Thursday, 30 August 2012

MÙA VU LAN, TIẾNG KÊU TỪ CHÙA TRĂM GIAN VỌNG KHẮP TRẦN GIAN (Nguyễn Xuân Diện)




Thứ năm, ngày 30 tháng tám năm 2012

Vu Lan đập tan chùa cổ, thằng trộm cứu được Diêm Vương

(Trái hay phải) – Trong khi dân tình hồ hởi đập tan chùa cổ trăm gian nghìn năm tuổi giữa tháng Vu Lan của nhà Phật, thì mấy ông Thập điện Diêm Vương lại thoát nạn xếp ngang với mông trẻ con nhờ mấy thằng trộm cướp…

TIN LIÊN QUAN

Được tờ Tuổi Trẻ khơi ra đầu tiên, cho đến nay, câu chuyện chùa Trăm Gian được đám hậu sinh hô biến từ ngàn tuổi thành một ngày tuổi đã trở thành sự kiện thuộc hàng nóng bỏng nhất trên mặt báo.

Thế nên, chẳng cần phải phân tích thêm về tính chất tày trời của vụ việc nữa - vốn được các nhà báo đua nhau mổ xẻ ở đủ các chiều cạnh.

Như thường lệ, giả thiết đầu tiên mà dân tình nghĩ đến là các quan chức địa phương hoặc của ngành lại rỗi việc, cho nên vẽ ra dự án này để tiêu tiền ngân sách rồi qua đó, nếu có thể thì chấm mút tí ti, cải thiện đời sống giữa thời buổi thóc cao gạo kém. Nhưng đọc kỹ, thì thấy không phải như vậy.

Lịch sử trùng tu di tích ở xứ ta chỉ mấy năm qua, nào chùa Trấn Quốc, nào Thành cổ Tây Sơn, thậm chí cả sự tích biến Thành cổ Nhà Mạc Tuyên Quang thành… cái lò gạch cũng đều có dấu ấn của các cơ quan chức năng trùng tu.

Một trong những lý do được đưa ra là tiền trùng tu di tích… nhiều quá, như năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất một con số khổng lồ cho việc tu bổ, tôn tạo di tích: 11.000 tỉ đồng. Quý vị thử nghĩ xem, với số tiền khổng lồ ấy mà không đập đi xây mới thì tiêu sao cho hết?

Các nhà báo của chúng ta khi tường thuật về các vụ việc trên đây cũng đã ngậm ngùi trích rất nhiều ý kiến của các bậc phó thường dân, nhất là những cụ cao niên đức cao vọng trọng trong làng, thở than cho cái gọi là trùng tu theo kiểu phá hoại bất chấp góp ý của các cụ.

Đây đó cũng có nhiều ý kiến tâm huyết cho rằng, việc quản lý và trùng tu di tích phải được trả lại cho người dân, như quan điểm của UNESCO rằng di sản phải sống thực sự giữa cộng đồng như nó vốn thế.

Nay thì có thể thấy, hình như ước mong hết sức chính đáng ấy không phải lúc nào cũng đúng, cũng phù hợp.

Hãy thử quay trở lại trường hợp mà ta đang xét, tờ Lao Động tường thuật như sau: Cụ Nguyễn Đức Tuệ - 82 tuổi, người xã Tiên Phương - vừa tự hào khoe năm nay mình “được tuổi”, được tín nhiệm mời leo lên thượng lương, cất nóc cho chính tòa gác khánh này, rồi trầm trồ: “Người ta xẻ một cây gỗ lim ra, vót nó thành 4 cái cột chùa khổng lồ y như chúng ta chẻ tre vót đũa ấy. To tiền lắm, riêng khu này chắc khoảng 3 tỉ đồng rồi nhé”.

Các cụ có uy tín trước cả làng cả tổng, như cụ Tuệ, khảng khái nói: Di tích, nhiều rui mè như mới, mộng mẹo còn nguyên. Nhưng vì có điều kiện, nên “nhà chùa” thay mới cho nó đẹp, nó bền. Vì nó… cổ kính quá rồi nên mới phải thay.

Cái nền cũng bóc lên, thay đá mới cho nó đẹp. “Đầu tư to tiền lắm, làm mới cho nó bền. Sắp tới, “dự án” còn xây lại cái cổng nữa, hoành tráng lắm chú ạ”.

Nói ra thì thể nào cũng có người bảo rằng mới tí tuổi đầu đã hỗn, trứng đòi khôn hơn rận, nhưng nghe các cụ có uy tín này nói, ta cũng phải mạn phép mà bảo rằng hóa ra không chỉ có các cơ quan quản lý mới biết cách trùng tu di tích kiểu lát gạch vệ sinh lên bệ thờ Phật.

Nói khác đi, cứ coi như nền văn hóa của chúng ta thực sự đặc sắc, hiếm có, phong phú, nhưng xem ra dân tình cũng chả hiểu gì mấy về những giá trị ấy.

Bạn có thể bảo rằng cụ Tuệ đã già cho nên lẩm cẩm, nhưng đây, một bà bán nước tốt bụng cũng đon đả như thế này với nhà báo: “Các chú lên đi, hôm nay chùa vui lắm. Dỡ toàn bộ nhà tổ và gác khánh, dân đông như hội ấy”. Nhà báo miêu tả: Dân thôn nườm nượp hò nhau phá chùa cũ, xây chùa mới.

Niềm tự hào sung sướng của dân thôn rõ ràng quá, mà lại hết sức chân thành, thánh thiện, không nhuốm chút tư lợi nào hết.

Nó càng cho thấy, với họ, sự cổ kính và lịch sử ngàn năm của ngôi chùa chẳng có tí teo giá trị gì. Họ đập chùa cũ đi cũng như vứt đôi dép rách, cái áo cũ, vậy thôi.

Ấy là chưa kể, họ còn hồ hởi và đắm chìm trong niềm tin rằng mình đang góp phần xây lại chùa mới, theo đúng như tôn chỉ của ca dao Việt Nam: Xây chùa, tô tượng, đúc chuông/ Ba công đức ấy thập phương nên làm.

Với họ, đập chùa cũ đi xây chùa mới đích thị là góp thêm một phần công đức cho khoản bảo hiểm không phải xuống địa ngục sau này.

Còn giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hóa, nó là cái chết tiệt gì, có giúp chúng tôi kiếm được một vé để thoát kiếp đọa đày dưới âm phủ không? Hờ hờ, xây chùa mới to đẹp hơn, khang trang hơn để thờ Phật, nhất định trời Phật sẽ trả công xứng đáng.

Thành ra, cái câu “lắm sãi không ai đóng cửa chùa” trong trường hợp này chỉ có thể dành cho các cơ quan quản lý của địa phương và của ngành văn hóa, chứ tuyệt không nên dành cho các thôn dân mộc mạc.

Cũng xin nói thêm, những người quyết định chính trong toàn bộ tiến trình dỡ chùa cũ đi xây chùa mới, dĩ nhiên là với mục đích cao cả và tốt đẹp nếu không hơn thì cũng chả kém dân làng.

Điều thú vị nhất là trong khi hò nhau đập chùa giữa tháng Vu Lan của nhà Phật, thì theo các chuyên gia, nhờ được mấy thằng ăn trộm rước đi, nên mấy bức chạm Thập điện Diêm Vương quý hiếm của chùa đã thoát kiếp bị phủ sơn Nippon (được quảng cáo là sơn… mông trẻ con cũng đẹp) của Nhật như 18 vị La Hán kế bên. Hẳn các Diêm Vương này đang giảng giải cho mấy vị La Hán thế nào là tái ông thất mã.


Và đồng thời với việc làm hồ sơ đề nghị xếp hạng quốc gia đặc biệt đợt 3 với 11 di tích nữa, thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tức tốc đề nghị Hà Nội phục hồi nguyên trạng chùa Trăm Gian, ngay sau khi nghe tin chùa đã bị phá... sạch sành sanh!

Đây thực là một chỉ đạo hết sức kịp thời và hết sức có văn hóa, nên người ta chỉ băn khoăn một điều duy nhất, là có ai chờ được thêm… 1.000 năm nữa để xem Hà Nội biến di tích 1 ngày tuổi này thành di tích ngàn năm, sau khi đã biến di tích ngàn năm thành di tích 1 ngày tuổi?

Trong khi ấy thì, công trình để đời của Thủ đô nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long là Bảo tàng Hà Nội bỗng dưng lại hở ra mấy cái hố dưới chân móng, báo hại người ta phải vội vàng vá víu.

Quý vị thử nghĩ mà xem, tại sao chùa nghìn năm tuổi vẫn còn chạy tốt thì người ta cứ nhất quyết đòi đập đi, còn bảo tàng 1 tuổi lại lung lay như răng bà lão 80 và cứ phải sửa đi sửa lại, dù không ai muốn?

Nam mô a di đà Phật!

Tam Thái
Nguồn: Phụ Nữ today.

Giáo sư Trần Lâm Biền: "Những người thực hiện dự án tu bổ chùa Trăm Gian là những nhà ‘tu hành không đến nơi đến chốn, không hiểu biết cả về chính đạo Phật nữa.’ “Họ không giác ngộ về di tích của chính mình,” ông nói thêm.(BBC).

Ngô Khanh: Từ ngày "về" với Hà Nội, có 3 di tích của Hà Tây bị phá rồi: Thành cổ Sơn Tây, Đền Và, và bây giờ là Chùa Trăm Gian. Vụ Trăm Gian ác nhất!

Tin tức tràn ngập trần gian hai lề ngôn luận:

Phỏng vấn GS Trần Lâm Biền, chuyên gia nghiên cứu về tín ngưỡng Việt Nam: ‘Sai lầm’ trong tu bổ chùa Trăm Gian – (BBC)
Chánh thanh tra Bộ VHTTDL Vũ Xuân Thành: ‘Làm lại thôi chứ có gì đâu’ (ĐV). “Sao lại không làm lại được. Chúng tôi vừa mới xuống kiểm tra. Các chân tảng… của chùa vẫn còn nguyên. Gỗ thì vẫn thế thôi. Làm lại thôi chứ có gì đâu”.
KHỞI TỐ VỤ ÁN: TẠI CHÙA TRĂM GIAN? (Kha Trà Phương). “Kẻ nào vì mục đích cá nhân phá hoại di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh, kẻ đó sẽ bị pháp luật trừng phạt và bị nhân dân nguyền rủa”.







1 comment:

View My Stats