BẦU CỬ MỸ
Nguyễn Văn Khanh
Saturday,
September 15, 2012 3:04:29 PM
Không thể chối cãi lực lượng cử tri gốc Hispanic mỗi ngày một
giữ vị trí quan trọng trong chính trường Hoa Kỳ.
Cứ
nhìn vào những chính trị gia được mời phát biểu ở hai đại hội Cộng Hòa và Dân
Chủ 2012 sẽ thấy ngay cựu Thống Ðốc Mitt Romney và đương kim Tổng Thống Hoa Kỳ
Barack Obama đều nhắm vào tập thể cử tri này, hy vọng sẽ được sự ủng hộ của họ
để chiến thắng vào đầu Tháng Mười Một tới đây.
Ở
Tampa, danh sách các diễn giả “chính” của đại hội Cộng Hòa gồm có hai vị thống
đốc Brian Sandoval (Nevada) và Susana Martinez (New Mexico). Tại Charlotte,
đảng Dân Chủ dành những chỗ “tốt nhất” cho ông Thị Trưởng Julian Castro của
thành phố San Antonio và Dân Biểu Luis Guitierrez của Illinois, những khuôn mặt
được xem là tương lai của đảng và biết đâu chừng, sẽ có ngày ra ứng cử tổng
thống. Tại Tampa, phía Cộng Hòa trao vinh dự đọc bài diễn văn giới thiệu “vị
tổng thống tương lai” Mitt Romney cho Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio; cánh Dân Chủ
ở Charlotte cũng trao vinh dự tổ chức đại hội và giới thiệu vị cựu tổng thống
được nhiều người mến mộ Bill Clinton cho ông Thị Trưởng Antonio Villaraigosa
của thành phố Los Angeles, để vị tổng thống thứ 42 của nước Mỹ kêu gọi dân
chúng “tiếp tục tin tưởng,” đừng vội buông “ông 44”.
Phải
nói cho đúng: Tất cả các ông bà được trao phó trách nhiệm đều làm tròn công
tác, tròn đến mức mọi người đều công nhận không thấy có sơ hở hay kẽ hở nào cả.
Cũng phải nói cho đúng: Tất cả các diễn giả đều đọc những bài diễn văn hùng hồn
bằng tiếng Anh, xen kẽ bằng những câu tiếng “sì” (Tây Ban Nha) được mọi người
đứng dậy vỗ tay nồng nhiệt, kèm theo những lời hò hét ủng hộ bằng tiếng “sì”
của các đại biểu và quan khách, chưa kể đến những tấm biểu ngữ cầm tay được mọi
người giơ lên cao cũng in bằng tiếng “sì,” để bày tỏ sự ủng hộ của họ với đảng,
với ông Romney hay với ông Obama.
Sự
xuất hiện của các chính trị gia gốc Hispanic ở đại hội Cộng Hòa lẫn Dân Chủ
nhiều tới độ lúc ngồi theo dõi đại hội qua màn ảnh truyền hình ở Trung Tâm Báo
Chí Tampa, một nhà báo phải cất tiếng bảo “trông chẳng khác gì những chương
trình chiếu trên các đài TV nói tiếng ‘sì.’” Hôm gặp lại ở Charlotte, anh đồng
nghiệp này cũng nói câu tương tự.
Ðiều
đó chẳng có gì phải ngạc nhiên.
Bốn
năm trước đây, ứng viên Dân Chủ Obama tạo “kỷ lục chính trị” khi bước vào Tòa
Bạch Ốc với 67% số phiếu ủng hộ của tập thể cử tri gốc Hispanic, nhưng lần này,
“tình hình chắc chắn đổi khác,” theo câu trả lời của người đại diện Ủy Ban Vận
Ðộng Tranh Cử Mitt Romney là ông Jose Pino. “Ông (Obama) hứa hẹn thật nhiều chỉ
để kiếm phiếu, nhưng từ khi thành công đến giờ chẳng làm được gì cho cộng đồng
Hispanic cả” do đó “lần này cử tri Hispanic sẽ bỏ phiếu cho ông Romney, không
thể tin tưởng vào ông Obama được nữa”.
Bà
Thống Ðốc Susana Martinez của tiểu bang Mexico cũng tin như thế. Trong buổi ăn
trưa với các nhà báo ở Tampa, bà nhấn mạnh tới chỗ “nếu muốn cộng đồng tiếp tục
phát triển thì phải ủng hộ ông Romney”. Bà đưa ra rất nhiều dẫn chứng để kết
luận ông tổng thống đương nhiệm là người “bội tín”: Hứa sẽ giải quyết ngay tình
trạng cư trú cho 11 triệu người không có giấy tờ “rồi cũng không làm,” mỗi năm
lại quy định số người bị trục xuất khỏi nước Mỹ “năm ngoái lên đến con số kỷ lục
400,000 người,” mãi đến kỳ vận động tái ứng cử mới ký sắc lệnh DREAM Act cho
phép những người theo cha mẹ sang Mỹ cư trú bất hợp pháp từ lúc còn bé được
phép có giấy tờ làm việc trong lúc chờ đợi điều chỉnh tình trạng di trú, “những
chẳng đi tới đâu cả”.
Tất
cả những gì Ủy Ban Vận Ðộng Tranh Cử Mitt Romney và những người ủng hộ ông đưa
ra cũng không hẳn đúng, vì ngay chính ông cựu thống đốc của tiểu bang
Massachusetts cũng biết “bắt tay với cộng đồng Hispanic là điều không dễ làm”,
theo nhận xét của những tổ chức tranh đấu cho quyền lợi của tập thể nói tiếng
“sì”. Trong bản phúc trình được phổ biến chỉ vài ngày trước khi hai đảng nhóm
đại hội, Hiệp Hội Người Hispanic ở Hoa Kỳ có nói đến chuyện khi tranh cử sơ bộ,
ông Romney từng tuyên bố ủng hộ các tiểu bang như Arizona ban hành, áp dụng
những điều luật gắt gao với thành phần di dân bất hợp pháp, đồng thời còn tán
thành ý kiến thúc đẩy những người không có giấy tờ cư trú “tình nguyện hồi
hương,” bất kể đời sống của họ sẽ vất vả như thế nào khi trở về quê nhà. Những
điểm được hiệp hội đưa ra cho thấy ông Romney không dễ nắm được lá phiếu của
tập thể Hispanic.
“Tôi
không nghĩ như vậy,” bà Marie de LaVonne nói với tờ The Miami Herald. “Rõ ràng
khối cử tri Hispanic không hài lòng với ông Obama, đến khi ông đưa ra sắc lệnh
DREAM Act thì sự bực tức chỉ mới nguôi ngoai, chứ bảo là đã hết thì không
đúng.” Trọng điểm của cuộc bầu cử năm nay “vẫn là kinh tế và việc làm, và đây
chính là điều cử tri gốc Hispanic quan tâm nhất”. Lý do: Không có việc làm “thì
không nuôi sống được gia đình, không có tiền gửi về cho người thân bên nhà,” bà
nói tiếp trước khi kết luận bằng câu “Ông nào có kế hoạch đẩy được kinh tế, tạo
thêm được việc làm, ông đó sẽ được ủng hộ.”
Những
điều bà de LaVonne nói cũng là những điều các cơ quan truyền thông khác nói
đến. Cuộc thăm dò do CNN thực hiện cho thấy cử tri gốc Hispanic vẫn quan tâm
đến chuyện cải tổ luật di trú, nhưng mối lo hàng đầu của họ hiện giờ “chính là
kinh tế, chẳng khác gì mối lo của người dân Mỹ”. Một cuộc thăm dò khác của đài ABC
và tờ The Washington Post cho hay hai nhóm bị ảnh hưởng kinh tế nặng nhất là
người gốc Châu Phi và người gốc Hispanic, hai cộng đồng bị thất nghiệp nặng
nhất cũng là cộng đồng này.
Trích
dẫn những dữ liệu do các công ty chuyên gửi tiền cung cấp, tờ USA Today viết
rằng lúc kinh tế thịnh vượng “tiền từ Mỹ gửi về lên đến bạc tỷ,” khi kinh tế
khó khăn, “chuyện người của cộng đồng gốc Hispanic đang sống bên Mỹ nhờ cậy vào
người bên quê nhà trở thành chuyện bình thường”.
Ðem
chuyện này nói với ông bạn mới quen Angelo của đài “sì” Telemundo, ông đồng
nghiệp cười rũ ra, bảo thêm thành phần gửi tiền về nuôi gia đình nhiều nhất và
bị ảnh hưởng nặng nhất “chính là thành phần cư trú bất hợp pháp”. Thành phần đó
“là những người thường đứng tụm năm tụm ba ở Home Depot, Seven-Eleven” mà ai
cũng gặp, “trước đây năm người 10 việc, bây giờ cả chục người mà không tìm ra
nổi một việc”.
Hỏi
ông bạn “sì” nghĩ sao về lá phiếu của nhóm cử tri gốc Hispanic đối với cuộc bầu
cử tổng thống năm nay, ông Angelo trả lời hôm ở Tampa nghe ông Romney bảo ông
Obama đưa nước Mỹ đến bờ vực thẳm, lúc ở Charlotte lại nghe ông Obama bảo ông
Romney muốn đưa nước Mỹ trở lại bờ vực thẳm, nhưng “nếu không được sự ủng hộ
của cử tri gốc Hispanic, tương lai chính trị của cả hai ông đều... nằm dưới vực
thẳm!”
No comments:
Post a Comment