Tuesday, 28 August 2012

THƯ CỦA NÔNG DÂN VIỆT NAM gửi BÀ THỦ TƯỚNG THÁI LAN (Hoàng Kim)




Hoàng Kim
( Kính nhờ Bauxite Việt Nam dịch và gửi giúp)
28/08/2012

* “Là người Việt Nam lại yêu mến và kính trọng Bà Thủ tướng Thái Lan, mà không hề kính trọng và yêu mến Thủ tướng nước mình là một điều bất hạnh. Đau xót hơn nữa là bất hạnh này không phải của riêng tôi, mà của tất cả nông dân ViệtNam”.
Hoàng Kim

* Tác giả gửi bức thư này tới trang Bauxite Việt Nam với lời đề nghị dịch sang tiếng Thái Lan hoặc tiếng Anh. Trong khi chưa thể thực hiện việc dịch, chúng tôi xin đăng bản tiếng Việt để mong nhận được sự tri âm của bạn đọc xa gần đối với những lời “nhỏ máu” từ một nông dân chân chất của đồng bằng sông Cửu Long, nơi vựa lúa nuôi sống cả nước ta và làm giàu cho những nhóm lợi ích đang chễm chệ trên lưng họ.
Bauxite Việt Nam

-----------------------------


Kính thưa Bà Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Là nông dân Việt Nam, nhưng nhìn thấy tấm lòng của Bà đối với nông dân Thái Lan tôi cảm thấy kính trọng và yêu mến Bà, tôi thường ao ước phải chi Bà là Thủ tướng Việt Nam thì nông dân Việt Nam đỡ khổ biết bao. Ước là ước vậy thôi, chứ người vừa có tài và vừa tận tâm với nông dân như Bà, nông dân Việt Nam chúng tôi có đốt hết đuốc tìm cũng không có.

Bà hiểu rõ: Muốn nâng cao đời sống cho nông dân phải tăng thu nhập cho nông dân, muốn tăng thu nhập cho nông dân phải tăng giá mua lúa. Chứ chẳng thể nâng cao đời sống của nông dân bằng mô hình nông thôn mới, hoặc chỉ có nghị quyết về tam nông.

Vì vậy, Bà đã nâng giá thu mua lúa của nông dân Thái Lan từ khoảng 10.000 bath lên 15.000 / bath / kg, tức lên khoảng 500 đô la Mỹ / tấn, chứ không làm như Chính phủ Việt Nam là cho tay chân bộ hạ Hiệp hội Lương thực Việt Nam mua lúa của nông dân để đầu cơ (gọi là tạm trữ) có 4.500 đồng / kg, tức khoảng 225 đô la Mỹ / tấn, rồi lại mỵ nông dân rằng sẽ ra quy chế mua lúa tạm trữ để hỗ trợ cho nông dân.

Bà đã thể hiện đúng tư cách Thủ tướng của nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới, là ấn định giá bán gạo cho thị trường, ai chấp nhận giá Bà ấn định thì mua không thì thôi, chứ không để những nước nhập khẩu gạo ép giá. Còn ở nước xuất khẩu gạo số 2 thế giới là Việt Nam người ta bán gạo như bán vé số kiến thiết, tức phải đi năn nỉ mời từng khách hàng, cho nên bị khách hàng ép giá tận đáy mới chịu mua.

Bà nghĩ: Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu lửa (OPEC) có hơn 10 thành viên, khai thác khoảng 40% sản lượng dầu của thế giới, nhưng lại quyết định giá dầu trên thế giới, vì vậy, 2 nước Thái Lan và Việt Nam xuất khẩu khoảng 17 triệu tấn gạo hàng năm, chiếm khoảng 45-50% lượng gạo trên thị trường thế giới nên nếu hợp tác với nhau thì Thái Lan và Việt Nam có thể quyết định giá bán gạo trên thị trường thế giới.

Thế nhưng, trong nhiều năm nay, Bà thấy rất kỳ lạ: Nỗ lực của Thái Lan muốn thành lập liên minh xuất khẩu gạo với Việt Nam– để ấn định giá bán gạo cao có lợi cho nông dân hai nước – lại luôn bị phía Việt Nam từ chối.

Vì thế, năm 2011 và 2012 Bà đơn phương làm gương đi trước, bằng cách quyết giữ giá gạo 5% tấm ở mức cao trên 500 đô la Mỹ / tấn, và đưa ra giá mua lúa cho nông dân Thái Lan khoảng 500 đô la Mỹ / tấn.

Với sự đơn phương ấn định giá bán gạo xuất khẩu trên 500 đô la Mỹ / tấn, Bà đã gởi thông điệp rõ ràng cho Chính phủ Việt Nam trong việc ấn định giá bán lúa gạo cao, Bà tin chắc rằng ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ lo cho nông dân Việt Nam bằng cách bán gạo giá cao tiệm cận với giá gạo của Thái Lan.

Thế nhưng, Bà đã lầm: Chính phủ Việt Nam vẫn bán gạo xuất khẩu với giá dưới 400 đô la Mỹ / tấn.
Bà đã lầm: Vì Việt Namchẳng hề trang bị đủ kho chứa lúa gạo, không có kho nên phải bán sang tay, tức là bán theo kiểu chụp giựt lấy lời đầu tấn, mặc kệ giá gạo xuất khẩu thấp nông dân thiệt. Chắc Bà không biết, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh làm 4 triệu tấn kho từ năm 2008 đến nay kho vẫn chưa có.

Bà đã lầm: Vì nghĩ rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lo cho nông dân Việt Nam như Bà lo cho nông dân Thái Lan, thực ra Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chi lo chống lạm phát, tức lo cho uy tín của Chính phủ của ông ta mà thôi.

Các chuyên gia hàng đầu của Chính phủ Việt Nam đưa ra cái gọi là “rổ hàng hóa” gì đó khẳng định: mọi mặt hàng nhu yếu như: xăng dầu, điện nước, phân bón, thuốc trừ sâu,… cứ tăng thoải mái không làm tăng lạm phát bao nhiêu, nhưng giá lương thực tăng sẽ làm tăng lạm phát một cách phi mã.

Một nước xuất khẩu 7 triệu tấn gạo một năm, lúa gạo thừa bán chẳng ai mua, mà tăng giá lúa gạo là tăng lạm phát phi mã, thiệt không thể hiểu nổi, các ông chuyên gia này chẳng phân biệt được việc tăng giá lương thực ở một nước xuất khẩu gạo, với việc tăng giá lương thực ở một nước nhập khẩu gạo (?!)

Ứng dụng lý thuyết kinh tế của các chuyên gia chắc tốt nghiệp hệ tại chức hoặc chuyên tu này vào thực tế, năm 2008 khi giá gạo thế giới tăng cao, giá bán gạo của Việt Nam lên đến 935 đô la Mỹ / tấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vội vã ký lệnh ngừng bán gạo để chống lạm phát. Để rồi… Sau đó… gạo không bán giá 935 đô la Mỹ / tấn mà được bán với giá dưới 400 đô la Mỹ / tấn mà không có người mua, nông dân mất trên 535 đô la Mỹ / tấn gạo (xin được giải thích cho Bà biết, ở Việt Nam có câu “dốt chuyên tu, ngu tại chức”).

Vậy là, từ năm 2008 đến giờ, nông dân Việt Nam phải đem cả xương và da của mình ra để đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam và cho nhân dân thế giới (thịt đã bị Hiệp hội Lương thực Việt Nam bóc lột hết rồi).

Xin Bà làm ơn giải thích cho ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rõ: Bà làm cách nào mà tăng giá mua lúa cho nông dân Thái Lan lên đến 500 đô la Mỹ / tấn mà không sợ tăng lạm phát, để ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đừng khống chế giá lúa của nông dân Việt Nam chúng tôi nữa.

Ở Thái Lan, nếu Bà gây thiệt hại cho nông dân cỡ đó chắc Bà phải mất chức, còn ở Việt Nam ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm cho nông dân mất 535 đô la Mỹ / tấn gạo nhưng chỉ cần phân trần với Quốc hội là xong, chẳng hề nói lời xin lỗi nông dân là những người bị ông ấy làm mất cả đống tiền.

Ở Thái Lan, nếu Bà không thực hiện lời hứa nâng giá mua lúa cao cho nông dân khi Bà ra tranh cử – những nông dân đã bỏ phiếu cho Bà – thì Hội Nông dân sẽ tập trung nông dân để kéo biểu tình phản đối yêu cầu Bà thực hiện lời hứa.

Ở Việt Nam, Ngày 23-12-2009 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị quyết số 63/NQ-CP “Về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”. Trong đó, để khuyến khích nông dân giữ đất lúa, Nghị quyết quy định: “Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người sản xuất lúa gạo, đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất”.

Thế nhưng, năm 2010, khi giá lúa không đảm bảo cho nông dân lời 30% như Nghị quyết, thì không hề có một hành động nào để thực hiện Nghị quyết số 63/ NQ-CP, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thản nhiên cho phép Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký Quyết định số 993/ QĐ-TTg “Về mua tạm trữ lúa, gạo hè thu năm 2010”. Quyết định này giao VFA mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ hè thu, bắt đầu thực hiện ngày 15-7-2010, nhưng không đưa ra giá thành sản xuất lúa, cũng như không ấn định giá thu mua lúa cho VFA, mà lại quy định: “Các doanh nghiệp thực hiện mua lúa, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh”.

Các doanh nghiệp mua “lúa, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường” nghĩa là họ muốn mua lúa giá bao nhiêu thì mua. Vì cơ chế thị trường lúa gạo là cơ chế mà trong đó Hiệp hội Lương thực Việt Nam độc quyền lúa gạo của nông dân.
Khi giá lúa thấp hơn 30% so với giá thành Chính phủ không hề nâng giá mua lúa cho nông dân theo Nghị quyết, nhưng khi giá lúa gạo thế giới tăng cao giả sử nông dân lời trên 100% thì Chính phủ lại mặc nhận cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam mua lúa cho nông dân lời 30%, 70% còn lại Hiệp hội có quyền hợp pháp tước đoạt của nông dân.

Ở Thái Lan, hứa cuội kiểu đó, chắc chẳng yên thân với nông dân Thái Lan, còn ở Việt Nam, nông dân Việt Nam chẳng có cách nào có ý kiến trực tiếp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chứ đừng nói là gây áp lực, vì Hội Nông dân Việt Nam đâu phải của nông dân mà do các ông cán bộ của Chính phủ.

Đến đây, chắc Bà Thủ Tướng đã thấy rõ, điểm đặc thù – đặc biệt lạ – của Chính phủ Việt Nam là khống chế giá lúa gạo trong nước để chống lạm phát, và để khống chế giá lúa gạo trong nước, Chính phủ Việt Nam phải tìm mọi cách bán gạo xuất khẩu giá rẻ ra thị trường thế giới.

Thấy rõ bản chất khống chế giá lúa gạo của Chính phủ Việt Nam, Bà Thủ Tướng sẽ hiểu: vì sao nhiều năm nay Chính phủ Việt Nam không chấp nhận hợp tác với Chính phủ Thái Lan trong việc thành lập liên minh xuất khẩu gạo để ấn định giá gạo cao, và cũng giải thích vì sao trong năm 2012 này mặc dù Thái Lan cương Quyết bán gạo trên 500 đô la Mỹ / tấn, Việt Nam lại bán gạo cùng loại với giá từ 350 – 400 đô la Mỹ / tấn.

Tôi xin chia buồn và xin lỗi Bà vì Chính phủ nước tôi đã dùng 7 triệu tấn gạo mồ hôi nước mắt của nông dân chúng tôi, bán phá giá ra thị trường thế giới, gây khó khăn cho kế hoạch mua lúa giá cao cho nông dân Thái Lan của Bà.

Với tâm tình yêu mến và kính trọng Bà, với mong ước chính sách mua lúa cho nông dân giá cao của Bà được thành công – để làm sáng mắt Chính phủ Việt Nam– tôi xin được mạn phép hiến kế cho Bà.

Do bản chất của Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là khống chế giá lúa trong nước và cả giá gạo trên thị trường thế giới nên Bà cần làm hai việc sau:

1/ Tranh thủ dư luận: Bà nên đưa vấn đề thành lập liên minh xuất khẩu gạo nhằm ấn định giá bán gạo cao, để mua lúa giá cao cho nông dân hai nước trong các cuộc hội đàm trực tiếp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ở cả cấp Bộ trưởng Bộ Thương mại. Đồng thời cho các chuyên gia phân tích trên báo chí Thái Lan về những thuận lợi to lớn của liên minh trong việc xuất khẩu gạo của 2 nước. Dịch ra tiếng Việt Nam và gởi cho các báo Việt Nam đăng lại cho người Việt Nam đọc (có thể gởi cho Bauxite Việt Nam). Tôi nghĩ, chắc ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ không đồng ý lập liên minh, nhưng, biết đâu, có thể, trong Đảng Cộng sản Việt Nam còn có người có tài và có tấm lòng yêu mến nông dân như Bà, họ sẽ ủng hộ chính sách vì nông dân của Bà. Và một điều lợi nữa là nông dân chúng tôi hiểu rõ bản chất khống chế giá lúa gạo của Chính phủ, để, có thể, một ngày nào đó, chúng tôi đoàn kết lại gây áp lực lên Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, buộc ông ta phải thực hiện chính sách tốt đẹp của Bà.

2/ Mua gạo của Việt Nam để xuất khẩu: Chính phủ ViệtNam chỉ thích bán gạo xuất khẩu giá rẻ, vì vậy trước mắt Bà hãy cho thương nhân Thái Lan tìm mọi cách mua gạo Việt Nam rồi xuất qua các nước. Mua gạo của Việt Nam giá khoảng 350 – 400 đô la Mỹ / tấn, sau đó dán nhãn Thái Lan bán trên 500 đô la Mỹ / tấn, với 7 triệu tấn Bà sẽ lời tối thiểu 700 triệu đô la Mỹ, và điều lợi to lớn hơn là không bị 7 triệu tấn gạo của Việt Nam bán phá giá ra thị trường thế giới. Còn căn cơ lâu dài, Bà nên cho thương nhân Thái Lan vào Việt Nam thành lập công ty xuất khẩu gạo, nông dân chúng tôi đã quá chán ghét cách mua lúa tạm trữ với giá ăn cướp của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nên nếu công ty Thái Lan mua lúa bằng giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam chúng tôi cũng bán cho công ty Thái Lan, nhưng tôi biết giá lúa mà các công ty Thái Lan đưa ra sẽ cao hơn giá tạm trữ ăn cướp của Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Kính thưa Bà Thủ Tướng, một lần nữa, tôi kính chúc chính sách nâng cao giá mua lúa cho nông dân Thái Lan của Bà thành công tốt đẹp, nhưng nếu chính sách mua lúa giá cao cho nông dân của Bà thất bại, bà đừng tự trách mình, vì lý do thất bại là do lượng gạo khoảng 7 triệu tấn mà Chính phủ Việt Nam bán phá giá ra thị trường gạo thế giới. Cho nên, sau này, Bà nên thận trọng đối với các chính sách liên quan đến nước khác, vì không phải chính phủ nào cũng lo cho nông dân như Chính phủ của Bà, không phải Thủ tướng nào cũng quan tâm bán lúa giá cao cho nông dân như Bà.

Tôi cố gắng để dành tiền sang thăm Thái Lan, để thấy tận mắt chính sách tốt đẹp của Bà và cũng để biết cảm xúc của nông dân khi an tâm sản xuất vì Chính phủ đã đặt mua lúa giá cao, ở Việt Nam đến kỳ thu hoạch là tim nông dân thót lên thót xuống vì giá hạ từng ngày.

Cuối cùng, xin Bà nhận nơi đây lòng biết ơn của tôi trong tư cách là một nông dân – dù bất hạnh thay – tôi không được diễm phúc làm nông dân của Bà.

MỘT NÔNG DÂN YÊU MẾN VÀ KÍNH TRỌNG BÀ!

Hoàng Kim (Đồng Tháp)

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

-----------------------------------------------

BÀI VIẾT LIÊN QUAN :

Hoàng Kim (Đồng Tháp)  15-03-2012

Huỳnh Kim Hải     7-03-2012


Hoàng Kim (Đồng Tháp)  2/03/2012

Hoàng Kim (Đồng Tháp)  26-2-2012

Hoàng Kim   -   25/12/2011

Hoàng Kim   -   23/12/2011
(Đôi điều trao đổi cùng ông Nguyễn Thanh Giang)

Nguyễn Thanh Giang   -   18/12/2011

Hoàng Kim (Đồng Tháp)   -  14-12-2011

Huỳnh Kim Hải   -    27/11/2011

Hai Kim   -   9-10-2011

Hai Kim   -   5-10-2011


Hai Kim   -   4-10-2011

Hai Kim   -   3-10-2011

Hai Kim   -   3-10-2011

Gia Bảo   -   2-10-2011


Hoàng La   -   30-9-2011

Đặng Hùng Võ   -   29-9-2011

Hoàng Kim (Đồng Tháp)   -   18/09/2011

Lê Thanh   -   17-9-2011

Hoàng Kim (Đồng Tháp)   -   12-9-2011


Hoàng Kim (Đồng Tháp)   -    9-9-2011

Hoàng Kim - Cao Phong
8-9-2011

Tài liệu tham khảo:
(1) VTC News, bài “ Thủ tướng: đảm bảo người trồng lúa lời trên 40%” http://vtc.vn/2-187968/thu-tuong-dam-bao-nguoi-trong-lua-lai-tren-40.mobi
(2) SGGP Online, bài “Tiêu thụ lúa hè thu ở ĐBSCL: băn khoăn giá thành” http://www.sggp.org.vn/nongnghiepkt/2008/8/161671/
(3) TBKTSG Online, bài “Chỉ cho đăng ký hợp đồng xuất gạo sau tháng 6” http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/xuatnhapkhau/15553/
(4) Bài “Mua gạo tạm trữ trúng to” http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/xuatnhapkhau/27357/
(5) Bài “Bắt đầu thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo” http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/sukien/30374/
(6) Bài “Năm 2010: xuất khẩu 6 triệu tấn gạo” http://www.baoangiang.com.vn/newsdetails.aspx?newsid=11531
(7) Diễn đàn Doanh nghiệp Online, bài “Mua lúa gạo tạm trữ: DN “phớt lờ” chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?” http://dddn.com.vn/2010071310081581cat101/mua-lua-gao-tam-tru-dn-phot-lo-chi-dao-cua-thu-tuong-chinh-phu.htm



Thanh Phương/TS Đào Thế Anh  -  RFI   -   6-9-2011







No comments:

Post a Comment

View My Stats