Monday 17 September 2012

ĐÀI ĐÁP LỜI SÔNG NÚI phỏng vấn BLG TRẦN BÌNH NAM về VỤ ĐẤU ĐÁ NỘI BỘ ĐẢNG CSVN (Trần Bình Nam)





9-20-2012

Phỏng vấn nhà bình luận Trần Bình Nam

Phát sóng ngày Thứ Năm 6/9/2012 từ 9:30PM đến 10:00PM giờ Việt Nam
(nghe trực tuyến: http://radiodlsn.com à bấm vào ngày 6/9/2012)

Lời dẫn: Kính thưa quý thính giả.
Cuộc đấu đá trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam đang là đề tài tranh luận sôi nổi từ trong nước cho đến hải ngoại. Vừa qua, Dương Chí Dũng đã bị dẫn độ từ một nước trong khối Asean về Việt Nam. Để tìm hiểu cho rõ vấn đề chúng tôi có buổi trao đổi sau đây với bình luận gia Trần Bình Nam. Mời quý thính giả theo dõi sau đây:

Ký giả Hải Sơn (HS): Xin kính chào bình luận gia Trần Bình Nam.  Tháng trước ngày 20/8 công an Việt Nam bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên, một nhà tài phiệt trong ngành ngân hàng, gây nhiều xáo trộn kinh tế tài chánh tại Việt Nam. Ông ghi nhận biến chuyển này như thế nào ạ ?

Trần Bình Nam (TBN): Cám ơn ký giả Hải Sơn của đài Đáp Lời Sông Núi. Vụ bắt giữ ai về một tội phạm kinh tế cũng chỉ là một vụ bắt giữ. Nhưng nhà kinh doanh ngân hàng Nguyễn Đức Kiên có nhiều liên hệ với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nên vụ bắt giữ này trở thành một scandal chính trị, cho thấy sự tranh chấp quyền lực giữa những người lãnh đạo chóp bu trong Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Nguyễn Đức Kiên làm ăn trong lĩnh vực ngân hàng tư và là Chủ tịch Hội đồng quản trị của 3 công ty: Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B, Công ty Cổ phần đầu tư ACB, Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư tài chính Á Châu. Ông Kiên bị Tổng cục Cảnh sát Chống Tội phạm bắt về tội không có giấy phép hợp lệ cho 3 Công Ty nói trên, một lý do có vẻ buồn cười .

HS: Việc cơ quan công an bắt giữa một nhân vật có thế lực như vậy có chứng tỏ công an làm việc một cách vô tư theo luật pháp không ?

TBN: Sự việc không đơn giản như vậy. Bình thường tại một nước dân  chủ tam quyền phân lập thì đúng như vậy. Nhưng tại Việt Nam khi cơ quan an ninh hành động đối với một đối tượng có thế lực thì đó là dấu hiệu có một sự tranh chấp ở cấp cao.
Trong trường hợp này vụ bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên là hiện tượng của trận giặc tranh chấp quyền lực giữa hai ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng. Cả hai ông này đều là những ủy viên gốc miền Nam nên đánh nhau có thể là một điều thú vị cho nhóm Bắc bộ phủ gốc miền Bắc. Kinh tế thị trường càng lan rộng vào đời sống kinh tế trong nước bao nhiêu thì nhóm Ủy viên gốc miền Nam càng có thế lực hơn làm cho nhóm gốc miền Bắc thấy sốt ruột.

HS: Quá trình tranh chấp giữa hai ông Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang như thế nảo?

TBN: Sự tranh chấp này một phần do chính sách phát triển kinh tế khác nhau giữa hai ông Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang. Chúng ta đều biềt đi vào kinh tế thị trường điều quan trọng cần có là hai cột trụ: trụ thứ nhất là một hệ thống ngân hàng hoạt động theo những nguyên tắc tài chánh phân minh được một số cơ chế kiểm soát theo dõi, và cột trụ thứ hai là một nền tư pháp độc lập để phân xử khi có sự vi phạm luật lệ. Tại Việt Nam quyền hành tập trung trong tay đảng nên cả hai cột trụ đều yếu kém. Nhưng khi kinh tế thế giới sung mãn, kinh tế khu vực ổn định, kinh tế Việt Nam phồn thịnh, sự yếu kém của hai cột trụ không xuất hiện như những yếu tố đe dọa sự phát triển kinh tế quốc gia và các nhà kinh doanh có gốc đảng sau lưng do các ủy viên Bộ chính trị có thế lực đỡ đầu làm ăn bất chấp nguyên tắc miễn sao có lợi nhiều.

HS: Tình trạng tạm ổn định kinh tế đó có bị ảnh hưởng gì bởi cuộc khủng hỏang kinh tế thế giới trong mấy năm qua không ?

TBN: Bị ảnh hưởng nhiều và do đó mới sinh ra chuyện giữa hai ông Dũng và Sang. Kinh tế tăng trưởng chậm, lạm phát, đồng tiền mất giá, giá cả sinh hoạt lên cao, đời sống cơ cực hơn, nhất là  nhân dân sống ở nông thôn, dân chúng và cán bộ đảng viên cấp thấp trở nên bất mãn trước cuộc sống xa hoa ngoài lề của một số cán bộ lớn và đàn em làm ăn với họ. Điển hình là bà Đặng thị Hoàng Yến, đàn em ông Trương Tấn Sang và ông Nguyễn Đức Kiên đàn em ông Nguyễn Tấn Dũng.

HS: Bộ chính trị đã xử lý các vụ này như thế nào?

TBN: Trước hết, tháng 5 vừa qua ông Dũng dùng MặtTrận Tổ quốc tỉnh Long An để mở chiến dịch đánh bà Hoàng Yến , đại biểu Quốc Hội. Bà Hoàng Yến là một doanh nhân thành công và qua đó trở nên một trong những người giàu có nhất nước sống rất xa hoa. Bà giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng như Chủ tịch các Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Tân Tạo, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ. Bà cũng là thành viên của Hội đồng tư vấn kinh doanh Ủy ban Kinh tế Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương v.v…
Dư luận trong nước cho rằng bà Hoàng Yến làm ăn thành công nhờ sự đỡ đầu của ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ chính trị kiêm Chủ tịch nước. Chứng cớ truy tố bà như khai tình trạng kết hôn và lý lịch chính trị không chính xác là những sơ hỡ nhỏ có thể moi ra từ hồ sơ của bất cứ cán bộ nào trong bộ máy cầm quyền hiện nay tại Việt Nam. Quốc hội đã biểu quyết ngưng chức bà Hoàng Yến. Ông Nguyễn Tấn Dũng thắng một keo.
Bây giờ đến lượt ông Sang ra tay đánh ông Nguyễn Tấn Dũng. Không phải là một điều xa lạ tại Hà Nội là ai cũng biết thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ chính trị là người đỡ đầu ông Nguyễn Đức Kiên và ông Dương Chí Dũng, chủ tịch công ty vận chuyển đường biển Vinalines bị truy tố và bỏ trốn ra nước ngoài tháng 5 vừa qua. Bây giờ ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt và có tin ông Dương Chí Dũng vừa bị cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol bắt ngày 4/9 tại một nước trong khối Asean và đã được dẫn độ về Việt Nam. Vụ truy tố ông Nguyễn Đức Kiên và dẫn độ ông Dương Chí Dũng là hai đòn nặng cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tin đồn rằng cuối năm 2012 này sẽ có một mini đại hội đảng để quyết định một số vấn đề quan trọng như tu chính Hiến Pháp và thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao. Ông Trương Tấn Sang đã không bỏ lỡ cơ hội này.
Đầu tháng 7 vừa qua trong một cuộc hội thảo tại Đại học Quốc Gia Hà Nội, các giáo sư tham dự đã đề nghị tu chính Hiến Pháp trao các bộ Quốc Phòng, Công an và Ngoại giao cho Chủ tịch nước. Đề nghị này rất hợp ý ông Trương Tấn Sang trường hợp ông Sang không tranh được chức thủ tướng nơi tay ông Dũng thì ở chức vụ Chủ tịch nước ông cũng sẽ có nhiều quyền hơn.

HS: Có chỉ dẫn nào để ông nói ông Trương Tấn Sang đang muốn tranh giành chức thủ tướng với ông Dũng?

TBN:  Chỉ dẫn là ngày 22/8, nghĩa là chỉ 2 ngày sau khi ông Nguyễn Đức Kiên bị truy tố, ông Trương Tấn Sang cho đăng lên báo Tuổi Trẻ, một tờ báo bên lề phải một bài viết nhan đề “Phải biết hổ thẹn với tiền nhân” bày tỏ cảm tưởng của ông trước ngày Quốc Khánh thứ 67 sắp tới (2-9-2012).  Qua đó ông Sang nêu ra các khuyết tật của Nhà nước do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lãnh đạo.           

HS: Ngoài ra bài viết của ông Trương Tấn Sanh có gì đáng để ý nữa không ?

TBN: Bài viết của ông Sang không đánh động được lòng dân mà chỉ bày ra sự yếu kém chồng chất của đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 2-9-1945 đến nay.
Sau khi ca ngợi những thành công của đảng như đánh thắng trận Điện biên Phủ (mà thật ra nếu không có Trung quốc giúp thì không thể thắng được) và thống nhất đất nước (mà thật ra thực hiện được do Hoa Kỳ thay đổi chiến lược thế giới và rút lui) ông Trương Tấn Sang nêu ra những tiêu cực mà ông có ý ám chỉ do triều đại của thủ tướng Dũng về các mặt kinh tế và xã hội .
Nhưng lý thú nhất trong lá thư vận động của ông Trương Tấn Sang là ông ta cố tình quên không nói đến sự thất bại của đảng Cộng sản Việt Nam tại Thế Vận Hội mùa hè 2012 tại Anh quốc còn sơ sờ trước mắt. Một nước hơn 87 triệu dân mà  không chiếm nổi một huy chương đồng, trong khi Nam Hàn (trong thập niên 1960 còn kém Nam Việt Nam) chưa tới 50 triệu dân đoạt được 28 huy chương trong đó có 13 huy chương vàng; Cuba, 11 triệu dân thu được 14 huy chương trong đó có 5 huy chương vàng; Hòa Lan 17 triệu dân có 20 huy chương trong đó có  6 vàng; Bắc Hàn 24 triệu dân có 6 huy chương với 4 vàng, và đảo quốc Jamaica nhỏ tí với 3 triệu dân cũng chiếm được 12 huy chương với 4 vàng nếu chỉ kể vài thí dụ tượng trưng. Tại sao đảng Cộng sản Việt Nam thất bại tệ hại như vậy sau 37 năm thống nhất và hòa bình. Sự dẽo dai chịu đựng của người Việt Nam qua chiến trận trong suốt lịch sử cho thấy thể chất của người Việt Nam không kém! Vậy tại sao khi chen vai thích cánh trên trường quốc tế kết quả lại nhục nhã như vậy. Chắc ông Hải Sơn cũng đồng ý với tôi rằng không thể có một kết luận nào khác là: Sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam bất xứng.

HS: Xin cám ơn ông Trần Bình Nam

TBN: Xin cám ơn ký giả Hải Sơn./.




No comments:

Post a Comment

View My Stats