Thứ tư 26 Tháng
Chín 2012
Tổ chức Freedom House, trụ sở tại Washington, hôm qua 25/09/2012, vừa ra báo cáo thường niên về tình hình tự do Internet trên thế giới trong thời gian từ đầu năm 2011 đến tháng 05/2012. Trong số 47 quốc gia được nghiên cứu, bản báo cáo của Freedom House cho biết khoảng 20 quốc gia, trong đó có Việt Nam, vẫn hạn chế tự do Internet, với việc các chính phủ sử dụng những phương tiện kiểm soát ngày càng tinh vi để đàn áp những nhà đối lập sử dụng mạng.
Riêng về Việt Nam, Freedom House nhận định là việc sử dụng Internet ở Việt Nam tiếp tục gia tăng đều đặn, nhờ giá cước giảm, cũng như nhờ hệ thống điện và viễn thông được cải thiện. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam lại lo ngại rằng Internet có thể đe dọa đến độc quyền lãnh đạo của họ, cho nên đã có nhiều chính sách trái ngược nhau, khi thì thúc đẩy, khi
thì trấn áp các hoạt động trên mạng.
Theo báo cáo của Freedom House, không gian tự do ngôn luận ở Việt Nam đã bị siết chặt hơn trong những tháng trước Đại hội Đảng tháng 01/2011 và thay vì được nới lỏng sau Đại hội Đảng như người ta chờ đợi, chính sách kiểm soát Internet trong năm qua vẫn rất gắt gao. Trong năm 2011, ít nhất có 9 nhà báo mạng bị cầm tù, tăng vọt so con số 5 phóng viên bị giam trong
năm 2010, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước giam cầm nhà báo nhiều nhất thế giới. Các vụ tấn công vào những trang mạng chỉ trích chính quyền, bắt đầu từ cuối năm 2009 đã tiếp diễn trong suốt năm 2011.
Báo cáo của Freedom House cho biết, tuy chính phủ Việt Nam có ít phương tiện kiểm soát hơn là Trung Quốc, nhưng nhà cầm quyền Hà Nội đã thiết lập được một hệ thống sàng lọc thông tin hữu hiệu và ngày càng tinh vi. Mặc dù chế độ kiểm duyệt được mô tả là nhằm hạn chế việc truy cập các trang web khiêu dâm, đồi trụy, nhưng trên thực tế, việc kiểm soát thông tin chủ yếu nhắm vào các trang web bị xem là đe dọa đến độc quyền lãnh đạo của Đảng, như các trang của những nhà bất đồng chính kiến, các trang liên quan đến dân chủ và nhân quyền, đến các cuộc biểu tình phản đối chính sách của Trung
Quốc ở Biển Đông.
Theo Freedom House, trong năm
2011, mạng xã hội
Facebook tiếp tục bị cấm ( tuy rằng việc thi hành không được chặt chẽ ) và các trang web có liên quan đến vấn để chủ quyển biển đảo giữa Việt Nam với Trung Quốc tiếp tục bị tường lửa chặn và bị tấn công. Với việc hạn chế tự do ngôn luận trên Internet ngày càng tệ hại hơn, mức độ tự kiểm duyệt cũng gia tăng đáng kể. Chẳng hạn như tờ Tuổi Trẻ đã không dám đăng bất cứ lời bình luận nào về vụ bắt giữ nhà báo Hoàng Khương, vốn nổi tiếng về những bài tố cáo nạn ăn hối lộ trong lực lượng công an Việt Nam.
Ban tuyên giáo Trung ương Đảng và Bộ Công an thường xuyên yêu cầu các báo điện tử và trang thông tin gỡ bỏ các bài báo có nội dung
chỉ trích chính phủ. Những nhà báo nào đăng những bài viết như vậy có thể bị kỷ luật cảnh cáo, bị mất việc hoặc bị cầm tù.
Cũng theo báo cáo của Freedom House, mặc dù đa số các trang blog ở Việt Nam chỉ viết về chuyện cá nhân hoặc các chủ đề phi chính trị, nền báo chí công dân naỳ đã nổi lên thành một hiện tượng quan trọng và là một nguồn thông tin đối với nhiều độc giả Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát quá chặt chẽ các phương tiện truyền thông chính thức. Những trang web như anhbasam.wolrpress.com hay quechoa.vn
đã trở thành những trang có ảnh hưởng lớn đến công luận, nhất là trong việc huy động người dân xuống đường phản đối Trung
Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội.
Cũng theo Freedom House, mặc dù Hiến pháp Việt Nam bảo đảm quyền tự do ngôn luận, nhưng trên thực tế Đảng Cộng sản vẫn sử dụng các nghị định về Internet, Luật Hình sự, Luật Xuất bản và Pháp lệnh Bảo vệ Bí mật Nhà nước để cầm tù các nhà báo và blogger.
Do ngành tư pháp không được độc lập, nhiều phiên xử liên quan đến tự do ngôn luận chỉ diễn ra có vài tiếng. Ngoài ra, khi bắt giữ các blogger và các nhà đấu tranh sử dụng mạng, công an thường không tuân thủ luật pháp Việt Nam,
bắt giữ mà không có lệnh của tòa hoặc tạm giam quá thời hạn luật định.
No comments:
Post a Comment