Thụy My - RFI
Thứ ba 11 Tháng
Chín 2012
Sự vắng mặt không một lời giải thích của Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được xem là nhân vật sẽ lãnh đạo đất nước trong vài tuần tới, hôm nay 11/09/2012, đã gây ra nhiều tin đồn rộng rãi. Các chuyên gia cho rằng, giả thiết ông Tập Cận Bình đang bị đau ốm có vẻ đáng tin cậy nhất.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc kiên quyết từ chối giải thích vì sao ông Tập Cận Bình liên tục hủy bốn cuộc gặp từ hôm thứ Tư tuần trước, trong đó có một cuộc hẹn với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuần rồi và với Thủ tướng Đan Mạch hôm
qua.
Được chất vấn về chủ đề này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã yêu cầu các nhà báo đặt ra « những câu hỏi nghiêm túc ».
Do không có lý do chính thức nào được đưa ra về những cuộc hẹn liên tục bị hủy của ông Tập Cận Bình, rất nhiều tin đồn đã lan truyền trên internet và báo chí ngoại quốc. Các nhà chuyên môn cho rằng giả thiết khả tín nhất là nhân vật 59 tuổi sẽ lên thay ông Hồ Cẩm Đào vào mùa thu này, đang có vấn đề về sức khỏe.
Scott Kennedy, giám đốc trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc của đại học Indiana đặt tại Bắc Kinh nhận xét : « Vụ này có vẻ chỉ phiền phức chứ không nghiêm trọng, nhưng đã trở thành lớn chuyện do thiếu minh bạch ». Theo ông, nếu có một sự kiện trầm trọng nào đó khiến phải đặt lại vấn đề kế vị, thì các nhà lãnh đạo khác cũng đã ngưng xuất hiện trước công chúng, nhưng trường hợp này thì không phải như thế.
Tuy vậy, sự vắng mặt của ông Tập Cận Bình cũng đầy bí ẩn. Những nhân vật có trách nhiệm đính chính là ông Tập không dự kiến hội đàm với người đứng đầu chính phủ Đan Mạch,
trong khi cuộc gặp này có ghi trong lịch làm việc chính thức. Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt nói với AFP khi đến Thiên Tân dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới : « Tôi cho rằng đây là một sự hiểu lầm, điều này không được dự kiến trong chương trình của tôi ».
Lần xuất hiện cuối cùng trước công chúng của ông Tập Cận Bình là vào ngày 1/9, ông đến đọc diễn văn tại trường Đảng trung ương ở Bắc Kinh nhân ngày khai giảng.
Chính quyền tìm cách ngăn trở tất cả những bàn tán về sự vắng mặt của nhà lãnh đạo cấp cao này. Kênh truyền hình BBC đã bị gián đoạn một thời gian ngắn khi vừa mới nhắc đến chủ đề trên, và các tìm kiếm trên mạng với những từ khóa như « XJP » (tức Xi Jinping – Tập Cận Bình), « đau lưng » đều bị chặn trên mạng Vi Bác.
Thế nên cư dân mạng
Trung Quốc phải sử dụng những mánh lới khác để nói về ông Phó chủ tịch nước. Chẳng hạn như dùng chữ « ông hoàng kế vị », hay là đại từ tiếng Anh « she » vì phát âm giống chữ « Xi ».
Theo nhà chính trị học Willy Lam thuộc Chinese
University ở Hồng Kông, thì Tập Cận Bình đã bị thương khi chơi thể thao. Ông bị thương khá nặng để phải nhập viện, nhưng chỉ có thế. Chuyên gia này cho rằng « ông ta đang trong thời kỳ dưỡng bệnh, nhưng không muốn xuất hiện trước công chúng ». Willy Lam nhắc nhở, vấn đề sức khỏe của các lãnh đạo luôn được xem là « bí mật phải giữ kín » tại Trung Quốc.
Chuyên gia Kennedy cũng có cùng ý kiến : « Đó có thể là vấn đề về sức khỏe. Nhưng nếu nguy hiểm đến tính mạng thì tôi không nghĩ là các lãnh đạo khác có thể chuyên tâm vào các công việc thường ngày của họ ».
Ông Lam nhận xét : « Từ trước đến nay, ít nhất là từ thời Cách mạng Văn hóa (1966-1976) chưa bao giờ có việc một nhà lãnh đạo hàng đầu lại biến mất trong thời điểm chỉ còn một tháng nữa là đến đại hội Đảng ». Dù sao đi nữa, thì sự khiếm diện của Tập Cận Bình cho thấy Đảng coi thường lời hứa của mình về tính minh bạch.
Cuối cùng, ông Scott Kennedy cho rằng rất có thể ông Tập Cận Bình sắp tới sẽ tái xuất hiện mà không một lời giải thích, như thể chưa hề có chuyện gì xảy ra. « Rồi chúng
ta sẽ thấy một tấm hình ông Tập đang tiếp ai đó, đi thăm một nhà máy, một bệnh viện hay đại loại như thế. Tôi nghĩ đây là điều mà họ sẽ làm, thay vì nói ra một vài lời ».
Damian
Grammaticas
BBC News, Bắc Kinh
Cập nhật: 15:08 GMT - thứ ba, 11 tháng 9, 2012
Trung Quốc là
nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cường quốc đang lên và hiện đang
chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực mười năm mới có một lần.
Thế nhưng nhân
vật được trông đợi sẽ nhận trọng trách lãnh đạo Đảng Cộng sản đột
nhiên biến mất khỏi tầm quan sát của dư luận mà không ai biết tại
sao.
Ông Tập Cận
Bình ốm bệnh? Hay ông ta bị đau tim? Ông ấy đau lưng vì chơi bóng đá
hay bơi lội?
Hoặc là ông ta
đang quá bận rộn chuẩn bị cho cái ngày hệ trọng, có lẽ vào tháng
tới, khi ông sẽ bước lên nhận chức vụ người đứng đầu Đảng Cộng sản
Trung Quốc từ ông Hồ Cẩm Đào?
Liệu có đấu
tranh nội bộ gì khác hay không?
Tất cả các
phương án trên hiện đang đều được đồn đoán trên các trang mạng xã hội
ồn ào của Trung Quốc.
Thậm chí còn
có tin ông Tập bị tai nạn xe hơi, và đây là âm mưu ám sát ông. Tuy
nhiên tin này xem ra khó là sự thật.
Không ai biết
chắc điều gì vì chính phủ không bình luận nửa lời, và cũng chính
vì không có bình luận chính thức nên nhiều người tỏ ra lo ngại.
Khi mà các
nhân vật lãnh đạo Đảng Cộng sản tự nhiên 'biến mất', đôi khi đó là
chỉ dấu họ gặp rắc rối.
Chưa có dấu
hiệu gì cho thấy điều này, nhưng chừng nào chưa có ý kiến chính
thức từ giới chức thì các tin đồn tiếp tục nảy sinh và lan truyền.
'Đau lưng'
Lãnh đạo Trung
Quốc nói chung khá kín đáo nơi công cộng. Hoạt động của họ không
được thông báo trước, và họ có thể rút vào hậu trường nhiều ngày.
Thế nhưng ông
Tập Cận Bình, phó chủ tịch đồng thời là người được trông đợi sẽ
làm chủ tịch, mới 59 tuổi, lại hủy một loạt các cuộc gặp với giới
lãnh đạo nước ngoài tới thăm Trung Quốc.
Đây là chuyện
rất lạ.
Lần cuối ông
xuất hiện trước công chúng là hôm 1/9. Ông đã hủy cuộc gặo với Ngoại
trưởng Mỹ Hillary Clinton vào phút chót.
Quan chức Mỹ
nói họ được giải thích là ông Tập bị đau lưng.
Ngày tiếp theo
đó, tức thứ Năm tuần trước, ông Tập Cận Bình lại hủy tiếp một cuộc
gặp với Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt, đáng ra sẽ diễn ra
vào thứ Hai này.
Không ai biết
lý do tại sao. Rồi tiếp đó, ông Tập hủy cuộc gặp với Thủ tướng
Singapore Lý Hiển Long.
Thông thường
giới lãnh đạo Trung Quốc luôn giữ đúng nguyên tắc lễ nghi và dù thế
nào cũng cố không bỏ các cuộc gặp.
Theo hãng thông
tấn Reuters, một nguồn thân cận với lãnh đạo Bắc Kinh nói ông Tập bị
đau lưng khi đi bơi.
Nguồn tin này
không đưa thêm chi tiết, như thời điểm xảy ra việc đau lưng này.
Một nguồn tin
thứ hai, dẫn lời giới thân cận với ông Tập, nói với hãng Reuters:
"Ông ấy
không được khỏe, nhưng không có vấn đề gì nghiêm trọng."
Dù sao thì
với vị thế đang lên của nước Trung Quốc, quyền lực kinh tế và chính
trị của Bắc Kinh, sự tù mù thông tin này lại chính là vấn đề.
Miễn bình
luận
Ông Tập Cận
Bình được chờ đợi sẽ lãnh đạo đất nước Trung Hoa trong mười năm tới,
nên sức khỏe của ông mang ý nghĩa quan trọng đối với Đảng Cộng sản,
với Trung Quốc và cả thế giới.
Trong mười năm
qua, Trung Quốc đã trải qua các thay đổi vượt bậc dưới sự dẫn dắt
của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Chỉ có một
điều bất biến, là tấm màn bí mật quanh các vị lãnh tụ.
Sức khỏe,
cuộc sống cá nhân, gia đình và nhiều điều khác không được công khai
và ngày càng bí ẩn.
Bộ Ngoại giao
Trung Quốc không đưa ra bình luận gì về sức khỏe của ông Tập và không
giải thích tại sao ông vắng mặt trong nhiều sự kiện như vậy.
Khi được đề
nghị giải thích, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi nói:
"Tôi đã
trả lời các phóng viên nhiều lần câu hỏi này rồi. Tôi không có gì
để nói thêm cả."
Câu chuyện này
mang lại tình tiết mới cho tiến trình thay đổi quyền lực ở Trung
Quốc. Quá trình này đã bị phức tạp thêm sau vụ bê bối liên quan ông
Bạc Hy Lai, người cũng được trông đợi sẽ lên vị trí cao cấp trong Bộ
Chính trị.
Tại Trung
Quốc, nơi Đảng Cộng sản bày binh bố trận rất kỹ lưỡng cho kỳ chuyển
giao thế hệ lãnh đạo, bảo đảm tiến trình này diễn ra suôn sẻ mang
tầm quan trọng lớn lao.
Phải tới khi
nào ông Tập Cận Bình tái xuất, thì người ta mới thôi đồn đại.
Tuy nhiên đối
với một quốc gia đang đóng vai trò ngày càng lớn trong kinh tế thế
giới, nền ngoại giao toàn cầu, và người dân tiếp cận ngày càng
nhiều với thế giới mạng, sự bí ẩn kiểu truyền thống bao quanh Đảng
Cộng sản có lẽ không còn hợp thời nữa.
BBC
Cập nhật: 04:55 GMT - thứ ba, 11 tháng 9, 2012
Hiện đang ngày
càng có nhiều đồn đoán về phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau
khi ông không xuất hiện hơn cả tuần lễ nay.
Ông Tập đã
hủy cuộc gặp với thủ tướng Đan Mạch đang ở thăm Bắc Kinh hôm thứ Hai
ngày 10/9.
Đây là lần
thứ tư ông Tập hủy hội đàm như thế chỉ trong vòng mấy ngày qua.
Ông cũng không
thấy có mặt tại một cuộc họp quan trọng của Đảng Cộng sản Trung
Quốc hôm thứ Sáu tuần trước ngày 7/9.
Đấu đá quyền lực?
Phó Chủ tịch
Tập Cận Bình là người dự kiến sẽ trở thành lãnh đạo cao nhất của
Trung Quốc tại Đại hội Đảng lần thứ 18 vào tháng tới. Đại hội 18
này cũng sẽ chứng kiến sự thay đổi các vị trí lãnh đạo hàng đầu
khác của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cho
đến nay vẫn chưa có thông báo gì về ngày diễn ra Đại hội. Điều này
đã làm xuất hiện tin đồn rằng cuộc đấu đá quyền lực trong hàng ngũ
lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa ngã ngũ, phân tích gia châu Á của BBC
Charles Scanlon nhận định.
Giới báo chí
đã được thông báo trước vài ngày về cuộc gặp được hẹn trước của
ông Tập với Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt của Đan Mạch vào thứ Hai.
Tuy nhiên cuộc gặp này sau đó đã bị dỡ khỏi lịch trình.
Thứ Tư tuần
trước ngày 5/9 ông Tập cũng đột ngột hủy cuộc gặp với Ngoại trưởng
Hoa Kỳ Hillary Clinton.
Ông cũng không
gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và một quan chức của Nga dù đã
được sắp xếp trước.
Người phát
ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lảng tránh các câu hỏi của phóng
viên về sự vắng mặt của phó Chủ tịch Tập tại một cuộc họp báo hôm
thứ Hai và nói rằng ông ‘không có thông tin gì’ để cung cấp.
“Tôi đã nói
tất cả với mọi người rồi,” ông Hồng Lỗi nói khi bị hỏi dồn.
Trong khi đó,
một làn sóng tin đồn không tránh khỏi đã nổi lên, phóng viên BBC cho
biết. Các trang mạng và các mạng xã hội đồn đoán rằng ông Tập có
thể bị dính một vụ tai nạn giao thông hoặc là đấu đá quyền lực.
Khi ông Tập
hủy hẹn với bà Clinton, các tin đồn lan truyền trên mạng cho rằng ông
đã bị thương ở lưng trong khi đang chơi thể thao – có thể là chơi bóng
đá, bơi lội hay golf.
Tuy nhiên cũng
có tin rằng ông đã lên cơn đau tim nhẹ.
Âm mưu ám sát?
Ly kỳ hơn,
trang mạng Boxun.com có trụ sở ở Mỹ dẫn một nguồn tin ẩn danh ở
Trung Nam Hải, nơi ở và làm việc của các lãnh đạo chóp bu của Trung
Quốc, cho biết ông Tập đã bị thương trong một vụ tai nạn giao thông
dàn dựng nằm trong âm mưu trả thù của phe phái thân Bạc Hy Lai trong
lực lượng an ninh.
Trang mạng này
cũng cho biết ông Hạ Quốc Cường, một ủy viên Thường vụ Bộ chính trị
khác, cũng bị thương trong tai nạn này.
Trang Boxun.com
thường lên tiếng cải chính các tin đồn và các thông tin thất thiệt.
Trang này đã dự đoán chính xác một số diễn biến gần đây trên chính
trường Trung Quốc nhưng cũng một số lần bị sai.
Sau đó, Boxun
đã đưa tin lại rằng ông Tập chỉ đang bận rộn chuẩn bị để lên thay vị
trí tổng bí thư Đảng.
Các tin đồn
về ông Tập lại càng dấy lên say khi Tổng thống Nga Vladimir Putin có
lời bình luận bí ẩn hồi cuối tuần trước rằng phiên khai mạc hội
nghị Thượng đỉnh Apec ở Vladivostock bị hoãn lại vì Chủ tịch Trung
Quốc Hồ Cẩm Đào cần giải quyết một vấn đề đối nội hệ trọng nhưng
không nói rõ đó là vấn đề gì.
Theo lời ông
Vương Tường Duy, tổng biên tập của tờ nhâṭ báo tiếng Anh Bưu điện Hoa
Nam buổi sáng có trụ sở tại Hong Kong và một người lâu nay vẫn nắm
rõ nội tình Trung Quốc, thì các cuộc gặp của các lãnh đạo Bắc Kinh
thường được sắp xếp rất kỹ lưỡng từ trước và hiếm khi có chuyện
hủy g̣ặp.
Mặc dù bản
thân không xuất hiện nhưng ông Tập Cận Bình có lên mặt báo hôm thứ Hai
ngày 10/9 trên trang bìa tạp chí Học tập của Trường Đảng Trung ương
mà ông là hiệu trưởng bên cạnh toàn văn bài diễn thuyết của ông chín
ngày trước đó.
Trong bài diễn
văn này, ông yêu cầu các cán bộ vừa ghi danh vào trường hãy sử dụng
thời gian ở trường để đào sâu về các vấn đề trọng đại của quốc gia
thay vì ‘mở rộng mối quan hệ hay rủ bạn bè đi tiệc tùng’.
Các từ khóa
tìm kiếm có tên Tập Cận Bình trên các trang mạng Trung Quốc đều đã
bị khóa.
Bản chất kín
đáo của giới lãnh đạo Trung Quốc và không khí cấp tập ở Bắc Kinh
hiện nay cho thấy hiện có sự bất an ngày càng tăng về sự chuyển giao
thế hệ lãnh đạo vốn đã được trông chờ lâu nay, các phân tích gia của
chúng tôi nhận định.
Trong các tin
về lãnh đạo Trung Quốc, tuần này báo chí nhà nước tại đây cho hay
ủy viên Bộ Chính trị chuyên về an ninh, ông Chu Vĩnh Khang, có hội đàm
với ông Goh Chok Tong, cựu Thủ tướng Singapore sang thăm Trung Quốc sáu
ngày.
Trước đó có
tin vị trí của ông Chu đã bị suy yếu vì ông là một đồng minh của Bí
thư Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai, người đã bị hạ bệ.
Người Việt Online
Monday,
September 10, 2012 5:03:24 PM
BẮC KINH (AP) - Cư dân mạng người Hoa
ở Trung Quốc lẫn nước ngoài gần đây bàn tán xôn xao về sự vắng mặt của Phó Chủ
Tịch Tập Cận Bình hơn một tuần nay. Ông là người có nhiều triển vọng được đề cử
làm tân chủ tịch nước vào lúc ở đây đang chuẩn bị cuộc thay đổi quyền lực cấp
lãnh đạo.
Vừa qua, ông Bình đã hủy bỏ cuộc gặp gỡ
với Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton và Thủ Tướng Singapore Lý Hiển Long.
Gần đây nhất là với thủ tướng Ðan Mạch vào hôm Thứ Hai.
Hầu
hết đồn đoán đều cho rằng ông bị thương ở lưng khi nhảy xuống hồ bơi ở Trung
Nam Hải, hoặc do chơi đá banh. Có tin nói ông đang dưỡng bệnh sau khi thoát bị
ám sát, để phục thù việc ông Bạc Hy Lai bị hạ bệ. Hay phải chăng ông bị tai nạn
xe hơi. Cũng có lời bàn cho rằng ông đang bận để chuẩn bị đảm nhận vai trò lãnh
đạo đất nước. Nói chung là không rõ tất cả những thông tin từ đâu đến.
Ông
Bình đang ở đâu khi bỗng nhiên biến mất trước công chúng là điều khó biết được.
Tại Trung Quốc, đời sống của các lãnh tụ vẫn hết sức bí ẩn đối với 1.3 tỉ người
dân, sinh hoạt chính trị của xứ này lại còn mịt mờ hơn nữa. Bởi vậy, khi một
lãnh tụ đột nhiên vắng mặt trước công chúng như vậy, dư luận xôn xao là điều tự
nhiên.
Scott
Kennedy, giám đốc trung tâm nghiên cứu về chính trị và kinh doanh Trung Quốc,
thuộc trường đại học Indiana, nhận định rằng, Trung Quốc từ lâu vẫn không hề
loan báo về tình trạng sức khỏe hay lủng củng trong giới lãnh đạo, vì cho rằng
đưa ra những thông tin như vậy chỉ gây nên nhiều đồn đoán trong dư luận. (T.P.)
No comments:
Post a Comment