Thứ ba 11 Tháng
Chín 2012
New York tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 trong bầu không khí trang nghiêm, nhưng giản dị. 11 năm sau, khu phố Trung tâm thương mại thế giới đã thay đổi rất nhiều. Những tòa kiến trúc cao tầng sắp được hoàn thành và vết thương do Al Qaida để lại ở Manhatan đang kéo da non.
Theo thông tín viên Karim
Lebhour, người dân New York không còn dùng từ « Ground Zero » mà gọi một cách bình thường là Trung tâm Thương mại. Từ đống hoang tàn của hai tòa tháp đôi, bị không tặc Al
Qaida đánh sập cách nay 11 năm, đã vươn lên bốn cao ốc chọc trời. Một người Mỹ, đang xây dựng đoạn cuối của « tháp Tự do » cao 104 tầng, nhận định : « chúng tôi đang sửa chữa hiện thân của tội ác và cuối cùng chính chúng tôi là người thắng trận ».
Bài tường thuật của AFP nêu lên những điểm tương đồng và nhấn mạnh đến những dị biệt giữa ngày kỷ niệm hôm nay với những năm trước. Cũng như năm 2010, buổi lễ bắt đầu bằng phút mặc niệm trong tiếng nhạc chiêu hồn, đúng vào giờ mà cách nay 11 năm, hai chiếc máy bay dân sự bị không tặc Al
Qaida cướp đâm vào tòa tháp đôi. Nhưng, năm nay không có sự hiện diện của thị trưởng New York, hay của bất kỳ một nhân vật nào trong chính phủ.
Tổng thống Barack Obama dự lễ cầu nguyện tại Nhà Trắng và đến nghiêng mình trước tượng đài tưởng niệm ở Lầu năm góc, Phó tổng thống Joe Biden đến Shanksville bang Pennsylvanie, nơi mà chuyến bay
93 của hãng United Airlines đâm xuống đất, nhờ vào tinh thần hy
sinh của toàn thể hành khách chận đứng ý đồ của không tặc.
Một sự kiện nổi bật khác là chương trình tranh cử tổng thống không bị lễ tưởng niệm biến cố 11/9 làm gián đoạn. Cựu tổng thống Bill Clinton vẫn đến Miami và
Florida vận động cử tri cho tổng thống kiêm ứng cử viên nhiệm kỳ hai.
Phải chăng tâm lý người dân Mỹ đã thay đổi ? Theo AFP, đối với đa số dân chúng, hình thức cực kỳ long trọng và quảng bá rầm rộ hồi năm ngoái, nhân 10 năm 11/09, đã là đĩnh cao nhất của chương trình tưởng niệm sau biến cố. Giờ đây là lúc nhìn về tương lai.
Thứ nhất là, thủ lĩnh Al Qaida, Ben Laden, đã bị biệt kích Mỹ giết chết hồi tháng năm năm 2010, góp phần ghi dấu mốc lịch sử 10 năm truy giết kẻ thù gây cái chết cho 2996 người, kể cả 19 không tặc.
Thông tin về thành quả tiêu diệt khủng bố không còn làm cho công luận Mỹ quan tâm. Điển hình là hôm nay việc thủ lãnh Al Qaida quốc tế, bác sĩ Ayman Al-Zawahari, xác nhận cánh tay mặt của ông ta bị giết chết tại Pakistan, hay việc Nato thông báo hạ sát thủ lãnh số hai của Al Qaida tại Yemen ngày hôm qua, chỉ được truyền thông loan tải bằng những dòng tin ngắn.
11 năm sau biến cố 11 tháng 9, giữa thân nhân nạn nhân khủng bố và đa phần công luận đã xuất hiện ít nhiều dị biệt. Đối với gia đình và bạn hữu của gần 3000 nạn nhân, thì « Ground Zero » là « linh địa ». Nhưng không ít người Mỹ muốn lịch sử sang trang.
Một kết quả thăm dò ý kiến do Trung tâm Chicago Council thực hiện và công bố hôm nay cũng cho thấy ưu tư chính của người Mỹ chuyển hướng. Chỉ có 28% tin rằng chiến dịch Afghanistan mang lại an ninh cho Hoa Kỳ. Nếu đại đa số 70% cho rằng Mỹ là siêu cường số một thì hơn phân nửa, tức 52% muốn siêu cường này chú
tâm vào châu Á vì họ xem lục địa này quan trọng cho quyền lợi Hoa Kỳ hơn châu Âu.
Dựa trên kinh nghiệm lịch sử đó đây trên thế giới, giáo sư sử học Michael J. Allen nhận định là, những dịp lễ ghi dấu mốc thời gian 50 năm, 75 năm sẽ quan trọng hơn vì nhiều người sống sót cũng sẽ ra đi sau đó. Dù muốn dù không thì về lâu dài, « điểm chết », mục tiêu tấn công của Al
Qaida năm 2001, sẽ trở thành nơi sinh hoạt của sự sống.
No comments:
Post a Comment