BBC
Cập nhật: 11:30 GMT - thứ tư, 19 tháng 9, 2012
Việt Nam bị cáo
buộc gia tăng đàn áp giới phóng viên và blogger, theo báo cáo ra ngày 19/9 của
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ).
Tổ chức đặt trụ
sở ở New York nói “với ít nhất 14 phóng viên đằng sau song sắt, Việt Nam là
nước cầm tù báo chí tệ thứ hai châu Á, chỉ sau Trung Quốc”.
Tác giả báo cáo,
Shawn W. Crispin, nói ông đã phỏng vấn 32 blogger, nhà báo, biên tập viên cả
trong và ngoài Việt Nam.
Các cuộc phỏng
vấn “cho thấy chính phủ ông [Nguyễn Tấn] Dũng đã gia tăng đàn áp”.
Tác giả cho biết
văn phòng Thủ tướng Việt Nam “không hồi âm lá thư của CPJ xin đề nghị bình luận
về bản báo cáo này”.
Giam cầm blogger
Báo cáo mở đầu
bằng câu chuyện về blogger Nguyễn Văn Hải, được biết đến qua bút danh Điếu Cày,
bị bắt hồi năm 2008. Ông Điếu Cày đã tham gia và tường thuật về các cuộc biểu
tình chống Trung Quốc năm 2007.
Theo CPJ, con
trai ông, Nguyễn Trí Dũng, kể công an Việt Nam nói rằng “nếu họ không kịp bắt
bố tôi, nó sẽ làm Trung Quốc thất vọng và sẽ gây chiến, rồi đất nước sẽ còn mất
lãnh thổ. Rõ ràng chuyện đó không đúng.”
Ông Điếu Cày đã
bị xử 30 tháng tù giam vì ‘tội trốn thuế’ và đến ngày 19/10/2010
thì mãn hạn nhưng tiếp tục bị giam cho đến tận bây giờ.
Phiên tòa xử ba
blogger, Điếu Cày, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần đã ba lần đình hoãn và theo tin
mới nhất, có thể diễn ra vào ngày 24/9.
Báo cáo của CPJ
cho rằng sự kiểm soát truyền thông ở Việt Nam thuộc trong số “nghiêm ngặt và
thô bạo nhất châu Á”.
Họ ghi nhận tất
cả các ấn phẩm tin tức ở Việt Nam đều thuộc sở hữu và kiểm soát của chính phủ.
“Có chừng 80 tờ
báo phát hành, trong đó hơn chục tờ có tầm cỡ toàn quốc...Các ấn phẩm thường có
liên hệ với những tổ chức hoặc cơ quan gắn kết với Đảng Cộng sản, trong khi tin
tức và bình luận thường bị bóp méo để phục vụ các phe phái, hoặc công kích các
đối thủ trong đảng, đặc biệt trong thời gian sắp diễn ra Đại hội Đảng năm năm
một lần.”
Mặc dù chính phủ
không thừa nhận có danh sách “đen” những phóng viên đi chệch chỉ thị của đảng
hay có quan hệ với giới bất đồng chính kiến, nhưng những phóng viên nói chuyện
với CPJ lại khẳng định là có.
Một nữ phóng
viên tin rằng cô bị cho vào danh sách hồi năm 2009 sau khi bị công an tạm giữ
và thẩm vấn vì viết blog về tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Cô nói kể từ đó,
chính phủ thường xuyên từ chối các đề nghị phỏng vấn và cấm cô tham dự các hội
nghị quốc tế.
‘Bốn điện thoại
di động’
Theo một số
người biên tập và phóng viên, các chủ đề bị cấm bao gồm hoạt động của bất đồng
chính kiến, tham nhũng cấp cao, chia rẽ trong Đảng Cộng sản, các vấn đề nhân
quyền, thái độ hoặc biểu tình chống Trung Quốc, chia rẽ hai miền Nam – Bắc, vân
vân. Gần đây khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, danh sách cấm lại bao gồm việc
phê phán điều hành kinh tế của chính phủ, tranh chấp đất đai, và các hoạt động
kinh doanh của con gái Thủ tướng.
CPJ dẫn lời một
nhà báo của tờ Tuổi Trẻ ở TP. HCM cho hay Ban Tuyên giáo Trung ương mới đây gọi
điện cho tòa soạn yêu cầu ngừng loạt bài đặt câu hỏi vì sao thuế thu nhập ở
Việt Nam cao hơn những nước láng giềng. Tòa soạn buộc phải ngừng giữa chừng mặc
dù đã chuẩn bị sẵn nhiều bài viết.
“Buổi sáng, anh
bắt đầu làm câu chuyện, đến trưa, người ta bảo dừng lại,” phóng viên giấu tên
này kể.
Các phóng viên
nói với CPJ rằng chính quyền vẫn theo dõi sự đi lại, trò chuyện qua điện thoại
và hoạt động trên mạng của họ.
Một nhà báo cho
hay ông có tới bốn điện thoại di động, trong đó ba là đăng ký theo tên người
khác, để tránh bị nghe lén, đặc biệt khi nói chuyện với sứ quán nước ngoài và
giới đối kháng.
Nhiều phóng viên
báo nhà nước, nói chuyện với CPJ, cho biết họ đã từng duy trì blog cá nhân, để
đăng những bài mà tòa soạn kiểm duyệt, hoặc phê phán cách tường thuật bị bóp
méo của chính báo nhà. Nhưng khi chính quyền gia tăng theo dõi blog, nhiều
người nói đã đóng blog vì sức ép chính quyền hoặc vì lo ngại bị đuổi việc.
Ông Huỳnh Ngọc
Chênh, khi còn là Thư ký Tòa soạn báo Thanh Niên, cho biết ông bị buộc đóng
blog vì sức ép chính quyền sau khi đăng nhiều chủ đề nhạy cảm, gồm cái mà ông
gọi là “thất bại của hệ thống chính trị”.
Sau khi về hưu,
ông Chênh mở lại blog và nay thường xuyên đăng các chủ đề không được báo chính
thống đụng đến.
“Khi còn là nhà
báo, có nhiều điều tôi muốn viết và đăng nhưng không được.”
“[Là một
blogger], tôi viết về những điều tôi thấy và bày tỏ ý kiến của mình,” ông Chênh
nói ông chưa bị quấy nhiễu vì viết blog và yêu cầu CPJ nêu rõ tên ông trong bản
báo cáo.
‘Uống cà phê’
Các phóng viên
nước ngoài thường trú ở Việt Nam đối diện những hạn chế kiểu khác. Công an theo
dõi họ bằng những buổi “uống cà phê” với trợ lý người Việt của họ.
Trong một buổi
cà phê, công an hỏi trợ lý của một tờ báo phương Tây là tại sao phóng viên tờ
này gặp một nhà báo người Việt – cô này nói chuyện này chứng tỏ công an chìm
theo dõi kỹ sự đi lại của phóng viên quốc tế.
Một trợ lý khác
của một hãng tin quốc tế nói ông có thể biết cuộc điện đàm nào ở tòa soạn bị
nghe lén thông qua các câu hỏi của an ninh khi “uống cà phê” hàng tuần.
Các phóng viên
nước ngoài phải xin phép Bộ Ngoại giao khi muốn tường thuật bên ngoài thủ đô Hà
Nội. Những người nói chuyện với CPJ than rằng đơn xin thường mất nhiều tuần,
thậm chí nhiều tháng, và khi nhận được giấy phép thì tin đã nguội mất.
Chính sách mâu
thuẫn
Theo CPJ, mặc dù
tồn tại những đe dọa công khai như thế, một số nhà quan sát nhìn thấy sự mâu thuẫn
trong chính sách truyền thông.
Nhà nghiên cứu
Geoffrey Cain nói tự do báo chí đã đi xuống từ năm 2006, sau khi hai phóng viên
của Tuổi Trẻ và Thanh Niên điều tra và rồi bị tù giam vì vụ PMU-18.
Nhưng ông Cain
tin rằng Đảng gần đây cho phép tự do hơn để tường thuật về tham nhũng cấp thấp,
mà ông gọi là “kiểm duyệt nửa vời cố ý”, để kỷ luật giới chức và công an cấp
tỉnh.
Các phóng viên
trong nước tin rằng đấu đá nội bộ trong Đảng cũng khiến các quyết định về báo
chí trở nên khó dứt khoát.
“Dường như ngày
càng ít liên hệ giữa các chủ đề tường thuật, hàm biên tập và khả năng phóng viên
gặp rắc rối. Đảng dùng sự bất an này để kiểm soát họ,” ông Cain nhận xét.
Dường như sự mâu
thuẫn này cũng có trong việc kiểm duyệt mạng. Giống như các tờ báo lớn, ba nhà
cung cấp dịch vụ Internet (ISP) chính thuộc kiểm soát của các phe nhóm khác
nhau trong Đảng Cộng sản. Các blogger cho hay mặc dù một số trang web bị một
ISP chặn, nhưng lại truy cập được nếu dùng dịch vụ khác – có vẻ phản ánh mâu
thuẫn nội bộ.
Một trợ lý của
tờ báo phương Tây ghi nhận hồi tháng Sáu khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật
Biển, trang web Quốc hội bị một ISP trong nước chặn, nhưng có thể truy cập ở
hai ISP khác.
Những tín hiệu
mâu thuẫn này duy trì văn hóa sợ hãi trong giới phóng viên.
“Thật khó đoán
vì ngay cả Đảng Cộng sản hình như cũng không biết họ đang làm gì,” một phóng viên
báo Pháp Luật nói với CPJ tại Hà Nội.
“Chúng tôi không
biết làm sao bảo vệ mình. Nỗi sợ lớn ngăn không cho chúng tôi lên tiếng...Ngay
cả lúc này, tôi không biết có bị nghe lén không,” người này kể.
No comments:
Post a Comment