Wednesday, 12 September 2012

BÁC SĨ GIÚP TÌM BIN LADEN LÊN TIẾNG (BBC)





BBC
Cập nhật: 08:25 GMT - thứ tư, 12 tháng 9, 2012
Vị bác sỹ người Pakistan có công giúp đỡ Mỹ tìm diệt Osama Bin Laden đã lên tiếng phát biểu ông không hề biết mình đã bị Mỹ sử dụng để truy tìm Bin Laden.
Kênh truyền hình Mỹ Fox News cho biết trong một cuộc phỏng vấn từ trong nhà lao ở Peshawar, bác sỹ Shakil Afridi nói rằng kể từ sau vụ hạ sát Bin Laden hồi năm ngoái ông đã bị lực lượng tình báo Pakistan ‘bắt cóc và tra tấn’.
Ông này cũng được dẫn lời nói rằng cơ quan tình báo Pakistan ISI xem Mỹ là ‘kẻ thù số một’.

Có xác thực?
Tuy nhiên luật sư của Afridi nói với BBC rằng ông không tin tưởng vào tính xác thực của cuộc phỏng vấn này.
Luật sư Samiullah Afridi giải thích rằng thân chủ của ông bị ‘giám sát an ninh rất chặt chẽ’ và thậm chí có lúc còn không được gặp thân nhân và luật sư hàng tháng trời.
“Làm sao một nhà báo có thể tiến hành phỏng vấn ông ấy trong tù là ngoài sức tưởng tượng của tôi,” vị luật sư này nói.
Các quan chức của nhà tù nơi giam giữ Afridi khi được BBC liên lạc cũng bày tỏ ngạc nhiên về cuộc phỏng vấn này nhưng không loại trừ khả năng một chiếc điện thoại di động đã được tuồn vào buồng giam.
Vị bác sỹ này bị cáo buộc đã tìm cách lấy được mẫu ADN của người thân Bin Laden dưới vỏ bọc của một chương trình tiêm vaccine viêm gan siêu vi B giả.
Hồi tháng Năm ông bị kết án 33 năm tù cho tội tài trợ và ủng hộ một tổ chức vũ trang, tuy nhiên theo các phóng viên thì ai cũng biết rằng nguyên nhân ông bị trừng phạt là đã hỗ trợ cho Cục tình báo trung ương Mỹ CIA.
Cuộc phỏng vấn này được đăng tải ngay trước kỷ niệm 11 năm cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9 vào nước Mỹ trong lúc lãnh đạo hiện tại của al-Qaeda là Ayma al-Zawahiri xác nhận cái chết của một nhân vật cấp cao trong mạng lưới khủng bố này là Abu Yahya al-Libi trong một cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ trên lãnh thổ Pakistan hồi đầu năm.

‘Không ngờ là Bin Laden’
Từ nhà lao trung tâm Peshawar, bác sỹ Afridi nói ông đã không hề hay biết rằng CIA đang nhắm vào Bin Laden.
“Tôi không biết một mục tiêu cụ thể nào cả ngoài công việc mà tôi được giao,” ông nói với Fox.
“Tôi biết rằng có kẻ khủng bố nào đó đang ẩn náu trong khu nhà đó, nhưng tôi không biết là ai. Tôi đã bị sốc. Tôi không tin là mình đã tham gia vào vụ sát hại ông ấy (Bin Laden),” ông nói.
Ông cũng cho biết đã được CIA khuyên nên chạy đến Afghanistan.
Tuy nhiên, ông sợ phải băng qua một vùng biên giới đầy bất ổn và không nghĩ rằng mình phải bỏ trốn vì ông không cho rằng mình có liên quan đến cái chết của Bin Laden.
Bác sỹ Afridi bị bắt tại một chốt kiểm soát ở Hayatabad vào ngày 22/5 hồi năm ngoái, chỉ 20 ngày sau khi Bin Laden bị tiêu diệt.
Sau khi bị bắt ông cho biết đã bị bịt mắt trong suốt tám tháng và bị còng tay trong một năm trời trong một nhà tù nằm dưới trụ sở của ISI ở thủ đô Islamabad.
“Tôi đã phải quỳ trên gối và chỉ dùng miệng để ăn, như một con chó,” ông kể lại.
Trong suốt quá trình thẩm vấn ông đã bị tra tấn bằng điện giật và dí điếu thuốc đang cháy vào người, ông cho biết, vì ISI buộc tội ông đã giúp đỡ Mỹ truy tìm Bin Laden.
Ông thuật lại lời của các sỹ quan ISI: “Bọn Mỹ là kẻ thù số một của chúng tao còn hơn cả bọn Ấn Độ.”
Tuy nhiên, nhà phân tích độc lập Shaukat Kadir nói với BBC rằng mặc dù có thể cũng có những người có quan điểm như vậy trong lực lượng an ninh Pakistan nhưng số này chỉ là thiểu số.
 “Điều này không có nghĩa là phần lớn đều có suy nghĩ như vậy,” ông cho biết.
Bác sỹ Afridi nói bản thân ông ‘tự hào’ được làm việc cho CIA và sẽ giúp đỡ người Mỹ một lần nữa bất kể sự tra tấn về thể xác lẫn tinh thần mà ông đã phải trải qua.
“Tôi rất kính trọng và yêu quý người dân Mỹ,” ông được dẫn lời nói.

Tình cảnh tuyệt vọng?
Chính phủ Pakistan vẫn chưa có phản ứng chính thức về các cáo buộc của Afridi, tuy nhiên giới chức nước này vẫn luôn một mực nói rằng bất cứ nước nào cũng sẽ làm như cách mà họ đối xử với Afridi nếu họ phát hiện ra ai đó làm việc cho cơ quan tình báo nước ngoài.
Bình luận với BBC, luật sư của Afridi nói nếu cuộc phỏng vấn với Afridi là có thật thì chắc chắn ông này sẽ càng thêm khốn khó trong những ngày sắp tới.
Tuy nhiên luật sư cũng nói rằng cả bản thân ông cũng như gia đình của Afridi đều không thể xác nhận về cuộc phỏng vấn này.
Vụ sát hại Bin Laden đã gây ra một khủng hoảng ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Pakistan. Chính phủ Pakistan đã bị mất mặt nghiêm trọng khi phát hiện ra rằng lãnh đạo của tổ chức khủng bố al-Qaeda đang ẩn nấp ở Pakistan.
Tuy nhiên Islamabad cũng phản ứng chiến dịch tìm diệt Bin Laden trá hình của phía Mỹ là sự xâm phạm chủ quyền của họ.
Cả Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta của Mỹ đều đã nói rằng bắt giữ bác sỹ Afridi làm một sai lầm và kêu gọi thả ông ra.
Từ Islamabadm phóng viên BBC News Ilvas Khan nhận xét rằng có rất nhiều nghi vấn trong cuộc phỏng vấn Afridi của hãng Fox.
“Một vị giám thị nhà tù đã phán đoán rằng nếu có ai đó tuồn điện thoại vào cho Afridi thì người đó chỉ có thể một trong số những người thân mà đã vào thăm ông hai lần trong tháng Tám,” ông phân tích.
“Nhưng nhiều người sẽ hỏi tại sao những thân nhân này – một người anh, hai người chị và một người anh em họ – lại đánh đổi quyền được thăm gặp định kỳ mà họ phải vất vả lắm mới xin được sau một thời gian bị cấm?”
Một vấn đề nữa mà phóng viên Khan đưa ra là liệu bác sỹ Afridi có thật sự nói những gì như Fox tường thuật hay không?
“Nếu quả thế thì tại sao ông lại nói như thế bởi vì những gì ông phát biểu có thể trở thành rắc rối cho bản thân ông và gia đình,” ông giải thích.
“Một cách lý giải hợp lý là bác sỹ Afridi tin rằng ông đang ở trong tình cảnh tuyệt vọng và rằng nói ra mọi chuyện sẽ là cách tự vệ tốt nhất,” ông nói thêm.








No comments:

Post a Comment

View My Stats