Wednesday 12 September 2012

NHẬT BẢN MUA ĐẢO SENKAKU : TRUNG QUỐC DỌA "ĐANG CHƠI VỚI LỬA" (Hà Tường Cát / Người Việt)





Nhật mua đảo Senkaku :
Hà Tường Cát/Người Việt
Tuesday, September 11, 2012 7:10:58 PM

Mặc dầu lời cảnh cáo của Trung Quốc, hôm Thứ Ba chính phủ Nhật Bản ký hợp đồng mua quần đảo Senkaku với giá $25 triệu của sở hữu chủ người Nhật là gia đình Kurihara.

Chính quyền thành phố Tokyo, trong dự tính mua Senkaku, đã thuê mướn tàu Koyo Maru để đến khảo sát quần đảo vào hồi đầu tháng 9. (Hình: AP/Kyodo News)

Ngay sau đó chính quyền Bắc Kinh loan báo đã điều phái 2 tàu hải giám đến vùng biển này. Trong khi đó những cuộc biểu tình chống Nhật xảy ra ở nhiều thành phố Trung Quốc. Nhật báo Quân đội Nhân dân Trung Quốc lên án Nhật Bản đang “chơi với lửa” và phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc tuyên bố “dành quyền thi hành những biện pháp tương ứng cần thiết.”

Với những sự kiện ấy, vụ tranh chấp hải đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc hình như đang leo thang đến mức có thể xảy ra xung đột. Tuy nhiên xét trên những khía cạnh khác thì có thể là ngược lại với hình thức bề ngoài, vụ tranh chấp này sẽ không nổ lớn hơn mà đang đi dần tới chỗ tạm thời ổn định bằng phương cách duy trì nguyên trạng.
Trước hết, tại sao chính phủ Nhật Bản đã nhanh chóng quyết định mua quần đảo này? Thủ Tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda chỉ có một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC ở Vladivostok tuần trước, và người ta không thể biết hai bên có đề cập đến chuyện này hay không. Tuy nhiên Bộ Ngoại Giao Nhật Bản cho biết hôm Thứ Ba đã cử vụ trưởng vụ Á Châu đến Bắc Kinh thảo luận để “tránh những hiểu lầm và thiếu sự giải thích về vấn đề.”

Từ tháng 7, Thủ Tướng Noda đã hé lộ ý kiến chính phủ Nhật sẽ mua quần đảo. Truyền hình NHK khi loan tin ký hợp đồng mua bán với gia đình Kurihara hôm Thứ Ba, nói thêm rằng chính quyền trung ương Nhật Bản không có ý định phát triển Senkaku. Nhiều chuyên gia về chính trị và bang giao quốc tế giải thích rằng động thái này nhằm ngăn chặn ý định của thống đốc Tokyo, ông Shintaro Ishihara, người có khuynh hướng tích cực chống Trung Quốc và đã phát động cuộc gây quỹ được $18 triệu để mua quần đảo. Nếu thuộc sở hữu của thành phố Tokyo, quần đảo không có cư dân thường trú này sẽ được xây một ngư cảng và phát triển nhiều cơ sở hoạt động khác. Những việc như vậy là sự khiêu khích mạnh mẽ đối với Trung Quốc và sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước.

“Ishihara đặt chính phủ Nhật Bản vào một tình thế khó xử và đẩy họ tới chỗ phải có hành động hiện nay,” theo nhận định của bà Sheila Smith, thành viên cao cấp Hội Ðồng Bang Giao Quốc Tế ở Washington. Bà cho rằng phản ứng của chính phủ Nhật Bản để gạt Ishihara qua bên như vậy là một chiều hướng tốt. Ông này trước đây đã tuyên bố hy vọng sẽ đến thăm Senkaku vào tháng 10 và nếu chuyện này xảy ra, chắc chắn Trung Quốc sẽ rất tức giận. Theo lời bà Smith: “Nhật Bản không thể để cho vấn đề tranh chấp hải đảo gây trở ngại cho mối quan hệ với Trung Quốc, một đối tác mậu dịch tối thiết yếu. Tokyo cần phải giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn với Trung Quốc để bảo đảm rằng liên hệ kinh tế giữa hai quốc gia tiếp tục phục vụ những nhu cầu cho cả hai bên.”

Phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc tuy nhiên là điều dễ hiểu. Giáo Sư Carlyle Thayer trường Ðại Học New South Wales ở Australia, chuyên viên về các vấn đề an ninh khu vực, nói rằng: “Ðấy là cách đáp trả kiểu ăn miếng trả miếng vì Trung Quốc rất nhạy cảm về những chuyện chủ quyền.” Còn sự thật thì chỉ là trò biểu diễn thái độ coi bên nào sẽ cục cựa trước.

Lực lượng tuần duyên Nhật Bản nói họ sẽ không có biện pháp ứng phó nào đặc biệt đối với các tàu Trung Quốc nhưng sẽ tiếp tục theo dõi mọi diễn tiến. Ngược lại, tàu hải giám Trung Quốc là loại tàu bán quân sự võ trang nhẹ, có nhiệm vụ tuần tra bảo vệ duyên hải, ngăn chặn xâm nhập trái phép, xuất nhập cảng hàng lậu và thực hiện các hoạt động cứu cấp trên biển. Ðó không phải là những chiến hạm có khả năng hải chiến và theo dự đoán của Giáo Sư Thayer, các tàu này sẽ không đến gần dưới 12 hải lý thuộc vùng lãnh hải Senkaku.

Tân Hoa Xã cho biết tại Bắc Kinh khoảng 20 người tập họp phản đối trước tòa Ðại Sứ Nhật Bản và những cuộc biểu tình cũng diễn ra ở hai thành phố khác miền Ðông và miền Nam. Những hành động chống đối chỉ ôn hòa không xảy ra bạo động, những người biểu tình trương quốc kỳ Trung Quốc và cảnh sát đã ngăn chặn kịp thời một người định đốt cờ Nhật Bản.

Ngoại Trưởng Koichiro Gemba lập luận rằng việc chính phủ Nhật mua Senkaku là hành động nhằm “duy trì hòa bình và ổn định” cho vùng hải đảo có tranh chấp. Ông tuyên bố với các phóng viên: “Chúng tôi không thể làm thương tổn sự phát triển quan hệ điều hòa giữa hai nước vì vụ việc này. Hai quốc gia chúng tôi cần hành động bình tĩnh trong quan điểm và theo viễn cảnh rộng rãi hơn.”

Quần đảo Senkaku theo tên gọi của Nhật, Diaoyu hay Diaoyutai (Ðiếu Ngư Ðài) theo tên gọi của Trung Quốc và Ðài Loan, là một nhóm đảo nhỏ trong vùng biển Ðông Hải, phía Ðông Trung Quốc, Ðông-Bắc Ðài Loan và phía Bắc của hải đảo cuối cùng trong dãy đảo Ryukyu (Lưu Cầu) mà Okinawa là hòn đảo chính.

Quần đảo gồm 5 đảo và 3 mỏm đá trơ trụi, tất cả đều không có cư dân thường trú, đảo lớn nhất Uotsuri Jima chỉ rộng 4.32 km2. Nhóm đảo này ở cách xa Ðài Loan khoảng 120 hải lý, Okinawa 200 hải lý và lục địa Trung Quốc 200 hải lý.

Nhật Bản có đủ cơ sở pháp lý để xác định chủ quyền, nhưng chỉ trong lịch sử cận đại và hiện đại. Sau cuộc chiến tranh Trung-Nhật năm 1895, Trung Hoa phải nhượng cho Nhật Bản đảo Ðài Loan và quần đảo Lưu Cầu. Chính phủ Nhật Bản thời Minh Trị Thiên Hoàng đã sát nhập Senkaku vào lãnh thổ Nhật và người đầu tiên đến định cư lập nghiệp là công dân Nhật Koga Tatsushiro, một tài liệu còn lại là hồ sơ khai thuế bất động sản năm 1932. Ông mở một cơ sở chế biến cá ngừ và sau này người con của ông, Koga Zenji, tiếp tục công việc nhưng tới 1940 phải ngừng vì tình trạng chiến tranh.

Sau Thế Chiến II, Okinawa và các hải đảo lân cận bao gồm Senkaku đặt dưới quyền giám hộ của Hoa Kỳ. Nhiều tàu thuyền đánh cá thỉnh thoảng ghé vào đảo nhưng vẫn không có người nào ở lại đây. Năm 1972, Hoa Kỳ trao trả Okinawa và Senkaku lại cho Nhật Bản, Trung Quốc cũng như Ðài Loan không có phản ứng chính thức gì.

Koga Zenji sau đó bán đất trên đảo Uotsuri và các đảo khác cho gia đình Kurihara năm 1978, nhưng gia đình này không hoạt động khai thác gì ở đây. Ðến bây giờ chính phủ Nhật mua lại các hải đảo này, chỉ để xác lập quyền sở hữu (quốc hữu hóa), còn về chủ quyền Senkaku vẫn được coi là thuộc Nhật Bản.

Tranh chấp chủ quyền nổi lên từ hai thập kỷ gần đây khi phát hiện vùng biển Ðông Hải ngoài hải sản dồi dào là nơi có nhiều tài nguyên dầu khí. Trung Quốc và Ðài Loan đứng cùng về một phía, lập luận rằng căn cứ theo những tài liệu lịch sử từ thế kỷ 15, thời các triều đại nhà Minh và nhà Thanh, quần đảo Ðiếu Ngư đã thuộc về Trung Hoa, trong khi Nhật Bản chỉ có thể nói đến Senkaku từ 1895. (HC)







No comments:

Post a Comment

View My Stats