Thứ ba 04 Tháng
Chín 2012
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen vừa có chuyến đi thăm Tân Cương hai ngày. Tại Trung
Quốc Ông Hun Sen không chỉ nhận được những lời ca tụng vì đã ủng hộ Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông mà còn cả những hứa hẹn hỗ trợ hào phóng về kinh tế. Trong khi đó, Phnom
Penh vẫn tỏ ra thận trọng, cố gắng tìm cách không làm mất lòng cả Hà Nội cũng như Bắc Kinh.
Thông tín viên Phạm Phan tại Phnom Penh tường trình :
Những hứa hẹn hỗ trợ kinh tế của Bắc Kinh cho Phnom Penh
Sau khi chứng tỏ sự ủng hộ Trung Quốc một cách mạnh mẽ trong vấn đề Biển Đông tại Thượng Đỉnh ASEAN hồi cuối tháng 7, thì chuyến xuất ngoại đầu tiên kể từ sau hội nghị nói trên của Thủ Tướng Hun Sen hướng tới thủ phủ Urumqi của Khu Tự Trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương tại Tây Bắc Trung Quốc.
Ông Moniroth, giới chức cao cấp tại Bộ Kinh Tế Tài Chính cho báo chí biết rằng trong chuyến viếng thăm hai ngày nhân tham dự cuộc Triển Lãm Xuất Cảng Trung Quốc - Á - Âu Lần Thứ Hai, ông Hun Sen đã có cuộc gặp với ông Ôn Gia Bảo, Thủ Tướng Trung Quốc trong ngày 2/9.
Theo sự lượng định của Tân Hoa Xã, cơ quan
truyền thông của chế độ Bắc Kinh thì cuộc gặp giữa hai nhân vật nói trên diễn ra trong không khí thân mật sâu sắc và hết sức đoàn kết, gắn bó, hợp tác. Trong cương vị của một kẻ chi tiền, ông Ôn Gia Bảo hứa hẹn với ông Hun Sen rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục phụ giúp Cam Bốt phát triển cơ sở hạ tầng của quốc gia, đây là một lĩnh vực chính yếu để Cam Bốt tăng tốc công cuộc phát triển xã hội hiện nay. Nhân vật quyền thế của Bắc Kinh cũng chú trọng đến lĩnh vực nông nghiệp của xứ Chùa Tháp, ông nói sẽ đưa nhiều công ty Trung Quốc qua giúp Cam Bốt về chế biến nông phẩm, đặc biệt là gạo.
Năm sau, cả hai nước đánh dấu 55 năm thiết lập bang giao, qua sự kiện quan trọng này, ông Ôn Gia Bảo nói hai quốc gia cần hợp tác để tổ chức nhiều buổi lễ kỷ niệm và nhân thời điểm đáng ghi nhớ này, Trung Quốc sẽ mời 100 nam nữ trẻ tuổi của Cam Bốt đến thăm “đất nước Xã Hội Chủ Nghĩa giàu mạnh” của Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc đang tập chú đầu tư xây dựng khu
kỹ nghệ và nhà máy sản xuất thép tại Cam Bốt, hai dự án này tiêu tốn 2 tỷ Mỹ Kim, và dự trù nhà máy sản xuất thép sẽ cho ra
lò mỗi năm 3 triệu tấn, cũng như tạo ra 10.000 công việc cho lực lượng lao động Cam Bốt.
Nhân chuyến đi này, Thủ Tướng Hun Sen cũng tranh thủ mở lời xin Trung Quốc cho mượn mỗi năm khoảng 500
triệu Mỹ Kim để Cam Bốt đầu tư trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng và dẫn thủy nhập điền. Ông Ôn Gia Bảo đã đồng ý trên nguyên tắc và ông Hun Sen hết lời cám ơn sự hào phóng của một đồng minh
thân thiết.
Phnom Penh không
thể dễ gì quay lưng lại với Hà Nội ?
Trung Quốc là một con sư tử khổng lồ đã thức giấc từ hơn hai thập niên qua và ngày càng khẳng định họ là cường quốc trong vùng này và cả trên giới nhiều biến động hiện nay. Còn chế độ Hà Nội là lực lượng đã đưa cá nhân ông Hun Sen cũng như nhiều giới chức hàng đầu hiện nay tại Phnom Penh lên đến đỉnh cao quyền lực. Thủ Tướng Hun Sen sẽ chọn bên nào và bỏ bên nào?
Tại Thượng Đỉnh ASEAN vào cuối tháng 7 vừa qua, ông Hun Sen đã thẳng thừng chọn đi với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên một thời gian ngắn sau, tại phiên điều trần trước các dân biểu đối lập ở Quốc Hội về vấn đề làm mất đất cho phía Việt Nam, ông Hun Sen đã binh vực cho chế độ Hà Nội và trấn áp tiếng nói của phía đối lập.
Như vậy qua hai sự kiện quan trọng gần đây, cho thấy ông Hun Sen muốn đi với cả hai, không muốn làm mất lòng Bắc Kinh
lẫn Hà Nội. Một phương cách không dễ dàng, bởi vì cả Bắc Kinh, và Hà Nội đều có quyền lợi tại Cam Bốt và Biển Đông và đang tìm cách tranh giành ảnh hưởng về kinh tế lẫn chính trị.
Ông Luo Yongkun, một chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Đương Thời của Trung Quốc đã cho biết ý kiến nhân chuyến đi Tân Cương của ông Hun Sen rằng: Cam Bốt không những đóng vai trò quan trọng về mặt địa chính trị cho
Trung Quốc trong
phạm vi khối ASEAN mà còn trải rộng hơn nữa.
Như thế chắc chắn Bắc Kinh sẽ không thể lỏng tay khi chơi con cờ Phnom Penh trong bối cảnh chính trị phức tạp hiện nay của khu vực mà Hà Nội đã tốn nhiều công sức xây dựng nên sau khi đánh đổ con chốt thí Pol Pot của Bắc Kinh vào năm 1979. Tình thế đó đẩy ông Hun Sen vào vị thế cực kỳ cẩn thận để khỏi lỡ cơ hội nắm quyền đến 90 tuổi mà ông từng tuyên bố và cũng là hằng mong muốn.
Khi xét đến các yếu tố bên trên, chúng ta chưa đề cập đến sự hiện diện của lực lượng đối lập và phong trào dân chủ tại Cam Bốt. Sự tồn tại quyền lực lâu dài của gia đình ông Hun Sen và Đảng Nhân Dân Cam Bốt đương quyền đồng nghĩa với sự thoái lui vào bóng tối của nền dân chủ mong
manh trên quốc gia này.
Đề cập đến yếu tố dân chủ tự do ở Cam Bốt, bởi vì khi nó lớn mạnh có thể làm thay đổi các mối quan
hệ hiện nay, mà cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều không muốn nó lớn mạnh, do vì bản chất độc quyền thao túng chính trị của họ mà ra.
Cam Bốt sẽ chơi bài bắt cá hai tay?
Chuyến đi hai ngày đến Trung
Quốc của Thủ Tướng Hun Sen đã mang lại nhiều lợi nhuận và tăng uy tín cho đảng đương quyền của ông. Trong khi đó, ngay sau thất bại của Thượng Đỉnh
ASEAN vào cuối tháng 7, Chủ Tịch Quốc Hội Heng Samrin, và Phó Thủ Tướng thường trực, bà Men Sam On đã được Hà Nội mời đến Việt Nam tham dự ít nhất hai sự kiện liên quan đến hai Quốc Hội và mối quan
hệ hợp tác bang giao Việt Nam – Cam Bốt.
Chuyến đi của ông Heng Samrin và bà Men Sam On nặng về lễ nghi bang giao cố hữu mà không mang lại nhiều lợi ích kinh tế mà một quốc gia kém phát triển như Cam Bốt đang rất cần đến. Có một điều ghi
nhận rằng: Hà Nội, về mặt chính thức, chưa lên tiếng gì về thái độ của Cam Bốt trong hội nghị ASEAN, trái lại họ chú trọng củng cố hơn nữa quan hệ lâu dài giữa hai nước.
Không lên tiếng về thái độ Cam Bốt ôm chân Bắc Kinh tại hội nghị ASEAN có phải là Hà Nội chịu thất thế với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông trong hoạt động của khối ASEAN vào năm Cam Bốt giữ cương vị chủ tịch luân phiên của khối hay không?
Tình hình thực tế hiện nay cho thấy Hà Nội đã làm mất hẳn Hoàng Sa về tay Trung Quốc. Còn tại Trường Sa, thì Đài Loan ở xa tận phía Đông Bắc Á nhưng vẫn tham lam nhúng tay vào để củng cố đảo Ba Bình. Và Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện quân sự trên các đảo đã chiếm được, trong khi vẫn để lộ tham vọng chiếm trọn quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Câu hỏi được đặt ra là, chế độ hiện nay tại Việt Nam nếu giữ được Cam Bốt trong vòng ảnh hưởng như từng có trước đây thì họ có giành lại và giữ được chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Biển Đông không? Chắc chắn rằng, Cam Bốt giữ một vị thế thứ yếu trong chiến lược giành lai chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa đối với chế độ đương thời tại Việt Nam.
No comments:
Post a Comment