Tháng 9 25, 2012
Trong truyện ngụ ngôn kinh điển về sự mâu thuẫn và thách thức
giữa kẻ mạnh – con mèo và người yếu – lũ chuột, có thể thấy một sự đúc kết rất
rõ ràng rằng kể cả khi có thừa trí tuệ nhưng nếu thiếu khí tiết, thiếu lòng quả
cảm, hi sinh thì vẫn không thể thoát được phận nô lệ. Đến việc thực hiện sáng
kiến vĩ đại đeo chuông vào cổ mèo thì chuột nào cũng lảng nên từ hàng ngàn năm
nay chuột vẫn là chuột.
Có lẽ những người cầm quyền (nguồn gốc) cộng sản ở Việt Nam
thuộc những người nghiên cứu kĩ nhất câu truyện trên. Nhưng họ lại thuộc về bên
phản diện, đương nhiên lúc họ đã cầm quyền. Trước khi nắm quyền những người
cộng sản cũng thuộc những người có khí tiết nhất trong cuộc đấu tranh chống lại
ách nô lệ. Nhưng tiếc thay cái khí tiết đó ngay từ thuở ban đầu đã bị nhuốm
nặng tinh thần bang hội, đảng phái, chứ không phải thứ khí tiết thuần công lí,
nhân bản.
Trong Đời
viết văn của tôi [i] Nguyễn Công Hoan kể lại một
ấn tượng mạnh về người cộng sản những năm đầu 1930:
”Nhưng một
bài tường thuật một vụ án đăng trên báo làm tôi kinh ngạc và xúc động hơn hết.
Đó là vụ tòa xử một anh thanh niên mà tôi không quen, nhưng có biết mặt và biết
tên. Đó là anh Trịnh Đình Cửu. Hồi còn học ở Hà Nội, ngày bốn buổi, tôi qua nhà
anh, ở số 61, Hàng Đào, tôi vẫn thấy anh mặc đồ tây, quần ngắn, đứng ở hiên
gác, nhìn xe điện đi qua. Anh hơn tôi độ một hai tuổi. Tôi còn biết anh là con
bà Tú Mẫn. Anh Cửu gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội mà tôi
cũng rõ là Đảng Cộng sản, ngày ấy gọi tắt là ‘Két’. Anh bị bắt. Và chắc chắn là
bọn mật thám không cậy được ở anh một nửa lời khai báo, nên chúng mới định đánh
vào mặt tình cảm của anh. Hôm đưa anh ra tòa, chúng bắt cả bà Tú ra. Bà Tú thấy
anh, cố nhiên là mặc quần áo tù, đầu cạo trọc và thân hình gầy gò, thì bà khóc.
Chúng cho anh nhìn bà, và dỗ anh rằng nếu khai thì sẽ được tha. Nhưng ngờ đâu
anh không nhìn mẹ, mà quay mặt đi, rồi đập vào mặt bọn quan tòa một cái tát
chết điếng bằng một câu nói hết sức cứng rắn: ‘Tôi chỉ biết có Đảng’.”[ii]
Nhưng
từ năm 1954 đến nay những người cộng sản cầm quyền đều xử sự với những người có
khí tiết, còn khí tiết bằng một chính sách, dù với nhiều biến thể khác nhau,
nhất quán trước sau như một:
vùi dập.
Dù có là người dựng tượng đài cho ngày lên bục quyền lực của
người cộng sản như Nguyễn Hữu Đang
thì cũng phải lên “Cổng trời” [iii] nếu cứ nhất quyết giữ khí
tiết với tự do ngôn luận. Một tài năng khiến người Âu cũng phải nể phục như Nguyễn Mạnh Tường nhưng vì có khí tiết
phê phán độc tài nên rốt cuộc cũng bị “rút phép thông công”. Và Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Hoàng Minh
Chính, Nguyễn Hộ, Trần Độ… đều bị cầm cố, bức hại mỗi người mỗi khác nhưng
đều có chung một phẩm chất: khí tiết bảo tồn lương tâm con người. Còn những người đứng trước “tòa
án” vẫn giữ nguyên khí tiết bao giờ cũng phải nhận rất nhiều năm tù hơn so với
những người khác cùng đứng. Những người cộng sản cầm quyền luôn cố cầm
giữ, che giấu khí tiết của con người. Những tường thuật trên báo chí hay đưa
tin về những “phiên tòa” trên TV chưa bao giờ thấy ghi lại hay phát âm thanh
những lời nói trước “tòa án nhân dân” của những người như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Túc, Tạ Phong Tần hay Nguyễn Văn Hải
(Điếu Cày),…
Chắc chắn những người cầm quyền cộng sản Việt Nam đã khôn hơn
con mèo ngụ ngôn. Họ biết con người nô lệ không phải là một định mệnh như lũ
chuột. Chính vì thế, không như mèo, họ không bao giờ thờ ơ hay thấy nhọc công,
nhàm chán trong việc mua chuộc, vùi dập, triệt tiêu, hay giấu biệt khí tiết con
người.
Nhưng cái dở nhất của thiếu khí tiết, vắng khí tiết chưa hẳn đã
là sự sợ hãi tới mức không dám hành động, không dám đeo chuông vào cổ mèo. Mất
khí tiết làm người ta không nhận ra được những điểm yếu, những nỗi sợ của cái
ác.
Không yếu, không sợ thì sao trong thời đại này lại dùng đến gần
20 năm trời để cầm cố một tiếng nói? [iv]
© 2012 pro&contra
[i] Nguyễn Công Hoan, Đời viết văn của tôi,
Nxb Văn Học, 1971
[ii] Sách đã dẫn, trang 129-130
[iii] Tên thường gọi của một nhà
tù khét tiếng trên Hà Giang của chính quyền cộng sản miền Bắc sau năm 1954.
[iv] Nhà nước Việt Nam vừa kết án
ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày, sinh năm 1952) 12 năm tù giam và 5 năm quản chế
vì đã có những hoạt động cổ xúy cho tự do báo chí, tự do ngôn luận, chống Trung
Quốc xâm lược và không chịu cúi đầu nhận tội trước “phiên tòa công khai” ngày 24/09/2012. Ngay
trước vụ án này ông Nguyễn Văn Hải đã phải thụ một án 2,5 tù giam cho cáo buộc
“trốn thuế” vào năm 2008.
No comments:
Post a Comment