Wednesday, 5 September 2012

"QUAN LÀM BÁO" : ĐẮT KHÁCH NHƯNG BÍ HIỂM (Bùi Tín)





04.09.2012

Hơn 1 tháng nay, mạng Quan Làm Báo đã trở thành một hiện tượng thông tin chấn động dữ dội công luận. Mạng này xuất hiện bất ngờ, không báo trước. Chẳng có tuyên ngôn, khẩu hiệu, phương châm. Chẳng có địa chỉ, tên tuổi người hay nhóm chủ trương, như một số mạng, blogger khác, trong hay ngoài nước.

Nhưng một điều rất rõ : Quan này rất đông khách vào thăm thú. Có thể nói Quan giật ngay kỷ lục về đắt khách. Vượt mạng Bauxite, vượt mạng Anh Ba Sàm, bỏ xa cả Dân Làm Báo. Đạt hàng triệu và sắp đạt chục triệu người vào đọc từ khi trình làng.

Vậy mà cho đến nay mặt mũi, chân dung, tiểu sử, lý lịch, quan điểm chính trị của Quan Làm Báo ra sao vẫn là điều bí mật, bí hiểm.

Người ta đổ xô vào mạng này vì ngay cái tên đã ngồ ngộ, mang tính cách trêu chọc, đùa cợt, đánh đố rồi. Có Dân Làm Báo thì ắt phải có Quan Làm Báo. Nhưng Quan đây lại không hẳn phải là Quan đang cầm quyền, đang cai trị dân đen, lại làm ra vẻ là Quan gần dân, Quan của dân, Quan không quan liêu, điều này càng kích thích tò mò.

Không tò mò sao được khi ngay những ngày đầu khai trương, «Quan Làm Báo» đã tỏ ra già dặn, nhiều tin tức phong phú độc đáo, từ nguồn hiếm. Những hồ sơ lý lịch, hồ sơ hình sự của từng nhân vật tai to mặt lớn, không kiêng nể một ai. Những báo cáo chi thu, xuất nhập từng thời kỳ của các nhà băng lớn nhỏ, mẹ con, cháu chắt, từng tháng, quý, năm, chính xác từ bản gốc. Không ai có thể bịa ra được.Nếu không phải từ người trong cuộc, trong bộ máy, hẳn là từ những tay được cài sâu leo cao, gián điệp - phản gián thượng thặng.

Nét khác lạ là tất cả hồ sơ, tư liệu, tài liệu phong phú tuôn ra có chủ định lại qua một hình thức văn chương mạng nhiều khi khá là dễ dãi, đến mức đơn giản, ấu trĩ, ngây ngô nữa, khác hẳn kiểu văn chương thông thái, hàn lâm thường có ở các công cụ lề phải, mũ cao áo dài. Do đó có người tự hỏi sao hành văn của các quan làm báo này lại non tay, buông tuồng, kém cỏi đến vậy. Có những câu thả lỏng, không trọn vẹn, thiếu đầu cụt đuôi, cứ như trẻ em tập làm văn, hoặc như người bên Tây, bên Tàu học nói tiếng Việt, còn ngọng. Hay đây là một thủ thuật cố tình, để
giấu lý lịch, che tung tích, phóng hỏa mù?

Điều rõ ràng nhất là Quan Làm Báo phang không chút dè dặt, không chút thương tiếc một nhóm người với những bản cáo trạng dài, đủ dẫn chứng, với những kết luận dứt khoát, cho đó là bầy sâu phá dân hại nước phải hạ bệ và trừ khử gấp. Đó là đương kim thủ tướng, được gọi là «y tá», do khi còn trẻ ông là y tá của bộ đội địa phương Rạch Giá; là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, người thường tự nhận là cháu trực hệ của ông Hồ Chí Minh - Nguyễn Sinh Coong, bị tố cáo là đã cắt xén không biết cơ man nào là tiền của của nhà nước cho đảng, từ khi còn là Vụ trưởng vụ ngân sách, thứ trưởng rồi bộ trưởng tài chính, rồi phó thủ tướng thường trực và nay là chủ tịch Quốc hội. Gắn bó với 2 quan cực lớn này là Thượng tướng Công an Nguyễn Văn Hưởng, hiện là cố vấn về quan hệ với các tôn giáo của thủ tướng, bị Quan Làm Báo kể tội giết người không gớm tay, từng giết Trung tướng Công an Tư Rốp vì tranh quyền, bị tình nghi giết cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và hiện đang tính chuyện ám sát Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bằng vũ khí sinh học. Quan Làm Báo còn tả ông Hưởng như một kẻ sa đọa, thông dâm với nhà báo Hồ Thị Thu Hồng, là tổng biên tập tạp chí Thể thao của Sài Gòn, có blog mang tên Beo, từng viết bài kể tội Thượng tướng Công an Nguyễn Khánh Toàn, địch thủ kèn cựa của ông Hưởng.

Đi cùng với nhóm cánh hẩu trên đây là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, cựu Thống đốc Lê Đức Thúy, cùng một loạt nhà kinh doanh tiền tệ, từ các ông Nguyễn Đức Kiên tức «Bầu Kiên», Lý Xuân Hải, Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh, Trầm Bê, bà Thái Hương…cho đến tiểu thư Nguyễn Thanh Phượng, con gái ngài thủ tướng…

Dư luận trong nước
cho rằng bước vào tháng 9, đến cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (khóa XI) cuộc đấu tranh gay gắt chưa từng có nói trên trong nội bộ bộ chính trị, cơ quan quyền lực ở chóp bu sẽ có thể ngả ngũ. Hai phe nhóm đối lập đang sống mái với nhau, có thể hòa hoãn qua thương lượng và nhân nhượng để giữ bề ngoài ổn định.

Hai nhóm còn đua nhau tranh thủ 2 ông thái thượng hoàng trong phủ Chúa là Lê Đức Anh và Đỗ Mười, được biết 2 ông này còn lưỡng lự, sợ 2 phe phái húc nhau khéo mà chết cả nút.

Mấy hôm nay mạng Quan Làm Báo còn nâng cao thêm một bước thách thức của mình, đứng hẳn về phía ông Nguyễn Phú Trọng và ông Trương Tấn Sang, đưa ra trưng cầu ý kiến công khai bạn đọc trên mạng, xem ông thủ tướng có tội rất nặng là biển thủ, tham nhũng, làm phá sản hàng loạt tập đoàn quốc doanh lớn nhất, phá hoại hệ thống tài chính - ngân hàng của cả nước, làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng của nhân dân, xứng đáng nhận hình thức kỷ luật hay pháp luật - hình sự nào. Truy tố trước toà án? Bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội? Yêu cầu từ chức? Hoặc hình thức nào khác nữa?

Về phía Thủ tướng Dũng, ông vẫn trấn tĩnh, tự nhận vẫn đứng đầu Ủy ban phòng chống tham nhũng và lãng phí, vẫn yêu cầu xử lý công bằng vụ ông «Bầu Kiên» kinh doanh trái phép, ông cho con gái rút lui khỏi kinh doanh, coi như không có chuyện gì xảy ra.

Điều đáng chú ý là trong khi giới trí thức tỏ ra thận trọng, quan sát tình hình, chưa tỏ thái độ đứng hẳn về phía nào, vì các phe phái đều không tỏ thật rõ thái độ đối với bọn bành trướng Bắc Kinh, thì có một trí thức lên tiếng khá mạnh mẽ đứng hẳn về một bên. Đó là ông Chu Hảo, giám đốc nhà xuất bản Tri Thức, người từng tham gia nhiều thư ngỏ, kiến nghị đòi chấm dứt khai thác bauxite, đòi tự do cho luật sư Cù Huy Hà Vũ, đòi tự do biểu tình chống bành trướng…

Ông Chu Hảo xuất hiện trên mạng Exodus ngày 23/8/2012 khi trả lời nhà báo Nhất Nhất, cho rằng chính phủ nào làm việc cũng có chuyện đúng, chuyện sai, không nên thổi phồng những cái sai, xóa bỏ những điều đúng. Ông cho rằng chính ông Trương Tấn Sang và ông Nguyễn Phú Trọng đã bán mình cho bành trướng, còn nguy hiểm hơn nhóm ông Dũng, và nay lại «giăng cạm bẫy thi hành kỷ luật để dử ông Ba Dũng vào tròng». Cần vạch trần âm mưu nguy hiểm ấy. Chưa thấy các trí thức khác trong và ngoài nước lên tiếng về chính kiến này.

Sự thận trọng trong dư luận có lý do dễ hiểu. Bởi vì trong cơ quan lãnh đạo, trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng vẫn chưa có ai xuất hiện như một hay như một nhóm người chủ trương đi với nhân dân kiên quyết chống bành trướng xâm lược và chân thành thực hiện dân chủ, trả lại cho công dân tất cả các quyền tự do đã được ghi trong hiến pháp.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.




No comments:

Post a Comment

View My Stats