Monday, 17 September 2012

CHUYỆN NHỮNG DÒNG SÔNG (Nguyễn Quý Đại)






Sông Isar dài 295 km từ thượng nguồn Tirol Áo quốc nước xuôi dòng êm ả chảy qua tây nam rồi đến đông bắc Munich dài 13,7km. Các kênh đào dọc theo sông làm tăng thêm vẽ đẹp thơ mộng của thiên nhiên, dòng nước xanh lục không bị ô nhiễm nên hơi nước làm không khí tươi mát dễ chịu, là nơi mà những ngày thời tiết đẹp vào buổi chiều sau giờ làm việc, hay cuối tuần nhiều người đi dạo, nằm phơi nắng, nướng thịt và tắm sông.(1)

Munich đẹp với những di tích lịch sử, cuối thế kỷ thứ 18 München phát triển trở thành thủ đô của Vương quốc Bayern (Bavaria), Thế chiến II (1939-1945) bị bom đạn tàn phá hư hại hơn 50% (cuối tháng 8.2012 sau 67 năm, toán thợ đào đường còn tìm thấy trái bom nặng 250 kilo nằm sâu dưới lòng đất ở Schwabing trung tâm thành phố, chuyên viên không thể tháo gở ngoài nổ, hơn 3000 dân phải tạm thời di cư đến nơi an toàn cho bom nổ thiệt hại tài sản 4 triệu € )

Thế chiến II chấm dứt nước Đức bị chia đôi Đông-Tây. Tây Đức theo chủ nghiã tự do nhờ kế hoạch Marshall (Marshall Plan) của Mỹ nhằm tái thiết các quốc gia Tây Âu, đẩy lui chủ nghiã cộng sản. Năm 1947 các quốc gia Đông Âu bị Liên Xô khước từ không nhận tiền từ kế hoạch Marshall, Đông Âu theo nền kinh tế chỉ huy, tập trung không phát triển mà còn đi thụt lùi. Tây Âu nhờ kế hoạch phục hưng kinh tế theo thị trường tự do, bởi vậy tạo khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia Đông và Tây. Kế hoạch Marshall cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong qúa trình hòa nhập Châu Âu, một vài thập niên sau chiến tranh hoang tàn đổ nát người Đức đã xây dựng lại quê hương giàu mạnh dù những nét đẹp cổ kính không còn như xưa, nhưng phong cảnh vẫn đẹp. Kinh tế Đức phát triển vượt mức trước chiến tranh và trở thành cường quốc tự do dân chủ, đời sống thanh bình năm 1972 Munich tổ chức Thế Vận Hội, ngược lại Đông Đức theo chủ nghiã cộng sản độc tài thì nghèo đói, lạc hậu…

Munich là thủ phủ của tiểu bang Bayern, là thành phố lớn thứ ba sau Berlin và Hamburg và là một trong những trung tâm kinh tế giao thông, văn hóa quan trọng nhất của Cộng hòa liên bang Đức. Dân số Munich 1,4 triệu người và hơn 5000 người Việt Tỵ nạn CS. Diện tích 310,43 km² trong đó 44% là nhà và các diện tích phụ thuộc, 16,9% là diện tích nông nghiệp, 16,5% là diện tích giao thông, 14,7% là các diện tích công viên, khu thể thao 4,4% là rừng, 1,2% diện tích nước và 2,2% dùng cho các mục đích khác. Chiều dài từ Bắc sang Nam là 20,9km, từ Đông sang Tây là 26,8km. Munich có nhiều trụ sở của công ty thuộc các ngành truyền thông, bảo hiểm, ngân hàng và hãng xưởng kỹ nghệ lớn nhiều người làm việc nổi tiếng như: BMW (95.000 người), Siemens trên 50.000 người; MAN (47.000 người); Linde AG (19.358 người); BayWa (16.426 người); Wacker Chemie (16.314 người); O2 (6.500 người); BSh Bosch (42.814 người); Thüga Gruppe (18.100 người), Epcos (20.000). Infineon…, nhiều thương gia và người Đức giàu sinh sống, Munich cũng là thành phố đắt đỏ nhất nước Đức.(2)

Dòng sông Isar nước trôi lững lờ như dải lụa xanh nối liền các hồ nước thiên nhiên cũng như nhân tạo làm cho Munich xanh tươi, mát mẽ, nhiều cây xanh, do các khoáng chất, đá vôi hòa tan làm nước có màu xanh lục, đáy sông là những viên sỏi đủ màu với cát vàng nhạt, dọc theo hai bên sông có diện tích tổng cộng 90 mẫu đất trải dài được trồng cây và các đường đi bộ, xe đạp, hàng ngày có nhân viên sở vệ sinh thu dọn rác, bảo vệ môi trường không bị ô nhiễm, hai bên sông đều có nhiều phòng vệ sinh, thùng rác, bao rác để mọi người tự giác bỏ vào. Mùa hè kể cả cuối tuần, ngày lễ đều có người làm công tác vệ sinh công cộng thu dọn sạch sẽ. Khoảng bờ sông nào được phép nướng thịt đều có bảng nếu vi phạm sẽ bị phạt, có nhiều khu FKK dành cho những người thích tắm khỏa thân, nước sông được kiểm tra vệ sinh nên tắm thỏa mái. Nước thải ra sông đều được qua các hệ thống lọc, nước dùng trong mỗi gia đình thải ra phải lọc lại trước khi ra cống, bởi vậy tiền nước sử dụng ngang với tiền lọc nước thải. Nhà máy lọc nước Munich cung cấp cho dân chúng nước sạch đúng tiêu.

chuẩn có thể uống được không bị đau bụng. Chúng tôi thường đi xe đạp dọc theo dòng sông Isar có nhiều cây cổ thụ đường kính từ 0,5m trở lên, cây lá xanh tươi rủ bóng mát, dòng nước có chỗ cạn chỗ sâu, có những đập ngăn lọc nước sạch, đi xa hơn có đập thuỷ điện. Trên sông có các đảo là địa danh nổi tiếng gần cầu Ludwigsbrücke là Museuminsel có cầu Boschbrücke nối với Viện bảo tàng (Deutches Museum /German Museum rộng 40.000m² chưng bày các phát minh khoa học, kỹ thuật từ không gian, biển cho đến hầm mỏ, điện…). Các hồ trong thành phố: hồ Feringasee, hồ Grosshessehoher See trong công viên Englischer Garten (English Garden), hồ trong khu vực Olympia và các hồ Lerchenauer See, hồ Fasaneriesee, hồ Feldmochinger See đều nằm về phía bắc của Munich. Ngoài ra còn nhiều hồ ở ngoại ô như: hồ Wörthsee, hồ Ammersee, hồ Starmbergsee… Các dòng nước khác là sông Würm bắt nguồn từ hồ Starnberger See chảy xuyên qua phía tây Munich.(3)

Những cầu bắt qua sông Isar, có lịch sử lâu đời trong đó có di tích của chiếc cầu đầu tiên được xây năm 1158 thời vua Heindrich der löve để thâu thuế muối…Theo thời gian thay đổi và sự phát triển văn minh của con người các cầu gỗ xa xưa được xây lại bằng beton cốt sắt vững chắc, là những nhịp cầu phục vụ giao thông hữu hiệu, hàng năm được kiểm tra tu sửa.(4)

Sông Isar còn là nơi thu hút du khách ở Wolfratshausen, từ tháng 5 đến tháng 9 du khách có thể đi trên bè gỗ lớn. Những chiếc bè gỗ cách đây 100 năm được sử dụng để vận chuyển các đồ vật cồng kềnh, nhưng hôm nay đi trên bè gỗ „Floßfahrt auf der Isar“, là phương tiện giải trí phổ biến ngồi uống bier, nghe nhạc, thưởng ngoạn cảnh sông nước hữu tình đem niềm vui đến với mọi người và nhớ về 100 năm trước… Mời độc giả vào Youtube cuối trang để thưởng thức chuyến đi trên sông nghe nhạc dân ca của người Bavaria .(5)

Tháng 8 vừa qua Frank Bonitz bạn đồng nghiệp của tôi du lịch Việt Nam về hẹn chúng tôi ra Isar ngồi uống bier kể chuyện đi VN của anh có vui nhưng cũng lắm điều tuyệt vọng! Việt Nam không phải chỉ có „Halong bay“, anh đã đến với vẽ đẹp thiên nhiên ở nhiều nơi như Safa, Phú Quốc, Mũi né …ở đâu anh cũng thấy nhiều bảng „camdai bay“… Frank khách quan phê bình Sài Gòn „hòn ngọc viễn đông“ thì ồn ào, đông người, xe gắn máy chạy xuôi ngược như dòng thác không tôn trọng luât lệ giao thông… anh còn so sánh sông Isar và các kênh đào ở Munich mang lại tươi mát cho mọi người, ngược lại các con kênh và sông Sài Gòn thì hôi thối ô nhiễm…

Kênh Nhiêu Lộc

Nhiều người về thăm Sài Gòn đã thấy đời sống, kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè chảy dài suốt địa bàn các quận: Tân Bình, Phú Nhuận, quận 3, Bình Thạnh và quận 1, chiều dài khoảng 9 km. Đủ thứ rác rưởi dọc hai bên bờ, nằm dưới lòng kênh, trôi lềnh bềnh… và trăm ngàn thứ bẩn khác hòa trộn tạo nên dòng nước đen thui, hôi hám. Hầu hết các kênh bị ô nhiễm nặng không còn sinh vật nào có thể sinh sống. Từ nước tới bùn thải ra môi trường xung quanh thì không cây cối nào sống được và còn ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe con người, Các chất ô nhiễm thấm xuống nguồn nước ngầm. Hiện nay dân chúng phần lớn dùng giếng bơm trực tiếp sử dụng không qua hệ thống gạn lọc khử trùng chắc chắn ảnh hưởng đến sức khoẻ. Du khách nhìn dòng kênh nước đen có thể đánh giá trình độ dân trí và chế độ.
Muốn chống ô nhiễm dòng kênh, cải thiện môi trường sống của người dân ven kênh Tân Hóa, Lò Gốm, Tàu Hủ, kênh Đôi, kênh Tẻ , Bến Nghé, cần thực hiện dự án làm sạch môi trường, các kênh trên cần xây dựng nhà máy lọc nước thải, giải quyết bùn, nạo vét lòng kênh tái chế và tái sử dụng bùn đúng tiêu chuẩn để phục vụ đời sống tốt đẹp hơn. Từng Phường khóm dọc theo kênh phải thường xuyên vận động, giải thích cho từng gia đình nhận thức về sự nguy hại lâu dài đối với việc bỏ rác bừa bải, mỗi người dân cần có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho gia đình, tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất biến chế, xả nước cẩu thả xuống cống rảnh chảy ra kênh làm môi trường thêm ô nhiễm, các trường hợp đổ rác lén lút phải trừng phạt như bắt đi làm công tác hốt rác trên kênh một vài ngày, nộp tiền phạt …. tránh trường hợp dù có bảng „cấm đổ rác“ nhưng vẫn tồn tại đống rác to tướng, bảng „cấm đái bậy“ nhưng nhiều người vẫn đứng tiểu như nơi không có người. Thời gian qua những người yêu nước tham dự biểu tình chống Trung cộng chiếm biển đảo của Việt Nam, nhà cầm quyền ra lệnh hàng trăm thanh niên, dân phòng và công an đàn áp, bắt bớ… mà không dùng số người này đến canh gác dọc theo các kênh, bờ sông Sài Gòn, ban đêm các quán ăn nhậu xả rác .. kêu gọi họ về ý thức vệ sinh để bảo vệ sức khoẻ hữu hiệu hơn bằng cách giữ sạch sẽ dòng sông và kênh để được hít thở không khí trong lành, tươi mát.

Người Việt Nam chúng ta cũng siêng năng, thông minh và luôn tự hào với „4000 Năm Văn Hiến“có thành tích chống „Tàu-Pháp-Mỹ“ giành độc lập thống nhất đất nước Chiến tranh chấm dứt từ lâu nhưng đất nước vẫn không phát triển, kinh tế bấp bênh, nạn lạm phát tăng đời sống người dân nghèo càng ngày gánh chịu nhiều mất mác, khổ đau hơn. Người đi lao động nước ngoài bị bóc lột đánh đập như người nô lệ… Các ngân hàng Việt Nam bị khánh kiệt vì tham nhũng và lãng phí đã ăn sâu vào nền kinh tế, các doanh nghiệp nợ nần chồng chất…Bởi chế độ CS không dùng đúng người tài giỏi, đủ khả năng làm việc, dùng người theo lý lịch „con ông cháu cha“ không chuyên môn, thiếu kinh nghiệm làm lãnh đạo chỉ là lũ sâu bọ phá nát đất nước. Tài nguyên Quốc gia khai thác để phục vụ cho một tập đoàn bỏ tiền vào túi… cái đại nạn tham nhũng hối lộ, biển thủ từ trên xuống dưới, làm bất ổn xã hội và sinh ra các vụ cưỡng chiếm thu đất của người dân nghèo thấp cổ bé miệng, làm không cách giàu nghèo càng tăng. Cán bộ có quyền lực xài tiền không hết, trong khi người dân nghèo đổ mồ hôi, nước mắt để mưu sinh, khi bệnh không có tiền mua thuốc… Một dân tộc cứ bị nghèo đói hành hạ thì trình độ dân trí không thể phát triển theo văn minh của thế giới, đó cũng là nỗi buồn chung của dân tộc Việt Nam! nhìn dòng sông Isar nước sạch mà nhớ đến cố hương và tôi tự hỏi đợi đến bao giờ kênh, sông nước Việt Nam không còn bị ô nhiễm, độc hại, đời sống người dân có tự do, dân chủ và nhân quyền được tôn trọng ?

Nọ bức dư đồ thử đứng coi,
Sông sông núi núi khéo bia cười
Biết bao lúc mới công vờn vẻ
Sao đến bây giờ rách tả tơi!
Ấy trước ông cha mua để lại
Mà sao con cháu lấy làm chơi……
Tản Đà
Munich cuối hè 2012
© Nguyễn Quý Đại
© Đàn Chim Việt

————————————————————

Chú thích:
[4] Abrechen (1582–1587)

—————————————————–

Tài liệu tham khảo
Lexikon der Geschichte nhà xuất bản Faktum
Mời độc giả xem hình dòng sông Isar nguồi trên Internet và của tác giả
Phong cảnh nguồn internet của Munich

———————————————-

Tài liệu đọc thêm

Kế hoạch phục hưng Châu Âu -European Recovery Program – ERP,
Chương trình phục hồi dựa trên bốn nỗ lực cụ thể: (1) một nền sản xuất mạnh, (2) mở rộng ngoại thương, (3) tạo lập và duy trì sự ổn định tài chính nội bộ, và (4) phát triển hợp tác kinh tế (châu Âu)”.

Kế hoạch Marshall thường được gọi theo tên của Ngoại trưởng Mỹ George Marshall, người đã khởi xướng và ban hành kế hoạch. Kế hoạch Marshall là thành quả lao động của các người trong Bộ ngoại giao Hoa kỳ trong đó ghi nhận sự đóng góp đặc biệt của William L.Clayton và George F. Kennan

Kế hoạch tái thiết được phát triển cuộc họp của các quốc gia Châu Âu ngày 12.07.1947 Kế hoạch Marshall đề ra việc viện trợ tương đương cho Liên Xô và đồng minh của họ, nhưng Liên Xo từ chối. Kế hoạch được thực thi trong vòng 4 năm, kể từ tháng 7 năm 1947. Trong thời gian đó, có khoảng 17 tỷ US$ viện trợ kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật để giúp khôi phục các quốc gia châu Âu tham gia Tổ chức hợp tác và Phát triển Kinh tế – OECD.

Cho tới khi kết thúc dự án, nền kinh tế của các quốc gia nằm trong Kế hoạch, ngoại trừ Tây Đức, đã phát triển vượt mức trước chiến tranh. Trong vòng hai thập kỷ tiếp đó, nhiều vùng ở Tây Âu tiếp tục đạt được mức tăng trưởng và phồn vinh chưa từng có trước đó. Kế hoạch Marshall cũng được xem là một trong các thành tố của quá trình hội nhập Châu Âu, vì nó xóa bỏ hàng rào quan thuế và thiết lập các cơ quan điều phối kinh tế tầm cỡ lục địa.

Trong những năm gần đây, các sử gia đặt câu hỏi về cả động cơ bên trong cũng như tính hiệu quả chung của Kế hoạch Marshall. Một số sử gia cho rằng hiệu quả của Kế hoạch Marshall thực tế là từ chính sách Laissez -faire (tạm dịch: thả nổi) cho phép thị trường tự bình ổn qua sự phát triển kinh tế. Người ta cho rằng Tổ chức cứu trợ phục hồi của Liên Hiệp Quốc, vốn giúp hàng triệu người tị nạn từ năm 1944 tới 1947, cũng giúp đặt nền móng cho sự phục hồi Châu Âu thời hậu chiến….







No comments:

Post a Comment

View My Stats