nay vẫn còn dùng hay mới dùng trong các nhà trường hoặc đã buộc phải bỏ thời gian chưa xa) để thử lý giải cho câu hỏi (cũng là trả lời) đã dẫn trên kia của ông GS chuyên nghành sử học nước nhà: Lịch sử luôn luôn phải phản ánh đúng sự thật vốn có của mọi sự kiện đã xảy ra và lịch sử không thể "đồng hành" cùng mọi ý đồ chính trị!

Thế thì cái gọi là "tấm gương dũng cảm của thiếu niên Lê Văn Tám đốt cháy kho xăng của địch..." là sao? Sự kiện này không thể đánh lừa được trẻ con thời nay được nữa vì nó phản khoa học, một chú bé con mình tẩm đầy xăng bốc cháy thì liệu chạy đi được mấy mét trong khi từ cổng vào đến nơi chứa xăng của địch ít nhất cũng phải vài chục mét (đấy là chưa kể đến lính gác súng đạn đầy mình).

Rồi đến cuộc khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ mà lý do theo như ông GS đầu nghành sử học Phan Huy Lê (ông ta cho làm hẳn một hội thảo về việc này) thì "do uất ức vì nạn phải cống quả VẢI TƯƠI cho triều đình nhà Đường, chúng bắt dân phu nước ta gánh từ Châu Hoan (tức vùng Nghệ An-Hà Tĩnh ngày nay) sang đến Trường An cho người đẹp Dương Quí Phi dùng...". Đến ông trùm sử đương thời mà còn nói láo không biết ngượng mồm như thế thì thử hỏi lớp trẻ còn biết tin vào ai, vào cái gì?

Thế hệ ngày nay, con cháu chúng ta mà nói chung là bất cứ ai chỉ cần vào Google tìm thì cái gì mà không biết? Từ Châu Hoan sang đến Trường An cỡ 6000 Km, vậy phải GÁNH vải tươi sang bằng đường bộ đến nơi thì liệu nó có còn "tươi" được không hay có thể mọc được vài lứa cây vải mới để triều cống một thể?

Hay như triều đình nhà Nguyễn, nhất là các Chúa Nguyễn đã có công mở mang bờ cõi, gìn giữ bờ cõi cho nước Việt như ngày hôm nay thì đã có vị trí xứng đáng trong lịch sử chính thống của Việt Nam hiện nay chưa hay lịch sử đó không "Lớn" không "Tầm cỡ" bằng lịch sử đảng CS?

Ngay như mới nhất, sách giáo khoa viết để dạy trẻ con - tương lai của đất nước mà còn viết về Hai Bà Trưng anh hùng Dân tộc chống ngoại xâm, nhưng lại không biết giặc đó... là giặc nào!?

Chỉ mới sơ qua vài ví dụ cụ thể đã thấy được lý do tại sao công chúng lại "quay lưng lại với lịch sử" nước nhà! Khi mà lịch sử không đúng với sự thật, bị bóp méo, bị dùng để phục vụ ý đồ chính trị bất chính của đảng CS thì công chúng, nhất là giới trẻ không quay lưng thì mới là chuyện lạ! Dù có xây thêm bao nhiêu bảo tàng cũng sẽ trở thành vô dụng mà thôi!







No comments:

Post a Comment

View My Stats