Wednesday, 5 September 2012

TRÍ THỨC TAY SAI (Hy Văn)





Hy Văn
Thứ Năm, 06/09/2012

Có vẻ như sau khi khái niệm về trí thức của GS Châu bàn cách đây ít lâu, nó đã có tác dụng mạnh mẽ đến hàng ngũ tinh hoa đi tìm những định nghĩa riêng biệt về trí thức trên những hệ thống quan điểm và nhân sinh quan của mình. Bài viết [1] của TS Giáp Văn Dương chắp cánh thêm sự mỉa mai về một đội ngũ trí thức đang phụng sự quyền lực, dù không trực tiếp nhưng ai cũng có thể cảm nhận đó là sự biểu hiện dứt khoát về thói bợ đỡ trong hàng ngũ mang danh trí thức sống bằng tiền thuế của dân nhưng lại công kích những giá trị mà nhân dân đáng được hưởng. Trí thức cận thần là một dị dạng của trí thức trong bộ máy công quyền, bài viết này, thay vì tiếp lời TS Dương, tôi muốn chia sẻ một chút về trí thức.

Làm sao nước Nhật có trí thức độc lập
Fukuzawa Yukichi (1835-1901) là một trí thức độc lập điển hình, ông không chỉ độc lập trong tư tưởng và quan điểm, ông còn sống được, làm được những điều lớn lao mà không cần nhờ sự bố phát của chính quyền. Suốt cuộc đời của con người không mang trên mình bất cứ danh hiệu, tước vị nào lại trở thành cánh chim đầu đàn dẫn dắt nước Nhật lên hàng cường quốc, ảnh hưởng của ông chân chính và rộng rãi như hàng triệu đồng Yên một vạn. Tuy nhiên, để có thể xuất hiện những người như ông, ngoài cái tinh thông học hành, ông còn được sự trợ giúp rất lớn của xã hội Nhật trong buổi bình minh lấp lóe:

- Trí thức Nhật trong nhiều thế kỷ tiếp nhận Nho giáo một cách chủ động, thấy cái gì mới thì họ học, hay thì họ mới vận dụng, chứ không rập khuôn máy móc. Truyền thống này gây dựng ra một đội ngũ tinh anh kế thừa liên tục những tư tưởng tân tiến, Nhật vốn không phải là cái nôi của sự sáng tạo, nhưng trớ trêu thay, những nhà cách tân Khổng giáo của Trung Quốc bị vứt bỏ tại quê hương của mình như Mặc Tử, Vương Dương Minh thì lại cập bến và được tôn vinh tại Nhật. Đa số những trí thức lớn của Nhật buổi thời Minh Trị đều trưởng thành từ cái nền móng tư tưởng của mấy người này.

- Hệ thống cầm quyền Nhật không phải sử dụng trí thức nho học vào việc xây dựng và củng cố quyền lực như tại Việt Nam hay Trung Quốc, họ sử dụng trí thức để giải quyết các vấn đề phát sinh trong xã hội. Hơn nữa, nước Nhật bị phân chia thành nhiều lãnh chúa xung khắc với nhau, các trí thức lại có thể đi lại từ phiên này sang phiên khác, vai trò trí thức cũng trở nên có giá hơn, họ thi thố tài năng nhiều hơn, đấy chính là điểm làm cho trí thức Nhật không dễ bị chính trị áp đặt lên đầu họ.

- Điền chủ, các phiên ở Nhật từ lâu đã biết trọng dụng bọn nho quan vào sản xuất kinh doanh sinh lợi. Nên bản thân đội ngũ trí thức đã được rèn luyện để có thể sống bằng kiến thức thực tế của mình mà không chỉ suốt ngày chỉ biết trích cú văn chương, giáo lý để tham vấn cho tầng lớp cai trị. Một xã hội biết trọng trí thức trong cơ cấu kinh tế quốc gia thì không có lý gì để họ không tự tin sống độc lập mà không cần lương bổng của nhà nước. Bản thân Fukuzawa Yukichi cũng là một tay doanh nhân thành đạt.

- Nước Nhật buổi đầu canh tân (1868) đã tạo ra một cơ chế mà không gian tư được tự do hoạt động. Không có cấm đoán trong việc tư nhân báo chí, xuất bản, dịch thuật, diễn thuyết, mở trường, dạy học, tư vấn… vốn là đất sống của tầng lớp trí thức. Thử hỏi Nguyễn Trường Tộ có thể sống được bằng những nghề lạ lẫm này trong khi bị cấm đoán dưới triều Nguyễn hay không?
Dù thời thế bây giờ đã khác, nhưng muốn có được hàng ngũ trí thức độc lập như Fukuzawa Yukichi, một số điểm trên vẫn còn nguyên giá trị. Không thể có trí thức độc lập nếu không có môi trường và pháp chế nuôi nấng nó.

Trí thức trong bộ máy công quyền
Nếu như nhà nước không có đội ngũ trí thức giúp việc cho đến quan lý thì nó không thể vận hành được. Hơn nữa, vì vai trò đặc biệt của nhà nước mà xã hội không thể gạt bỏ trí thức ra khỏi nhà nước. Thế mà, đã có những lúc đất nước ta “đào tận gốc, trốc tận rễ”, thật không thể có cái ngu muội nào hơn vậy. Tần Thủy Hoàng có thể chôn hàng triệu trí thức, đốt hàng vạn tấn sách vở thì chế độ của ông ta cũng không tồn tại được lâu hơn, và trí thức lại cứ sinh ra từ nhân dân, tên bạo chúa thì bị nguyền rủa đến muôn đời.

Vậy cho nên lẽ thường tình sẽ sinh ra trí thức nhà nước, đã là nhà nước thì ít hay nhiều anh đều phải chịu sự chi phối của quy định của nhà nước. Nguyễn Trường Tộ không thể nào diễn thuyết cho các quan nghe, kêu gọi nhân dân thay đổi, mở trường dạy những cái tân tiến, trong khi điều lệ của triều Nguyễn không cho phép ông ta làm vậy. Tuy nhiên, nói như vậy để có thể mặc định rằng trí thức nhà nước thì không thể đưa những cái tốt đẹp và tiến bộ đến với xã hội. Chúng ta hãy xem hai trí thức nổi trội cùng thời Fukuzawa Yukichi phục vụ trong hệ thống công quyền đã góp phần vào sự nghiệp lớn lao của mình vào buổi đầu Minh Trị ra làm sao:

- Arinori Mori (1847-1889), ông là một nhà Tây học và chịu nhiều ảnh hưởng của trào lưu Khai Sáng lúc bấy giờ, ông từng làm Bộ trưởng Giáo dục của Nhật trong chính quyền Meiji, thành viến sáng lập của hội trí thức duy tân Meirokusha. Ông là tiêu biểu cho sự thành công của một trí thức nhà nước nhưng có tư tưởng độc lập. Ngoài việc tham gia điều tính chính sách nhà nước, ông còn viết những bài tham luận mang tư tưởng canh tân, thậm chí ông còn thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn báo chí, sáng lập trường quốc doanh là Shoho Koshujo [2], nơi đây trở thành lò đào tạo các nhà chính trị Nhật chẳng kém cạnh trường tư thục Keio của Fukuzawa Yukichi.

- Itagaki Taisuke (1837-1919), thành viên Hội đồng nhà nước, cựu Bộ trưởng Nhật, sáng lập Đảng Tự do, là một trí thức thực thụ. Ông là người cổ vũ mạnh mẽ quyền con người, những lúc mâu thuẫn kịch liệt với chính quyền khi Meiji tăng cường các biện pháp độc tài, ông đã đứng ra lãnh đạo Quyền Tự do và Phong trào nhân dân trong cuối thập niên 1870s và 1880s. Teisuke là biểu tượng cho tinh thần trí thức nhà nước cương quyết, không bởi vì những điều luật vô lý mà phục tùng, ông rời bỏ nó và đứng về quần chúng để phản kháng chống lại bất công của chính sách cai trị. Khi bị mưu sát bất thành, đứng trước tên sát thủ, ông hét to “Itagaki có thể chết, nhưng tự do không bao giờ”, đó là sự biểu hiện của tinh thần bất khuất mà một trí thức đích thực dám xả thân vi dân chúng khi chính sách tàn bạo chống lại nhân dân. Vì vậy, Itagaki sánh ngang Fukuzawa Yukichi trên những đồng Yên 50, 100 vinh danh ông.

Rõ ràng, trí thức nhà nước vẫn có chỗ để phát huy và đóng góp to lớn cho lịch sử quốc gia. Nếu như họ hành động bằng trái tim vì những giá trị tiến bộ, vì tâm vọng của nhân dân và vì dũng khí của một bậc sỹ phu.

Trí thức tay sai
Người trí thức khi đã không còn giữ được sự độc lập trong tư tưởng, thì chắc chắn sẽ biến mình thành công cụ hữu hảo cho lực lượng cầm quyền khai thác một cách vô thức. Nhưng, trong xã hội ta đang tồn tại một dạng tâm lý nguy hiểm của trí thức tay sai:

- Tự nguyện hiến dâng mình cho kể cầm quyền. Đây là một trạng thái tư tưởng phổ biến do hệ thống Nho học và giáo điều truyền lại. Bản thân người trí thức này không có khả năng tin vào những giá trị tốt đẹp mà mình học được có thể vận dụng vào chính sách hợp lý, họ quay sang làm bảo hộ lực lượng lãnh đạo bằng những tuyên ngôn của cách mạng, biến nó thành thứ chân lý của chung rồi nhai lại một cách trơn tru để mua lòng cấp trên. Những trí thức này sẽ chẳng bao giờ bị quở trách, sự việc ăn theo nói leo của họ lâu dần thành một thói quen, biến thành bản năng từ khi nào không hay. Cái tai hại là nó làm cho kẻ cầm quyền luôn nghĩ rằng họ đúng, hiểu lý lẽ thế gian, đâm ra họ quay lại khinh miệt trí thức, xem nó là “cục phân” không hơn kém. Đây có lẽ là hậu quả bi đát mà trí thức tại những quốc gia độc tài đang thụ hưởng. Xót xa thay!

- Trốn chạy và bỏ mặc đất nước. Khi thấy xã hội nhiều nhương, thời buổi loạn lạc, giáo lý bị chà đạp, một đội ngũ trí thức rơi vào trạng thái im lặng, ẩn dật, lúc nào đó muốn chứng tỏ mình còn tồn tại lại viết mấy chương tấu trình, kiến nghị. Được chăng hay chớ, lẽ thường những người này vốn không thích ganh đua, họ thấy sức mềm lực yếu không thể thắng được cường quyền nên nhắm mắt làm ngơ đợi chờ thế sự. Hoặc không, họ sẽ vùi đầu vào lĩnh vực chuyên môn, lấy những biện lẽ nghành nghề để trốn tránh một cách khéo léo. Suy cho cùng, trí thức mà không góp tiếng nói của mình cho quyền lợi của dân chúng và quốc gia chẳng xứng với cái danh.

Vậy, Nguyễn Trường Tộ là trí thức gì
Nếu định nghĩa rằng, trí thức cận thần là “Viết tấu trình và chờ đợi sự sáng suốt của nhà Vua” quả không sai. Song, nếu đặt vào lịch sử, bối cảnh và văn hóa của nước nhà thời điểm đó, ông khó lòng tiến tới một trí thức thành công được. Đánh giá một con người của lịch sử để soi chiếu ngày hôm nay, liệu chúng ta đã là trí thức độc lập chưa, có còn trí thức cận thần, trí thức tay sai nữa hay không? Muốn cho vị trí và vai trò của trí thức được lớn hơn trong xã hội, và cũng là để sản sinh ra những bậc trí thức lớn chúng ta không thể bỏ mặc làm ngơ hai vai trò song song:

- Mạnh dạn truyền tài và bồi đắp những giá trị mà mình cho là hay đến với dân chúng. Hãy tranh biện nhiều hơn để làm tỏ rõ phải trái, đúng sai vạch đường chỉ hướng cho dân.

- Bày tỏ thái độ chính trị để giúp hệ thống thể chế mang lại nhiều quyền lợi cho dân chúng hơn. Dù muốn hay không thì chính trị vẫn luôn can thiệp vào đời sống và tạo ra không gian sinh hoạt của cộng đồng.

Tôi không chắc, mình có thể đưa ra được ý kiến chính xác, nhưng tôi tin rằng, nếu trí thức im lặng hoặc đứng về những lý lẽ bất công sẽ còn có thêm những Nguyễn Trường Tộ khác. Rất sáng, như một ngôi sao băng trong màn đêm dày đặc!

03/9/2012
[1] Bài “Học gì từ Nguyễn Trường Tộ” của Giáp Văn Dương.
[2] Tiền thân của trường Hitotsubashi.








No comments:

Post a Comment

View My Stats