Thursday, 6 September 2012

BÀI HỌC TỪ CÔNG ĐOÀN ĐOÀN KẾT (Padraic Kenney - Đại Học Indiana, Hoa Kỳ)





Padraic Kenney
Gửi cho BBC Tiếng Việt từ Đại học Indiana, Hoa Kỳ
Cập nhật: 13:16 GMT - thứ bảy, 1 tháng 9, 2012

Ngày 31/8 năm nay, Ba Lan kỷ niệm 32 năm ngày chính quyền Cộng sản Ba Lan ký thỏa thuận với công nhân, cho phép thành lập một công đoàn mới không bị chính quyền kiểm soát.

Đoàn kết, tên gọi của tổ chức công đoàn Ba Lan mà sau đó trở thành lực lượng chống chế độ Cộng sản lớn nhất thế giới, bắt đầu là một lý tưởng, một lời kêu gọi phẩm chất hy sinh vì nhau.

Tên gọi này nói lên cuộc đấu tranh tìm kiếm sự đoàn kết trong phe đối lập không chỉ ở Ba Lan mà cả Đông Âu.
Nhưng giống như mọi lý tưởng, nó chỉ đôi khi mới mô tả đúng thực tế, và đôi khi giá trị mà từ này gợi lên không hẳn đúng là cái phe đối lập cần.

Không xã hội nào có cuộc kháng cự Chủ nghĩa Cộng sản liên tục như người Ba Lan – nhưng lý tưởng đoàn kết có thật cần cho cuộc đấu tranh ấy? Bài viết này sẽ xem xét lại các bài học của Công đoàn Đoàn kết vượt khỏi cuộc đấu tranh đã sản sinh ra nó.

Lịch sử đối kháng
Hay nhất là chọn câu chuyện đối lập chống Cộng sản ở Đông Âu vào thời điểm khi phe đối lập thôi không còn cố cải tổ hệ thống.

Tại Ba Lan, thời điểm đó là những năm 1968-1970. Trước thời khắc đó, thật khó hình dung một lựa chọn khác, dù bạn là người ủng hộ hay phản đối chế độ. Nhiều trí thức là đảng viên, hoặc xuất thân trong môi trường gần với Đảng, và thấy chủ nghĩa cộng sản đang giúp hiện đại hóa một đất nước chia rẽ sắc tộc và chủ yếu làm nông nghiệp. Còn xã hội thành thị, nay đã công nghiệp hóa, đã quen với “Sự Bình ổn Nhỏ” của thập niên 1960.

Khi bất mãn xuất hiện, không phải lúc nào họ cũng đi chung với nhau. Công nhân giận dữ vì khoảng cách giữa lời hứa của chế độ và thiếu thốn triền miên, trong khi trí thức đòi tự do ngôn luận và tôn trọng truyền thống dân tộc. Các cuộc đình công, biểu tình, tuần hành, kháng thư, thư ngỏ, báo chí chui, nghệ thuật phản kháng – những hình thức này xuất hiện ở Ba Lan trong thập niên 1970, thường là trong các nhóm chẳng có gì chung với nhau.

Trong hồi ký, Jacek Kuron, sau này là thành viên Công đoàn Đoàn kết và rồi là Bộ trưởng Lao động trong chính phủ hậu Cộng sản đầu tiên, nhớ lại khoảnh khắc khi các xu hướng chia lìa này đến với nhau. Tại một buổi ăn tối của giới trí thức Warsaw, ngay sau khi lãnh đạo Cộng sản loan báo đợt tăng giá mới tháng Sáu 1976, ông đặt ra hai câu hỏi cho các vị khách: liệu công nhân có tiếp tục đình công như những lần tăng giá trước? và nếu nó xảy ra, trí thức cần làm gì?

Công nhân quả thực đình công, còn Kuron và những trí thức khác lần đầu tiên đi giúp đỡ họ. Họ thành lập Ủy ban Bảo vệ Công nhân (KOR), quyên tiền cho đời sống và trợ giúp pháp lý cho công nhân. Bằng cách này, KOR xây dựng quan hệ với công nhân và khuyến khích họ thành lập các công đoàn chui. Như Kuron kể lại, công nhân đừng nên phóng hỏa các cơ quan nhà nước – như năm 1970 và 1976, khi người đình công đốt trụ sở Đảng ở nhiều thành phố - mà hãy nên thành lập ủy ban của riêng mình.

Bốn năm sau, khi một đợt tăng giá lại gây sốc cho xã hội Ba Lan, và các cuộc đình công nổ ra khắp nước, giới trí thức thủ đô Warsaw và công nhân hợp tác với nhau ngay từ đầu. Họ cùng thảo các yêu sách, cùng thương lượng với giới chức để lập ra công đoàn độc lập, Công đoàn Đoàn kết. Chỉ sau ba tháng khi thành lập tháng Tám 1980, tổ chức này nói họ có gần 10 triệu thành viên, chiếm một nửa dân số trưởng thành – gồm cả công nhân, nông dân, người làm văn phòng. Mặc dù chế độ đàn áp vào tháng 12/1981, tuyên bố thiết quân luật và giam giữ hàng ngàn thành viên Công đoàn, nhưng không thể kiểm soát tình hình. Các cuộc biểu tình năm 1988 đã buộc chế độ đàm phán với các lãnh đạo công đoàn, những người từng bị họ cầm tù, và Công đoàn Đoàn kết sẽ dẫn dắt con đường đi đến dân chủ.

Đoàn kết hay Chia rẽ?
Phác họa vừa kể về hai thập niên đấu tranh là chính xác nhưng chưa đầy đủ, vì di sản Công đoàn Đoàn kết đặt một gánh nặng lên những người chiến thắng của giai đoạn 1989-90.

Họ đã chiến thắng cùng với nhau, dưới tấm biển đoàn kết. Công đoàn Đoàn kết dường như là một cái gì đó mới mẻ, một phong trào phi bạo lực đã lật đổ độc tài. Khi rạn nứt xuất hiện vào mùa thu 1989, người Ba Lan tự hỏi có phải cơ hội lịch sử đã để mất. Làm sao các đồng minh gần gũi, từng đi tù với nhau, chiếm nhà máy với nhau, cùng nhau biên tập báo chui, nay lại tách thành các đảng bình thường, xé rách di sản đẹp đẽ kia?

Trong hai thập niên vừa qua, Công đoàn Đoàn kết đã không còn gì giống trước, các đồng minh nay trở thành kẻ thù của nhau.

Vì thế câu chuyện về sự thất bại của Chủ nghĩa Cộng sản ở Ba Lan cũng là dịp để xem phe đối lập nên hoạt động thế nào. Đoàn kết quan trọng đến đâu, và các phe nhóm bên trong đối lập nguy hiểm thế nào? Người ta có thể hợp tác với những ai khác biệt quan điểm hay không?

Thách thức mà đối lập Ba Lan đối diện và vượt qua được, chính là làm sao dung thứ sự chia rẽ trong phong trào và thừa nhận không phải ai cũng chia sẻ cùng mục tiêu. Rốt cuộc, chia rẽ quan điểm trở thành sức mạnh của đối lập.
Một bất đồng căn bản là giữa nhóm cánh hữu quyết bảo vệ và thúc đẩy truyền thống dân tộc, và cánh tả lấy căn bản đấu tranh từ chủ nghĩa xã hội. Cánh hữu xem Giáo hội Công giáo là chìa khóa của việc chống Cộng, còn cánh tả lại nghi ngờ sâu sắc vì nhớ đến chế độ độc tài cánh hữu thập niên 1930. Và cả phe hữu lẫn tả đều thấy khó tìm ngôn ngữ chung với công nhân.

Tất cả những điều này thay đổi trong thập niên 1970. Một mặt, các trí thức cánh tả quan trọng như Kuron nghĩ lại về chủ nghĩa dân tộc. Trong hồi ký, Kuron cho biết khi ở tù, ông có thời gian hiểu rõ hơn phe đối lập theo chủ nghĩa dân tộc, và dần dần hiểu và tôn trọng cốt lõi đạo đức trong chính trị của họ. Mặt khác, nhiều trí thức Công giáo và cả lãnh đạo Công giáo, như Hồng y Karol Wojtyla, tìm thấy ngôn ngữ chung về trách nhiệm xã hội với phe cánh tả thế tục. Khi Wojtyla trở thành Giáo hoàng Pope John Paul II năm 1978, ngài là biểu tượng cho sự đoàn kết này.
Vì vậy Công đoàn Đoàn kết dường như đáp ứng giấc mơ tập thể của người Ba Lan. Các lãnh đạo của họ, nổi bật nhất là người thợ điện Lech Walesa, biết rõ xung đột nội bộ. Trong khi nổ ra đình công hay biểu tình, mọi chia rẽ phải được giải quyết hoặc tạm gác. Nhưng sự việc có khác đi khi Công đoàn Đoàn kết trở thành tổ chức tầm quốc gia, đặc biệt vì các nhà sáng lập chịu ảnh hưởng sâu sắc của lý tưởng dân chủ tham gia. Tháng Chín 1981, tại đại hội của Công đoàn Đoàn kết, tranh luận về những vấn đề nhỏ nhất – như công đoàn có nên đòi giảm giá thuốc lá – kéo dài đến khuya, để bất cứ ai muốn nói cũng có cơ hội trước microphone.

Điều này có thể không giúp Công đoàn Đoàn kết trở thành đối thủ có hiệu quả của chế độ Cộng sản, nhưng nó giúp họ khẳng định chính họ mới là tiếng nói của toàn dân Ba Lan. Họ đem lại cho người Ba Lan một lựa chọn khác, phá vỡ sự độc quyền ở nơi làm việc, trường học và đời sống công.

Như vậy, sự đoàn kết của Công đoàn là yếu tố tối quan trọng cho phe đối lập. Nhưng đó không phải là lý do khiến sự chuyển giao sang dân chủ ở Ba Lan thành công. Các nước như Nam Phi, nơi độc tài bị một phong trào duy nhất đánh đổ, đã kém may mắn hơn khi chuyển sang dân chủ. Thành công của Ba Lan liên quan nhiều hơn đến những gì mà giới đối lập học được sau Công đoàn Đoàn kết.

Khi thiết quân luật ban hành năm 1981, sự kiện này khiến đối lập Ba Lan đoàn kết hơn bao giờ hết. Mọi chia rẽ về chiến lược hay ý thức hệ biến mất trong các trại giam mà chính quyền lập ra mùa đông năm ấy. Nhưng những bất đồng về chiến lược cũng nhanh chóng xuất hiện. Có hai dạng bất đồng, và tất cả đều có ảnh hưởng đến việc Ba Lan sẽ xử trí quá trình chuyển đổi chính trị như thế nào vào cuối thập niên 1980.

Một chia rẽ là giữa những người tin rằng phải đối đầu trực tiếp với chế độ, với những người ủng hộ đi đường trường. Nhóm thứ nhất tin rằng vẫn cần phải hoạt động chui, còn nhóm kia ngày càng đề nghị tìm ra cách hoạt động công khai.

Sự chia rẽ thứ hai, xoay quanh mục đích, có tác động sâu sắc hơn. Một số người tin rằng mục tiêu của toàn phe đối lập không thay đổi, đó là giải phóng xã hội về chính trị, văn hóa và kinh tế. Chương trình nào không đóng góp trực tiếp cho mục tiêu ấy thì là đe dọa. Nhưng ngày càng nhiều các nhà hoạt động bắt đầu cho rằng họ cũng còn những mục tiêu khác quan trọng phải làm ngay.

Một ví dụ là phong trào môi trường, xuất hiện ở Ba Lan năm 1986 sau vụ nổ hạt nhân Chernobyl ở Liên Xô. Rõ ràng việc đòi đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm không dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản. Tương tự là phong trào cổ vũ doanh nghiệp, do một triết gia Miroslaw Dzielski khởi xướng. Ở cả hai trường hợp, các phong trào này bắt đầu trong những người bất mãn với ưu tiên chính trị của ban lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết. Khi các nhà hoạt động môi trường của nhóm Tự do và Hòa bình đòi đóng cửa một nhà máy hóa chất gần thành phố Wroclaw, có phải chuyện này đe dọa chính người công nhân? Tệ hơn nữa, thủ tướng Cộng sản nhân dịp đó đã loan báo đóng cửa nhà máy, và cả Xưởng tàu Lenin ở Gdansk, nơi bắt đầu Công đoàn Đoàn kết.

Nhưng nhóm Tự do và Hòa bình, cùng với nhiều nhóm đối lập khác xuất hiện từ giữa thập niên 1980, đi theo một châm ngôn khác của Jacek Kuron, rằng đối lập cần “chơi nhiều đàn piano”. Không phải ai cũng quan tâm công đoàn, hay cảm động vì những kêu gọi xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc hay truyền thống tôn giáo. Những người như thế có thể hoạt động vì những giai điệu khác. Ví dụ, một nhóm bên trong Tự do và Hòa bình phản đối luật của của chính quyền Cộng sản dễ dàng cho phép phá thai, trong khi đa số đồng chí của họ tán thành. Dù vậy, họ vẫn tiếp tục hợp tác trong các cuộc phản đối mà họ có thể đồng tình với nhau.

Thách thức mà đối lập Ba Lan gặp phải trong thập niên 1980 không phải là duy trì đoàn kết bằng mọi giá, mà là học cách dung thứ những cách tiếp cận khác nhau. Họ thừa nhận tất cả cùng có thể đạt được hai mục tiêu chính: khuấy động nhân dân công khai bày tỏ niềm tin và quan ngại, và thông qua đó mà biểu lộ sự chống đối chung trước chế độ Cộng sản.

Đây cũng chính là ‎‎ý nghĩa ca xã hi dân s: mt cái ch tư tưởng và hot động mà không ai độc quyn. Có l bước đầu tiên phi là đoàn kết. Ch như thế mi có th bt đầu mt quá trình mâu thun hơn để xây dng xã hi dân s đa nguyên.

Sự kết hợp các mục tiêu chung và chia rẽ này là một trong những nguồn gốc dẫn tới thành công của dân chủ Ba Lan sau năm 1989.

Padraic Kenney, giáo sư khoa Lịch sử Đại học Indiana, Hoa Kỳ, đã viết nhiều tác phẩm về Ba Lan và Đông Âu. Bài viết này là một phần trong loạt bài về chủ đề phản kháng trong các xã hội Cộng sản ở châu Âu và Trung Quốc, do Lê Quỳnh thực hiện.


Các bài liên quan :




No comments:

Post a Comment

View My Stats