Thursday, 30 August 2012

HOA KỲ TẬN THẾ TÀI CHÁNH ? (Hùng Tâm / Người Việt)




Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, August 29, 2012 4:29:59 PM

Giới Thiệu: Thời sự dồn dập hàng ngày trên Ðịa cầu có thể giúp chúng ta biết được rằng chuyện gì đang xảy ra trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không hiểu được vì sao lại xảy ra một biến cố như vậy, và hậu quả sau này sẽ ra sao... Cũng vì lý do ấy, nhật báo Người Việt mở thêm một tiết mục và lưu trữ trên trang mạng Người Việt Online để quý độc giả tham khảo. Ðó là mục “Hồ Sơ Người-Việt,” xuất hiện ngày Thứ Năm mỗi tuần, với nội dung trình bày khung cảnh khách quan của một vấn đề và, nếu có thể, một số dự báo về tương lai hầu độc giả khỏi ngỡ ngàng khi sự biến xảy ra. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả...


Chúng ta chưa biết kết quả tổng tuyển cử tại Hoa Kỳ vào ngày Thứ Ba, mùng 6 tháng 11 tới đây sẽ ra sao. Ðây là một cuộc tổng tuyển cử vì cùng với việc bầu lại toàn bộ 435 dân biểu Hạ Viện, khoảng một phần ba các nghị sĩ Thượng Viện và vài chục thống đốc tiểu bang, cử tri Hoa Kỳ sẽ đề cử tổng thống và phó tổng thống trong bốn năm tới.
Cuộc bầu cử vào năm 2014 sẽ là “bầu cử giữa nhiệm kỳ” - mid-term elections - vì tiến hành giữa một nhiệm kỳ bốn năm của tổng thống.
Một trong những vấn đề nan giải mà giới lãnh đạo được tuyển chọn kỳ này sẽ phải khai thông là hồ sơ công chi thu, hay tài chánh công. Cụ thể là chuyện ngân sách. “Hồ Sơ Người-Việt” tuần này sẽ nói về chuyện ngân sách và trái bom nguyên tử, hoặc “Ngày Tận Thế” tài chánh của Hoa Kỳ.

Tổng quan về ngân sách quốc gia
Một cách ngắn gọn để giúp chúng ta tính nhẩm được, là nếu một năm cả nước Mỹ sản xuất ra 100 đồng thì ngân sách quốc gia chi mất 25 đồng, trong khi chỉ thu được 15 đồng tiền thuế. Vị chi là thiếu hụt mất 10 đồng. Khi cả nước sản xuất chừng 16 ngàn tỷ Mỹ kim một năm mà ngân sách bị khiếm hụt 10% thì mức bội cho sẽ là 1,600 tỷ, nghĩa là 1.6 triệu triệu đô la. Khi bị bội chi thì phải đi vay và gánh nợ chồng chất ấy hiện đã lên tới 16 ngàn tỷ, bằng với sức sản xuất cả năm của cả nước. Giới nghiên cứu kinh tế có nói rằng khi gánh nợ cao bằng sản lượng thì người ta gặp kịch bản gay go nhất, trường hợp khó giải quyết nhất.
Ngoài khoản tiền lời mấy trăm tỷ sẽ phải thanh toán và ngày một cao hơn, Hoa Kỳ còn gặp một bài toán nguy kịch hơn vậy. Ðó là Quỹ An Sinh Xã Hội và Bảo Dưỡng Y Tế, Social Security và Medicare, bị thâm thủng chồng chất và sẽ phá sản trong thập niên tới.
Lý do là những người đi làm và góp tiền cho hai quỹ này chiếm tỷ trọng ngày một thấp hơn so với số người sẽ về hưu. Kinh tế học gọi số người về hưu này là “tỷ số lệ thuộc,” họ lệ thuộc vào nguồn tài trợ khác. Khi về hưu, thành phần cao niên này đã không đóng góp thêm cho hai quỹ đó mà lại được tài trợ về hưu bổng và y tế. Tuổi thọ kéo dài khiến người ta sống lâu hơn, nhưng đồng thời cũng cần đến dịch vụ y tế nhiều hơn. Ðấy là một hiện tượng bình thường của dân số học hay nhân khẩu học.
Sau nửa năm tranh đấu, đầu tháng 8 năm ngoái, lưỡng viện Quốc Hội đã đạt thỏa thuận tạm để giải quyết bài toán chi thu ấy. Thỏa thuận này chỉ là một trái bom nổ chậm và nếu không có giải pháp thì sẽ nổ từ ngày đầu tiên của năm tới. Người ta đã quyết định về một “án treo,” như lưỡi gươm lơ lửng trên đầu và sẽ chém xuống từ năm 2013. Truyền thông Hoa Kỳ gọi đó là “Armageddon,” xin dịch cho nôm na đơn giản là Tận Thế. Vì sao lại có mối họa tận thế này?

Mối họa tận thế
Vì thu ít hơn chi, chính quyền Hoa Kỳ phải thường xuyên vay tiền qua việc phát hành trái phiếu, là tờ giấy nợ, để giải quyết nhu cầu ngân sách. Theo thủ tục, Quốc Hội chỉ cho phép Hành Pháp được vay tiền tới một mức nhất định nào đó, sẽ được tái tục tức là nâng sao khi ngân sách gần cạn. Nếu đến ngày cạn ngân sách mà Quốc Hội chưa biểu quyết về định mức đi vay mới thì một phần lớn của bộ máy công quyền sẽ bị tê liệt vì hết tiền trả lương công chức.
Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2010, đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại Hạ Viện nhưng Thượng Viện vẫn do đảng Dân Chủ kiểm soát, với một đa số mỏng hơn trước.
Năm ngoái, khi biểu quyết việc nâng định mức đi vay, đảng Cộng Hòa đòi phải có kỷ luật ngân sách, kiểm soát chi thu và nhất là giảm chi, để tiến dần đến chỗ quân bình ngân sách trong mươi năm tới. Bên đảng Dân Chủ thì muốn tăng thu về thuế khóa, cụ thể là thu hồi hai đạo luật giảm thuế trong các năm 2001 và 2003 dưới thời chính quyền George W. Bush, để trở lại thuế suất thời trước, nhưng vẫn duy trì các đạo luật giảm thuế do Tổng Thống Barack Obama ban hành năm 2010 sau khi được Quốc Hội khóa 111 (từ 2008 đến 2010) thông qua.
Sau nửa năm tranh cãi mà không thống nhất được quan điểm, lưỡng viện Quốc Hội mới lập ra một ủy ban hỗn hợp, gọi là “Siêu Ủy Ban Ngân sách,” gồm 12 dân biểu nghị sĩ của hai đảng để tìm giải pháp dung hòa. Việc dung hòa không xảy ra và Siêu Ủy Ban này coi như thất bại. Quốc Hội Hoa Kỳ bị dân oán và tỷ lệ tín nhiệm đã có lúc sút đến mức cực thấp là 10%: chỉ có 10% dân Mỹ tin vào hệ thống Lập Pháp của họ.
Nhưng chuyện không chỉ có vậy.
Nhằm thuyết phục giới dân cử là phải đạt thỏa thuận về hai hướng giảm chi và tăng thuế, tháng 11 năm ngoái, Siêu Ủy Ban dùng nghệ thuật hăm dọa: nếu Quốc Hội không thống nhất được quyết định thì hết năm 2012, một số biện pháp giảm chi và tăng thuế sẽ tự động vận hành.
Nói cho dễ hiểu thì Siêu Ủy Ban đã gài trái bom nổ chậm để bắt các dân biểu nghị sĩ phải rút ngòi nổ trước ngày 31 tháng 12 năm 2012. Quốc Hội khóa 112 đã không làm được việc đó và chỉ còn một khoảng thời gian rất ngắn sau bầu cử và trước ngày mãn nhiệm là 20 tháng 1 để tìm ra giải pháp, nếu không thì trái bom sẽ nổ.
Vì nếu không có giải pháp thì ngân sách Hoa Kỳ sẽ trôi xuống vực ngân sách, “fiscal cliff” - chữ của Thống Ðốc Ben Berbanke của hệ thống Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang để giới dân cử ý thức được nguy cơ khủng hoảng. Hoặc ngày tận thế về tài chính.

Vực thẳm ngân sách
Cái vực thẳm ấy nông sâu đến cỡ nào?
Kịch bản tận thế mà Siêu Ủy Ban về ngân sách đề ra và Quốc Hội đã phải đồng ý, là ngân sách sẽ tự động cắt phân nửa mức bội chi của tài khóa 2013 và tiếp tục giảm chi hàng năm để trong 10 năm tới có thể cắt khoảng bảy ngàn tỷ. Ngoài mục giảm chi ngân sách thì quỹ y tế Medicare cũng sẽ bị giảm đà gia tăng.
Khi kinh tế đang èo uột và thất nghiệp còn cao như hiện nay, biệt pháp giảm chi quyết liệt đó có thể dẫn tới nạn đình đốn. Và chắc chắn dẫn dến suy thoái vì cùng với việc giảm chi sẽ có chuyện cũng tự động tăng thuế. Khi tình hình kinh doanh đang khó khăn mà nhà đầu tư cho sản xuất bị thuế nặng hơn thì họ sẽ ngần ngại mở mang và tuyển người.
Nhưng mối nguy không chỉ là kinh tế. Biện pháp cắt giảm công chi cũng tự động áp dụng cho ngân sách quốc phòng trong 10 năm tới khiến Tổng Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta phải báo động vì có thể gây bất lợi cho an ninh của nước Mỹ. Khi quá nhiều quốc gia đang thách đố sức mạnh của Hoa Kỳ mà quân phí lại giảm thì tiếng nói của nước Mỹ cũng bớt công hiệu.
Trung tuần tháng 7, Thống Ðốc Bernanke đã khẩn khoản yêu cầu Quốc Hội sớm đạt thỏa hiệp để đẩy lui nguy cơ tận thế tài chánh. Hai tuần sau, lãnh tụ Dân Chủ tại Thượng Viện và Cộng Hòa tại Hạ Viện mới chỉ đồng ý một biện pháp tạm bợ là Quốc Hội sẽ chấp nhận các khoản chi điều hành cho đến tháng 3 năm 2013 để guồng máy hành chánh công quyền khỏi bị tê liệt. Nhưng đôi bên chưa có giải pháp gỡ ngòi nổ.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF là bà Christine Lagarde cũng báo động là kinh tế Hoa Kỳ sẽ bị suy trầm vào cuối năm nay nếu không thoát khỏi nguy cơ tài chánh đó. Tổ chức quốc tế này dự báo là đà tăng trưởng của kinh tế Hoa Kỳ sẽ sụt trong năm 2013.

Ði tìm giải pháp
Khi nhìn vào hồ sơ này, người ta thấy ra những gì?
Theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, Quốc Hội chứ không phải là Hành Pháp mới có thẩm quyền về công chi thu. Hạ Viện trong tay đảng Cộng Hòa đã hai lần biểu quyết về ngân sách nhưng dự luật tài chánh của họ bị Thượng Viện trong tay đảng Dân Chủ bác bỏ. Trong khi ấy, từ hai năm nay, Hành Pháp của ông Obama chưa đưa ra một đề nghị ngân sách nào để tìm sự dung hòa.
Hoa Kỳ bị khủng hoảng về chính sách cai trị khi mà Quốc Hội không thể thỏa thuận về một vấn đề quá hệ trọng cho an ninh và kinh tế. Ðiều ấy có nghĩa là nước Mỹ đang gặp nạn suy trầm (recession) hay suy thoái kinh tế (depression) trầm trọng và lâu dài nhất kể từ vụ Tổng Khủng Hoảng 1929-1933 thì lãnh đạo lại bị khủng hoảng về chính trị vì những bế tắc quan điểm giữa hai đảng.
Chuyện thứ ba, sau suy thoái kinh tế và khủng hoảng chính trị, là chính người dân Mỹ cũng mơ hồ về mức độ trầm trọng của vấn đề.
Trong trường kỳ, nước Mỹ phải chấn chính lại công chi thu chứ không thể tiếp tục tăng chi và đi vay rồi cứ duy trì hệ thống hưu bổng và y tế như hiện tại. Hoa Kỳ cũng phải cải tổ lại chế độ thuế vụ quá nhiêu khê rắc rối và có quá nhiều lỗ hổng nên rất khó tận thu. Nhưng vì vấn đề lại quá phức tạp mà việc tranh cãi giữa đôi bên cứ tóm gọn vào khẩu hiệu chính trị ăn khách, có khi với nội dung mị dân, quần chúng khó hiểu ra vấn đề và đòi hỏi giải pháp.
Cuộc tranh cử tổng thống đang vào khúc quanh quyết định nhất nên là cơ hội để hai đảng và hai liên danh Dân Chủ cùng Cộng Hòa đưa ra hai hướng giải quyết minh bạch cho cử tri chọn lựa. Khốn nỗi, cho đến nay, hiện tượng xuyên tạc, chụp mũ và vu cáo lại xảy ra quá nhiều, tình trạng tranh cử tiêu cực như vậy càng khó dẫn tới giải pháp.
Chuyện thứ tư và có lẽ quan trọng nhất là giới dân cử của hai đảng lớn lại không tin nhau. Họ không tin vào thiện chí giải quyết của đối lập và khi phải đàm phán thì luôn luôn thủ thế trong tinh thần bi quan. Kết quả là đôi bên cùng thất bại, không phe nào đạt được mục tiêu trong khi bị hậu quả nặng nhất chính là người dân, nền kinh tế trì trệ, và tương lai bất trắc của nước Mỹ.

Kết luận của hồ sơ này là gì?
Một lãnh tụ của nước Anh là người rất hiểu và rất tin Hoa Kỳ. Ông có bà mẹ là người Mỹ. Ðó là Winston Churchill với lời phát biểu đã trở thành danh ngôn: “Chúng ta hãy tin rằng nước Mỹ sẽ tìm ra sự chọn lựa đúng đắn, sau khi đã trước hết thử nghiệm mọi giải pháp khác!”
Hoa Kỳ đã mất bốn năm thử nghiệm! Sự chọn lựa đúng đắn sẽ là gì sau những nghi ngờ và thất bại? Nói đến trái bom và tận thế, người ta có thể nghĩ đến một trường hợp đàm phán giữa hai nhóm người chẳng tin nhau nhưng cùng muốn tránh một sự đối đầu sinh tử khiến đôi bên cùng thất bại và có thể gây ra tận thế. Ðó là chuỗi đàm phán trong kế hoạch tài giảm binh bị giữa Hoa Kỳ và Liên Xô!
Bảo rằng hai chính đảng của Hoa Kỳ lại coi nhau như Nga với Mỹ thời Chiến Tranh Lạnh thì có vẻ quá đáng. Nhưng đấy là kịch bản tuyệt đối nhất, khi mà cả hai phe Nga Mỹ đều tận dụng mọi phương pháp tâm lý để giải trừ nguy cơ gọi là “đôi bên cùng chết.”
Muốn như vậy, cả hai đảng đều phải cố hiểu ra một cách lạnh lùng và khách quan những mong muốn và e ngại của bên kia. Ðừng gán cho đối phương những điều không thật như mình vẫn tuyên truyền vì đấy là cách chắn chắn nhất để gây tan vỡ.
Khi hiểu ra là bên kia muốn gì và sợ những gì, người ta mới đối chiếu với mục đích của mình. Ðấy mới là khuôn khổ của thỏa hiệp, tương nhượng, nhằm đạt một phần mục tiêu của mình mà cũng tránh được những bất lợi.
Thứ ba, trong việc đàm phán, hai bên cần quy định thủ tục tiến hành, quy luật kiểm chứng và áp dụng những thỏa thuận sơ bộ. Nếu không chấp nhận một số quy ước minh bạch trong tiến trình đàm phán và thử nghiệm thì sự nghi ngờ sẽ chỉ gây tan vỡ.
Thứ tư, khi phe mình đạt một số thắng lợi thì đừng vội kết luận và nhất là tuyên truyền, rằng ta đã thắng và địch đã bại. Nếu cứ nhìn chuyện thương thuyết trong tinh thần thắng/bại thì sẽ không thể giúp bên kia nhượng bộ. Thứ năm là đôi bên phải cùng thấy rằng nếu Hoa Kỳ trôi xuống vực thẳm tài chính thì đấy là sự thất bại của cả hai đảng và một thiệt hại cho nước Mỹ, dân Mỹ.
Hồ Sơ Người-Việt lần này có kết luận rắc rối như lộ trình của một cuộc đấu trí chính là để độc giả kiểm nghiệm xem hai đảng đang tranh cử có muốn giải quyết vấn đề không, Hay là chỉ muốn thắng cử?






No comments:

Post a Comment

View My Stats