giữa đồng
Tôi không biết mình sẽ đối diện với tang chế như thế nào nếu sinh trưởng trong thời chiến. Tôi là thành viên của ‘thế hệ hòa bình,’ một cái hữu danh vô thực khá mỉa mai mà báo giới quốc tế đã gán cho những người sinh sau 30 tháng 4, 1975 như tôi. Nhưng tôi biết, tôi không thuộc thế hệ hòa bình. Tôi là con đẻ của chiến tranh, một đứa con vô thừa nhận vì những giả mạo danh nghĩa và những ‘hà chính mãnh ư hổ’ dưới chế độ Cộng Sản.
Trong bất cứ cuộc chiến nào, tất yếu sẽ có người đứng ở cả hai phía. Tôi chọn đứng ở giữa, đứng trong cánh đồng tang chế, nơi nhân sinh bị hủy mạng và xã hội rỉ máu. Tại sao? Vì ở đó, tôi mong có thể thấy rõ nhất cái dung mạo tang thương của nhân loại trong một cuộc binh khói mà không bị bối rối hay giằng kéo giữa những tranh chấp tạm thời hay muôn thuở. Và để từ đó, tôi hy vọng sẽ nhận diện được những cánh cửa cảm thông rất cần cho cuộc chữa lành cho những vết đau của con người, mà trong đó có chính tôi. Một cái nhìn từ phía dưới, cùng tầm nhìn với người dân trong thời can qua, cùng tầm nhìn với những bia mộ không còn lên tiếng được.
Tôi làm việc thực tập cho chính phủ liên bang tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn trong mùa hè 2001. Ngày ngày, tôi đi metro ngang Ngũ Giác Đài để đến văn phòng. Trong suốt ba tháng hè, tôi như trái banh lần đầu được gặp sân cỏ, lăn khắp bốn phía, lúc nào cũng tung tăng. Chính cũng trong mùa hè này, tôi được nhập tịch, nên cái cảm giác gắn bó với nước Mỹ, nhất là qua việc tìm về lịch sử ngay tại thủ đô, là một diễm phúc.
Hoa Thịnh Đốn là một thành phố đẹp với nhiều cái e ấp của riêng nó. Mùa hè tuy oi nồng, nhưng cũng rực rỡ. Du khách về hành hương thủ đô, tìm cho mình một chút nhân diện dân tộc ở các đền miếu tưởng niệm những vị tổng thống lập quốc, hay thưởng thức những buổi chiều êm đềm trong các công viên công cộng xanh rờn. Bảo tàng viện, khu di tích lịch sử, đài tưởng niệm chiến tranh, các đại lộ đón những bước chân đầu tiên của từng vị nguyên thủ mới, tất cả đều là những pho sách dày cộm mà người đọc phải dành nhiều tâm sức để tỏ tường.
Bên cạnh những cuộc gặp gỡ và sinh hoạt cho công việc của mình, tôi tự túc đi thăm Tòa Bạch Ốc với vé mời riêng từ Văn phòng Dân biểu Ed Royce. Qua lời mời của một cô bạn trong đoàn thực tập, tôi đi nghe nhạc tại Smithsonian Asian Pacific American Program. Tổ chức NAFEO cũng tổ chức pinic cho các thực tập viên. Bà Angie Hill, người điều phối chương trình, cũng mời chúng tôi về nhà có một bữa ‘cook-out’ thú vị, vì bà ở ngoại ô, sân sau rộng ngút ngàn với không gian trải dài.
Vợ chồng một vị giáo sư đỡ đầu tại Howard University đã đưa tôi đi tìm lại vết chân của George Washington và một phần lịch sử nô lệ tại Mount Vernon, chỉ cách thủ đô Hoa Thịnh Đốn có 16 dặm. Cả khu di tích lịch sử nằm bên bờ sông Potomac, vừa êm ả vừa diễm lệ. Đi qua những biệt thự mà ngày nào vị tổng thống mệnh danh “người anh hùng đầu tiên của nước Mỹ” đã từng sinh sống, tôi tưởng như lịch sử mấy trăm năm của nước Mỹ chỉ nằm đâu đây trong tầm tay với.
Cho nên, ngày 11 tháng 9, chỉ ít ngày sau khi tôi rời Hoa Thịnh Đốn, tin về trận khủng bố khiến tôi choáng váng. Tôi không cách gì mường tượng ra được cái nơi mà tôi đã sống trong suốt ba tháng hè vừa bị tấn công. Những hình ảnh hai tòa nhà đang bốc cháy trên màn hình TV chợt phủ lấy tôi với cái cảm giác bị động, hoài nghi, không chấp nhận. Còn bạn bè thì cuống cuồng gọi điện thoại nhà tôi, điện thoại di động của tôi, và gửi điện thư cho tôi. Họ tưởng tôi còn ở Hoa Thịnh Đốn, và sợ tôi có bề gì.
Những địa điểm có phi nạn đều làm tôi giật mình. Ngũ Giác Đài, nơi tôi mỗi ngày đi qua trên đường đi làm. Pitsburgh, nơi tôi đã ghé qua một cuối tuần bằng Amtrak. New York, điểm hẹn đầy nô nức mà tôi hoãn lại cho lần sau. Lần sau đó đã đến đúng một năm sau, khi tôi được mời dự Khóa tu nghiệp quốc tế Lịch Sử Truyền Khẩu tại Đại học Columbia vào mùa hè 2002.
Sau một năm, Ground Zero vẫn còn lạnh toát vị chết chóc. Tử khí chập chờn trong từng tia nắng đang rơi, từng hạt bụi lăn, từng âm thanh tế vi. Tôi rợn người, đi từng bước chậm. Hình như khu vực này thuộc về một không gian hoàn toàn khác với thành phố New York. Nó lặng tê. Nó bình thản. Nó cô đơn. Những bích chương, những hình ảnh gia đình, những bó hoa đang đứng sững, tưởng niệm kẻ chết và làm đau lòng kẻ sống. Những hình ảnh trên TV trở nên vô nghĩa.
Chỉ có thực sự đứng trước một tấm bích chương tự làm mới thấy cái vô vọng lẫn hy vọng đang cào cấu tâm tư của người thân còn ở lại, vật vã đi tìm người đã ra đi – layout không cần hoa mỹ, chỉ cần có hình và tên của người mất tích. Chỉ có chạm vào những bó hoa đã tàn úa bên những tấm di ảnh, mới biết cái tan nát của tử biệt, cái rã rời của vĩnh viễn phân ly. Cái vội vã của việc tìm kiếm đã phản bội sự mòn mỏi suốt 12 tháng trời của bặt tin. Cả khu tưởng niệm như một nghĩa trang không có tử thi, không nghi thức mai táng. Những hình ảnh được thân nhân mang đến đặt ở đây như những xác người bị đóng khung trong một kỷ niệm còn níu lại được, nằm lõa lồ trong mưa trong nắng, trong tuyết trong sương, thống thiết một cái chết không nguôi.
Cái nghĩa trang chưa một lần chôn cất xác người ấy là một linh vị tập thể, một linh vị công cộng, một linh vị rướm máu. Nó khóc thương cho cả người đã khuất lẫn người ở lại. Nó ghi tên tuổi mà không rõ danh tánh, nó chít khăn tang mà không dám gọi tên. Tôi chợt hỏi: một người Việt đã sống qua chiến tranh sẽ cảm, nghĩ, và làm gì khi đến nơi này? Họ có bật khóc không? Hay chết lặng? Hay sững sờ? Tôi vẫn còn rợn người khi nghĩ lại cái kinh nghiệm viếng mộ này chín năm sau.
‘mong không ai phải gặp cảnh này…’
Đề tài cho Khóa tu nghiệp Lịch Sử Truyền Khẩu năm 2002 tại Đại học Columbia là “Lịch sử truyền khẩu trong Hoàn cảnh đương đại: Ghi nhận chứng từ về Chiến Tranh, Xung Đột, và Di Tản trong Kỷ nguyên toàn cầu hóa” (Oral History in Contemporary Contexts: Documenting Narratives of War, Conflict and Displacement in the Era of Globalization). Chương trình chú trọng vào những thách đố trong việc sử dụng lịch sử truyền khẩu để ghi lại những kinh nghiệm đau thương, vừa xảy ra hay qua hồi tưởng.
Dự án Việt Mỹ, do tôi sáng lập và điều hành tại Đại học CSU Fullerton, được chọn vì nó chạm đến một đề tài rất lớn của lịch sử cận đại Hoa Kỳ: cuộc chiến Việt Nam. Thế nhưng, quan trọng hơn cả, nó được chọn cho chương trình năm 2002 vì nó nói lên kinh nghiệm của những người dân trong thời chiến, một mảng lịch sử cần thiết và quan trọng nhưng vẫn còn bỏ trống trong những tài liệu liên quan. Qua sự định hướng từ ban đầu của tôi, những chứng từ trong dự án ghi lại chính đời sống của nhiều người Mỹ gốc Việt thuộc mọi tầng lớp xã hội, từ công nhân viên chức đến những họa sĩ, thương gia, nhà khoa học.
Chương trình Lịch Sử Truyền Khẩu của Đại học Columbia đã bắt đầu thực hiện một dự án về 9-11 ngay sau cuộc tấn công. Dự án này chú trọng vào những người dân đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng bố. Có nhiều gia đình di dân, sau khi mất một người thân trong ngày 9-11, đã phải cho con cái nghỉ học để đi làm giúp gia đình. Có nhiều em sinh viên trung học phải bỏ học đi làm vì trong thời gian ngay sau 9-11, cha mẹ của các em bị đuổi việc vì họ là người di dân. Tình trạng sống của những gia đình di dân sau 9-11 tại Nữu Ước cũng bi thảm như hình ảnh Ground Zero sau cơn binh khói.
Nhưng cho dù họ đã trải qua những mất mát, khó khăn, tang chế đi nữa, những cá nhân được phỏng vấn đều nói một điều: “Mong là không ai phải chịu cảnh này…” Cái kinh hoàng của ngày 9-11 để lại cho người trong cuộc một cái nhìn thấu đáo: mạng sống con người quý giá, đã qua đau khổ thì không ai muốn chúc dữ cho đồng loại mình phải chịu cái cảnh ấy. Đoạn trường đã qua, không ai muốn người khác phải lâm vào.
Không phải hận thù. Không phải tức giận. Nhưng chính là nỗi đau. Nỗi đau – đó là di sản còn lại lâu nhất, nổi trội nhất, mạnh mẽ nhất. Nỗi đau – nó chẳng phải đã trở thành tình nhân muôn thuở của dòng nhạc thời chiến? Hận thù, chết chóc, xung đột – tất cả sẽ phải nhượng bộ cho sự hiện diện vững vàng của nỗi đau. Và trong chính nỗi đau, mà con người có thể gắn bó, nối kết, và đến với nhau. Nỗi đau là hệ quả của chiến tranh và xung đột, nhưng chính nó cũng là tiền đề cho những nhu cầu chữa lành và ước mơ yêu thương.
Nếu nỗi đau là trái tim của cánh đồng tang chế, thì chính nỗi đau cũng là chìa khóa để mở những cánh cửa cảm thông, khởi đi từ chính vành nôi tang chế ấy. Trong dịp kỷ niệm 11 năm ngày 9-11 của quê hương thứ hai, chúng ta cũng có thể hướng về quê hương thứ nhất, tìm lại những cánh đồng tang chế trong chính tâm tư mình, để hóa giải những linh vị còn rướm máu trong lòng. Và chúng ta cùng chúc lành cho nhau, để một ngày đã đến bằng chết chóc và khủng bố sẽ được hóa bướm, trở thành một ngày mà người ta tìm nhau để hàn gắn những vết thương cũ, và kiến thiết những yêu thương mới.
No comments:
Post a Comment