Tuesday 11 September 2012

NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT & NGÀY YÊU NƯỚC 9/11 (Hiền Vy - RFA)





Hiền Vy, thông tín viên RFA
2012-09-11

Ngày 11 tháng 9 năm nay đánh dấu lần thứ 12 "Ngày Yêu Nước", tính từ ngày 4 chiếc máy bay dân sự bị quân khủng bố cưỡng chiếm để tấn công Hoa Kỳ năm 2001.

Một phụ nữ đứng tại nơi khắc tên chồng đã tử nạn trong biến cố 11/9 tại New York. Ảnh chụp hôm 11/9/2012.   AFP photo

Có 2977 người chết trong cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001. Đến ngày 25 tháng 10 cùng năm, Hạ viện Hoa Kỳ đã yêu cầu Tổng thống chỉ định ngày 11 tháng 9 hằng năm là "Ngày Yêu Nước" - Patriot Day, với tất cả 407 phiếu, không có phiếu chống. Tổng thống George W. Bush đã ký chấp thuận vào ngày 18 tháng 12 năm 2001.

Tại Hoa Kỳ, có người gọi ngày 11 tháng 9 là "Ngày Yêu Nước", có người gọi là "Ngày 9/11", có người gọi là September - Eleven ... Dù gọi là gì đi nữa thì với người Mỹ, đây là một biến cố quan trọng trong lịch sử Hoa Kỳ. Dù đã 11 năm trôi qua, nhưng sự kinh hoàng dường như chưa phôi pha trong lòng mọi người.

Hồi tưởng lại ngày này mười một năm trước, chị Khanh, từ tiểu bang Pennsylvania, cho biết là chị đã không thể tin được những gì chị thấy trên kênh truyền hình:
Lúc đó tôi đang ở nhà, chồng tôi gọi điện thoại về, bảo là mở TV ra. Tôi mở ra đúng vào lúc cái cái máy bay đâm vào tòa nhà thứ nhì. Tôi không tin vào mắt tôi nữa!

Còn chị Kim, từ phía bắc thành phố Dallas thì nói rằng chị không còn suy nghĩ được nữa, chỉ cảm thấy bất lực trước tình cảnh khinh hoàng của ngày hôm đó:
Mình không còn cảm giác nữa. Mình chỉ biết im lặng, không biết mình có làm gì được. Mình rất hồi hộp, rất đau lòng ...

Còn anh Tony Nguyễn, cư dân vùng Fort. Worth, tâm sự rằng, khi thấy máy bay lao vào hai tòa nhà ở NewYork thì anh lại có cảm tưởng là chiến tranh đang xảy ra tại Mỹ :
Cái cảm giác đầu tiên là giống y như hình ảnh người Nhật tấn công Trân Châu Cảng của nước Mỹ. Ý cháu muốn nói là một quốc gia khác đã có can đảm tấn công vào điạ phận nước Mỹ. Đó là một điều có lẽ cả trăm năm mới có một lần, nên khi thấy máy bay đâm qua tòa nhà ở Nữu Ước đó là cảm giác trộn lẫn giữa chiến tranh Việt Nam, mình có cảm tưởng là chiến tranh đang đến trên đất Mỹ. Đó là cảm giác rất lạ nên hôm đó, cháu gọi về cho vợ cháu nói là sửa soạn nước với gạo đi vì sắp có chiến tranh rồi. Chiến tranh thực sự đến đất Mỹ rồi đó ...

Hơn một tháng sau đó, Hạ Viện Hoa Kỳ đã kiến nghị lên tổng thống, yêu cầu chấp thuận ngày 11 tháng 9 hằng năm là "Ngày Yêu Nước" - Patriot Day. Ông Lê Phát Được có ý kiến về ngày này như sau:
Người Mỹ chọn 9/11 là ngày YÊU NƯỚC là rất đúng. Vì quân khủng bố HG đã chạm đến lòng ái quốc của dân Mỹ: Tấn công Ngũ Giác Ðài là biểu tượng siêu quyền lực của đất nước này. Phá hoại Tháp Ðôi ở New York là niềm hãnh diện của nước Mỹ, là biểu tượng của sức mạnh kinh tế-tài chính của Hoa Kỳ.

Anh Tony Nguyễn thì cho rằng, "Ngày Yêu Nước" là để cảnh tỉnh người Mỹ trước sự khủng bố của những người quá khích:
Đó chỉ là một hình thức để khơi dậy, để đánh thức người Mỹ nhận thức được là thực sự chiến tranh đã đến với nước Mỹ và nước Mỹ cần có một chính phủ, cũng như là sự hậu thuẫn của dân chúng để sửa soạn một cuộc chiến tranh rộng lớn trên toàn cầu, gọi là 'Chiến dịch chống Khủng bố Toàn cầu'.

Nhưng chị Khanh lại cho rằng, lòng yêu nước luôn luôn có trong người dân Mỹ :
Đó là một cái tượng trưng thôi, để nói lên cái quyết tâm của người Mỹ, chứ thật ra, ngấm ngầm trong họ là họ yêu nước rồi. Người nào họ cũng yêu nước hết, chỉ có khác Việt Nam mình là họ được tự do bày tỏ cái quyền đó ra. Lúc cần thiết thì mình thấy nó bộc lộ chứ bình thường nó vẫn có. Thí dụ như họ giúp đỡ người chung quanh là một cách họ bày tỏ lòng yêu nước đó.

Trong khi đó chị Kim thì xác định vị trí của mình tại nơi chị và gia đình đang tị nạn như sau:
Với tôi, ngày 9/11 là ngày yêu nước. Mình sống ở Mỹ trên ba mươi năm rồi. Đó là một biến cố lớn xảy ra trên đất Mỹ nên mình thấy là cái tinh thần yêu nước của mình có thể là giống như ở Việt Nam, tại vì đời sống của mình từ ba mươi mấy năm nay cho đến ngày mình không còn sống nữa, thì mình nghĩ nước Mỹ là quốc gia của mình. Biết mình là gốc gác Việt Nam nhưng thật ra mình không nghĩ là mình sẽ trở về Việt Nam và con cháu mình sẽ trở về sống ở đó ...

Như thường lệ, để đánh dấu Ngày Yêu Nước năm nay của Hoa Kỳ, vào đúng 8 giờ 46 phút sáng tại New York, là thời điểm chiếc phi cơ đầu tiên đâm vào một trong hai buildings của tòa nhà đôi, nhiều người trên toàn nước Mỹ sẽ có phút mặc niệm để tưởng nhớ những người đã bỏ thân trong biến cố 9/11, cũng như để nhắc nhở phải bảo vệ nhau trước sự khủng bố của người xấu. Những cơ sở của chính phủ sẽ treo cờ rũ.

Chị Khanh cho biết chị sẽ treo cờ, như nhiều người dân Hoa Kỳ khác:
Đối với nước Mỹ là nước quá tốt, thành ra lúc nào tôi cũng chia sẻ bổn phận, như là giúp đỡ mọi người. Cái này nó quanh năm rồi, chứ không phải là chỉ có một ngày đâu! Nhất định là tôi sẽ treo cờ Mỹ...

Mười một năm đã trôi qua kể từ sau biến cố 9/11. Người ngoại quốc thường ít ai hiểu tấm lòng ái quốc của người Hoa Kỳ. Khi quốc biến như biến cố 9/11, từng đoàn thanh niên đã hăng hái tình nguyện tòng quân, đi vào các chiến trường diệt khủng bố và cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều xóa bỏ mọi xung khắc để đứng đàng sau Thống Thống, cùng toàn dân chống bọn khủng bố toàn cầu, bảo vệ lý tưởng Tự Do.

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.




No comments:

Post a Comment

View My Stats