Dương Danh Huy và Lê Vĩnh Trương
Quỹ Nghiên cứu
Biển Đông
Cập nhật: 12:27 GMT - thứ ba, 4 tháng 9, 2012
Ngày 28/8/2012,
Công ty Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã mời thầu 26 lô dầu khí
ở vịnh Bột Hải, tại Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Ba hôm sau đó,
ngày 31/8/2012 chính phủ Việt Nam đã phản đối việc mời thầu Lô 65/12 với lý do
hành động này xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Theo tọa độ trên
trang mạng của CNOOC, Lô 65/12 có diện tích 5.855 km2 và nằm cách Đảo Cây trong
nhóm An Vĩnh của quần đảo Hoàng Sa chỉ hơn 3 hải lý. Do vậy, phần lô này nằm
trong lãnh hải 12 hải lý của Đảo Cây sẽ thuộc về quốc gia có chủ quyền đối với
quần đảo này.
Chứng cứ lịch sử
Hiện nay Việt
Nam và Trung Quốc đang tranh chấp quần đảo Hoàng Sa. Cuộc tranh chấp này bắt
đầu cách đây hơn một thế kỷ, từ năm 1909, khi Đô Đốc Lý Chuẩn của nhà Thanh đem
tàu đến Hoàng Sa tuyên bố chủ quyền.
Việt Nam cho
rằng các Chúa Nguyễn và các Vua Triều Nguyễn đã tuyên bố và thực thi chủ quyền
tại quần đảo Hoàng Sa kể từ thế kỷ 17.
Từ năm 1974,
Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn quần đảo sau một trận hải chiến với Việt Nam
Cộng Hòa. Tuy nhiên, cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc đối
với Hoàng Sa vẫn tiếp diễn từ đó đến nay.
Dĩ nhiên mỗi bên
đều cho rằng mình có chủ quyền đối với Hoàng Sa và do vậy vùng nước xung quanh
là của mình. Tuy nhiên, theo quan điểm của luật quốc tế thì quần đảo Hoàng Sa
và lãnh hải 12 hải lý là vùng tranh chấp.
Vì vậy, theo
luật quốc tế Việt Nam và Trung Quốc có nghĩa vụ phải giải quyết các tranh chấp
bằng phương cách hòa bình theo Điều 33 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.
Trong quá trình
giải quyết tranh chấp đó, hai bên có nghĩa vụ không làm xấu và phức tạp thêm
tình hình. Nhưng Trung Quốc chưa bao giờ chấp nhận giải quyết tranh chấp bằng
đàm phán đàm hoặc để cho tòa phân xử.
Thậm chí, Trung
Quốc còn cho rằng không tồn tại tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và
hành xử hoàn toàn đơn phương. Tuy là một thành viên thường trực của Hội Đồng
Bảo An Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc tỏ ra không tôn trọng Hiến Chương Liên Hiệp
Quốc một cách thích đáng.
Không khai thác
Nếu quần đảo
Hoàng Sa được cho là có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) bên ngoài 12 hải lý, có
thể ở một mức hữu hạn nào đó, thì vùng EEZ đó cũng là một vùng nước đang trong
vòng tranh chấp.
Theo luật quốc
tế, UNCLOS đòi hỏi các bên trong tranh chấp kiềm chế thực hiện các hành động
đơn phương có thể dẫn đến một thay đổi lâu dài đối với môi trường biển trong
vùng EEZ đang bị tranh chấp, bao gồm khoan dầu khí.
Như vậy, nếu như
Hoàng Sa có được quy chế EEZ, có thể ở một mức hữu hạn nào đó, thì cả Trung
Quốc và Việt Nam- hai bên ký kết UNCLOS, đều phải tuân theo công ước này và
phải kiềm chế việc khoan dầu khí.
Ngoài khía cạnh
pháp lý, tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông 2002 (Declaration of
Conduct of Parties in the South China Sea -DOC) ghi nhận “Các bên liên quan có
trách nhiệm ứng xử tự kiềm chế đối với các hành động có thể làm phức tạp hay
gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định chung và giữa các nước
với nhau”.
Trong phản đối
ngày 31/8/2012, Việt Nam cũng đã tố cáo lời mời thầu đối với Lô 65/12 là đã đi
ngược lại tinh thần của DOC. Trung Quốc thường cho rằng Hoàng Sa không phải là
lãnh thổ bị tranh chấp chủ quyền cho nên các điều khoản của DOC về tranh chấp
không áp dụng.
Vào tháng 3/2012
Việt Nam cũng phản đối lời mời đấu giá của CNOOC đối với Lô 65/24 cách quần đảo
Hoàng Sa một hải lý. Những sự kiện tương tự và việc Trung Quốc liên tục bắt giữ
các tàu cá Việt Nam hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa đã và sẽ là một trong những
nguồn gốc của căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Đối với quần đảo
Hoàng Sa, nếu Hiến chương Liên Hiệp Quốc được tôn trọng, và cả UNCLOS, trong
trường hợp Hoàng Sa được cho là có EEZ ở mức nào đó, thì điều đó sẽ giúp tránh
bớt những vụ căng thẳng giữa hai nước láng giềng này.
No comments:
Post a Comment