Sunday, 16 September 2012

KINH TẾ VẪN CẦN TIẾP MÁU (Ngô Nhân Dụng)





KINH TẾ MỸ
Ngô Nhân Dụng
Friday, September 14, 2012 3:43:24 PM

Fed tức là Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang, tức Ngân Hàng Trung Ương của nước Mỹ. Làm chủ tịch Fed cũng giống như làm dâu của hai mẹ chồng; có thể nhiều hơn nữa. Ông Ben Bernanke đã trải qua kinh nghiệm đó.

Hai bà mẹ chồng đầu tiên là Hành pháp và Lập pháp. Ông Ben Bernanke được cựu Tổng Thống George W. Bush đề nghị vào chức vụ này năm 2006, sau khi đã làm chủ tịch ủy ban cố vấn kinh tế của ông Bush hai năm. Nhưng lúc muốn ngồi vào ghế Fed, ông vẫn phải được Thượng Viện thông qua. Ðến nay, trong một năm bầu cử, hai bà mẹ chồng là hai đảng chính trị. Họ luôn luôn soi mói xem các quyết định của ông có làm lợi cho ứng cử viên đảng bên kia hay không. Bất cứ nhà chính trị nào trong mỗi đảng cũng có thể lên tiếng chỉ trích. Thống Ðốc Texas Rick Perry năm ngoái mới dọa: Trong năm 2012 này mà ông in thêm tiền thì phải gọi ông là đồ “phản bội!” (Ông Perry dùng cả hai tiếng, treacherous và treasonous).

Từ Thứ Năm vừa qua, ông Ben Bernanke đang bị chỉ trích nặng nề, sau khi công bố một chương trình mới bơm thêm tiền vào nền kinh tế Mỹ. Bơm tiền vô tức là cho tiếp thêm máu cho cơ thể kinh tế chạy lẹ hơn; cũng giống như chích thuốc cho thân thể bớt bệnh. Thúc đẩy kinh tế chạy nhanh tức là có lợi cho ông Barack Obama, ông sẽ dễ thắng cử hơn. Vì ứng cử viên Cộng Hòa Mitt Romney đang đưa đề tài kinh tế trì trệ để kêu gọi cử tri bãi chức ông tổng thống đương nhiệm. Cho nên, trong mấy ngày qua không thiếu gì người thuộc đảng Cộng Hòa chỉ trích ông Ben Bernanke thiên vị ông Barack Obama. Mà lại thiên vị trong 52 ngày chót của mùa tranh cử.

Nhưng liệu kinh tế có hồi phục trong vài tháng tới hay không? Ðiều này thì không chắc. Một biện pháp tiền tệ của Ngân Hàng Trung Ương không gây hậu quả trong vài tháng. Kết quả sẽ từ từ, chậm chạp; và đến lúc thấy chút kết quả thì phòng phiếu đã đóng cửa từ lâu rồi.

Hôm nay Thứ Sáu, 14 Tháng Chín 2012, Fed bắt đầu mua các trái phiếu địa ốc (MBS, mortgage-backed secutities) với nhịp độ 40 tỷ đô la trong một tháng. Trong 50 ngày tới, sẽ có thêm từ 60 đến 70 tỷ đô la chạy dần dần vào trong túi các ngân hàng thương mại. Những khi tiền vào rồi, các ngân hàng phải mất cả tháng mới đem cho vay được. Người tiêu thụ không ai vội vã đi vay tiền mua xe hơi, mua tủ lạnh, máy giặt ngay trong một hai tháng. Các xí nghiệp khi vay được tiền, cũng phải mất cả tháng mới tuyển dụng thêm nhân viên và công nhân. Phải đợi mấy tuần sau, khi lãnh lương quý vị nhân viên này mới đem tiền ra chi tiêu thêm, giúp cho các cửa hàng và các nhà sản xuất hoạt động hơn trước. Lúc đó kinh tế mới bắt đầu phục hồi. Và cũng chỉ mới chớm hồi phục thôi. Tính nhẩm cũng thấy ngay là từ lúc Fed tuyên bố in thêm tiền cho tới lúc người dân bình thường nhìn thấy kinh tế nhúc nhích trước mắt, cũng phải mất bốn tháng đến nửa năm. Lúc đó thì cuộc bầu cử đã chấm dứt từ lâu rồi.

Tính nhẩm sáu tháng cũng còn hơi lạc quan. Vì đã giả thiết là người tiêu thụ sẽ phản ứng nhanh chóng sau khi có thêm tiền, sẽ đi vay và mua sắm để cứu cho kinh tế đứng dậy. Trong thực tế, người tiêu thụ ở Mỹ bây giờ khác hồi mươi năm trước. Họ tiết kiệm nhiều hơn, vì từ mấy năm nay bỗng đâm ra dè dặt! Một lý do giản dị là rất nhiều người còn mang nợ, nhất là nợ những món vay để mua nhà. Những người ôm món nợ cao hơn trị giá căn nhà mình làm chủ thì cũng lo trả nợ hơn là tiêu xài. Thị trường địa ốc suy sụp là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng hiên nay; cho nên số người này còn đông lắm.

Một cuộc nghiên cứu của Giáo Sư Amir Sufi, Ðại Học Chicago, cho biết là những người đang nợ nhiều quá thì không muốn hoặc không thể chi tiêu. Bằng chứng ông đưa ra là trong mấy năm qua ở những tiểu bang dân mang nợ nhiều số xe hơi và hàng bán lẻ được tiêu thụ rất thấp; còn ở những nơi dân ít mang nợ thì số bán xe hơi và hàng tiêu thụ đã phục hồi nhanh. Bài nghiên cứu của ông Sufi mới được trình bày trong cuộc hội thảo ở Jackson Hole, tiểu bang Wyoming, trong tuần trước. Ðây là một cuộc gặp gỡ của các chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương những nước kinh tế mạnh nhất thế giới, do đồng nghiệp Mỹ của ông Ben Bernanke mời.

Từ nửa năm nay thị trường chứng khoán vẫn chờ bao giờ Fed sẽ bơm thêm tiền vào nền kinh tế Mỹ. Nếu trước đây 6 tháng, hay 4 tháng thôi mà Fed hành động, thì chắc trong Tháng Tám, Tháng Chín vừa rồi số công việc làm ở Mỹ đã tăng lên nhiều hơn, người thất nghiệp đã giảm nhiều hơn, và ông Obama chắc chắn được lợi. Chờ cho tới 53 ngày trước khi dân Mỹ bỏ phiếu mới đưa ra quyết định bơm tiền, có lẽ ông Bernanke cũng muốn tránh tiếng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Vả lại Hội Ðồng Tiền Tệ (Open Market Committee) có nhiều người, đủ cả hai đảng, một ông Ben Bernanke không tự quyết đoán được. Ông thuộc đảng Cộng Hòa, do Tổng Thống Bush bổ nhiệm, rồi được Tổng Thống Obama lưu nhiệm, không thể nói ông lại thiên vị một đảng nào.

Cũng trong cuộc hội thảo Jackson Hole trên, hai giáo sư Markus Brunnermeier và Yuliy Sannikov, Ðại Học Princeton, nhấn mạnh là khi Ngân Hàng Trung Ương bán các trái phiếu ngắn hạn dưới một năm, mua trái phiếu dài hạn trên 10 năm, thì hậu quả là người gửi tiền vào các ngân hàng sẽ bị thiệt; còn các ngân hàng thương mại sẽ được lợi. Vì trả lãi suất rất thấp cho người gửi tiền, cho vay lãi cao. Hành động của Ngân Hàng Trung Ương thế nào cũng sẽ gây hậu quả “tái phân bố lợi tức” (redistributive effects). Cho nên, muốn đạt hậu quả mong muốn thì Ben Bernanke phải lựa chọn mục tiêu. Phải nhắm bơm tiền vào lãnh vực nào sinh hậu quả tạo ích lợi chung lớn nhất. Quyết định của ông trong tuần này có vẻ đáp ứng đúng những khuyến cáo của các nhà kinh tế trên: Chọn bơm tiền, và bơm vào lãnh vực vay nợ về địa ốc.

Hiện nay chỗ yếu nhất trong kinh tế Mỹ là địa ốc. Sau khi dân Mỹ vay thả cửa, ngân hàng cho vay thả giàn để mua nhà từ 2003, 2004, đến năm 2007 và 2008 giá nhà cửa ở Mỹ sụt thảm hại vì nhiều con nợ thiếu tiền trả. Cho đến nay cơn khủng hoảng địa ốc vẫn chưa qua. Ngân Hàng Trung Ương mua các giấy nợ địa ốc MBS sẽ giúp thị trường có thêm tiền cho vay, giá nhà sẽ lên và nhiều con nợ sẽ có thêm tiền đi mua sắm các thứ khác.

Theo chương trình gọi là QE3 này thì Ngân Hàng Trung Ương Mỹ sẽ mua các trái khoán nợ địa ốc MBS, 40 tỷ trong một tháng, và không nói bao giờ sẽ ngưng. Có thể nửa năm, một năm không chừng! Ðây là một cách nuôi niềm tin cho cả giới tiêu thụ lẫn các xí nghiệp, niềm tin tăng lên thì kinh tế sẽ khá.

Nhưng người ta vẫn hỏi: Tại sao lại thêm cái QE3 làm gì, sau khi những đợt QE1 và QE2 chưa giúp cho kinh tế hồi phục lại như cũ? Bà Sarah Palin vừa mới nhắc lại, hai năm trước đây bà đã phản đối QE2, với câu hỏi: “Nếu QE2 không làm cho kinh tế chạy nhanh hơn thì rồi sao? Lại in thêm tiền nữa, cứ thêm QE3, QE4 mãi hay sao?” Ông Lanhee Chen, cố vấn về chính sách trong ban vận động tranh cử của Thống Ðốc Mitt Romney, cũng nói: “Ðiều quan trọng là tạo ra thêm của cải, chứ không phải là cứ in thêm tiền!”

Nhưng đối với các người đã nghiên cứu kinh tế thì việc in thêm tiền có thể đưa tới hành động tạo thêm của cải. Vì tiền cho người tiêu thụ vay và các xí nghiệp vay sẽ giúp tạo thêm việc làm và của cải. Ông Ben Bernanke từng chuyên nghiên cứu về cơn Ðại Khủng Hoảng thời 1930 ở Mỹ và khắp thế giới. Một sai lầm lớn nhất thời đó là khi cơn khủng hoảng chớm bắt đầu thì Ngân Hàng Trung Ương Mỹ lại hạn chế số tiền các ngân hàng thương mại được cho vay, tức là “thắt chặt” số lượng tiền đang lưu hành. Thế là không riêng các ngân hàng sập mà bao nhiêu xí nghiệp cũng sập luôn; một cơn suy thoái biến thành đại khủng hoảng.

Vì vậy, ngay cuối năm 2008, sau khi Lehman Brothers phá sản, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ đã in thêm tiền, bỏ ra mua 600 tỷ đô la trái phiếu dài hạn trong thị trường, gọi là QE. Chữ hai QE là viết tắt của “quantitative easing,” nghĩa là thả thêm tiền vào nền kinh tế (easing), bằng cách mua trái phiếu dài hạn theo số lượng mình chọn (quantitative). Khi các ngân hàng thương mại bán trái phiếu, họ sẽ có thêm tiền trong túi để cho vay; từ đó cả khối tiền được bơm vô mạch máu, chuyền đi khắp cơ thể. Ông Bernanke lại tiếp tục thêm đợt QE2 vào Tháng Tám năm 2010. Tổng cộng hai đợt QE trước đã in thêm 2,300 tỷ đô la. Fed đã mua các trái phiếu dài hạn, do chính phủ Mỹ phát hành hay do các ngân hàng địa ốc cho vay; QE1 tiếp máu 1,700 tỷ, QE2 thêm 500 tỷ đô la nữa. Mà vẫn chưa đâu vào đâu cả.

Tại sao 2,300 tỷ đô la đó chưa giúp cho kinh tế phục hồi? Cũng trong cuộc hội thảo tại Jackson Hole tuần trước, nhà kinh tế Adam Posen, từng làm cho Ngân Hàng Trung Ương Anh, nêu ra một lý do khiến các biện pháp bơm thêm tiền (ở Anh và ở Mỹ) trong mấy năm qua không đưa tới kết quả nhanh: Vì cả hệ thống ngân hàng và thị trường tài chánh đang “đang mắc bệnh” (dysfunctional). Bơm tiền vô, giống như chích máu vào để chữa bệnh, nhưng chính hệ thống tuần hoàn không chạy thì máu vô quá chậm, không gây hiệu quả nhanh được. Chính ông Posen cũng khuyến cáo Fed nên chữa bệnh bằng cách chích máu vào đúng nơi đang bị bế nặng nhất, là thị trường các trái khoán nợ địa ốc.

Quyết định ngày Thứ Năm của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ có vẻ theo đúng những khuyến cáo của các kinh tế gia trong cuộc hội thảo ở Jackson Hole tuần trước. Ðó là điều mà thị trường đang sốt ruột chờ từ mấy tháng nay. Sở dĩ thị trường chưa sụp trong nửa năm qua là nhờ người ta hy vọng, đoán trước rằng sớm muộn Ngân Hàng Trung Ương Mỹ cũng sẽ bơm thêm tiền vào. Trong ngày Thứ Năm, thị trường chứng khoán New York đã lên đến mức cao nhất kể từ cuối năm 2007. Giới chuyên gia đã sửa đổi các tiên đoán về thị trường nhân dụng: Trước đây người ta ước tính cuối năm 2014 tỷ lệ thất nghiệp sẽ nằm trong khoảng “7% đến 7.7%.” Nay với QE3, chắc sẽ xuống trong khoảng “6.7% đến 7.3%.”

Nghe nói trong hai năm nữa mà tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn gần 7% thì cũng thấy nản thật! Ðúng là không thể vội. Vì bơm tiền vào kinh tế ảnh hưởng rất chậm chạp. Khó khăn chính vẫn là do hệ thống tài chánh, ngân hàng. Một cuộc suy thoái kinh tế do hệ thống ngân hàng gây ra bao giờ cũng hồi phục chậm chạp. Nhìn vào các số tiên đoán trên, nếu cuối năm 2014 dân Mỹ mới bỏ phiếu bầu tổng thống, thì chắc ông Obama sẽ nhiều hy vọng; vì lúc đó QE3 mới có ảnh hưởng rõ rệt! Chỉ 52 ngày nữa đã bỏ phiếu thì chưa thể nào thấy ảnh hưởng. Cho nên kết tội ông Ben Bernanke đang can thiệp vào cuộc bầu cử năm nay là hơi bị hấp tấp.

Riêng ông Mitt Romney thì rất khôn ngoan, ông không phê bình Ben Bernanke một lời nào về vụ QE3 cả. Ngược lại Mitt Romney còn biến một điều mà nhiều người nghĩ là bất lợi, thành một dấu hiệu có lợi cho ông trong cuộc tranh cử. Ông giải thích rằng quyết định QE3 của Bernanke chỉ chứng tỏ Tổng Thống Barack Obama đã thất bại: “Ðây nhé, ông Obama cứ nói rằng kinh tế đang tiến triển, đang hồi phục. Nhưng ông Bernanke bảo: Không phải vậy, tôi đang phải in thêm tiền đây này!”

Ðúng là một nhà làm chính trị biết cách nói!






No comments:

Post a Comment

View My Stats