Hòa Ái, phóng viên RFA
2012-09-05
Theo
kết quả khảo sát của Viện Khoa học Giáo dục vừa công bố trong tháng 8 cho thấy
có đến một nửa lực lượng giáo viên hối tiếc vì nghề đã chọn.
Nguyên
nhân
Chia
sẻ với báo chí về kết quả cuộc khảo sát của Viện Khoa học Giáo dục, Tiến sĩ Vũ Trọng Rỹ cho biết qua câu
hỏi “Bạn sẽ vẫn chọn nghề dạy học nếu bạn có thêm một lần lựa chọn nghề nghiệp
cho mình?” thì có đến 50% giáo viên ở 7 tỉnh, thành trả lời rằng “không”. Trong
số 526 giáo viên ở 3 cấp học được hỏi thì có đến một nửa cho biết hối hận với
lựa chọn nghề giáo và không muốn tiếp tục dạy học nữa.
Có 3 nguyên nhân mà hầu hết các giáo
viên nêu ra là lương bổng thấp, công việc nhiều áp lực, lao động căng thẳng và
nghề giáo không được xã hội tôn trọng khiến cho họ nản lòng. Trong đó, nguyên
nhân chính yếu là đồng lương không đủ sống dẫn đến nhiều hệ lụy liên quan đến
nghề nghiệp mà họ đã chọn.
Mức lương 2 triệu
đồng/tháng của các sinh viên sư phạm mới ra trường chỉ đủ cung cấp
khoảng nửa tháng lương thực. Thậm chí thu nhập hàng tháng của những giáo viên
mới vào nghề không đủ chi tiêu cho cuộc sống cơ bản như tiền xăng xe, tiền điện
thoại di động…Nhiều giáo viên trẻ phải nhờ vào sự hỗ trợ về tài chánh của cha
mẹ.
Bên
cạnh đó, thời gian lao động trong công tác giảng dạy của giáo viên bình quân
chiếm 1,5 lần so với quy định của nhà nước. Ngoài giờ lên lớp giảng dạy, giáo
viên cần nhiều thời gian để soạn bài, chấm bài…Giáo viên hiện nay phải chịu áp
lực từ nhiều phía: từ học sinh, phụ huynh, cán bộ quản lý giáo dục cho đến dư
luận trong xã hội…Có nhiều giáo viên bị bệnh nghề nghiệp mà không có điều kiện
chữa trị do công việc áp lực và mức lương không đủ sống. Tiến sĩ Vũ Trọng Rỹ
cho rằng chế độ chính sách đãi ngộ giáo viên chưa thỏa đáng, không tốt, đồng
thời nghề giáo không nuôi sống được bản thân và gia đình là nguyên nhân khiến
cho đội ngũ giáo viên không còn yêu nghề nữa.
Một cô giáo dạy học
hơn 20 năm chia sẻ với đài RFA:
Bây
giờ đi dạy người ta chán nghề là vì lý do thứ nhất do đồng lương quá thấp,
không tương xứng với công ăn học, rồi lãnh lương ra không đủ sống mà vật giá
thì leo thang hoài. Thứ nhì là bây giờ phụ huynh không còn tôn sư trọng đạo
nữa. Thứ ba nữa là những người tốt, những người thiện, trung thực, thẳng thắng
bị vùi dập. Chuyên môn của người giỏi thì không được trọng dụng. Người thật sự
có khả năng, có năng lực lại không được thừa nhận cho nên bây giờ cô nói thật
đi dạy buồn nhiều hơn vui. Thầy cô đa số là nản.
Hồi
chuông báo động
Dù
ngành giáo dục được chính phủ đặt mục tiêu phát triển lên hàng đầu, dù có nhiều
thay đổi trong chính sách nhưng đa phần giáo viên ở Việt Nam vẫn không sống nổi
bằng đồng lương của nghề. Họ phải tìm nhiều cách khác để có cuộc sống đầy đủ
hơn như dạy thêm, làm thêm ruộng, buôn bán, đưa hàng, chạy chợ, nhờ cậy vào sự
trợ giúp của gia đình…Vì phải làm thêm việc nên giáo viên không có đủ thời gian
cũng như sức lực để nghiên cứu sáng tạo cho công tác giảng dạy. Các bài giảng
sẽ không có chất lượng một khi giáo viên phải lo lắng nhiều về kinh tế gia
đình.
Cái
nhìn của xã hội ngày nay không dành thiện cảm cho nghề giáo như nhiều năm về
trước. Nhiều thế hệ học sinh mỗi ngày cắp sách đến trường tiếp thu những bài
giảng có chất lượng không tốt, rồi phải tất tả và vất vả nhồi nhét thêm kiến
thức thiếu hụt ở các lớp dạy thêm dạy kèm đã làm thay đổi truyền thống cao đẹp
“tôn sư trọng đạo”. Quan
niệm của xã hội bây giờ đối với thầy cô giáo như là một dịch vụ mua bán kiến
thức hơn là quý trọng nghề gõ đầu trẻ của một nhà mô phạm.
Các
phương tiện truyền thông đại chúng loan tải nhanh chóng những tiêu cực trong
ngành giáo dục cùng những vụ việc tệ nạn xã hội suy thoái đạo đức của một bộ
phận giáo viên càng làm cho rất nhiều thầy cô giáo nản lòng với nghề “đưa đò”
mà mình đã chọn. Tuy vậy, vẫn có những giáo viên với đầy nhiệt huyết và lòng
say mê nghề. Thầy giáo Kha, công tác tại Phòng Giáo dục huyện Cao Lãnh, tỉnh
Đồng Tháp cho biết vẫn theo đuổi mục đích ban đầu, sau 8 năm trong nghề dạy học.
Thầy Kha nói:
Những
người nào quyết tâm bước vào nghề nhà giáo rồi thì tâm nguyện của họ luôn luôn
là đào tạo thế hệ trẻ: một là cho tài năng của đất nước, hai là tạo cho xã hội
những con người có tài và có ích cho xã hội.
Cô
Thêm, một giáo viên dạy tư tại nhà sau 1975 chia sẻ rằng dù nghề giáo có nhiều
khó khăn và biến đổi nhưng cô hy vọng sẽ còn có nhiều bạn trẻ theo đuổi nghề.
Cô Thêm nêu lên ý kiến của mình về con số 50% giáo viên hối hận vì đã chọn nghề
giáo:
Cái
đó cũng tùy theo đối tượng, cũng có người giống như tôi bây giờ già rồi, bảy
mươi mấy tuổi rồi mà tôi vẫn còn đam mê cái nghề này. Trong nghề này là tôi từ
25 tuổi cho đến bây giờ vì mình giúp cho trẻ em có kết quả thì mình thấy vui.
Với
kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục không chỉ hiển thị một con số 50%
giáo viên chán nghề mà qua đó cho thấy vấn đề lớn hơn và cấp thiết hơn là khi
giáo viên không yêu nghề, không tận tụy với nghề thì sẽ không thể đào tạo những
học sinh giỏi và những công dân hữu dụng cho xã hội. Đây là một hồi chuông báo
động cho các cơ quan ban ngành chức năng trong lãnh vực giáo dục vì sau 20 năm
dạy học, thầy giáo Kha có còn khẳng định tâm huyết của mình với nghề hay vẫn
giữ “lửa” đam mê như cô Thêm sẽ có được mấy người?
Theo
dòng thời sự:
Copyright
© 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved
No comments:
Post a Comment