Lê Phước – RFI
Thứ tư 05 Tháng
Chín 2012
Chính sách
châu Á của Mỹ khiến cho Trung Quốc phải bực mình. Bởi vì nếu không có sự can thiệp của Hoa Kỳ, thì Trung Quốc tha hồ mà lấn lướt các nước láng giềng. Mùa hè vừa qua,
tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực lại nổi lên dữ dội.
Trong bối cảnh đó, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chấp nhận vắng mặt nhân kỳ Đại hội đảng Dân chủ tại bang North Carolina để công du Châu Á-Thái Bình Dương. Tờ báo Le Figaro chạy tựa : «Bà Hillary Clinton muốn làm giảm căng thẳng tại Châu Á ».
Hoa Kỳ ngày càng quan tâm đến an ninh vùng Châu Á Thái Bình Dương, biểu hiện là trong chuyến công du lần này, bà ngoại trưởng Mỹ đã tăng cường
trong phái đoàn của mình đô đốc hải quân Samuel Locklear, tư lệnh quân đội Mỹ trong khu vực.
Theo tờ báo, sự quan tâm này tăng lên bởi trong mùa hè vừa qua, tranh
chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và các nước trong khu
vực lại nổi lên dữ dội. Một quan chức trong phái đoàn của bà Hillary
Clinton khẳng định với tờ New York
Times : mục đích chính của chuyến công du này là nhằm xoa dịu căng thẳng đó.
Trước khi phái đoàn bà Hillary Clinton đặt chân đến Bắc Kinh, hai bên đã có những tuyên bố theo
kiểu chuẩn bị tâm lý cho nhau. Bà
Hillary lên tiếng phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp lãnh hải trong
vùng. Trong khi đó, bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã lên tiếng cảnh báo Mỹ đừng can thiệp vào các tranh chấp này.
Báo chí chính thống của Trung Quốc cũng đã đăng nhiều bài với giọng điệu lạnh lùng để phản đối sự can thiệp của Mỹ. Tờ China Daily không ngại khẳng định rằng chính phủ Obama « đang tìm cách gây hấn », tờ Hoàn Cầu Thời Báo bản tiếng Anh tố cáo « Bà Hallary đang làm gia tăng sự nghi kỵ lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc », và cảnh báo rằng : « Mỹ ngày càng thiếu phương tiện để có thể thống trị và cản trở Trung Quốc ».
Trong bối cảnh đó, vừa qua lại xảy đến một số việc khác, càng khiến cho cuộc đối đầu của Mỹ và Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương trở nên gay gắt hơn. Việc thứ nhất đó là hồi tuần rồi, trả lời cho một nhà báo Trung Quốc về câu hỏi : Liệu Mỹ có xem quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là thuộc chủ quyền Nhật Bản hay không, phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng Hoa Kỳ xem quần đảo này thuộc phạm vi của hiệp ước liên minh quân sự Nhật-Mỹ. Một câu trả lời gián tiếp nhưng với lập trường rất rõ ràng.
Cùng lúc ấy, tờ Wall Street Journal của Mỹ đã tiết lộ thông tin về kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ tại Châu Á theo đó, Washington đang đàm phán với Tokyo về việc thiết lập một trạm radar báo động hiện đại ở miền nam Nhật Bản để đề phòng mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên, và cả đe dọa đến từ Trung Quốc. Mỹ đã lên tiếng thừa nhận sự tồn tại của dự án, nhưng cho
biết không nhắm vào Trung Quốc. Và dĩ nhiên là Trung Quốc không tin và lấy làm khó chịu.
Trước khi đến Trung Quốc, bà Hillary Clinton đã đến Indonesia. Tại đây, bà ngoại trưởng Mỹ đã khẳng định việc Mỹ ủng hộ giải quyết tranh chấp lãnh hải trong vùng Châu Á Thái Bình Dương thông qua đàm phán đa phương. Bà ủng hộ việc các nước thành viên Asean nên đoàn kết lại thành một khối để đàm phán với Bắc Kinh về một bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Quan điểm này của Mỹ đi ngược lại với chiến lược đàm phán song phương của Bắc Kinh, bởi vì đàm phán song phương với từng nước một trong khu vực sẽ giúp cho Trung Quốc ở thế thượng phong. Le Figaro nhắc lại, chiếc lược đánh lẻ của Trung Quốc đã có kết quả qua việc hồi tháng Bảy rồi đã khiến Cam Bốt làm thất bại hội nghị thượng đỉnh Asean ở Phnom Penh.
Chia sẻ quan điểm với Le Figaro, tờ báo L’Humanité chạy tựa : « Cuộc gặp đầy căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington ». Tờ báo đặc biệt chú ý đến những động thái biểu hiện lập trường của Mỹ và Trung Quốc trước lúc bà Hillary Clinton đến Bắc Kinh. Đối với phía Mỹ, trong
cuộc hội kiến với tổng thư ký Asean, bà Hillary nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ làm hết sức mình giúp Asean tăng cường sự đoàn kết để có thể đương đầu với mọi thử thách trong khu vực.
Trong khi đó, Trung Quốc tỏ thái độ bực bội về việc Mỹ tăng cường sự hiện diện tại vùng Châu Á Thái Bình Dương, nhất là việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Úc, tăng cường hợp tác quân sự với Nhật Bản, củng cố quan hệ với
Philippines và Việt Nam. Tân Hoa Xã không ngần ngại nêu ra hàng loạt nghi
vấn : Sự tăng cường hiện diện của Mỹ (trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương) có thật sự là chỉ để tăng cường đảm bảo hòa bình và an ninh cho khu vực này? Mỹ có thực sự đóng một vai
trò tích cực trong các tranh chấp lãnh thổ trong
khu vực? Mỹ thật tình không có ý bao vây Trung Quốc?
Như vậy, chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ lần này đã làm bùng lên căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, đến mức mà đến giờ chót, cuộc hội kiến của ông Tập Cận Bình với bà Hillary Cliton đã bị hũy bỏ.
Thanh Phương - RFI
Thứ tư 05 Tháng
Chín 2012
Tuyên bố ngày hôm nay, 05/09/2012 tại Bắc Kinh sau khi gặp chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng, « vì lợi ích chung », Trung Quốc và ASEAN nên khởi động tiến trình ngoại giao để đạt đến một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, nhằm ngăn tranh chấp chủ quyền biển đảo leo thang thành xung đột trong khu vực.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Delphine Sureau tường trình :
« Đối với bà Hillary Clinton, cần phải thiết lập một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông nhằm tránh cho xung đột trở nên trầm trọng hơn. Theo Ngoại trưởng Mỹ, điều đó phải được thực hiện thông qua các cuộc thương lượng với hiệp hội ASEAN.
Bắc Kinh và các nước láng giềng tranh chấp chủ quyền trên khoảng 200 đảo và bãi đá ngầm, tuyệt đại đa số không có người ở, nhưng có vai trò chiến lược quan trọng, vì nằm ở vùng biển có nhiều cá và có thể có trữ lượng dầu khí rất lớn.
Đó là những nguồn tài nguyên mà anh khổng lồ Trung Quốc đang muốn độc chiếm. Bắc Kinh đòi quyền kiểm soát toàn bộ vùng Biển Đông và tháng 7 vừa qua đã không ngần ngại thành lập một đơn vị hành chính trên quần đảo Hoàng Sa, mà Việt Nam cũng đòi chủ quyền. Vào mùa xuân vừa qua, Trung Quốc cũng đã gây sự cố ngoại giao tương tự với Philippines.
Cho nên, các
nước Đông Nam Á đã nhờ Hoa Kỳ làm trọng tài. Washington đã tăng cường sự hiện diện quân sự, vì sợ rằng nếu xảy ra xung đột, giao thương hàng hải trong khu vực sẽ bị cản trở.
Về điểm này, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tìm cách trấn an
Hoa Kỳ, nhưng Bắc Kinh không che
giấu thái độ bực bội. Trung Quốc hôm qua đã yêu cầu Hoa Kỳ không nên can dự vào hồ sơ này. »
Chuyến đi Bắc Kinh
của bà Clinton diễn ra
trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung có phần nào căng thẳng do các tranh chấp chủ quyền lãnh hải. Tuy
nhiên, chủ tịch Hồ Cẩm Đào hôm nay đã ca ngợi những nỗ lực của bà Clinton nhằm thúc đẩy quan hệ Bắc Kinh-Washington.
Về phần Ngoại trưởng Mỹ đã nhắc lại 12 cuộc gặp gỡ trước đây giữa lãnh đạo Trung Quốc với tổng thống Barack Obama, để khẳng định rằng quan hệ giữa hai nước « vẫn dựa trên những cơ sở vững chắc ».
Thế nhưng, theo lời một giới chức Mỹ, Bắc Kinh vào giờ chót đã hũy bỏ cuộc gặp gỡ dự trù giữa bà Clinton với phó chủ tịch Tập Cận Bình, người mà trên nguyên tắc sẽ thay thế ông Hồ Cẩm Đào. Giới chức nói trên không xác định rõ nguyên nhân của việc thay đổi chương trình này, nhưng trong quá khứ, chính quyền Trung
Quốc thường hũy bỏ các cuộc gặp cấp cao trong những quan hệ song phương trở nên nguội lạnh.
Trong khi đó, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm nay 05/09/2012 đã cảnh báo Hoa Kỳ là không được xâm phạm « các quyền lợi cơ bản của Trung Quốc » và không được « gây bất hòa » trong khu vực.
--------------------------------
No comments:
Post a Comment