Lê Phước - RFI
Chủ nhật 02 Tháng
Chín 2012
Hồi tháng 7/2011, Đảng Puea Thai (Đảng vì nước Thái) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Thái Lan ( 260 trên 500 ghế ), đã tiến hành thành lập chính phủ với người đứng đầu là bà Yingluck Shinawatra. Thực hiện một trong những lời hứa khi tranh cử, chính phủ đã hỗ trợ nông dân bằng cách mua tạm trữ lúa gạo trong dân với giá gấp đôi giá thị trường. Nhật báo Bangkok Post của Thái Lan có bài phân tích cái được mất của chính sách này, được Courrier International dẫn lại với dòng tựa: “Bangkok đặt cược với lúa gạo”.
Theo tờ báo, trước tiên biện pháp này khiến chính phủ phải bỏ ra một số tiền không nhỏ, mà tiền của chính phủ lại là tiền thuế của dân, như vậy cuối cùng chính người đóng thuế nai lưng chịu. Thêm vào đó, việc mua lúa gạo cao hơn giá thị trường cho nông dân rồi dự trữ lại đó đã khiến cho
Thái Lan mất dần vị trí nước xuất khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới.
Các chỉ trích về chính sách mua lúa tạm trữ của chính phủ Thái Lan cũng đã rộ lên, nhất là từ phía Đảng Dân chủ đối lập. Nhìn chung, các chỉ trích đều cho rằng, trong quá trình thực hiện, nhiều quan chức và doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách này để trục lợi bằng mọi cách. Chính sách đã vô tình làm lợi cho giới trung gian. Ngay đến bộ trưởng Tài chính Thái Lan Kitirat Na-Ranong cũng đã thừa nhận trước quốc hội rằng: “Chương trình này đã bị huỷ hoại do tình trạng tham lạm quá phổ biến”. Còn ở bên ngoài thì chính phủ Hoa Kỳ đã lên tiếng cho rằng, chính sách mua lúa gạo kiểu trên của Thái Lan rõ ràng là vi phạm qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong bối cảnh đó, tờ báo cho rằng, về lâu về dài chính sách nói trên của chính phủ Thái Lan sẽ có lợi cho nước Thái, nhất là trong bối cảnh thế giới đang có nguy cơ lâm vào khủng hoảng lương thực trong thời gian tới. Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), năm 2013 tình trạng khan hiếm lương thực và giá thực phẩm sẽ tăng lên có thể ngang bằng với mức năm 2007-2008, giai đoạn mà ở nhiều nước đã có bạo động chỉ vì thiếu lương thực.
Năm 2013, giá gạo sẽ tăng ít nhất 20%,
còn trong tháng 7 vừa qua giá gạo cũng đã tăng 6%. Tờ báo nhận định, từ đây đến cuối năm, 17 triệu tấn lúa dự trữ ở các địa phương Thái Lan sẽ có được giá tăng gấp đôi thậm chí gấp ba so
với hiện tại.
Việt Nam cần tập trung vào chất lượng lúa gạo
Trong khi Thái Lan mất dần vị trí số một về xuất khẩu lúa gạo, thì Việt Nam có nhiều cơ hội để giành lấy vị trí này. Thế nhưng, dù có giành được vị trí đầu bảng, thì Việt Nam cũng chỉ khẳng định được sức mạnh lúa gạo về mặt số lượng xuất khẩu mà thôi. Courrier International nhắc lại, trên báo Người Lao Động của Việt Nam, tiến sĩ Lê Văn Bảnh, viện trưởng Viện nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long
nhận định rằng, thu nhập của nông dân Việt Nam vẫn còn thấp do sản phẩm họ làm ra được bán với giá rẻ. Từ đó cho thấy, điều quan
trọng nhất đối với Việt Nam hiện nay không phải là giành được ngôi đầu bảng các nước xuất khẩu lúa gạo, mà là cải thiện thu nhập của nông dân và các doanh nghiệp.
Như vậy vấn đề chất lượng và giá cả mới thực sự là điểm cốt yếu của chính sách xuất khẩu lúa gạo. Nên nhớ rằng, dù Thái Lan có mất ngôi đầu bảng về lượng xuất khẩu lúa gạo, nhưng giá gạo Thái Lan vẫn cao hơn của Việt Nam bởi có chất lượng được đánh giá tốt hơn. Chẳng hạn như gạo Jasmin của Thái Lan vẫn được thị trường quốc tế ưa chuộng, hiện đã có giá cao, và sắp tới nếu thế giới bị khủng hoảng lương thực, thì giá sẽ còn cao hơn nữa.
----------------------------------------
XEM
THÊM :
Nỗi buồn nông dân - Nam Nguyên,
phóng viên RFA
Hoàng
Kim (Đồng Tháp) 15-03-2012
No comments:
Post a Comment