Wednesday, 29 August 2012

NGƯỜI DÂN TÔI ÁC LÊN TỪ KHI NÀO ? (Cánh Cò)




Wed, 08/29/2012 - 21:44 — canhco

Ngày 29/8, Công an xã Gio Thành, Gio Linh, Quảng Trị cho biết, trên địa bàn xảy ra vụ án mạng làm 2 người chết.
Bản tin của VietnamNet nói thêm người bị thiệt mạng trong vụ này là Nguyễn Xuân Triều và Nguyễn Đăng Cường, cũng là hai kẻ ăn trộm chó, còn được gọi là “cẩu tặc”:

“Ngay khi vụ việc xảy ra lực lượng chức năng đã đến khám nghiệm hiện trường và thu giữ một số tang vật của 2 tên trộm gồm: một xe máy mang BKS 73H1-007.53 (có đeo thêm 1 biển số giả 74F9-4044), 2 bộ kích điện, 2 đèn pin cỡ lớn, 1 gói bột huỳnh quang và 1 gói ớt bột.”

Đọc xong bản tin này rất nhiều người cười mỉm, có người không cười mà còn chửi. Lại không ít người xem như là tin không đáng đọc, tin lá cải, xe cán chó. Riêng tôi, một điều gì đó giống như sự uất ức cứ bập bùng trong lòng.
Tôi cảm thấy nhân tính của chính mình bị chà đạp. Buốt toàn thân, run cả tay chân vì hình ảnh hai người bị đánh chết ấy tuy chưa bao giờ biết mặt, biết tên nhưng sao cứ như người quen nào trong xóm.

Hai nguời này đáng đựơc gọi là nạn nhân hay không? Đâu cần thiết cho một cách gọi vì dù sao họ cũng đã trở về nơi được sinh ra trong một ngôi làng nhỏ nào đấy trong tỉnh Quảng Trị. Có thể họ đã ăn trộm rất nhiều chó và lần này thì số phận của họ chấm dứt với đòn thù của người dân quê. Tôi tự hỏi trong đám dân gọi là “quê” ấy có bao người thật sự bị mất chó? Có bao người tham gia giết người vì xót của và có bao người tham gia vì cơn xuẩn động mất nhân tính, a dua và dã man trong từng cái đấm cái đá chết người?

Những kẻ mang nhãn mác nông dân ấy làm tôi thất vọng triệt để. Thất vọng và ít nhiều căm ghét. Tôi không hiểu tại sao nguời ta lại ác độc đến thế khi chỉ vì một con chó mà giết đi hai mạng người. Trong những lúc hả hê bên chiếu rượu những bàn tay sát nhân ấy có thấy thú vị khi nâng chén chúc mừng chiến tích của họ hay không?

Tôi chú ý đến những dòng chữ mô tả cái gọi là “đồ nghề” của hai người ăn trộm này. Nó ít ỏi đến chạnh lòng và gây thêm trắc ẩn cho người đọc: “2 bộ kích điện, 2 đèn pin cỡ lớn, 1 gói bột huỳnh quang và 1 gói ớt bột”.

Không biết bột huỳnh quang và ớt bột dùng để làm gì nhưng thật xót xa nếu liên tưởng và so sánh tới những tên trộm cỡ lớn khác. Trộm lớn nhất mới bị bắt hồi gần đây là bầu Kiên nhưng không thấy y bị đánh cho tới chết mà trái lại, của cải mà y trộm của người dân khắp nuớc cũng không bị ai xót ruột than phiền. Đồ nghề của y vô hình, không thể nhìn thấy nhưng rõ ràng sức mạnh của nó có thể cạy tung những két sắt khổng lồ ngay cả của Ngân hàng nhà nước. Chúng không bằng sắt, bằng kẽm nhưng là những con người thật sự, và những con người ấy lại đầy quyền lực, sức mạnh có khả năng phá tung những quy định chặt chẽ nhất của luật pháp.

Đồ nghề của bầu Kiên không phải là huỳnh quang và ớt bột như hai anh trộm chó của làng Gio Thành Quảng Trị.
Dân tôi vừa ác lại vừa hiền. Họ hiền với người mạnh, giàu và họ ác với người vừa nghèo vừa yếu.

Khi xưa đọc một câu của ai đó viết rằng: Dân chúng nào sản sinh ra chính phủ đó” mình cho là cực đoan, phá hoại. Qua câu chuyện đánh chết hai kẻ trộm chó mình mang máng thấy rằng định nghĩa trên có phần đúng, nếu không muốn nói là rất nhiều.

Công an có thói quen trút sự tức giận riêng tư lên đầu của một người phạm tội. Sự trả thù vô thức ấy ăn sâu vào cả một hệ thống chứ không còn đơn lẻ như ban đầu. Lâu dần những câu chuyện công an đánh chết dân trong trụ sở không còn là chuyện lạ, nó trở thành tin tức hàng ngày như mọi tin khác. Pháp luật bị xem ngang với một tờ rơi, quảng cáo cho một sản phẩm tồi trên thị trường hay đôi khi tệ hơn, một món thuốc trị ghẻ lở chẳng hạn. Người dân học được thói quen đánh người không cần lý do từ chính quyền và thản nhiên áp dụng vào chính luật lệ trong ngôi làng của họ: Ăn trộm là bị giết, thế thôi.

Công an đã có đồng minh và những đồng minh vô thức ấy không một chút ám ảnh nào khi vung tay giết người với tâm trạng hoàn toàn hưng phấn. Sự tha hóa tàn nhẫn này bắt đầu từ đâu nếu không từ những mảnh vỡ của pháp luật?

Người dân từ khi nào đã giết người mà không bị trừng phạt thì tôi không dám chắc, nhưng giết người do cả một tập thể thực hiện thì xã hội đã trở nên kinh hoàng khi phải sống cùng.

Sự sợ hãi làm người ta trở nên hoặc là hèn nhát hoặc là bạo động. Cả hai đều từ kết quả của chế độ công an trị. Người dân hôm nay vừa hèn vừa ác vì họ thấm đầy hình ảnh bất công, tàn nhẫn, bức bách, sách nhiễu… do chính chế dộ này mang lại hàng ngày chung quanh làng xóm láng giềng của họ.

“Vậy thì người nghèo ơi, hãy cùng nhau chết hết đi, đừng cố sống mãi trong bầu khí quyển tàn nhẫn này”.

Tôi rên rĩ, tru tréo câu cuối cùng khi liên tưởng tới gia đình của hai nạn nhân trộm chó bị giết trong đêm 29 tháng 9.







1 comment:

View My Stats