Posted
on 14.09.2012 by Sara
Ở
Việt Nam, vài nhận định sai lầm mang dáng dấp chân lí đinh đóng thường xuyên
được lặp đi lặp lại, đã tạo nên hội chứng lây lan. Trên các trang báo, báo
chuyên văn học và báo phổ thông; trong các hội thảo văn học lớn, nhỏ; trong các
cuộc trả lời phỏng vấn của nhà phê bình và cả từ phát ngôn của các quan chức
văn học. Thế kỉ trước, thập niên qua và cả… mới hôm qua. Rằng, “sáng tác chưa
theo kịp hiện thực đời sống” và “phê bình không theo kịp đời sống văn học”(1).
1.
Đó
là một cách nhìn nhận lạc hậu. Lạc hậu về nhiệm vụ của người sáng tác cũng như
chức năng của phê bình. Bởi thực tế, chủ nghĩa hiện thực đã bị thế giới vượt bỏ
cả hơn thế kỉ rồi. Nhà văn hiện đại chủ nghĩa không còn quan tâm đến phương
pháp sáng tác của chủ nghĩa hiện thực như là cách phản ánh hiện thực đời sống.
Bước sang thời kì hậu hiện đại, nhà văn vừa không tin vào “hiện thực” vừa bất
tín nhiệm ngôn ngữ như là phương tiện phản ánh hiện thực, từ đó nhiệm vụ tái
hiện và phản ánh hiện thực của văn học hiện thực càng xa lạ với họ. Có thể nói,
nếu đến tận hôm nay ta còn bám vào quan điểm sáng tác cổ hủ kia thì quả là quá
lạc hậu.
Dẫu
sao ở đây, ta cứ tạm chấp nhận mệnh đề kia.
Chấp
nhận, – như là cách ‘đi vào trong’ hệ mĩ học đang được đề cao [ở Việt Nam]
rằng: văn học phản ánh và tái hiện hiện thực đời sống – là chủ trương chính
thống gần như nhất quán của nền văn học dòng chính hôm nay -, để đánh giá năng
lực của nền văn học ấy. Xem nó có phản ánh đúng và đủ không? Và phản ánh chân
thực đến mức độ nào?
Văn
học tụt hậu với hiện thực đời sống, ta nói thế và tin thế. – Đúng, tụt hậu.
“Ngoảnh
lại” cuộc Đại Cách mạng Văn hóa, các nhà văn Trung Quốc cho ra đời hàng trăm
tác phẩm “ngang tầm thời đại”; còn ta, sau Cải cách Ruộng đất: khá đìu hiu!
Chiến tranh biên giới phía Bắc hay xung đột vũ trang biên giới Tây Nam cùng
chung số phận. Tất cả chìm vào quên lãng. Không nói đâu xa xôi, bao nhiêu
chuyện thời sự chính trị xã hội tác động đến cuộc sống hiện tại, nhà văn Việt
Nam vẫn cứ không hay không biết. Các mệnh đề “văn học xa rời hiện thực”, “văn
học không bám vào hiện thực cuộc sống”, “văn chương né tránh hiện thực”… được
nhai lại sáo mòn đến thành bão hòa trên sách báo bấy lâu, là điều thật.
Một
thực tế lồ lộ, gây xúc động cả dân tộc là “Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa” cuối
năm 2007, hỏi có bao nhiêu nhà văn, nhà thơ dòng chính viết về nó? – Không ai
cả! Và, không ở đâu cả. Yên ắng và vắng lặng như thể ở Việt Nam chưa từng xảy
ra sự kiện trọng đại đó. Chỉ khi được phép, một được phép không chính thức – ở
“Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa” kì hai vào năm 2011 -, nhà thơ ta mới ồ ạt làm
thơ yêu nước.
Thơ,
bằng thứ thủ pháp quá ư lạc hậu! Thơ, với bao nhiêu là hạn từ làm sẵn: “sóng
Trường Sa”, “biển Tổ quốc”, “mẹ Âu Cơ”, “bốn ngàn năm”, “kiên trung bất khuất”,
“máu đã thắm”, “ôm biển vào lòng”… Không vấn đề gì cả! Nhưng, đâu là các cuộc
biểu tình với những biểu ngữ chống ngoại xâm, những ngọn lửa đốt áp-phích đường
lưỡi bò, những bắt bớ, những cú đạp… lộ thiên giữa thành phố Hà Nội, Sài Gòn
mỗi cuối tuần, đang được cập nhật cấp tập trên khắp mạng internet?
Không
đâu cả! Tại sao? Không gì cả, ngoài sự sợ hãi.
“Suốt
đời tôi không làm gì hơn là đẩy cho đến cùng, cái mà quý vị chỉ dám làm có một
nửa…” – Dostoievski nói thế. Và ông đã đẩy suy tư tới cùng, phân tích tới cùng
tâm lí chiều sâu của nhân vật nhiều dạng, qua đó cho ra đời hàng loạt kiệt tác
mang tính khai phá lớn, tạo ảnh hưởng sâu rộng đến văn học và tư tưởng thế
giới. Còn ở ta: chỉ có sợ hãi. Sợ hãi, để khi được “cởi trói”, nhà văn mới dám
động cập nửa vời đến một “hiện thực” nào đó. Sợ hãi, cho nên dù đã được phép,
nhà văn cũng không dám đẩy vấn đề đến cùng. Văn học ta muôn năm tụt hậu với
hiện thực đời sống, là vậy. Vì đâu? Ta chủ trương phản ánh hiện thực, nhưng
chính ta vội vã rụt đầu lại, nếu mấy phản ánh kia đụng chạm tới căn cốt hiện
thực.
Mâu
thuẫn đầy nguy cơ tiềm ẩn ngay trong chủ trương văn học phản ánh hiện thực; mâu
thuẫn lộ bày trọn vẹn qua nỗi than thở “sáng tác không theo kịp hiện thực đời
sống”. Thế là ta tiếp tục chương trình hội thảo để bàn về tiếng than thở ta vừa
phát ra ấy. Những tiếng than thở rất giả.
Chủ
nghĩa hiện thực của ta bên cạnh lạc hậu, vẫn là thứ chủ nghĩa hiện thực giả.
Câu
hỏi đặt ra: Có phải “tất cả” văn chương tiếng Việt không theo kịp hiện thực đời
sống?
Các
hiện thực đời sống sôi động dăm năm qua với sự kiện Hoàng sa – Trường Sa, sự
tan vỡ toàn diện của môi trường nông thôn, mấy thế hệ nông dân mất đất đổ tràn
vào phố, rừng đầu nguồn bị tàn phá, sự cố Văn Giang, đập thủy điện các nơi đe
dọa làng xóm miền hạ lưu, tình trạng éo le của chục vạn cô dâu Việt ở xứ lạ quê
người,… có phải chưa từng có mặt trong các trang viết nóng bỏng của nhà văn,
nhà thơ đương đại? Lê Vĩnh Tài với trường ca Vỡ ra mưa ấm (2005), Đêm &
những khúc rời của Vũ (2008), Thơ hỏi thơ (2010), và mới nhất: Ăn của rừng rưng
rưng nước mắt, Thơ hỏi thở, Cánh đồng bất nhân. Rồi Trần Tiến Dũng qua Hai đóa
hoa trên trán cho công dân hạng hai (2004), Mây bay là bay rồi (2010); Inrasara
với tập thơ thời sự trong nước và thế giới: Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] (2009);
Bùi Chát với Thơ một vần (2009); các sáng tác thơ, truyện của Nguyễn Viện,
Chiêu Anh Nguyễn,… cùng mấy mươi cây bút phi chính thống khác?
Có
thể nói, hầu hết điểm nóng thời sự [hiện thực đời sống] trên thế giới và nhất
là ngay tại quốc nội được động cập thẳng thừng đầy tính phản biện tràn ngập các
trang viết đó. Ta đòi hỏi hiện thực là hiện thực nào? Và đâu là đất cho các
sáng tác đầy tính hiện thực kia xuất hiện và thể hiện?
2.
Còn
khi nói “phê bình không theo kịp đời sống văn học”, người phát ngôn ý định phê
phán phê bình chưa làm đầy đủ chức năng của mình. Cả khía cạnh này ta cũng bất
cập. Bởi đuổi theo đời sống văn học [để có thể gọi là theo kịp hay không kịp]
không phải nhiệm vụ chính của phê bình. Bên cạnh phát hiện và quy phạm hóa cái
đẹp, phê bình còn có nhiệm vụ khai mở cho cái đẹp mới lộ diện. Nếu chức năng
trước phụ thuộc vào tác phẩm, nghĩa là phê bình lẽo đẽo đi sau sáng tác để làm
phê bình, thì chức năng sau dành ưu tiên cho việc “lập thuyết”, một dạng phê
bình khả năng dẫn đạo sáng tác. Hai chức năng này song hành tồn tại trong đời
sống văn học. Cho nên, không thể nói phê bình không phát triển được bởi chưa có
sáng tác hay. Phê bình đi sau, song hành, và cả đi trước sáng tác văn học.
Trong quá khứ, đã có không ít phê bình mở đường cho sáng tác. Phong trào siêu
thực khởi đầu từ Tuyên ngôn siêu thực ra đời vào năm 1924, ở đó chủ trương thực
tại đích thực nằm trong vô thức, và bổn phận tối thượng của nghệ sĩ là làm cho
chúng hiện thể trong tác phẩm nghệ thuật bất kể nó phi lí tới đâu, đã dẫn đạo
sáng tác siêu thực gần mươi năm sau đó. Đó là loại phê bình “đi trước” sáng
tác, đi trước cả “thị hiếu chung của xã hội”.
Phê
bình cần bám sát đời sống văn học, là một phát ngôn lỗi thời.
Cả
ở đây nữa, cứ tạm cho đó là một chân lí bất di bất dịch, như ta quan niệm.
Vậy,
đâu là “đời sống văn học”? Đề cập đời sống văn học, ta nhấn vào “thực tiễn sáng
tác đa dạng, phong phú và phức tạp”. Ngày qua ngày, các tác phẩm thuộc nhiều
dòng, nhiều loại cấp tập ra đời, đã có bài điểm sách giới thiệu. Buổi ra mắt
sách, có. Bàn tròn văn chương, có. Hội thảo văn học, có. Ta có tất! Thế nhưng
nhìn tổng thể, phê bình hôm nay vẫn cứ né tránh sự kiện hay trào lưu văn học
mới lạ cùng mấy sự cố văn học nhạy cảm.
Ai
né tránh? – Nhà phê bình chính thống. Cơ quan nào không dám trực diện với vấn
đề? – Vẫn là báo chí dòng chính.
Cả
thập kỉ hình thành và phát triển của sáng tác hậu hiện đại, mười năm từ khi thơ
tân hình thức mở mắt chào đời, ta chưa có một hội thảo nhỏ, lớn nào bất kì về
hai trào lưu văn học đang làm sôi động văn đàn tiếng Việt(2). Thơ nữ quyền hay
văn chương mạng hoặc thơ trình diễn, không tìm đâu ra bài viết mang tính tổng
hợp hay đánh giá trên báo chuyên của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhóm Mở Miệng hay
Ngựa Trời, ta né tránh đã đành, ngay Chuyện kể năm 2000, Dự báo phi thời tiết
rồi mới đây Sát thủ đầu mưng mủ được phép in nhưng rồi bị dư luận phê phán mạnh
mẽ hay bị thu hồi, báo chuyên văn học dòng chính vẫn chưa một lần vào cuộc.
Tại
sao? Cả ở đây nữa, hoặc ta sợ đối mặt với cái mới lạ, hoặc ta rơi vào thế kẹt
của nỗi nhạy cảm vừa lộ thiên vừa rất trừu tượng. Thế nhưng, có phải tất thảy
nhà phê bình đều không theo kịp đời sống văn học?
Thử
ngoảnh lại mươi năm qua, khi Nguyễn Thế Hoàng Linh, Bùi Chát, Lê Vĩnh Tài, Đặng
Thân, Lý Đợi, Phan Thị Vàng Anh, Phan Bá Thọ, Đinh Thị Như Thúy, Như Huy,
Nguyễn Thúy Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Lynh Bacardi, Lê Anh Hoài, Nguyễn Vĩnh
Nguyên, Phạm Lưu Vũ, Nhật Chiêu, Lê Minh Phong, Vũ Lập Nhật, Đoàn Minh Châu, Vũ
Thành Sơn, Tuệ Nguyên, Tiểu Anh, Lưu Mêlan… xuất hiện, thì đã có ngay những
Phạm Xuân Nguyên, Lã Nguyên, Inrasara, Trần Ngọc Hiếu, Phùng Gia Thế, Khánh
Phương, Nhã Thuyên, Trần Thiện Khanh, Liêu Thái, Đoàn Ánh Dương, Đoàn Minh Tâm,
Phạm Xuân Thạch, Hoàng Thụy Anh, Ngô Hương Giang, Phan Tuấn Anh… giới thiệu,
nhận diện và bình luận. Rất kịp thời.
Và
ai dám cho rằng các bài phê bình, tổng hợp kia “thiếu tính học thuật”, hay
thiếu “phân tích một cách khoa học”? Còn “nói phê bình thiếu tính chiến đấu”,
hỏi họ chiến đấu với ai, nếu không phải là nỗ lực đánh đổ mấy lạc hậu, lỗi thời
để cho cái mới hạ sinh và phát triển?
Khác
điều, đại đa số các bài phê bình kia xuất hiện trên mạng thông tin toàn cầu,
chứ hiếm khi có mặt trên báo Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, tạp chí Nhà văn… Nhận định
“phê bình không theo kịp đời sống văn học”, người phát ngôn đã bỏ quên phương
tiện xuất bản mới là các trang mạng văn học ấy!
Không
biết, hay cố tình không biết?
Dù
gì thì gì, đó chính là thái độ né tránh hiện thực thực nhất của đời sống văn
học đương đại.
Sài Gòn, 9-8-2012
---------------------------------
Chú
thích:
(*)
Tiêu đề bắt chước lối nói của nhà thơ Chế Lan Viên: “Thơ bình phương – đời lập
phương”.
(1)
Nguyễn Hưng Quốc đã có bài phê bình về vấn đề này trong “Những nhà phê bình
mù”, 2007, Mấy vấn đề phê bình và lí thuyết văn học, NXB Văn mới, USA, tr.
63-88.
Các
trích dẫn ở trong ngoặc kép được trích từ: “Công tác lí luận, phê bình văn học,
nghệ thuật khu vực phía Bắc”, báo Điện tử Tổ quốc, 14-7-2012,
http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/49/doi-song-van-hoc/109367/cong-tac-ly-luan-phe-binh-van-hoc-nghe-thuat-khu-vuc-phia-bac.aspx
và “Bắt mạch thực trạng phê bình văn học hiện nay”, báo Văn nghệ trẻ, 7-2012,
http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=15809
(2)
Về hậu hiện đại, tạp chí Sông Hương có chuyên đề “Dấu ấn hậu hiện đại”, số
tháng 7-2011; còn tạp chí Nhà văn mãi năm 2012 (số tháng 6, 7 & 8) mới vào
cuộc, nhưng không tập trung. Về thơ Tân hình thức, tạp chí Sông Hương cũng đi
trước, chuyện đề được thực hiện ở số tháng 6-2012.
Bài viết liên quan:
No comments:
Post a Comment